Biểu tình trên phố "còm" - Dân Làm Báo

Biểu tình trên phố "còm"

Thanh Nam - Viết đôi dòng này tôi muốn nhắn gửi đến những người bạn thân vẫn đang còn loanh quanh đâu đó trên phố “CÒM” rằng: thời khắc lịch sử thường xảy ra bất ngờ với những người không chủ động chờ đón. Để khám phá bản thân và có cơ hội chứng kiến những thời khắc lịch sử, không gì tốt hơn là trực tiếp tham gia vào quá trình vận động kiến tạo ra nó. Hãy đứng lên đi, sơn hà nguy biến, xin đừng vô cảm (**), đừng ngồi mãi ở đó mà băn khoăn với những câu hỏi: “Biểu tình lai rai thì đi đến đâu?“, “Đằng sau biểu tình là cái gì?” hay “Biểu tình chỉ mãi đi trên vỉa hè hay sao?” … 

Thế là một tuần làm việc căng thẳng đã trôi qua, giờ là lúc tha hồ “đánh võng” trên xa lộ thông tin mang tên DÂN TA, vào thăm các hãng thông tấn xã DÂN LẬP và đương nhiên là phải ghé qua mấy dãy phố “CÒM”. Ối chà, chưa đến “chủ nhật tươi hồng” (*) mà mà đã đông đáo để, bao nhiêu còm-sỹ với tên gọi thân thương “khách ẩn danh” (và cả “không thèm ẩn danh” nữa) đang hăng hái đăng đàn. Rất nhiều bài viết mang tin tức nóng hổi cùng với vô vàn “còm-men” đã được tung lên. Nào là câu hỏi đặt ra, nào là gợi ý để ngỏ, những dòng cảm ơn, những câu chúc tụng … và không thể thiếu những lời chê bai, những câu chọc ngoáy. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là những câu hẹn hò “gặp nhau vào sáng chủ nhật”.

Thú thật, trước đây tôi là một kẻ cầu toàn nên chỉ dám tham gia “biểu tình yêu nước” trên các phố “CÒM”. Nghĩa là chỉ cần một cái Laptop có phần mềm vượt tường lửa, cộng thêm một nickname thật đình đám với cái Avatar gây ấn tượng, thế là đủ hành trang để “xuống đường” biểu tình ở phố “CÒM” rồi. Quả thực đi biểu tình trên phố “CÒM” sướng thật. Mưa không tới mặt, nằng chẳng đến đầu, lại còn an toàn nữa chứ. Để tăng không khí sôi nổi thì cứ gọi thêm vài thằng bạn thân đến tụ tập là xong. Biểu tình kiểu này tha hồ “lai rai” cho đến lúc nào cũng được, ngay cả khi những người biểu tình trên phố đã về nhà đi ngủ từ lâu sau một ngày mệt nhọc. Hô khẩu hiệu thoải mái, kể cả những khẩu hiệu rất chi là nhạy cảm như “đả đảo bè này lũ nọ” mà không lo khản cổ hay bị ai bắt. Rồi lại còn tha hồ đọc các còm-men hóm hỉnh và vô vàn xờ-lô-gân “có cánh” … Thế nhưng mọi sự đã hoàn toàn thay đổi trong cái ngày 17/7 tàn khốc ấy. Nhìn hình ảnh đồng bào của mình đi biểu tinh yêu nước bị dồn đẩy thô bạo lên xe buýt, bị khiêng như súc vật, bị chà đạp không thương tiếc … được đăng đầy ắp trên các trang mạng, tôi thực sự bàng hoàng sửng sốt. Nhưng cũng thật cảm phục biết bao khi được xem hình ảnh những người yêu nước tiếp tục biểu tình tại Mỹ đình ngay sau khi được thả ra. Từ giờ phút đó tôi đã quyết định tạm biệt phố “CÒM” để hoà mình vào dòng người biểu tình yêu nước.

Hôm nay, khi trở lại phố “CÒM” với không khí thân quen, tôi chợt lấy làm tiếc cho những ai vẫn đang còn tự giam mình ở nơi đó mà chưa một lần dấn thân vào các cuộc biểu tình mỗi sáng chủ nhật. Ngẫm lại những gì đã diễn ra trong mấy tuần qua, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được tận mắt chứng kiến thời khắc lịch sử trong ngày 24/7 đáng nhớ, ngày đầu tiên tôi đi tham gia biểu tình.

Thời khắc lịch sử – không thể gọi khác được khi đoàn biểu tình cùng nhau vinh danh những tên tuổi Nguỵ Văn Thà, Trương Hồng Đào, Nguyễn Văn Phương … bên cạnh những tên tuổi Trần Văn Phương, Vũ Phi Trừ, Bùi Duy Hiển … Tất cả đều là con dân Đất Việt đã ngã xuống cho cùng một nghĩa lớn cao cả – giữ gìn chủ quyền biển đảo của Việt nam, dù trước đó họ thuộc về hai chiến tuyến đối lập. Lần đầu tiên trong lịch sử, sự hy sinh của những người vốn không nằm trong danh sách “Tổ quốc ghi công” đã được người dân yêu nước vinh danh ngay tại Thủ đô Hà nội.

Thời khắc lịch sử – chính xác là như vậy khi những người anh hùng ở trận chiến Hoàng sa, Trường sa đã cùng sánh vai nhau trong một đội ngũ, đồng hành với những người dân yêu nước đi biểu tình chống quân Trung quốc xâm lược. Cho đến tận lúc này, nước mắt tôi vẫn trào dâng lên mỗi khi nhớ về thời khắc lịch sử đó. Dù có ai đã cố tình quên các anh nhưng lịch sử dân tộc Việt nam cùng với những người dân yêu nước mãi luôn luôn nhớ.

Viết đôi dòng này tôi muốn nhắn gửi đến những người bạn thân vẫn đang còn loanh quanh đâu đó trên phố “CÒM” rằng: thời khắc lịch sử thường xảy ra bất ngờ với những người không chủ động chờ đón. Để khám phá bản thân và có cơ hội chứng kiến những thời khắc lịch sử, không gì tốt hơn là trực tiếp tham gia vào quá trình vận động kiến tạo ra nó. Hãy đứng lên đi, sơn hà nguy biến, xin đừng vô cảm (**), đừng ngồi mãi ở đó mà băn khoăn với những câu hỏi: “Biểu tình lai rai thì đi đến đâu?“, “Đằng sau biểu tình là cái gì?” hay “Biểu tình chỉ mãi đi trên vỉa hè hay sao?” … Tôi tin rằng khi đã hoà mình vào dòng người biểu tình yêu nước chống quân Trung quốc xâm lược, các bạn sẽ chiêm nghiệm được những cảm xúc diệu kỳ và mỗi chúng ta sẽ tìm ra những câu trả lời xác đáng cho riêng mình.

Chủ nhật này là ngày lễ Vu lan, tôi sẽ xuống đường biểu tình để tri ân những người đã ngã xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt nam.




Tác giả gửi cho Quê choa


__________

(*) – mượn lời của nhà văn Thuỳ Linh

(**) – nguyên văn một biểu ngữ trong cuộc biểu tình ngày 7/8/2001




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo