80 năm sau đề cương văn hoá 1943 - Dân Làm Báo

80 năm sau đề cương văn hoá 1943

Phạm Trần (Danlambao)
- Đảng Cộng sản đã ồn ào vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm cánh để tô son điểm phấn cho kỷ niệm 80 năm ngày ra đời “Đề Cương văn hóa” tháng 2 năm 1943, nhưng quên rằng đảng đã đàn áp trí thức không nương tay.

Bằng chứng đảng không coi trí thức và Văn nghệ sỹ ra gì đã xẩy ra trong vụ án Nhân văn-Giai phẩm ở miền Bắc từ 1955 đến năm 1958. Cuộc đàn áp Phong trào Văn nghệ sỹ phản kháng Đảng kiểm soát tư tưởng chính trị đã bị Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời Hồ Chí Minh vu oan: "Phong trào đã lợi dụng việc sáng tác văn nghệ để tuyên truyền chống Nhà nước, khởi nguồn từ một nhóm trí thức bị tình báo nước ngoài được cài ở miền Bắc lôi kéo, nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, phủ nhận quyền lãnh đạo chính trị và nhà nước duy nhất của Đảng Lao động Việt Nam, gây phương hại đến sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.”

Sau khi Quân Cộng sản chiếm miền Nam tháng 4 năm 1975, đảng lại tiến hành chiến dịch triệt tiêu nền Văn hóa nhân bản của miền Nam Việt Nam. Hàng ngàn cuốn sách đã bị tịch thu đốt, hàng trăm Văn nghệ sỹ và Trí thức thời Việt Nam Cộng hòa đã bị bắt vào tù lao động khổ sai. Nhiều người đã chết trong tù, kể cả hai Tác giả nổi tiếng là Thi bá Vũ Hoàng Chương (6/9/1976) và Học giả Hồ Hữu Tường (26/6/1980).

Hành động như thế tưởng đâu đã giết được nền Văn hóa tự do và khai phóng của miền Nam, nào ngờ nó vẫn âm thầm sống trong lòng người dân. Tiêu biểu cho nét hào hùng này là nền “Nhạc vàng” (Boleo) của miền Nam đã oai phong sống lại từ những năm 1990.

Tuy nhiên trong lĩnh vực Báo chí và sáng tác Văn học, đảng vẫn không cho tư nhân ra báo, làm truyền thông và cấm tự do sáng tác. Vì vậy, một bộ phân Văn nghệ sỹ và Trí thức không chịu phục tùng đảng đã đứng ngoài cuộc thờ ơ với lời kêu gọi góp sức của Nhà nước.

Vì vậy, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã yêu cầu các cấp thi hành 3 công tác:

-Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

-- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ người Việt có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và ngoài nước.

Nói như thế, nhưng đảng chưa bao giờ thi hành có kết quả 3 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về ”xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; về phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tổng kết Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.”

Vì vậy, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu: ”Các cơ quan Trung ương, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam phải thực hiện thật tốt quá trình tổng kết các nghị quyết nêu trên một cách căn cơ, toàn diện và sâu sắc. Trong quá trình này, phải nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tham gia xác đáng của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những quyết sách đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.”

(Diễn văn tại Hội nghị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão 2023, tổ chức tại Hà Nội ngày 16/2/2023).

Những con số vàng

Theo thống kê của đảng thì: ”Hiện nay, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tập hợp khoảng 2,2 triệu trí thức, nhà khoa học; Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam tập hợp hơn 40 nghìn văn nghệ sĩ. Ngoài ra, còn lực lượng hùng hậu các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực, đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.”

Riêng “Việt kiều”, ước tính có khoảng 700.000 chuyên gia, trí thức có trình độ từ Đại học trở lên trong cộng đồng hơn 5.3 triệu người Việt ở nước ngoài chủ yếu ở các nước: Mỹ, Pháp, Australia, Canada, Đức, Nhật Bản, Nga…

Đây là nguồn lực trí tuệ và kinh tế rất cần cho Việt Nam, nhưng tại sao họ không về giúp nước?

Lý do đơn giản vì Việt Nam không có tự do và dân chủ là môi trường cần có để thu hút nhân tài. Rất tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không muốn hiểu như thế nên chỉ nêu ra thắc mắc về Văn nghệ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 tại Hà Nội.

Ông phê bình: ”Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hoá chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hoá chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất.”

Ông Trọng còn lập lại phê bình của nhiều cấp lãnh đạo trước đây về tình trạng: "Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực… Đời sống văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Nhiều di sản văn hoá quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hoá còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hoá. Đầu tư cho văn hoá chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao…”

Nguyên nhân, theo lời ông Trọng, vì: ”Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hoá trong thời kỳ mới. Công tác giới thiệu, quảng bá văn hoá Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hoá nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là "vô văn hoá", "phản văn hoá").”

Tuy nhiên, lỗi của cán bộ chỉ là phần nhỏ, bởi vì ông Trọng đã nói: ”Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội.”

Như vậy, khi trí thức và văn nghệ sỹ bị đảng lãnh đạo, và bắt phải suy tôn Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh thì họ “phản kháng” để chống kìm kẹp tự do tư tưởng như các Văn nghệ sỹ miền Bắc đã làm trong vụ án Nhân văn - Giai phẩm (1955-1958).

Việc làm của Nhân văn-Giai phẩm không ngoài mục đích là chống bóp nghẹt tự do và đòi đảng tôn trọng tinh thần của Đề Cương văn hóa vì nó đề cao “nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong xây dựng nền văn hóa mới”.

Tuy nhiên, vẫn chứng nào tật ấy, đảng tiếp tục khống chế, thậm chí bỏ tù trí thức và văn nghệ sỹ từ sau ngày thống nhất đất nước năm 1975.

Văn Đoàn - nhà báo độc lập

Đó là lý do xuất hiện của hai tổ chức gồm Văn đoàn Đoàn độc lập Việt Nam (ngày 3/3/2014) tại Hà Nội do Nhà văn Nguyên Ngọc đứng đầu và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ra mắt ngày 4 tháng 7 năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh do Nhà báo Phạm Chí Dũng giữ vai Chủ tịch.

Nhà văn Nguyên Ngọc nêu lý do thành lập: ”Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc.”

Ông Nguyên Ngọc nhấn mạnh: ”Về mặt khách quan, một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng.”

Trong khi đó, Nhà báo Phạm Chí Dũng nêu lý do: ”Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là một hội "chuyên nghiệp báo chí độc lập", một tổ chức "xã hội dân sự", được thành lập vào ngày 4 tháng 7 năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh, có mục đích: "phục vụ cho các nhà báo không phân biệt người trong nước và người ngoài nước, các cộng tác viên báo chí độc lập, và cả những nhà báo quốc doanh".

Bị đàn áp

Tuy nhiên, đảng CSVN đã nhanh chóng khống chế, giải thế đến bỏ tù những người chủ trương.

Ban Vận động Văn đoàn Độc lập quy tụ những cây bút quen thuộc như Bùi Chát, Bùi Minh Quốc, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Đặng Tiến, Đỗ Lai Thúy, Đỗ Trung Quân, Giáng Vân, Hoàng Hưng, Nguyễn Duy, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang Lập, Phạm Đình Trọng...

Một danh sách khởi đầu 55 Văn nghệ sỹ được công bố, nhưng họ bị cấm hoạt động ngay từ lúc đầu. Thậm chí, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông, vào ngày 13/3/2018 đã ký chỉ thị 4112 ra lệnh “rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia Tổ chức ‘Văn Đoàn Độc lập’ ra khỏi Chương trình sách giáo khoa.”

Nhà nước cũng đã có thái độ gay gắt hơn đối với Hội Nhà báo độc lập, qua các hành động:

“Ngày 29 tháng 11 năm 2019, Chủ tịch Phạm Chí Dũng bị bắt giữ về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Ngày 24 tháng 5 năm 2020, Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thụy bị bắt tạm giam để điều tra về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Lê Hữu Minh Tuấn, một thành viên trẻ của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, tham gia từ 2015, vào ngày 12 tháng 6 bị cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh triệu tập làm việc và bắt đưa về Trại giam Chí Hòa.”

(Theo Bách khoa Toàn thư mở)

Tuy nhiên, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam may mắn hơn Văn đoàn Độc lập nhờ còn duy trì được tờ báo điện tử “Việt Nam Thời báo”. Tên người điều hành báo này đã được giữ kín.

Các Tổ chức Quốc tế như Văn bút Quốc tế (PEN Club), Nhà Tự do (Freedom House) và các Tổ chức Nhân quyền đã không ngừng lên án các vụ đàn áp Văn nghệ sỹ của Nhà cầm quyền Việt Nam. Họ tố cáo Việt Nam đang giam giữ từ 200 đến 300 “tù nhân lương tâm”, nhưng Việt Nam nói rằng những người này bị bắt vì vi phạm luật pháp.-/-

(02/023)

Phạm Trần


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo