Phạm Trần (Danlambao) - Quân đội của đảng Cộng sản Việt Nam đã tung 10,000 người được gọi là “hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên" vào “chiến trường đấu tranh chống những cà nhân và các thế lực chống đảng.”
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam gọi số chuyên viên này là “Lực lượng 47”, làm theo Chỉ thị 47 của Tổng cục chính trị, cơ quan được coi ngang hàng với Ban Tuyên giáo của đảng và có nhiệm vụ bảo vệ tư tưởng trong quân đội để giữ cho quân đội không tan và bảo vệ đảng.
Theo báo chí Việt Nam, ông Nghĩa đã công bố tin này tại “Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức tại TP.HCM ngày 25-12.”
Các báo cũng trích lời tướng Nghĩa nói rằng: "Cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng đã được đề cập nhiều lần."
Ông Nghĩa nhận xét rằng: "Mới 20 năm kể từ khi nước ta bước vào thế giới của mạng internet, Việt Nam đã là một quốc gia phát triển nhanh, đến nay có 62,7% người dân sử dụng internet."
Ông nói: "Sự phát triển này có hai mặt. Ở mặt trái, các thế lực lợi dụng internet để chống phá. Nội dung chống phá không thay đổi, nhưng lực lượng, phương tiện, thủ đoạn, công nghệ thì rất mới".
Theo lời tướng Nghĩa thì: "Quân ủy trung ương xác định bảo vệ Tổ quốc thì quân đội vẫn là nòng cốt, tác chiến bây giờ không chỉ trên bộ, trên biển, trên không nữa mà có tác chiến trên cả không gian mạng, thậm chí tác chiến trên vũ trụ."
Như vậy là lực lượng tình báo và chuyên viên điện tử quân đội, những người được tướng Nghĩa mô tả là "kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao", sẽ nắm vai chính trong đấu tranh chống những mạng xã hội và bloggers chống đảng và đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, những người bị đảng chụp mũ là “các thế lực thù địch và cơ hội” nằm trong âm mưu gọi là “diễn biến hòa bình” chống đảng và gây hoang mang, chia rẽ trong quân đội và các lực lượng võ trang nhân dân, lực lượng dựa lưng của đảng CSVN.
Vì vậy, tướng Nghĩa nói: "Quân ủy trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và tới đây sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng."
Biết rằng đấu tranh trên mặt trận mạng không dễ nên ông Nghĩa thừa nhận: "Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trên không gian mạng là cuộc chiến lâu dài, khó khăn phức tạp, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương."
Trả lời cho thắc mắc tại sao công tốn tin “nhạy cảm” này, tướng Nghĩa bảo: "Có người hỏi tôi thông tin này có thể công khai không. Tôi thấy các thế lực và nước khác cũng đang tuyên bố là đang có cuộc chiến tranh trên không gian mạng thực sự. Nên chúng ta hàng giờ, hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái".
Ông Nghĩa cũng tiết lộ: "-Lực lượng này đang hoạt động rất tích cực, hiện có ở tất cả các đơn vị cơ sở, mọi miền mọi lĩnh vực của quân đội".
Khó khăn - phức tạp
Báo chí Việt Nam cũng cho hay: "Phát biểu chỉ đạo hội nghị sau đó, ông Trần Quốc Vượng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên thường trực Ban Bí thư - nhận định cuộc đấu tranh trên không gian mạng là vấn đề khó khăn phức tạp không chỉ riêng ở Việt Nam."
Ông nói: "Vấn đề có quyết tâm, quan tâm và đầu tư không. Người ta đặt câu hỏi là một lực lượng làm công tác tuyên giáo hùng hậu như thế này, chúng ta có tới 800 tờ báo cách mạng, vậy mà chúng ta lại chịu thua trên mặt trận này? Đây thực sự là một thách thức".
Ông Vượng đề nghị: "Ngành tuyên giáo cần có những sáng kiến tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo chủ quyền không gian an ninh mạng trên lãnh thổ Việt Nam, chủ động thông tin tích cực trên mạng xã hội, internet nhằm góp phần thông tin tích cực vào công tác đấu tranh phòng ngừa suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ."
Ông Vương nói: "Xây dựng lực lượng sắc bén nhằm đấu tranh phản bác có hiệu quả đối với những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin và sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng."
Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "Những thách thức và nguy cơ về công tác tư tưởng mà TP phải đối diện rất gay gắt hơn nơi nào hết và hơn bao giờ hết. Điều đó đòi hỏi công tác tuyên giáo TP phải luôn đổi mới, luôn đi trước một bước".
Theo ông Nhân: "TP.HCM có một Đảng bộ với hơn 220.000 đảng viên, là nơi tập hợp đông đảo các giới đồng bào, văn nghệ sĩ, trí thức, phóng viên, người lao động, sinh viên... cả nước tụ về, và luôn là nơi trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch."
Đến phiên mình phát biểu, Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng báo động hiện đang có tình trạng: "Cán bộ, Đảng viên đi tìm nhiều thông tin xấu trên mạng..."
Ông Thưởng nói: "Tôi cũng băn khoăn lo lắng là cán bộ, Đảng viên của mình đi tìm kiếm thông tin xấu nhiều quá, chính điều này làm cho phức tạp tình hình." (VNNET, ngày 25/12/2017)
Bên cạnh đó, ông Thưởng cho rằng: "Chúng ta có 60 triệu người sử dụng internet, 53 triệu người sử dụng facebook, 23 triệu người sử dụng mạng xã hội Việt Nam, một người sử dụng 2-3 mạng, với lượng người này trừ lực lượng cán bộ, chỉ cần 10%-20% đối tượng sử dụng này là những người cùng chúng ta làm công tác tuyên giáo, thì kết quả thu được tốt hơn rất nhiều."
Điều này cho thấy báo chí và các cá nhân sử dụng Internet tự cho mình quyền không có bổn phận phải làm theo ý đảng muốn, nhất là trong lĩnh vực sử dụng loa phường để tuyên truyền cho chế độ, trong khi thực tề đảng chẳng có gì tốt để lôi cuốn nhân dân.
Tuy nhiên ông Thưởng vẫn kêu gọi toàn đảng phải: "Tích cực tuyên truyền, đấu tranh, chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, phản bác luận điệu xuyên tạc, luận điểm sai trái, chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa."
Bên cạnh những vấn đề then chốt, Trưởng ban Tuyên giáo cũng than phiền hiện nay đang có tình trạng “ném đa lấn nhau” trong nội bộ. Ông nói: "Một vấn đề nào đó nói ngoài thì khó hơn nhưng sẵn sàng lên mạng “ném đá” nhau."
Đó là hậu quả trên báo dưới không nghe và kỷ luật đảng đã bị coi thường trong cán bộ, đảng viên.
Thù địch trong lòng đảng
Như vậy, cuộc chiến chống thù địch trên mạng đã vượt khỏi tầm tay của Bộ Tông tin và Truyền thông vì báo chí lơ là, chệch hướng và không tích cực chống cái xấu theo như đảng muốn. Ngược lại báo chí đảng đã bị lên án chỉ tập trung khai thác những cái xấu và tụt hậu trong xã hội, nhất là các tin giật gân câu khách và tống tiền các doanh nghiệp.
Đó là lý do tại sao Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ đã cho rằng: "Báo chí cần đấu tranh không khoan nhượng với tiêu cực, cái xấu cái ác; phê phán phản bác thông tin sai trái." (VietNamNet, 26/12/2017)
Ông Thưởng đã phê bình như thế tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 tại TP.HCM. Hội nghị này do Ban Tuyên giáo TƯ chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Ông Thưởng cho rằng: "Năm qua đội ngũ làm báo đã không ngại khó khăn, có mặt ở những nơi 'đầu sóng ngọn gió', đưa tin về những sự kiện quan trọng của đất nước, vượt qua sự đe dọa của thế lực xấu, đối xử không công bằng của các cơ quan chức năng… Nhưng báo chí năm qua cũng có hạn chế thiếu sót, khuyết điểm, biểu hiện nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tới uy tín báo chí như: xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm giấy phép hoạt động, nhất là trong lĩnh vực báo điện tử. Khuynh hướng giật gân, câu khách, dễ dãi trong trích nguồn, xào lại tin bài báo khác là phổ biến."
Thậm chí, theo lời ông Thưởng: "Có trường hợp nhà báo bị rút thẻ vẫn viết báo, thậm chí viết cay nghiệt hơn, có những cơ quan báo chí thu nhận những phóng viên từng bị kỷ luật, vi phạm về làm việc. Nhiều tờ báo khoán cho văn phòng đại diện 4 tỷ - 5 tỷ mỗi năm nộp về là không phù hợp với tôn chỉ mục đích hoạt động của báo chí."
Như vậy thì báo đảng có coi đảng ra cái quái gì đâu mà bảo họ phải đấu tranh chống các “thế lực thù địch” và “tích cực tham gia chống tin xấu trên mạng”
Khoe láo lếu
Bên cạnh việc Quân đội tập trung vào cuộc chiến mới trên mạng để bảo vệ chề độ thì báo Quân đội Nhân dân lại tung ra loạt bài “tự ca” quyền bầu cử, quyền con người và tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam.
Đây là thủ đoạn cũ rích thích tự khoe cái mình không bao giờ có mà cứ khoe mãi, làm như bàn dân thiên hạ toàn là “dân ngu cu đen” chả biết đâu mà mò.
Về bấu cử, Tác giả Nguyễn Tuấn tự diễn trên báo Quân đội Nhân dân ngày 16/12/2017 rằng: "Nhà nước của chúng ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bản chất của nhà nước pháp quyền là thượng tôn pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND."
Lý thuyết thì vậy, nhưng khi viết rằng: "Theo quy định của pháp luật Việt Nam, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tính đến ngày bầu cử, đủ mười tám tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.
Quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân được quy định rõ tại các Điều 27, 28, 29 Hiến pháp 2013. Điều 27 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND" thì người này đã nhắm mắt làm ngơ bỏ qua cái hàng rào cản to bằng cái đình làng nằm chình ình giữa tiến trình bầu cử và ứng cử.
Vì mọi cuộc bầu cừ và ứng cử ở Việt Nam đều do đảng tổ chức, qua trung gian Tổ chức ngoại vi Mặt trận Tổng Quốc (MTTQ) nên bầu cử chỉ còn là “Đảng cử dân bầu”.
Tất cả ứng cử viên phải do MTTQ chọn qua hình thức dân chủ trá hình gọi là “hiệp thương” để vừa lòng đảng và hợp với nhu cầu địa phương.
Nếu báo QĐND và tác giả Nguyễn Tuấn quên mất rồi thì hãy đền hỏi các nguyên ứng cử viên Quốc hội khóa 14 bị loại bỏ trước khi bắt đầu như Tiến sỹ Nguyễn Quang A, Nhà báo Nguyễn Tường Thụy và hai Nghệ sỹ, danh hài Vượng Râu và Ca sỹ Mai Khôi để biết tại sao họ bị loại bỏ thẳng tay mà không bàn cãi.
Như vậy, trò hề dân chủ đã rõ mà cứ khoe mãi thì dân chưa nổi loạn là may.
Ngoài ra khi nói vế các quyền con người như tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp, biểu tình và lập hội và tín ngưỡng tốn giáo thì tuy Hiến pháp 2013 đã nói rõ hai năm là 10 người dân có những quyền này. Nhưng thực tế vì Chính phủ và Quốc hội cứ mãi trì hoãn làm luật nên dân vẫn chưa được phép biểu tình, lập hội họp.
Riêng trong lĩnh vực báo chí thì tuy có Luật rồi song nhà nước nhất định không cho phép người dân ra báo nên cuối cùng chỉ có đảng toàn quyền nói phét và hù họa dân mà thôi.
Còn nói về quyền thông tin và được nhận thông tin qua mạng thì các nhà báo tự do, mạng dân chủ xã hội và các Bloggers là những nạn nhân của chính sách kỳ thị và đàn áp ác độc nhất đang diễn ra ở Việt Nam.
Bóp ngẹt tôn giáo
Trong lĩnh vực Tôn giáo, Điều 24, Hiến Pháp năm 2013:
1. “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.”
Thế mà trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (TNTG --02/2016/QH14), ban hành ngày 18/11/2016 vá có hiệu lực từ tháng 01/2018, các Đại biểu của dân đã dành cho nhà nước nhiều quyền kiểm soát để bóp ngẹt hoạt động của các Tôn giáo.
Vì vậy, trong Kháng thư đề ngày 20/10/2016 Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, quy tụ nhiều chức sắc của 5 Tôn giáo lớn (Cao Đài, Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo) và Tin Lành) có mục đích tranh đấu cho Tự do Tôn giáo và Dân chủ Nhân quyền tại Việt Nam đã “hoàn toàn bác bỏ Luật Tín ngưỡng Tôn giáo”.
Kháng thư viết: "Chế độ cai trị hiện thời tại Việt Nam là chế độ cộng sản với hai tính chất nổi bật: vô thần và toàn trị. Vô thần cộng sản là vô thần tranh đấu, quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Tôn giáo trên xã hội khi hoàn toàn bất lực xóa bỏ sự hiện hữu của Tôn giáo trong quốc gia. Toàn trị là kiểm soát, lũng đoạn để công cụ hóa mọi cá nhân và tập thể, mọi tổ chức và định chế, mọi thế lực và ảnh hưởng, mà đặc biệt là thế lực tôn giáo và ảnh hưởng tâm linh, để đảng cộng sản muôn năm lãnh đạo và nhà nước cộng sản muôn năm cai trị."
Do đó, Hội đồng kết luận: "Mọi luật lệ xuất phát từ chế độ độc tài toàn trị cộng sản đều không ngoài mục đích kiểm soát, lũng đoạn và công cụ hóa nói trên. Nên cho dù có đưa ra cho toàn thể nhân dân, mọi giai tầng xã hội đóng góp ý kiến cho có vẻ dân chủ, rốt cuộc đảng và nhà cầm quyền cộng sản vẫn biên soạn các luật lệ (từ cao xuống thấp) hoàn toàn theo ý muốn độc đoán của họ và hoàn toàn nhằm mục đích tối hậu của họ: củng cố chế độ độc tài đảng trị. Hiến pháp 2013 là ví dụ rõ nhất. Luật Tín ngưỡng Tôn giáo cũng không nằm ngoài ý đồ thâm độc này."
Bằng chứng này được Hội đồng vạch ra: "Mọi văn kiện pháp lý của nhà cầm quyền CSVN từ xưa tới nay về Tôn giáo, kể từ Sắc lệnh Tôn giáo năm 1955, Nghị quyết 297 năm 1997, Pháp lệnh về Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2004 tới Luật Tín ngưỡng Tôn giáo sắp ban hành, tất cả đều không ngoài mục đích dùng bạo lực hành chánh -kết hợp với bạo lực vũ khí- để cướp đoạt mọi tài sản tinh thần (các quyền tự do) và tài sản vật chất (đất đai, cơ sở) của các Giáo hội, để sách nhiễu, bắt bớ, cầm tù, thậm chí thủ tiêu nhiều chức sắc và tín đồ can đảm (mãi cho tới hôm nay), nhằm làm cho các Thực thể Tinh thần vô cùng cần thiết và cực kỳ hữu ích cho xã hội này bị tê liệt hoạt động, bị cản trở sứ mạng, thậm chí bị biến đổi bản chất. Hậu quả là xã hội Việt Nam ngày càng tràn ngập bạo hành và gian dối, ngày càng suy đồi về văn hóa và đạo đức, kéo theo suy đồi các lãnh vực khác nữa."
Hội đồng Giám Mục Việt Nam
Đến ngày 01/06/2017, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), đại diện cho trên 7 triệu người Công giáo đã lên tiếng chỉ trích Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Theo Hội đồng GMVN thì Luật mới đã “có những bước lùi” so với hai bản Dự thảo Luật số 4 và số 5 mà nhà nước đã gửi ra để tham khảo ý kiến.
Hội đồng GMVN viết: "Theo Dự thảo 5 ngày 17-08-2016, các tổ chức tôn giáo “được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân” (Điều 53), và “được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội (Điều 54). Nhưng trong Luật Tín ngường, Tôn giáo, vấn đề này được gói gọn trong điều 55 với những từ ngữ tổng quát và mơ hồ:”Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo, theo quy định của pháp luật có liên quan.” Tham gia thế nào? Tham gia mức nào? Tham gia có đồng nghĩa với việc thành lập cơ sở không? Như vậy, nếu so sánh với các bàn Dự thảo 4 và Dự thảo 5, thì Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có những bước lùi."
Kiềm chế để kiểm soát
Hội đồng GMVN còn vạch ra rằng: "Ngoài ra, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho. Bộ Luật này không dung từ “xin phép” và “cho phép”, thay vào đó là các từ “đăng ký, thông báo, đề nghị”. Việc thay đổi từ ngữ như trên tạo cảm giác có sự cởi mở hơn, nhưng vì các tổ chức tôn giáo vẫn phải thông báo với chính quyền và chính quyền có thể chấp thuận hoặc không chấp thuận, nên rốt cuộc vẫn là cơ chế xin-cho. Cơ chế này cho thấy tự do ín ngưỡng tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người nhưng chỉ là ân huệ cần phải xin và được ban phát. Chính cơ chế đó hợp pháp hóa sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt nội bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo."
Thật vậy, nếu ai có thời giờ đọc hết 68 Điều trong 9 Chương của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (TNTG) của nhà nước CSVN sẽ tìm ra vô số những hàng rào cản ẩn hiện trong ngôn ngữ của Bộ Công an và Ban Tuyên giáo với mục đích duy nhất là kiểm soát nghiêm ngặt người theo đạo, các chức sắc lãnh đạo, tài sản của các tôn giáo và những hoạt động thuộc lĩnh vực linh thiêng.
Ngoài những quy định trong Luật TNTG như việc gì cũng phải đăng ký, thông báo để được các cấp chính quyền cứu xét, các tổ chức tôn giáo và người theo đạo còn phải tuân theo những quy định của nhiều Luật khác của nhà nước.
Những nhóm chữ ràng buộc mơ hồ như: "theo quy định của pháp luật; theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; theo quy định của pháp luật có liên quan v.v..." đang nhảy múa loạn lên trong toàn bộ Luật.
Như vậy, nay Quân đội lại tung 10 ngàn cán bộ nắm quyền sinh sát trên mạng thì dân chủ và tự do sẽ vĩnh viễn biến mất ở Việt Nam. Nhân dân Việt Nam sẽ không còn đường thoát để tiến lên với văn minh và tiên bộ của nhân loại. -/-
(Cuối tháng 12/017)