Nguyến Thế Trường (danlambao) - Mình định viết bài này từ hồi xảy ra cái chết của anh Nhựt ở Bình Dương, nhưng vì quá bận công việc và học hành lên vẫn chưa viết được. Nhưng đến hôm qua khi đọc bài trên mạng lại biết có thêm một cái chết oan khiên nữa của anh Lê Văn Trận ở Phú Yên. Thấy bức xúc không viết không được.
Dồn dập liên tiếp những các chết trong khi bị công an tạm giữ vậy mà không một vụ án nào được được điều tra cho có ngọn ngành, được đưa ra xét xử. Những kẻ gây ra tội ác vẫn tiếp tục nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và dĩ nhiên chúng sẽ lại tiếp tục gây tội ác một cách công khai hơn vì chúng biết rằng pháp luật đang bảo vệ chúng. Nhưng điều bức xúc hơn cả là tại sao không một quan chức cấp cao nào lên tiếng hay có một hành động gì để ngăn ngừa tình trạng này. Tôi tin rằng chỉ cần một vị quan chức cấp thứ trưởng của bộ công an lên tiếng là vụ án sẽ được đưa ra xét xử vì hầu hết những tên công an gây tội ác chỉ là những tên ở cấp bậc thấp.
Nhưng không họ đã im lặng? Tại sao?. Có phải vì mạng sống của người dân Việt quá rẻ mạt trong mắt các quan chức cấp cao, chết đi vài người cũng thế mà thôi hay là vì thói thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống đã trở thành một nét văn hoá “đặc sắc” của người Việt dưới chế độ cộng sản. Theo tôi có lẽ không phải vậy, họ biết thực trạng đó và họ biết những cái chết đó do ai nhưng họ đã chọn cách im lặng vì họ muốn truyền đi một thông điệp rất rõ ràng cho ngành công an đó là: Các anh là những con người được cưng chiều nhất đấy nhé, các anh thích làm gì thì làm, Đảng sẽ không trừng phạt tội ác của các anh đâu. Các anh được cưng chiều thì tất nhiên các anh phải trung thành với Đảng, các anh phải hiểu “Còn Đảng, còn mình”. Có ai cưng chiều các anh như thế không hả? . Họ cưng chiều công an để mua lấy sự trung thành, khi cần lực lượng này sẵn sàng xả thân mình kể cả bắn vào nhân dân để bảo vệ họ. Khi một chế độ sẵn sàng lấy mạng sống của người dân để đổi lấy sự trung thành thì mới thấy chế độ đó quay lưng lại với khát vọng và cuộc sống của nhân dân ở chừng mực nào.
Viết đến đây lại nhớ đến câu chuyện của ông Nguyễn Sinh Sắc, người thân sinh ra ông Hồ. Ông Sắc là quan tri phủ của một huyện. Chỉ vì trong lúc bực tức và uống rượu say đã ra lệnh cho một tên công sai đánh chết một kẻ trốn thuế vậy mà ông bị chính nhà vua Tự Đức phê án là “chém ngang thân”. Sau nhờ có các quan xin cho mới được tạm giam chờ xử, rồi trốn đi. Nếu ông có ở lại thì ông cũng khó mà thoát khỏi án tử. Sự việc này xảy ra trong thời kỳ mà chế độ phong kiến Việt Nam đang ở giai đoạn thoái trào và đất nước trong tình trạng chiến tranh. Hơn thế nữa ông Sắc là quan tri phủ chứ không phải là mấy tên công an quèn đánh chết người như bây giờ và ông cũng chỉ là người ra lệnh đánh để phạt kẻ trốn thuế kia chứ không hề có ý định đánh chết kẻ đó. Vậy mà nhà vua đích thân xử án và tuyên phạt tội tử. So sánh như vậy mới thấy mạng sống của người dân dưới chế độ phong kiến được coi trọng hơn hàng nghìn lần so với chế độ cộng sản bây giờ chứ chưa cần so sánh với chế độ dân chủ tiến bộ ở các nước.
Brisbane - Australia
*
Nghi can hiếp 2 thiếu nữ trên biển treo cổ tự tử
(VTC News) – Một trong 8 đối tượng đã chuốc rượu và cưỡng hiếp 2 cô gái giữa biển đã chết trong tư thế treo cổ tự tử trong nhà tạm giam.
Đại tá Nguyễn Nhất Tâm – Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên tối 12/8, cho biết: Nghi can Lê Văn Trận (SN 1985, ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên), một trong 8 đối tượng đã chuốc rượu và cưỡng hiếp 2 cô gái là G. (SN 1994, trú xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) và U (SN 1997, trú xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) vào chiều ngày 9/8 tại bãi biển thôn Phú Thọ 2, xã Hòa Hiệp Trung (VTC News đã đưa tin) đã chết trong tư thế treo cổ tự tử trong nhà tạm giam tại Công an huyện Đông Hòa.
Theo đó, khoảng 23 giờ tối 11/8, trong khi đi tuần tra, bảo vệ nhà tạm giam phát hiện Lê Văn Trận đang treo mình lủng lẳng trên trần nhà tạm giam.
Mọi người lập tức ùa lại, tìm cách hạ Trận xuống dưới đất để cứu chữa nhưng Trận đã ngừng thở, thân thể lạnh ngắt. Được biết Trận chết trong tư thế treo cổ bằng chính sợi dây vải lưng rút ra từ trong quần áo dành cho can phạm.
Ngay sau đó, các cơ quan chức năng của Phú Yên đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhưng đến giờ cũng chưa thể đưa ra kết luận.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ để xét xử các đối tượng còn lại trước pháp luật.
Hoàng Vân
*
Tình tiết mới vụ "một nghi can hiếp dâm chết trong nhà tạm giữ”
Lúc 13 giờ 30 cùng ngày, cơ quan công an đã tiến hành chôn cất Lê Văn Trận, người chết trong tư thế thế treo cổ tại nhà tạm giữ Công an huyện Đông Hòa đêm 11-8
Chiều 13-8, Đại tá Phạm Văn Hóa, Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết lúc 13 giờ 30 cùng ngày, cơ quan công an đã tiến hành chôn cất Lê Văn Trận (26 tuổi, ngụ xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên), người chết trong tư thế treo cổ tại nhà tạm giữ Công an huyện Đông Hòa đêm 11-8.
Lê Văn Trận là một trong tám nghi can của vụ hiếp dâm tập thể hai thiếu nữ tối 9-8 tại bãi biển xã Hòa Hiệp Trung đã bị Công an huyện Đông Hòa bắt khẩn cấp.
Theo Đại tá Hóa, sau khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi đã giao xác cho gia đình đưa về nhà mai táng. Tuy nhiên, gia đình cho rằng Trận chết không phải do tự tử nên không chịu đưa thi thể về nhà mà để tại nhà xác BV Đa khoa Phú Yên. Mặc dù các cơ quan chức năng động viên, thuyết phục nhưng do có người kích động nên gia đình Trận lúc nhận lúc không. “Căn cứ vào Điều 25 Nghị định 89/1998/NĐ-CP ngày 7-11-1998 của Chính phủ ban hành quy chế về tạm giữ, tạm giam, VKS, cơ quan điều tra đã cho phép làm thủ tục chôn cất đối với trường hợp này.
Trưởng nhà tạm giữ đã làm thủ tục khai tử với chính quyền địa phương và cơ quan công an đã chôn cất lúc 13 giờ 30 ngày 13-8 theo quy định” - Đại tá Hóa nói. Cũng theo Đại tá Hóa, các mẫu khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi sẽ được gửi đến Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an để giám định, sau đó có kết luận chính thức nguyên nhân tử vong của nghi can Lê Văn Trận.