Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Vậy là Tết nhất cũng đã dồn đuổi tới lưng. Nhiều bà con ở VN rất hụt hẫng vì không lãnh được lương, kinh tế yếu kém, và không ít bà con ở hải ngoại năm nay cũng phải ca bài Xuân Này Con Không Về, nên nhìn chung bức tranh Tết mình thật xám ngoét.
Chưa kể nhìn đâu cũng thấy mọi người đã quá khánh kiệt niềm tin, và không biết tìm kiếm nơi đâu, níu áo ai đây để lấy lại. Rồi thì vụ án Việt Á này nọ… sao mà ‘nản chí anh hùng’ mục ruỗng từ trên xuống, làm sao cứu vãn những chiếc bình vỡ. Không trách ai cũng than thở Tết nhất làm chi, sao mà buồn quá, hay chỉ là ‘vui là vui gượng kẻo là’, và cũng không thiếu những câu chuyện nực cười. Cười ra nước mắt thi có!
Chuyện Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trổ tài vần vè (của một dân tộc yêu thơ mà lị!) là chuyện thường tình thế thôi, cũng như giấc mộng một Nobel Văn Chương cho VN mình thì càng nên khuyến mại thêm một giải Nobel Hoà Bình cho nữ lưu Phạm Đoan Trang mới ngon cơm chứ.
Có điều có lẽ bận thả trôi theo mấy câu vần vè, quý ngài khi không lại quên con số kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm, hơi thở của quê hương’ gởi về năm rồi là hơn 18 tỉ, chứ không phải là 14 tỉ đâu ạ!
Trong một phát biểu hôm 22 tháng 1 tại chương trình Xuân Quê Hương 2022, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thơ… thẩn: “Mỗi năm tết đến xuân về / Quê hương đất mẹ đề huề mong con”, và ông cho biết kiều hối năm 2021 là 14 tỉ đô la.
Chỉ xin một điều là năm Hổ dũng mãnh sắp đến, chúng ta nên kiếm đúng một nghệ nhân điêu khắc vẽ vời cho ra hồn con cọp linh vật của năm. Không thì mấy ’danh xưng’ như chúa tể sơn lâm, Ông Ba Mươi, Ông Kễnh, hùm, hổ, dần… hơi bị phản cảm, không giống con giáp nào.
Ngoại trừ dụng ý chọc quê ai đó một hổ một rừng tự xưng, tự biên, tự diễn thì không- giống - con - giáp- nào cũng phải thôi!
Nhất là quá thương những chú Hổ TNLT đang phải ‘gậm một khối căm hờn trong cũi sắt’ (xin lỗi, có lẽ vì Tết nhất nên bỗng nhớ Hổ-Nhớ-Rừng của Thế Lữ).
Nói thêm điều này nữa, cái lý do mà mới đây GS Võ Tòng Xuân vẫn nhất quyết sau 14 năm là nên bỏ Tết Ta, gộp chung một Tết Tây thôi vì theo ông, chúng ta càng muốn giữ Tết thì càng nghèo.
Ở đây thật tình tôi không muốn lập lại những tranh cãi của người Việt vốn dĩ lúc nào cũng rất quyết liệt, háo thắng, giỏi a-dua, lắm lúc thiếu hoà nhã không hiểu có phải vì bị ảnh hưởng tâm lý chia- để - trị thời bị đô hộ chăng(?!)
Chúng ta biết có những điều vốn đã ăn sâu vào máu, đã quen với những cái Tết cổ truyền dù phải lo sắm sửa ăn Tết, may bận áo mới, cúng quẫy… một năm một lần nên dĩ nhiên không thể ngắm pháo Tết quên… đói được đâu nhé. Hơn thế nữa, Tết Ta cũng là dịp chúng ta giữ gìn các giá trị văn hoá, truyền thống gia đình sum họp gắn bó cha mẹ, ông bà, tổ tiên, anh chị em, hàng xóm láng giềng…
Ở đây tôi xin mượn lời trong một cuốn sách của học giả Vương Hồng Sển: ‘Người Việt ta vì quá đua đòi chạy theo cái mới lấy cái Tết dương lịch làm lớn và thuần phong cổ tục về Tết âm lịch đã mất lần hồi. Tục thờ kính ông bà đã xem nhẹ hơn xưa và cái lễ Tết là lễ nhớ người chết đã trở nên ngày xả hơi vui chơi của người sống… Theo tôi, ngày Tết Nguyên Đán phải được bảo tồn với bao nhiêu cổ tục của nó.’
Với những người con xa xứ, Tết cổ truyền cũng là dịp để ‘về nhà’ theo một nghĩa nào đó. Chúng ta lại được dịp ăn Tết Tây và cả Tết Ta luôn, dĩ nhiên!
Làm lụng cả năm có khi phải xa nhà, người Việt chúng ta ai cũng muốn giữ cái Tết cổ truyền để được hát khúc ca đoàn viên chứ. Không phải vậy sao?