Đối diện độc tài bằng tự tin - Dân Làm Báo

Đối diện độc tài bằng tự tin

Gene Sharp - Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D. chuyển ngữ - Làm thế nào để chúng ta đương đầu với các nền độc tài? Câu trả lời bộc phát của những người tin vào tự do là các bạn phải đánh và đập tan chúng. Nếu quốc gia của bạn là nạn nhân của một chế độ độc tài, từ trong nước hay là ngoài nước, các bạn đánh lại. Nếu quốc gia của bạn bị một Nhà Nước độc tài tấn công, các bạn chống cự lại. Nếu người dân của một nhà chuyên chế nổi loạn, các bạn sẽ giúp đỡ họ. Nếu quốc gia của bạn có cơ bị một nền độc tài tấn công thì bạn phải chuẩn bị trước để đánh tan cơ nguy đó, hy vọng rằng khi trở nên đủ mạnh, bạn có thể ngăn cản được cuộc tấn công. Đây là những câu trả lời thông thường của hầu hết những người tin vào tự do và chống lại chuyên chế trên khắp thế giới. Trong lúc những câu trả lời tổng quát này có thể trên nguyên tắc vẫn có giá trị, nhưng những thay đổi trong kỹ thuật quân sự và tổ chức chính trị ngày nay đã cho thấy điều cần thiết là phải áp dụng điều gì trước kia đúng, nhưng theo những phương cách hết sức khác với những gì thường xảy ra trong những thời gian trước kia...

*

Sự nghiêm trọng của vấn đề của những nền độc tài, của những nguy hiểm mà chúng đem lại, và của nhu cầu cần có những phương tiện hữu hiệu để đối đầu với những nền độc tài này, đều đã gia tăng từ Đệ Nhất Thế Chiến. Những nền độc tài bình thường - dù tàn bạo suốt mấy ngàn năm - đã bị những chế độ của Hitler và Stalin bỏ xa. Với những phát triển này, độc tài toàn trị đã trở thành một đối thủ ghê gớm hơn rất nhiều. Những nhà cai trị toàn trị này đã cố nuốt chửng và kiềm chế toàn diện đời sống của mỗi một người dân và tất cả mọi mặt của xã hội. Mức độ kiểm soát cá nhân, vận tải, truyền thông, vũ khí, và toàn bộ các hệ thống xã hội, kinh tế và chính trị, đã vượt rất xa những nền độc tài truyền thống. Quyền lực trở nên tập trung. Adolf Hitler và Joseph Stalin nay đã là người thiên cổ; hệ thống Quốc Xã chỉ còn là một chứng tích cho các sử gia, và hệ thống Sô-viết thì đang chuyển biến. Tuy nhiên, vấn nạn mà những nền độc tài đặt ra cho những ai tin tưởng vào nhân phẩm và tự do vẫn tiếp tục lớn mạnh. 

Việc các chính phủ và nhóm chính trị nhắm mục đích cướp Chính Quyền sẵn sàng đối xử tàn ác với đối lập và những người vô tội không hề thuyên giảm. Thực ra điều này có thể đã gia tăng. Người ta đã rất thường xuyên cho rằng nạn diệt chủng đã được chôn vùi một cách an toàn dưới những đống gạch vụn của Berlin. Nhiều chủ thuyết và ý thức hệ khác nhau, và sự sợ hãi những người khác, đã cung cấp cho các nhóm chính trị và các chế độ một lý giải và một sự “biện minh” cho những chính sách và hành động mà không có sự lý giải hay biện minh đó thì sẽ được xem như là chính sự bạo tàn trần truồng. Những tiến bộ mới đây về kỹ thuật truyền thông, vận tãi, về tàng trữ và thu hồi dữ kiện, về tổ chức chính trị, về theo dõi bằng điện tử, kiểm soát tiềm thức của quần chúng, và khả năng giết người, đã gia tăng khả năng của các chính quyền hiện đại trong việc thiết lập và duy trì những nền độc tài hữu hiệu. 

Những Nguy Hiểm Của Những Nền Độc Tài Mới 

Những nền dân chủ hiến định phóng khoáng hiện nay đều không toàn hảo, nhưng rõ ràng là được yêu chuộng hơn là những chế độ độc tài đang bành trướng càng ngày càng nhiều. Dầu vậy những vấn đề nghiêm trọng trong những nền dân chủ như thế đã gây nghi ngờ về sự trường tồn của chúng. Những khiếm khuyết nội tại, những kiểm soát hết sức tập trung, và quyền quyết định “bởi một nhóm nhỏ lãnh đạo thường gây nghi ngờ về sinh lực và tính hữu hiệu của những tiến trình dân chủ. Điều này đúng ngay cả tại những quốc gia thường kiêu hãnh về những truyền thống và thể chế dân chủ của mình. Nhiều người cảm thấy bất lực và không có khả năng kiểm soát đời sống của chính mình và ảnh hưởng đến những quyết định chính trị lớn lao. Người ta vẫn tiếp tục thực hiện những cuộc tấn công trực tiếp dưới nhiều dạng thức khác nhau vào các cơ cấu dân chủ. Liên bang Hoa Kỳ cũng không ngoại lệ; vụ “Watergate” là một nỗ lực khuynh đảo những tiến trình bầu cử tự do hiến định của Hoa Kỳ. Tại nhiều quốc gia những cuộc đảo chánh nội bộ do các nhóm chính trị và quân đội, những hoạt động của cảnh sát và nhân viên nước ngoài, khủng bố chính trị, và những cuộc chiến tranh du kích bởi thiểu số tiếp tục tấn công các hệ thống dân chủ, với ý đồ thay thế các hệ thống này bằng những nền độc tài. Các nhóm sử dụng những phương tiện này theo nhiều chủ thuyết khác nhau và trương lên đủ mọi lá cờ chính trị. Sự phát triển tại nhiều quốc gia và hệ thống những tổ chức tình báo mạnh, những cơ chế điệp viên nước ngoài, và những bộ phận cảnh sát trung ương của chính quyền tạo nên tiềm năng cho những cơ quan này, hay là một vài khu vực của những cơ quan đó, thách thức và tấn công chính quyền hợp pháp, thay vì phực vụ ý muốn của chính quyềna. Các lực lượng quân đội đã liên tục làm điều này tại hàng chục quốc gia khi họ tung ra những cuộc đảo chánh. 

Những điều kiện xã hội nằm bên dưới các cấu trúc của xã hội cũng đã thay đổi. Các hệ thống xã hội, kinh tế, và chính trị đủ loại đã thay đổi rất nhiều kể từ sự xuất hiện của dân chủ hiến định tại tất cả những quốc gia mà dân chủ có một lịch sử lâu dài. Những tổ chức “quần chúng tự nguyện” của xã hội, và ngay cả những chính quyền địa phương và toàn quốc hay tỉnh thị đều càng ngày càng lệ thuộc vào hành chánh tập trung. Những công ty liên quốc gia hùng mạnh đang nắm sự kiểm soát những nền kinh tế quốc gia bên ngoài những quốc gia đó, và đang sử dụng sự kiểm soát này để thao túng các chính quyền nhằm phục vụ quyền lợi tài chánh của họ. Tất cả những tình trạng này đều đối nghịch lại với tự do. 

Trong tương lai, những nhà chuyên chế sẽ có khả năng sử dụng những phương tiện kiểm soát tinh tế hơn, nhưng không ít quỷ quái hơn, bằng những phương pháp như là điều kiện hoá, khiển động tâm lí, và dược liệu do khoa học hiện đại cung cấp để giữ cho người dân khuất phục và “sung sướng.” Thế Giới Anh Dũng Mới [Brave New World] của Aldous Huxley có thể không xa lắm; những nền độc tài sử dụng các phương tiện tâm lý như thế có thể vượt bỏ xa chủ nghĩa toàn trị. Còn có những dấu hiệu khác nữa về các nguy hiểm tương lai. Sự suy sụp đang bành trướng và ngay cả sự đắc lực phá huỷ những xã hội truyền thống và các nền văn hoá bản địa tại những phần đất trên thế giới phát xuất từ chủ nghĩa thực dân của châu Âu đang tạo nên tình trạng sa đọa, rối loạn tâm thần, đạo đức, và bản ngã; và phân hoá xã hội. Tình trạng này, nhất là khi được kết hợp với những bất bình chính đáng, sẽ nuôi dưỡng đủ loại phong trào quần chúng, xã hội, tôn giáo, và chính trị. Những phong trào này là điềm báo trước cho một vị cứu tinh chính trị mới hay là cho một chủ thuyết cứu rỗi trực tiếp dẫn đưa đến nô lệ chính trị. 

Nếu người ta không sớm tìm được những phương tiện hữu hiệu để đánh đổ các nền độc tài, và thay đổi những điều kiện làm cho độc tài có thể xảy ra, thì công việc ngăn chặn và chống lại độc tài càng nhanh chóng trở nên khó khăn hơn. Tương lai vì vậy sẽ là một tương lai mà trong đó từ “tự do” sẽ không còn ý nghĩa, hay chỉ là một cái gì còn sót lại của một giấc mơ đã bị bỏ quên. 

Nhiều nền văn hoá và quốc gia có truyền thống yêu tự do và chống mọi chuyên chế, dù rằng thực hành không hẳn luôn luôn bắt kịp kịp lý tưởng. Chống độc tài chính trị là nguyên tắc căn bản của Mỹ trước khi Hiến Pháp được chấp thuận rất nhiều. Việc tạo nên những cơ cấu chính trị mới trên lục địa này, những cuộc đấu tranh của thuộc địa chống lại chuyên chế mà người ta cảm nhận được, và việc thảo ra các khuôn mẫu căn bản cho những chính quyền mới đều được thúc đẩy bởi niềm tin vào tự do con người, dù có thể đã có những động lực khác nữa. Các tổ phụ thuộc địa đã tin vào một phạm trù luân lý và chính trị nhằm chống lại những nền độc tài đương đại và ngăn chặn sự thiết lập những nền chuyên chế mới (dĩ nhiên là đồng thời họ thường mù mắt trước chính những áp đặt các điều kiện chuyên chế đối với những người Mỹ bản địa đã bị họ cướp đất đai, và đối với những người Phi châu mà họ đã bắt làm nô lệ, cũng như trước sự áp bức những người đàn bà của chính họ.) 

Kể từ thời gian những người định cư Âu châu giành được độc lập, các chính sách của chính quyền Hoa Kỳ và những liên minh với nước ngoài chưa bao giờ theo đúng sự cam kết về tự do này và chống lại chuyên chế cả. Tuy nhiên, niềm tin này vẫn là căn bản đối với nhiều người Mỹ. Những thoả hiệp được thực hiện trong những chính sách thực tiễn thường được nhận thức là cần thiết trước đe doạ độc tài lớn lao hơn. Người ta nói rằng Đệ Nhất Thế Chiến là “để làm cho thế giới được an toàn hơn cho dân chủ.” Đệ Nhị Thế Chiến, nhiều người tin tưởng, là để đánh bại ba chế độ độc tài bành trướng, để giải phóng các dân tộc bị chinh phục, và, nhất là, để đánh bại hệ thống Quốc Xã -- một trong những hình thái độc tài quá khích nhất mà người ta biết được. Chiến Tranh Lạnh đã chính thức nhắm đến chặn đứng sự bành trướng của các hình thái độc tài Cộng sản. Ngay cả những hoạt động của Hoa kỳ có tính can dự nhiều hơn cả vẫn được những người bênh vực biện minh là cần phải có để chống lại những đe doạ độc tài còn nghiêm trọng hơn. Mặc dù đôi khi các nhà phê bình, với biện giải hợp lý, đã nêu lên những động lực khác, nhưng chúng ta vẫn phải đối diện với những nguy hiểm thực sự đối với tự do, do đủ loại độc tài mang lại. 

Những Thiếu Sót Của Các Giải Đáp Truyền Thống 

Không có một giải đáp dễ dàng cho vấn đề độc tài. Không có những phương cách an toàn, không cần nỗ lực, mà dựa theo đó những người sống dưới những nền độc tài có thể tự giải phóng, hay theo đó những người khác có thể tự bảo vệ mình khỏi những nguy hiểm tương lai. Chúng ta cũng không có một phương thức đơn giản theo đó chúng ta có thể ngăn chặn được sự phát triển của những nền chuyên chế mới. Thụ động khi đối diện với những đe doạ như thế rõ ràng là sẽ không bảo đảm an toàn được. Đúng ra thường thường thì ngược lại. Dù sao thì thụ động không phải là một phản ứng hữu hiệu, cũng không dân chủ đối với thách thức này. Tất cả mọi đường lối hành động nhằm hỗ trợ giải phóng và bênh vực tự do đều hiểm nghèo, và có cơ gây nên đau khổ, và cần thời gian để vận hành. Và cũng không có hành động nào lại có thể bảo đảm thành công trong mọi trường hợp được. 

Vậy thì làm thế nào để chúng ta đương đầu với các nền độc tài? Câu trả lời bộc phát của những người tin vào tự do là các bạn phải đánh và đập tan chúng. Nếu quốc gia của bạn là nạn nhân của một chế độ độc tài, từ trong nước hay là ngoài nước, các bạn đánh lại. Nếu quốc gia của bạn bị một Nhà Nước độc tài tấn công, các bạn chống cự lại. Nếu người dân của một nhà chuyên chế nổi loạn, các bạn sẽ giúp đỡ họ. Nếu quốc gia của bạn có cơ bị một nền độc tài tấn công thì bạn phải chuẩn bị trước để đánh tan cơ nguy đó, hy vọng rằng khi trở nên đủ mạnh, bạn có thể ngăn cản được cuộc tấn công. Đây là những câu trả lời thông thường của hầu hết những người tin vào tự do và chống lại chuyên chế trên khắp thế giới. Trong lúc những câu trả lời tổng quát này có thể trên nguyên tắc vẫn có giá trị, nhưng những thay đổi trong kỹ thuật quân sự và tổ chức chính trị ngày nay đã cho thấy điều cần thiết là phải áp dụng điều gì trước kia đúng, nhưng theo những phương cách hết sức khác với những gì thường xảy ra trong những thời gian trước kia. 

Để giúp chúng ta có khả năng đối đầu với những nền độc tài, chúng ta đã tạo ra những hệ thống quân sự khổng lồ có những khả năng huỷ diệt cho đến nay còn ngoài sức tưởng tượng. Chúng ta đã tự tổ chức để điều động -- cũng cùng với những sinh hoạt phản dân chủ - chống lại các lực lượng độc tài, như chính những lực lượng này đã từng làm. Chúng ta đã hỗ trợ một nhóm độc tài này để chống lại một nhóm độc tài khác. Và chúng ta đã than vãn về những xói mòn của các nền tự do và các tiến trình dân chủ tại những quốc gia khác và tại chính quốc gia mình. 

Dù với những biện pháp này, chúng ta thấy có ít dấu hiệu cho thấy là những khuynh hướng phản dân chủ này đang được làm thuyên giảm đi, nói gì đến kiềm chế hay xoay ngược trở lại. Thực ra thì những chính sách của chúng ta ngay cả có thể giúp cho sự củng cố của những nền độc tài cũ cũng như giúp cho sự xuất hiện những nền độc tài mới. Vấn đề không phải là làm thế nào để đạt được “chung sống hoà bình” với những nền độc tài cực đoan. Vấn đề là làm thế nào để tái khẳng quyết sự kiểm soát của người dân đối với những nền độc tài này, ngay cả đối với các hệ thống toàn trị: làm thế nào để đánh bại và phân huỷ chúng. 

Mỉa mai thay, đúng ngay vào lúc mà lịch sử có nhu cầu lớn nhất là cần những phương tiện hữu hiệu chống chuyên chế, thì những phương tiện tối hậu truyền thống trong những xung đột quốc tế -- chiến tranh – đã, vì kỹ thuật hiện đại, trở thành một sự lựa chọn hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu người ta không tìm được những phương cách thay thế hữu hiệu thay vì chiến tranh trong những xung đột như thế, thì người ta sẽ cứ tiếp tục đe doạ và sử dụng chiến tranh bất chấp nguy hiểmb. Cũng tương tự như thế, còn có những nguy hiểm nội tại rất nghiêm trọng trong các nỗ lực nỗi dậy chống lại những nền độc tài trong nước. Những nguy hiểm này liên quan đến sự tập trung và tính huỷ diệt của vũ khí quân sự, đến sự phí tổn cực kỳ của những nội chiến nói chung -- và đặc biệt là của chiến tranh du kích nói riêng -- trong những tổn thất và huỷ hoại xã hội, và các hậu quả về cơ cấu của sự bạo động như thế.Ṫ Những phương tiện trong quá khứ thường thiếu sót ngay cả khi chúng đánh đổ được một nền độc tài nào đó, bởi vì chúng đã để cho những nền độc tài khác nối tiếp, làm cho sự tăng trưởng của những nền độc tài này được dễ dàng, hay là đóng góp vào việc phát triển của những nền độc tài mới. Những thiếu sót của các phương tiện hiện tại trong việc đương đầu với các nền độc tài nghiêm trọng đến nỗi chúng ta có bổn phận phải xét định làm cách nào để đưa ra những phương tiện thay thế. Chúng ta đòi hỏi những chính sách mới, những đường lối hành động và những quan niệm về giải phóng và phòng thủ hầu mong đối diện với những nguy hiểm của các nền độc tài hiện đại và đương đầu với chúng. Quan niệm người ta phải lựa chọn giữa chiến tranh huỷ diệt đại chúng và thụ động khuất phục chuyên chế là sai lầm. 

Sự hiểu biết của chúng ta trong quá khứ về bản chất của vấn đề những nền độc tài hiện đại, các phong trào toàn trị, nạn diệt chủng, và tiếm quyền chính trị, còn thiếu sót. Tương tự như thế, sự hiểu biết của chúng ta về những phương tiện đấu tranh có thể có để chống lại những điều này, và ngăn cản sự phát triển của chúng đã không toàn vẹn. Với một sự hiểu biết không đầy đủ làm nền tảng cho những chính sách của chúng ta, thì không lạ gì các chính sách đó tỏ ra là không hữu hiệu. 

Những giải pháp khác, dĩ nhiên, cần phải được đánh giá một cách công bằng. Ví dụ, khi cân nhắc những chính sách thay thế thì điều quan trọng là phải so sánh những kết quả xấu nhất có thể có của mỗi giải pháp, cũng như những kết quả tốt nhất, chứ không phải (như thường xảy ra) chỉ so sánh kết quả tốt nhất của một chính sách với kết quả xấu nhất của một chính sách khác. Hơn nữa, không những chúng ta chỉ phải xét định xác suất thuận lợi hay bất thuận lợi cho một số kết quả nào đó của các chính sách hiện hành mà thôi; chúng ta còn cần phải lưu ý đến bản chất của những kết quả đó nữa, bao gồm những biện pháp sửa sai và bổ túc để phản công lại những kết quả đó. Những thiếu sót trong các chính sách hiện hành và những chính sách mới được đề nghị cần phải được xét định toàn bộ, cũng như những xác quyết về những sức mạnh và hiệu quả của mỗi chính sách. Bằng cách sử dụng các phương tiện so sánh, chúng ta có thể đánh giá một cách công bằng. 

Ít Hơn Là Toàn Năng 

Khả năng của chúng ta khám phá và phát triển những phương cách - trước tiên là để ngăn chặn các nền độc tài, và đập tan chúng một khi chúng hiện hữu - có thể được gia tăng nếu chúng ta có thể xác định được vị trí của những đặc tính của các hệ thống đã từng gây nên những khó khăn cho các nhà độc tài, cản trở những nỗ lực bảo toàn các hệ thống của họ, hay là cản trở họ thực thi ý muốn của mình. Thật là kỳ lạ, trong lúc người ta chú ý rất nhiều đến những phương tiện đàn áp của cảnh sát và các khả năng quân sự của các nền độc tài, nhưng lại hầu như không hề chú ý đến các nhược điểm của họ. Thực vậy, chúng ta luôn luôn cho là chính quyền có hiệu năng, hữu hiệu, hùng mạnh, và bền vững, hơn là thực tế. Tất cả mọi nền độc tài, ngay cả những nền độc tài toàn trị, đều vẫn chứa đựng những nhược điểm cố hữu mà, với thời gian, dù không có những nỗ lực có chủ ý làm trầm trọng thêm, cũng sẽ có khuynh hướng làm cho hệ thống ít hữu hiệu và ít độc tài hơn. Trong một vài trường hợp, những nhược điểm này có thể làm cho nền độc tài tan rã. 

Các nền độc tài, ngay cả những nền độc tài toàn trị, cũng không hoàn toàn vững như bàn thạch đâu, và chắc chắn là không toàn năng và vĩnh cửu được. Thực ra chẳng có gì hoàn toàn mới mẻ khi nói rằng các nền độc tài không luôn luôn đạt được những mục tiêu của mình. David Riesman và Karl W. Deutsch đều có nêu lên sự kiện này trong những năm 1950. 

Năm 1952 David Riesman viết là chúng ta thường hay đánh giá quá cao khả năng của những nhà toàn trị trong việc “tái cấu trúc nhân cách con người.” 

Trong lúc trước những áp lực người ta có thể đóng một số vai trò nào đó và tuân thủ theo bề ngoài, nhưng họ cũng có thể vô cảm hay ngay cả bất cần đối với những quyến rũ và nhồi sọ ý thức hệ. Họ có thể chối bỏ cái “đạo đức” của nhà độc tài mà lẽ ra tất cả mọi người đều chấp nhận. Người ta có thể rút lui khỏi chính trị - một tiến trình “tư nhân hoá.” Thay vì bị quyết định bởi các chủ thuyết và chương trình của hệ thống, hành vi của người dân có thể được thúc đẩy bởi sự tham lam. Thối nát và ngay cả tội ác có thể lan tràn. Người ta có thể cố ý hành động hăng say quá đáng để hỗ trợ các sắc chỉ của hệ thống với mục đích phá rối hệ thống, như là bằng cách kết án mọi người trong Đảng đi chệch hướng. Những xung khắc về quyền lực có thể phát xuất từ trong lòng chế độ hay trong Đảng. 

Những phản ứng như thế, Riesman viết, “chỉ là một sự đối kháng dai dẳng không anh hùng đối với những nỗ lực toàn trị” muốn biến đổi con người thành một hình ảnh mới.

Ông ta viết là ngay cả sự kinh sợ cũng không thể “phá vỡ được mọi ràng buộc về tổ chức giữa những nạn nhân của nó.”

Những giới hạn như thế về hiệu lực của những sự kiểm soát ảnh hưởng tai hại đến các hệ thống đó. Tuy nhiên sự thiếu thực tế của chính chúng ta trong sự hiểu biết về những giới hạn này cũng ảnh hưởng đến chúng ta, vì nó đã dẫn đưa chúng ta đến “hèn nhát một cách quá đáng hay hung hăng một cách quá mức....”

Thay vì như vậy, chúng ta có bổn phận “tìm ra những phương cách để lật đổ những chế độ này mà không cần phải có chiến tranh....”

Trong quá khứ chúng ta thường cho rằng các nền độc tài, nhất là trong những hình thái cực đoan, khác với những hệ thống các chính quyền khác hơn là thực tế. Ngược với ý nghĩ thông thường, một nhà cai trị toàn trị, cũng giống như tất cả những nhà cai trị khác, đều phải lệ thuộc vào người dân. Tất cả mọi nhà cai trị đều phải lệ thuộc vào sự hợp tác, sự khuất phục, và tuân phục của người dân để có những vị thế và quyền lực của họ. Quyền lực của họ được rút ra từ những nguồn gốc trong xã hội, như là các tài nguyên kinh tế, khả năng quân sự, kiến thức, kỹ năng, quản trị, và quyền hành. Tất cả những điều này lại liên hệ chặt chẽ với, hay là trực tiếp lệ thuộc vào, mức độ hợp tác, khuất phục, tuân phục, và hỗ trợ mà nhà cai trị tương lai có thể tranh thủ được từ người dân của mình -- cả từ bộ phận nhân viên toàn thời gian nói chung và các trợ tá lẫn cả từ dân chúng như là một tổng thể. Sự khuất phục này có thể được tác động bởi việc sử dụng sự khiếp sợ, nhưng ở bên dưới, thì dù sao vẫn có sự lệ thuộc của nhà cai trị vào người dân. Nếu sự giúp đỡ và khuất phục của một hay cả hai nhóm người này bị rút lui, thì quyền lực của nhà cai trị sẽ bị làm suy yếu đi một cách nghiêm trọng. Nếu sự rút lui này có thể duy trì được bất kể mọi thứ trừng phạt, thì ngày tàn của của chế độ đang thấy trước mắt. Nguyên tắc này áp dụng ngay cho cả những nhà cai trị toàn trị. Sự lệ thuộc này có thể mang một ý nghĩa trọng đại đối với giải pháp sau này cho vấn đề của chúng ta. 

Hầu hết người ta cho rằng quan điểm này là xằng bậy. Họ tin rằng đe doạ nhiều đủ, gieo kinh hãi, trừng phạt, tàn ác, giết chóc, và khủng bố, nhà độc tài có thể áp đặt ý muốn của mình lên bất cứ đám dân nào mà không cần cho họ có sự chọn lựa hay cơ hội để thay đổi hoàn cảnh. Quan điểm về tuân phục và hợp tác bị áp đặt được tác động bởi những biện pháp đàn áp rất thiếu sót. Nó ngụ ý đây là tương quan một chiều. Trong lúc trên bề mặt thì có vẻ là như vậy, nhưng thực tế thì căn bản hoàn toàn khác. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, chế độ thực sự không thể áp đặt được ý muốn của mình. Điều này có thể xảy ra vì có quá nhiều người đồng loạt thách thức chế độ, vì những nhà quản trị của chế độ từ chối giúp đỡ, hay là các nhân viên đàn áp không tuân lệnh áp dụng trừng phạt. Trong một vài trường hợp, tất cả những điều này đều xảy ra cùng một lúc. 

Năm 1953 Karl W. Deutsch đã áp dụng quan điểm lệ thuộc hỗ tương giữa áp đặt và tuân phục cho những hệ thống toàn trị. Đoạn văn này hết sức quan trọng: 

Việc áp đặt những quyết định (bởi chính quyền toàn trị) lệ thuộc phần lớn vào những tập quán tuân thủ của dân chúng. Tuân thủ và áp đặt lệ thuộc hỗ tương; chúng thúc đẩy nhau, và những tỷ lệ thúc đẩy này tạo thành một chuỗi liên tục. Ở cuối một đầu chuỗi, chúng ta có thể tưởng tượng một hoàn cảnh mà trong đó mọi người theo thói quen đều vâng phục tất cả những chỉ thị và quyết định của chính quyền toàn trị, mà không cần sự áp đặt; ở cuối đầu kia, chúng ta có thể tưởng tượng một hoàn cảnh mà trong đó không có ai tự nguyện tuân phục bất cứ quyết định nào của hệ thống toàn trị, và mọi người đều bị ép buộc phải vâng phục trước họng súng, hoặc trong những điều kiện thực sự luôn luôn bị đe doạ hay là luôn luôn bị giám sát. 

Trong trường hợp thứ nhất, ép buộc thi hành sẽ hết sức ít tốn kém và đúng ra, không cần thiết; trong trường hợp thứ hai, thì lại quá sức tốn kém và thực ra thì không có chính quyền nào có thể tồn tại được, trên căn bản như thế..Đâu đó giữa hai thái cực hoàn toàn tuân phục và áp đặt mọi nơi là lãnh vực của chính quyền hữu hiệu. Ở đây đa số cá nhân trong đa số trường hợp tuân phục các quyết định của chính quyền theo thói quen mà không cần phải được giám sát trực tiếp.

Những xét định này áp dụng cho toàn trị vì chúng áp dụng cho tất cả mọi loại chính quyền, nhưng khi áp dụng cho toàn trị thì chúng nói lên một nghịch lý. Quyền lực của toàn trị chỉ mạnh khi không cần phải được sử dụng quá thường xuyên. Nếu quyền lực toàn trị cần phải được dùng luôn luôn để chống lại toàn dân, thì quyền lực đó chắc sẽ không còn mạnh được lâu. Bời vì những chế độ toàn trị cần nhiều quyền lực để đương đầu với người dân hơn là những là những loại chính quyền khác, những chế độ như thế có một nhu cầu lớn hơn về những tập quán tuân phục phổ quát và đáng tin cậy của người dân; lớn hơn là nhu cầu đòi hỏi để có thể trông cậy vào sự hỗ trợ năng động của ít nhất là những thành phần quan trọng trong dân chúng trong trường hợp cần đến.9 

Có những vấn đề nghiêm trọng trong việc biến nhận định tổng quát này thành những hành động đối kháng cụ thể có chủ ý để xói mòn hay phá vỡ hệ thống toàn trị. Ví dụ duy trì được sự rút lui hỗ trợ dù bị đàn áp gắt gao bởi cảnh sát và quân đội vẫn còn trung thành không phải là dễ. Vì những chính sách hiện tại về việc đương đầu với các nền độc tài tự chúng có những vấn đề, những khó khăn về những giải pháp có thể có không là lý do để ngưng khai phá tiềm năng của những giải pháp đó để đương đầu với các nền độc tài hiện đại. 

Những Nhược Điểm Của Các Nền Độc Tài Cực Đoan 

Trên cơ sở của điều mà chúng ta biết về những hệ thống Quốc Xã và Cộng Sản, và của một số những nền độc tài nhẹ hơn, thì chúng ta có thể nêu lên những nhược điểm cụ thể của những nền độc tài này. Đây là những nhân tố mà với thời gian, ngay cả khi không có những nỗ lực có chủ ý làm gia trọng thêm những nhược điểm đó, sẽ tạo ra những thay đổi mà theo những mức độ khác nhau sẽ làm biến đổi những khả năng và đặc tính của nền độc tài. Ví dụ, những nhược điểm này sẽ đưa đến những kết quả như sau: 

• hạn chế tự do hành động của chế độ; 

• thúc đẩy chế độ quan tâm đến các nhu cầu và ước vọng của dân chúng; 

• giảm thiểu tàn bạo và đàn áp; 

• đóng góp vào việc chế độ trở nên bớt giáo điều trong hành động; 

• giảm thiểu mức độ chính quyền kiểm soát xã hội hữu hiệu; 

• phá vỡ huyền thoại chính quyền biết tất cả mọi sự; 

• nói một cách nhẹ nhàng nhất, làm cho hệ thống trở nên “được phóng khoáng hơn” hay ngay cả được dân chủ hoá; và 

• nói một cách cực đoan, thì làm cho hệ thống tan vỡ. 

Sau đây là một vài nhược điểm của các nền độc tài cực đoan, bao gồm cả những hệ thống toàn trị: 

1. Sự hợp tác của một số đông người và nhiều nhóm khác nhau - cần có để điều hành một hệ thống -- có thể bị hạn chế hoặc rút lui. 

2. Tự do hành động của chế độ có thể bị giới hạn bởi những chính sách trong quá khứ mà các điều kiện và hậu quả vẫn còn tiếp diễn. 

3. Hệ thống có thể đã trở thành thông lệ trong lối điều hành, do đó điều độ hơn và ít có khả năng chuyển biến hoàn toàn các sinh hoạt để phục vụ những đòi hỏi giáo điều và đột ngột thay đổi chính sách. 

4. Việc phân phối nhân viên và tài nguyên cho những công tác hiện hành sẽ giới hạn sự cung ứng nhân viên và tài nguyên cho những công tác mới. 

5. Chỉ huy trung ương có thể nhận từ cấp dưới thông tin không chính xác và không đầy đủ dựa vào đó để làm những quyết định, bởi vì những cấp dưới có thể sợ không làm hài lòng cấp trên. 

6. Ý thức hệ có thể hao mòn, và các huyền thoại và biểu tượng của hệ thống trở nên bất ổn. 

7. Bám chặt vào ý thức hệ có thể dẫn đưa đến những quyết định có hại cho hệ thống bởi vì người ta không chú ý đủ đến những điều kiện và nhu cầu thực sự. 

8. Hệ thống có thể không có hiệu năng gây nên bởi sự suy thoái về khả năng và hiệu lực của hành chánh, hay bởi kiểm soát quá mức và quá nhiều giấy tờ; hậu quả là các chánh sách và điều hành bình thường của hệ thống có thể trở nên vô hiệu. 

9. Đủ loại xung khắc nội bộ của hệ thống có thể tác động tai hại và ngay cả phá rối sự điều hành của hệ thống. 

10. Giới trí thức và sinh viên có thể trở nên bồn chồn trước những điều kiện, những hạn chế, tính giáo điều, và sự đàn áp. 

11. Quần chúng với thời gian có thể trở nên vô cảm và nghi ngờ. 

12. Những khác biệt vùng, giai cấp, văn hoá, hay quốc gia có thể trở nên trầm trọng. 

13. Đẳng cấp trong quyền lực sẽ luôn luôn bất ổn ở một mức độ nào đó, và có lúc hết sức bất ổn. 

14. Có những bộ phận cảnh sát chính trị hay những lực lượng quân sự có thể có đủ sức mạnh tạo áp lực để đạt những mục đích của chính họ, hay ngay cả để hành động chống lại các nhà cai trị đã ổn định. 

15. Trong trường hợp một nền độc tài mới, thì nền độc tài này đòi hỏi phải có thời gian mới được ổn định một cách vững chắc, điều tạo ra một khoảng thời gian rất dễ bị nguy hiểm. 

16. Sự tập trung quá độ quyền làm quyết định và quyền chỉ huy có nghĩa là sẽ có quá nhiều điều chỉ do một số quá ít người quyết định nên khó tránh được lỗi lầm. 

17. Nếu chế độ, để tránh một vài trong số những vấn đề này, quyết định phân tán quyền làm quyết định và quản trị, thì điều này sẽ đưa đến sự xói mòn những kiểm soát trung ương hơn nữa, và thường đưa đến việc tạo dựng nên những trung tâm quyền lực mới trải rộng khắp nơi; những trung tâm này tìm cách bành trướng sức mạnh của mình thiệt hại cho trung ương. 

Những nhược điểm này của các nền độc tài cực đoan dĩ nhiên không có nghĩa là sự phân huỷ sẽ xảy ra nhanh chóng, hay ngay cả chưa chắc sẽ xảy ra, dù cho có những nhân tố khác đang vận hành trong hoàn cảnh. Những hệ thống độc tài thường ý thức được ít nhất một vài nhược điểm của mình và sử dụng những biện pháp để sửa chữa những nhược điểm đó. Thêm nữa, trong những hoàn cảnh thích hợp, ngay cả những chế độ hết sức vô hiệu năng và bất tài vẫn thường có thể xoay xở để sống còn trong một thời gian rất lâu dài và như Riesman đã nói, người ta có thể “nhầm lẫn giữa những thúc đẩy xằng bậy hay ngay cả những tình cờ của ‘hệ thống’ với thiên tài đầy âm mưu.”

Tuy nhiên, chúng ta hẳn phải học hỏi được nhiều hơn là những gì chúng ta hiện biết được về các nền độc tài và về các hình thái đối lập và đối kháng thay thế chống lại những nền độc tài này. Với kiến thức này, những người sống dưới các nền độc tài có thể làm trầm trọng thêm một cách có chủ ý các nhược điểm cố hữu như thế để thay đổi hoàn toàn hay là phân huỷ hệ thống. Trong những nỗ lực như thế, sự lệ thuộc hỗ tương giữa ép buộc thi hành và các tập quán tuân phục đặc biệt quan trọng. Những hình thái đấu tranh bất bạo động được dựa trên khả năng của quần chúng giữ lại sự tuân phục và hợp tác của họ. Việc giữ lại này làm cho những nguồn quyền lực cần có của nền độc tài có thể bị hạn chế hay bị cắt đi...


Chuyển ngữ:



Ghi chú:

a . Về khả năng của những cơ quan này chuyển đổi qua những mục đích khác, Xem Chương Mười Một, “Phạm Trù Xã Hội.” 

b. Xem Chương Mười, “Tìm Một Giải Pháp Cho Vấn Đề Chiến Tranh.” 

Xem Chương Mười Hai, “Tăng Cường Khả Năng Quần Chúng,” Tiểu Chương: Chế Tài Và Xã Hội. 

David Riesman, “Một Vài Nhận Xét Về Những Giới Hạn Của Quyền Lực Toàn Trị,” trong David Riesman, Sung Túc Để Làm Gì? Và Những Luận Đề Khác (Garden City, N.Y.: Double Day, 1964), tt.81 và 89. 2. Như trên, tt.81,82. 3. Như trên, t.92. 4. Như trên, t.81. 5. Như trên, t.92. 6. Như trên. 7. Để có một sự trình bày đấy đủ hơn về lí thuyết quyền lực, xem Gene Sharp, Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động (Boston: Porter Sargent Publisher, 1973), Chương Một, “Bản Chất và Kiềm Soát Quyền Lực Chính Trị.” 8. Karl W. Deutsch, “Những Rạn Nứt Của Tảng Độc Thạch, “ trong Carl J. Friedrich, biên tập viên, Toàn Trị (Cambridge, Mass,: Harvard University Press, 1954), tt.313-314. 9. Như trên, tt.314-315. 10. Riesman, “Một Vài Nhận Xét Về Những Giới Hạn Của Quyền Lực Toàn Trị.” T.81.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo