Đ. Thái Việt - Sau một kỳ nghỉ lễ 2/9 kéo dài, giới lãnh đạo đảng CSVN bất ngờ cho ban hành bản quy định mang số 80 về “phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”, trong đó có những nội dung tái khẳng định quyền lực tối cao của Bộ chính trị trong việc bổ nhiệm mọi chức vụ quan trọng tại Việt Nam, bao gồm các vị trí lãnh đạo chủ chốt như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.
Bản quy định số 80 sẽ thay thế cho quy định số 105 hồi năm 2017, được Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng ban hành hôm 5/9 trong bối cảnh xuất hiện nhiều đồn đoán về một cuộc chuyển giao quyền lực tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6, dự kiến sắp diễn ra vào tháng tới.
Bản quy định mới nhằm cụ thể và hợp thức hóa các quyết định về nhân sự của đảng trên mọi cơ quan quyền lực, từ Trung ương đến địa phương tại VN. Ví dụ, các chức danh quan trọng trong chính phủ VN, từ Phó Thủ tướng cho đến các bộ trưởng, thứ trưởng không do Thủ tướng Phạm Minh Chính bổ nhiệm, mà do Bộ Chính trị và Ban Bí Thư lựa chọn.
Tương tự, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dù theo hiến định là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang, cũng không còn quyền phong tướng cho các sĩ quan quân đội, công an như trước; mà mọi quyết định thăng tướng sẽ do đảng cộng sản nắm trọn.
Ngoài những điều khoản đi ngược lại với chính bản hiến pháp và các điều luật tại VN, bản quy định 80 cũng gây ra sự xáo trộn lớn trong hệ thống quyền lực hiện nay, khi vị trí Thường trực Ban bí thư của ông Võ Văn Thường có thêm quá nhiều quyền hành.
Có thể đây là những sự chuẩn bị cần thiết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực có thể diễn ra một cách ổn định trong tương lai gần.
Ông Nguyễn Phú Trọng với cơ thể bệnh hoạn, già nua sắp bước sang độ tuổi 79 vào năm sau. Trong lịch sử đảng CS, hiếm có một tổng bí thư nào sống qua được 79 tuổi khi còn đang đương chức. Ngoại lệ duy nhất là TBT Đỗ Mười cầm quyền đến năm 81 tuổi, nhưng ông này được nói đã tái phát bệnh tâm thần trong 2 năm cuối nhiệm kỳ.
TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ bước sang tuổi 79 vào năm sau, đây là số tuổi mà TBT Lê Duẩn và
Chủ tịch nước Hồ Chí Minh từ trần khi còn đang đương chức
Bên cạnh đó, ông Trọng cũng đang bị áp lực lớn về lời hứa chỉ làm tổng bí thư nửa nhiệm kỳ, nhưng từ nhiệm kỳ trước đến nay ông vẫn không chịu thực hiện. Lần này, các đối thủ chính trị không cho phép ông Trọng thất hứa thêm lần nữa, buộc người đứng đầu đảng CSVN phải mau chóng tìm người kế vị.
Với quyền lực bao trùm Bộ chính trị như thực tế hiện nay, nhất là với bản quy định 80 vừa được ban hành, ông Trọng vẫn là người duy nhất có toàn quyền đề cử nhân sự kế nhiệm chiếc ghế TBT mà ông để lại.
Hiện tại, ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế TBT là đương kim Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhưng người ta cũng nghi ngờ về việc liệu ông Trọng có thật sự rút lui hay không, hoặc ông vẫn muốn giữu vị trí nào đó tương tự như “thái thượng hoàng”, đứng sau hậu trường điều khiển mọi việc thông qua sự trợ giúp đắc lực của Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng.
Nếu kịch bản này diễn ra em đẹp, thì cuộc khủng hoảng nhân sự kế nhiệm trong đảng kéo dài nhiều năm qua, về cơ bản sẽ được giải quyết tại Hội nghị TW6. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất nhất đối với phe ông Trọng lúc này là việc thuyết phục được 180 ủy viên Trung ương đảng chấp thuận phương án nhân sự trong cuộc mật họp sắp tới.
Trong quá khứ, tất cả các phương án nhân sự kế nhiệm chiếc ghế TBT mà ông Trọng đưa ra, dù được Bộ chính trị chấp thuận từ trước, nhưng vẫn bị Ban chấp hành Trung ương đảng phản đối. Nếu tại Hội nghị TW6 sắp tới, nếu phương án Vương Đình Huệ tiếp tục thất bại, thì cơ hội sẽ thuộc về hai nhân vật còn lại trong “tứ trụ”, gồm:
1. Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ông Chính không chỉ được chống lưng bởi phe Thanh Hóa, mà còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tức một nửa phe cộng sản miền Nam. Ông Chính đang bị Ủy ban Phòng chống tham những và tiêu cực của Nguyễn Phú Trọng điều tra về các mối quan hệ với bà Nguyễn Thị Thành Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị AIC hiện đang bị CA truy nã.
2. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Ông Phúc sau một nhiệm kỳ thủ tưởng đã gây được nhiều ảnh hưởng trong Trung ương đảng, và có sự ủng hộ của phe quân đội. Hiện ông Phúc cũng đang bị Nguyễn Phú Trọng lăm le xử lý vì để vợ là bà Trần Thị Nguyệt Thu dính đến vụ án Kit xét nghiệm Việt Á.
Qua những diễn biến chính trị gần đây, có thể nhận ra giữa ông Phạm Minh Chính và Nguyễn Xuân Phúc đang hình thành một liên minh tạm thời để đối đầu trước các đòn đánh chính trị của phe ông Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh đó, các ủy viên Bộ chính trị còn lại cũng đang có những toan tính cho riêng mình theo sau cuộc chuyển giao quyền lực của TBT Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, phải kể đến Bộ trưởng công an Tô Lâm, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng ban nội chính Trung ương Phan Đình Trạc... Đây đều là những thế lực đang có tham vọng chen chân vào hàng ngũ “tứ trụ”, nếu không sẽ phải về hưu sau vài năm nữa.
Từ những dữ kiện nêu trên, có thể thấy rằng, vấn đề TBT Nguyễn Phú Trọng “truyền ngôi” cho ai sẽ tiếp tục gây ra nhiều chia rẽ trong nội bộ đảng. Quy định số 80 vừa được ban hành là vũ khí giúp ông Trọng hợp thức hóa cho những quyết định nhân sự mang tính phe phái, nhưng những điều khoản độc đoán của nó sẽ là giọt nước làm tràn ly, có nguy cơ vấp phải sự chống đối từ phe đa số trong Ban chấp hành Trung ương đảng do liên minh Phạm Minh Chính và Nguyễn Xuân Phúc kiểm soát.
Dự kiến, Hội nghị Trung ương 6 của đảng sắp diễn ra sẽ không thể tránh khỏi cảnh gió tanh mưa máu, với các cuộc chiến tranh quyền đoạt vị diễn ra một cách khốc liệt trong giới lãnh đạo chóp bu của đảng cộng sản.