Một nén nhang thơm cho những người bên kia trận tuyến - Dân Làm Báo

Một nén nhang thơm cho những người bên kia trận tuyến


Hoa Sương Tuyết (danlambao) - Những ngày này, trên các phương tiện thông tin đại chúng rầm rộ đưa tin về các hoạt động hướng tới kỉ niệm ngày Thương bình Liệt sĩ - 27/7. Sáng nay, tôi cùng đồng nghiệp đi viếng nghĩa trang liệt sĩ. Những vòng hoa, những nén nhang thơm, khói tỏa nghi ngút cả một vùng trời. Người ta tưởng niệm cho những người đã ngã xuống cho quê hương đất nước. 

Trên đường về, tôi chạnh lòng nghĩ đến những người lính bên kia trận tuyến, liệu có ngày nào để tưởng nhớ họ, liệu còn ai còn nhớ đến họ hay không?

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm nhưng những vết cắt của nó vẫn còn gây ra những thù hận cho đến ngày hôm nay. Ông tôi – một sĩ quan an ninh "ngụy" – vẫn thường bảo: “Chiến tranh là ý thức hệ. Cha con, anh em không cùng lí tưởng thì không ở cùng một chiến hào, thậm chí phải nổ súng (nếu cần). Chiến tranh là vậy cháu ạ!”

Con người ta sinh ra và lớn lên ai cũng có một lí tưởng để theo đuổi. Lí tưởng của anh khác của tôi, âu cũng là lẽ thường. Cũng chính vì vậy có người theo chủ nghĩa cộng sản người lại thờ phụng quốc gia cũng không có gì lạ. Nhưng hôm nay tôi không bàn đến tính đúng sai của cuộc chiến giữa hai miền Bắc – Nam mà người ta vẫn gọi là “nồi da xáo thịt”, chúng tôi muốn nói đến góc độ nhân văn của con người. Phần lớn người ta vẫn cho rằng: người lính VNCH chết đi thì đó là cái chết của kẻ bán nước còn người lính cộng sản ngả xuống đó là sự hy sinh thiêng liêng cho tổ quốc.

Tôi thì không nghĩ như vậy. Dẫu ở bên này hay bên kia trận tuyến, người lính vẫn là người đáng thương nhất. Họ lên đường vì bắt buộc hay tự nguyện thì đều có một điểm chung là những người xông pha nơi nguy hiểm, cái chết luôn cận kề với họ. Dẫu người nào ngả xuống cũng là niềm đau vô hạn: Mái đầu bạc tiễn mái đầu xanh, vành khăn trắng quấn lên đầu người thiếu phụ, đứa con chào đời chưa kịp thấy mặt cha. Tôi không nghĩ nỗi đau mà người thân của những người lính cộng sản phải gánh chịu lại cao hơn nỗi đau mà những người thân của những người lính ở bên kia. Nhưng thói đời vẫn vậy: “Thắng làm vua thua làm giặc”

Nhưng thôi, sau hơn 30 năm, bài học đoàn kết vẫn là bài học mà những người trong cuộc như chúng ta hôm nay cần phải học. Tôi còn nhớ một câu nói của ai đó rằng: người lính nào ngã xuống cũng đáng được vinh danh, được trân trọng vì họ ngả xuống cho quê hương đất nước, bất kể họ ở phía bên nào.

Xin hãy bỏ qua hận thù, bỏ qua lí tưởng mà chúng ta đang theo đuổi, bạn và tôi xin hãy thắp một nén nhang thơm cho những người đã ngã xuống ở phía bên kia chiến tuyến.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo