Việt Nam “dạo đàn” in tiền cứu ngân sách - Dân Làm Báo

Việt Nam “dạo đàn” in tiền cứu ngân sách

Trần Nguyên Thao (Danlambao)
- CSVN muốn thúc đẩy doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất trong lúc dịch CoVid-19 đang lây lan với số lượng mỗi ngày tương đương thời gian lây nhiễm cao nhất. Về phía Nhà Nước vẫn “tảng lờ” đề nghị của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) xin hỗ trợ 250 ngàn tỷ đồng từ cuối tháng 9-2021. Gần 9 tháng nay xoay mãi chẳng ra tiền, vay nợ không xong. Đến giữa tháng 12 báo Nhà Nước chuẩn bị dư luận bằng đề nghị của giới chuyên gia “gà nhà” nhằm chuẩn bị cho csVN đưa ra “thủ thuật chính trị” qua giải pháp “Nới lỏng định lượng - Quantitative Easing (QE)”- Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) sẽ in thêm tiền để mua Trái Phiếu Chính Phủ (TPCP) cứu Ngân sách.

Tình hình lây nhiễm CoVid vào những ngày cuối năm tại Việt Nam vẫn tăng cao, số ca mới nhiễm CoVid đã lên đến 16.093 người trong ngày 19-12. Các Tỉnh có nhiều khu kỹ nghệ ở Miền Nam và Khánh Hòa (Miền Trung) vẫn là những nơi lây nhiễm cao nhất. Kể từ khi dịch bùng phát từ đầu 2020 đến nay, Việt Nam chỉ tính con số thống kê được, cũng lên đến 1.534.066 người lây bệnh. Do lương quá thấp trong lúc công việc quá nhiều lại nguy hiểm, Bác sỹ và cán bộ Y Tế các loại xin nghỉ việc cao hơn năm ngoái khoảng 40%.

Hiện nhu cầu tiêu thụ trong nước rất yếu kém, ngay cả dịch vụ ẩm thực hàng ngày cũng hoạt động cầm chừng... do dân chúng giảm thu nhập, thất nghiệp cao. Nguyên liệu nhập cảng dùng trong sản xuất với giá thành cao mới. Hệ thống bến bãi, kho lẫm trong tình trạng đình đốn... Có đến 60% công ty FDI và 50% công ty trong nước không tìm được công nhân có tay nghề thích hợp. Nhiều công ty trong nước đang hoạt động với 10%-20% số nhân công còn lại. Hàng hóa sản xuất ra chẳng những khó tiêu thụ trong nước mà còn khó cạnh tranh, vì doanh nghiệp các nước lân bang được Chính Phủ nước họ yểm trợ mạnh mẽ từ 8 tháng trước.

Tỷ lệ hàng tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1%, trong khi cùng kỳ năm 2020 đã là 75,6%. [1]

Tạp chí Tài Chánh xác định, mới tính đến cuối tháng 10-2021, trung bình mỗi tháng có gần 10 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sản xuất, [2] chia ra số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%.

Cuối tháng 9-2021, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói doanh nghiệp sẽ sụp đổ nếu không được hỗ trợ và tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Lúc đó, căn cứ vào GDP sửa đổi lên 25% năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ, VCCI xin Chính phủ hỗ trợ 250.000 tỷ đồng, tương đương 4% GDP. Đến cuối năm 2021, Doanh nghiệp lên tiếng xin Chính Phủ hỗ trợ sản xuất ngay từ đầu năm 2022, thời gian còn có mấy ngày nữa là sang năm mới, phía Chính Phủ vẫn “im lặng”.

Từ tháng Tư đến nay, cả nước rối lên không biết xoay đâu ra tiền, Khối Kinh Tế, Tài Chánh thì bất đồng về các đề nghị ngân khoản phục hồi Kinh Tế: Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư (KH&ĐT) thì đưa ra con số 800 ngàn tỷ; Bộ Tài Chánh đề nghị từ 10.000 đến 20.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định, và một số công trình trọng điểm. Về nguồn tiền, Bộ Tài Chánh đề nghị phát hành công trái hoặc là trái phiếu bằng ngoại tệ trong nước.[3]

Tháng trước báo Nhà Nước tung ra chiến dịch đòi nới rộng trần nợ công thêm nữa để mượn thêm nợ có vẻ không thành công. Do các chủ nợ nhìn thấy csVN từ năm ngoái đã phải trả nợ gốc và lãi lến đến 27,3% trong khi mức giới hạn chỉ đến 25% trên số thu Ngân sách của các nước “con nợ”.


Khi nhìn thấy Ngân Sách cạn kiệt, việc chia chác trở nên quá lộ liễu, không còn “ngon ăn” như cũ thì 15 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương xin trả lại kế hoạch đầu tư vốn Ngân Sách Trung Ương năm 2021. Cho nên 8 tháng năm 2021 đạt 244,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 8/2021, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân Sách Nhà Nước giảm 7,1% so với tháng 7/2021, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình huống này là “hết thuốc chữa”. Bình thường các quốc gia gặp tình trạng dân chúng thất nghiệp cao, mọi cơ quan chính phủ đều chung lưng thúc đẩy các dự án công, đặc biệt xây dựng hạ tầng cơ sở tạo ra công ăn việc làm cho người dân của mình. Còn csVN lại phá nát đầu tư công từ nhiều năm trước, như mô tả ở trên và trong bài https://vanhoimoi.org/?p=10250

Tiến sỹ Phạm quý Thọ, người trong cuộc nhận xét, sau hơn một thập kỷ “ngăn chặn, đẩy lùi” suy thoái bộ máy lãnh đạo qua chiến dịch chống quan chức tham nhũng không những chưa mang lại kết quả như mong muốn, mà còn đang gây hiệu ứng phụ như hiện tượng “ngủ đông” của bộ máy, “trên bảo dưới không nghe”… thậm chí có biểu hiện “né tránh” công vụ khá tinh vi.

Trong thực tế, csVN vẫn để cho đảng viên tiếp tục tham nhũng miễn là khéo chia chác, che đậy. Trong các vụ án lớn gần đây, rất ít vụ mang tội tham nhũng, mà chỉ là "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Vì thế việc csVN đưa ra chỉ thị mới hôm 18-11 vừa qua sẽ nâng tỷ lệ thu hồi, kê biên, phong tỏa tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng lên trên 60% chỉ là để mỵ dân. Trên nguyên tắc pháp lý, nếu không có người bị kết án tham nhũng thì làm sao thu hồi được tài sản. Hơn nữa những khoản tiền hàng trăm triệu Mỹ Kim của cán bộ tham nhũng từ trước, được che đậy ở ngoại quốc dưới các dạng tài sản khác nhau thì “vô kế khả thi” để biên kê, phong tỏa.

Trường hợp Ngân sách csVN mấy năm gần đây, năm nào cũng bội chi hàng trăm ngàn tỷ đồng. Trong dự liệu Ngân Sách năm 2021 có khoản dự phòng 34.500 tỷ đồng, nhưng với chi phí điều hành các cơ quan công an, mật vụ chuyên theo dõi, trấn áp dân chúng rất tốn kém, thì tiền đâu nữa mà hỗ trợ phục hồi sản xuất. Thu ngân sách Nhà nước năm 2021 là 1.343.330 tỷ đồng. Chi ngân sách Nhà nước năm 2021 là 1.687.000 tỷ đồng. Bội chi năm 2021 tới gần 344 ngàn tỷ đồng. [4] Khi cần gói kích cầu Kinh Tế chỉ khoảng 5% GDP mà xoay xở 9 tháng nay cũng không ra tiền.

Vì lý do trên, hai tuần đầu tháng 12 báo Nhà Nước thay nhau tung hô “sáng kiến” của giới chuyên gia “gà nhà” đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cung tiền vào nền Kinh tế qua việc mua trái phiếu Chính Phủ. [5] Vì mọi cửa vay mượn đều “khó mở” nên Việt Nam phải rập khuân chính sách “Nới lỏng định lượng - Quantitative Easing (QE)” từng được các Ngân Hàng Trung Ương áp dụng trong trường hợp bất thường. Qua được bước chuẩn bị dư luận thì NHNN danh chính ngôn thuận in thêm tiền cứu Ngân Sách lâm nguy là chính; hỗ trợ phục hồi sản xuất là việc thứ yếu đối với csVN.

 

Do nhu cầu trả nợ cuối năm, trong 3 tháng mới đây, NHNN đã bơm vào hệ thống ngân hàng thương mại hàng chục ngàn tỷ đồng để thu mua 750 triệu Mỹ kim [6] giao ngay từ các ngân hàng thương mại, tương đương hơn 17.000 tỷ đồng. Tỷ giá cao nhất đồng bạc Xanh trên thị trường tự do ở Việt Nam ngày 18-12-2021 lên đến 23.914 đồng cho 1 Mỹ Kim.

Trong trường hợp in thêm tiền, Việt Nam sẽ “mua” được GDP tăng cao hơn trên danh nghĩa, do cộng các khoản chi tiêu mới vào số liệu GDP. Nhưng giới điều hành NHNN sẽ phải đối mặt với với ưu tư rất có thể bị Bộ Tài Chánh Mỹ “mở lại” hồ sơ từng đóng hôm 3-12-2021 chưa dán nhãn Việt Nam là “thao túng tiền tệ”.

Hôm 16-12 cơ quan FED của Hoa Kỳ thông báo, trong năm 2022, FED sẽ có 3 lần tăng lãi suất. Động thái này của FED sẽ đẩy Việt Nam vào 5 mối lo: (a) lần lượt đồng Mỹ kim sẽ quay lại với nơi phát sinh nó, do chủ nhân nguồn ngoại tệ tìm nơi lợi nhuận cao hơn để đầu tư; lúc Kinh tế Việt Nam sẽ lâm vào tình trạng “mất máu”. (b&c) Lãi suất tín dụng và tỷ giá đồng bạc Việt Nam cũng sẽ thay đổi, (d) Nghĩa vụ trả nợ bằng Mỹ kim của Việt Nam cũng phải tăng theo lãi suất mới. (e) Nếu tín dụng rò rỷ sang khu vực phi sản xuất càng nhiều thì lạm phát tăng cao, nảy sinh nhiễu loạn xã hội.

Mời quý độc giả đọc thêm nơi bài https://vanhoimoi.org/?p=12816

19 Dec

Tham khảo:









Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo