Thế trận Biển Đông của Hoa Kỳ theo thời gian - Dân Làm Báo

Thế trận Biển Đông của Hoa Kỳ theo thời gian

Ts. Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Sau hơn nửa thế kỷ áp dụng hai chính sách “bao vây” và “hội nhập” và “vừa hội nhập và bao vây”, những tuyên bố trước và sau khi đắc cử Tổng thống lần thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump vừa hé mở qua nội các mới sắp thành hình. Chúng ta thấy bàn bạc là ông Trump đang áp dụng chính cách “dân túy” (populism) xen lẫn với chính sách “cô lập hay biệt cách” (isolationism) cùng với chủ nghĩa “quốc gia Hoa Kỳ” (nationalism)... Một chính sách mới trong vấn đề ngoại giao - quân sự - chính trị của Hoa Kỳ đang thành hình và bước sang một ngả rẽ mới là cứng rắn và dứt khoát nhằm ngăn chận mọi tham vọng của Trung Cộng, đang phiêu lưu và thi hành một chính sách dân tộc cực đoan hoang dã như trong quá khứ của phát xít Đức và Nhật...

*

Năm 2012 là năm tấp nập các chuyến đi Á Châu, đặc biệt vùng Đông Nam Á, của giới chức cao cấp Mỹ như Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và ngay cả Tổng thống Obama ngay sau khi thắng cử nhiệm kỳ 2, đã nói lên sự quyết tâm của chính sách trở lại Châu Á của Mỹ. Tuy nhiên, sự trở lại này đã gây ra nhiều lầm tưởng quá mức về sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Để hiểu rõ giới hạn của mục tiêu chuyển hướng Châu Á của Mỹ thì cần phải minh định hai điều:

(1) Mỹ trở lại không phải để ‘ngăn chặn’ hay ‘bao vây’ Trung Cộng,

(2) Mỹ trở lại không phải để làm trọng tài trong tranh chấp Biển Đông hay đi xa hơn là bảo vệ biển đảo cho các quốc gia đồng minh.

Chúng ta có thể thấy năm 2014 là năm Hoa Kỳ bắt đầu vận hành mạnh mẽ trong tư thế chuyển trục về Biển Đông và Đông Nam Á sau khi Ngoại trường Hillary Clinton làm chuyến công du sang vùng này vào tháng 11, 2011. Và trong năm 2014. 2015, Ngoại trưởng John Kerry liên tục tuyên bố rất cứng rắn như:

- “Sẽ không bao giờ rời các mục tiêu chiến lược lâu dài vì lợi ích của Mỹ ở châu Á”.

- “Mỹ cương quyết phản đối việc sử dụng vũ lực, gây hấn và đe dọa để khẳng định chủ quyền lãnh thố”.

Và gần đây nhất, trong một thông điệp gửi cho TC, ông nói:

- “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ ý kiến nào cho rằng quyền hàng hải là ưu tiên nước lớn ban cho nước nhỏ” 

1. Mỹ trở lại Châu Á không phải để ‘bao vây’ Trung Cộng

Chính sách ‘bao vây’ (containment) TC là chính sách từ thời chiến tranh lạnh cho tới khi Mỹ bắt lại liên lạc với TC năm 1972 để cô lập Liên Xô. Từ đó chính sách ngoại giao của Mỹ đối với TC đã chuyển từ bao vây sang chính sách ‘hội nhập’ (engagement), tức là khuyến khích TC hội nhập vào các sinh hoạt của thế giới tự do với hy vọng chuyển hóa suy nghĩ của giới lãnh đạo TC và tạo sự thay đổi dần dần theo chiều hướng dân chủ. Với chủ trương này, Mỹ đã giúp TC canh tân đất nước với những kỹ thuật tân tiến và đầu tư; kết quả là sự tiến bộ vượt bực của TC suốt hơn 30 qua (từ 1979 sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ).

Sau một thời gian dài áp dụng, chủ trương ‘hội nhập’ vẫn không thay đổi được bản chất độc tài của CSTC, mà ngược lại còn tạo cho TC trở thành một đối thủ mới cho Mỹ trong vị thế cường quốc thế giới. Sau đó, Mỹ đã phải kiểm tra lại chính sách hội nhập để tìm ra cách thức đương đầu với tình thế mới. 

Giải pháp ‘bao vây’ không sử dụng lại được vì sự toàn cầu hóa đã ràng buộc chặt chẽ nền kinh tế hai nước với nhau.

Giải pháp ‘hội nhập’ thì chỉ giúp nuôi dưỡng một đối thủ đáng gờm.

Còn lại là con đường ở giữa: vừa giao thương buôn bán nhưng cũng phải có cách kiềm giữ sự bành trướng của TC. Chính sách sau này được đặt tên là ‘congagement’, nghĩa là vừa ‘hội nhập’ vừa ‘bao vây’

- Để thực hiện chính sách này trên khía cạnh ‘bao vây’, Mỹ đã chuyển sức mạnh quân sự thiên về khu vực Á Châu (hơn Âu Châu) và tìm cách liên kết với các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương trên bình diện quân sự cũng như kinh tế bằng cách tăng cường hạm đội 3 tiếp ứng cùng hạm đội 7 trên mặt trận biển Đông.

- Về mặt ‘hội nhập’ thì Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giao thương kinh tế với TC như thường lệ. Hội nhập trên phương diện quân sự thì khuyến khích sự minh bạch trong các hoạt động quân sự như cùng với TC tập trận hay tạo mối giao tiếp giữa giới lãnh đạo quân sự hai bên để học hỏi kinh nghiệm; mục đích là để giảm thiểu nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể bắt nguồn từ sự hiểu lầm; nếu hai bên hiểu biết tiềm lực của nhau thì sẽ giúp ngăn cản chiến tranh xảy ra.

Cốt lõi nhất là, mặc dù biểu dương lực lượng như thế, nhưng cả hai phía, Hoa Kỳ và Trung Cộng đều nhìn nhận rằng, một cuộc chiến quân sự giữa TC và Mỹ là điều cả hai bên đều không muốn xảy ra vì hại nhiều hơn lợi; thực tế cho thấy ngay cả là TC cũng nhận biết rất rõ là họ không thể nào thắng Mỹ trong một cuộc chiến cục bộ. Do đó trận chiến giữa Mỹ và TC để kiểm soát khu vực Châu Á TBD đa phần sẽ nặng về ngoại giao và kinh tế. Một Châu Á hòa bình sẽ có lợi cho kinh tế Mỹ và chuyện này hoàn toàn không liên hệ tới vấn đề nước nào làm chủ Biển Đông.

Nếu Mỹ bị loại ra và TC trở thành đối tác chủ yếu trong khu vực thì vị thế cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới của Mỹ sẽ bị đe dọa. Đây là tình thế Mỹ không muốn bị rơi vào vì khu vực Châu Á TBD sẽ là khu thương mại lớn nhất thế giới trong tương lai. Muốn đạt được nhiều lợi ích nhất thì Mỹ phải có chân trong vùng Châu Á TBD và đồng thời cũng phải tìm mọi cách để ngăn chặn ảnh hưởng của TC lên toàn vùng hay ít nhất là, nếu TC trở thành cường quốc thứ nhì thế giới thì phải tuân theo luật chơi quốc tế.

2. Mỹ xem Biển Đông là vùng tranh chấp

Đối với Mỹ thì sự xung đột ở Biển Đông chỉ được xem là một cuộc tranh chấp giữa TC và 4 quốc gia tiếp giáp Biển Đông. Quan điểm này thể hiện qua các tài liệu nghiên cứu thế giới về lời đề nghị phương cách giải quyết ‘cùng quản lý’ (joint management), và cho rằng TC cũng có quyền khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á và Brunei (dĩ nhiên sẽ không có chuyện ngược lại như Việt Nam có quyền khai thác vùng Hoàng Sa do TC chiếm giữ).

Sự thể hiện này trong các tài liệu của các cơ quan nghiên cứu Mỹ như Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Thế giới là một tia sáng hé lộ về lập trường của Mỹ: quan tâm của Hoa Kỳ chỉ giới hạn trong vấn đề an toàn hàng hải mà không muốn liên hệ đến chuyện chủ quyền. Vì thế, Mỹ sẽ không nhảy vào cuộc tranh cãi phân chia lãnh hải hay các hải đảo, nhất là nước gây chuyện lại là nước có giao thương lớn, quan trọng và có khả năng trả thù Mỹ bằng con đường kinh tế như TC.

Mỹ sẽ có lợi nhất khi tránh xa vấn đề tranh chấp Biển Đông, miễn là cuộc tranh chấp không gây ra cản trở giao thông hàng hải. Điều này có nghĩa là nếu không xảy ra chiến tranh quân sự làm cản trở giao thông hàng hải thì Mỹ sẽ đứng bên lề. 

Lợi thế này có 2 mặt: 

- Một mặt là vẫn giữ được quan hệ kinh tế tốt đẹp với TC;

- Mặt kia là lôi kéo thêm các nước trong vùng ngả vào bàn tay Mỹ để tìm sự che chở trước tham vọng bá quyền khu vực của TC. 

Còn đối với TC thì cũng có nhiều lợi: 

- Thứ nhất, TC đã loại trừ được một đối thủ duy nhất có khả năng cản đường họ lấn chiếm biển đảo và vùng biển lưỡi bò, miễn là họ hạn chế cuộc tranh chấp trong giới hạn dân sự; 

- Thứ hai, không phải tốn kém nhiều tiền cũng như nhân mạng để chiếm được lãnh thổ vì chỉ dùng lực lượng bán quân sự (như lực lượng hải giám); thực ra chỉ với lực lượng hải giám và đội tàu cá ngư dân của họ là đủ sức đối phó với Việt Nam hay Phi Luật Tân vì các tàu hải giám này là tàu quân sự được biến cải; lực lượng tàu chiến hải quân chỉ đứng ngoài làm nhiệm vụ đe dọa;

- Thứ ba, xâm lăng với hình thức dân sự thì dù sao cũng mang vẻ ‘yêu chuộng hòa bình’ hơn và vì thế sẽ giảm bớt sự phản đối của thế giới; nhất là khi họ luôn luôn che đậy hành động xâm lược dưới cái vỏ ‘bảo vệ chủ quyền’ (mà họ tuyên bố Biển Đông thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của họ và Việt Nam hay Phi Luật Tân là những kẻ xâm lăng).

3. Quan điểm và hành động của Tổng thống tân cử Donald Trump

Sau hơn nửa thế kỷ áp dụng hai chính sách “bao vây” và “hội nhập” và “vừa hội nhập và bao vây”, những tuyên bố trước và sau khi đắc cử Tổng thống lần thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump vừa hé mở qua nội các mới sắp thành hình, chúng ta thấy bàn bạc là ông Trump đang áp dụng chính cách “dân túy” (populism) xen lẫn với chính sách “cô lập hay biệt cách” (isolationism) cùng với chủ nghĩa “quốc gia Hoa Kỳ” (nationalism).

Tất cả thể hiện rõ qua việc bổ nhiệm:

- James Mattis, 66 tuổi, một tướng diều hâu, làm Bộ trưởng Quốc phòng, người luôn ủng hộ các biện pháp mạnh như đối với Iran, Syria, và Nga sô;

- Michael Lynn, một tướng diều hâu khác, làm Cố vấn An ninh Quốc gia với chủ trương chính sách đối ngoại thiên về sức mạnh;

- John Richardson, Đô đốc Tư lịnh Hải quân, chủ trương tăng cường lực lượng biển từ 290 tàu chiến lên 350 tàu.

Quan trọng hơn cả là việc Trump đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân trong cuộc bầu cử vừa qua là vô hình chung áp dụng triệt để chủ nghĩa dân túy qua việc vận động kêu gọi thành phần lao động (cổ xanh) và giới trung lưu Hoa Kỳ, hai giới không còn tin tưởng và bác bỏ tầng lớp trí thức gọi là “tinh hoa” (elite), chủ trương chính sách điều hành quốc gia dựa theo chính sách chính trị phải đạo (political correctness) thể hiện qua suốt hai nhiệm kỳ của TT Obama.

Thêm nữa, ông Trump vừa đổ dầu vào chảo lửa ở biển Đông qua cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore, phát biểu về trường hợp trên như sau: “Tôi nghĩ rằng cũng có thể những hành động mạnh mẽ của ông Donald Trump, nếu mà xảy ra, có thể sẽ kích động TC, và như vậy dẫn tới căng thẳng gia tăng hơn. Tuy nhiên, cũng phải xét tới khía cạnh còn lại, đó là sự cứng rắn của ông Donald Trump có thể làm TC cảm giác bị kiềm chế và họ sẽ phải cân nhắc hơn trong hành động của mình, đặc biệt là những hành động mang tính chất khiêu khích và mang tính chất phiêu lưu. Họ có thể sẽ phải cân nhắc hơn về phản ứng của ông Donald Trump cũng như chính quyền Hoa Kỳ. Những phản ứng cứng rắn có thể sẽ có lợi hơn cho tình hình khu vực vì nếu các nước cứ tiếp tục nhún nhường, TC sẽ càng lấn tới, và họ lấn tới đâu thì càng khó có thể đảo ngược được tình thế tới đó. Chính vì vậy, tốt hơn là phải có sự răn đe, ngăn chặn ngay từ đầu để mà tình hình không đi tới mức không thể khắc phục, không thể đảo ngược”.

Đài VOA trong ngày 11/12, ông Trump đã đặt dấu hỏi trong chương trình “Fox News Sunday” là liệu chuyện Hoa Kỳ có nên tiếp tục quan điểm từ năm 1979 về việc Đài Loan là một phần của chính sách “một Trung Cộng” hay không?

Và ông Tổng thống đắc cử Mỹ trả lời rằng: “Tôi hoàn toàn hiểu chính sách một TC, nhưng tôi không biết lý do vì sao chúng ta lại phải bị ràng buộc bởi chính sách một TC, trừ phi chúng ta có một thỏa thuận với TC về những thứ khác như thương mại”.

Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng một chính sách mới trong vấn đề ngoại giao - quân sự - chính trị của Hoa Kỳ đang thành hình và bước sang một ngả rẽ mới là cứng rắn và dứt khoát nhằm ngăn chận mọi tham vọng của Trung Cộng, đang phiêu lưu và thi hành một chính sách dân tộc cực đoan hoang dã như trong quá khứ của phát xít Đức và Nhật.

14.12.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo