Ngọc An - Minh Ngọc (Thanhnien) - Ước tính có hơn 20 triệu tin nhắn điện thoại đã bầu chọn cho vịnh Hạ Long trong cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Trong số tiền 630 đồng/tin nhắn bầu chọn, 300 đồng được chia cho Tổ chức NewOpenWorld để vận hành chương trình, quảng cáo..., 300 đồng cho đơn vị bưu chính viễn thông và nhà mạng theo quy định cước viễn thông, 30 đồng dành cho những khoản thuế, phí chuyển ngoại tệ theo quy định của nhà nước.
*
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều luồng thông tin trái chiều về cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới của Tổ chức NewOpenWorld.
Chương trình bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới trên trang new7wonders.com đã được tiến hành từ cách đây bốn năm. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã rút tên khỏi cuộc chạy đua bình chọn. Lý do được các quốc gia đưa ra là nghi ngờ tính khách quan của cuộc bầu chọn, thậm chí do nhà tổ chức yêu cầu số tiền lớn lên tới hàng triệu USD cho việc quảng bá, tổ chức lễ công bố... UNESCO cũng khẳng định không liên quan tới chiến dịch bầu chọn này. Nhiều ý kiến cho rằng Tổ chức NewOpenWorld (do một người Thụy Sĩ là ông Bernard Weber thành lập) đang tìm kiếm lợi ích kinh tế từ việc tổ chức bình chọn. Vừa qua, nhiều người nghi ngại khi trên trang web new7wonders.com, nhà tổ chức cũng đã cung cấp dịch vụ gửi giấy xác nhận bình chọn kỳ quan bằng file pdf với chi phí 2 USD.
Ông Trần Nhất Hoàng (Giám đốc Trung tâm xúc tiến văn hóa - thể thao - du lịch, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL) bày tỏ: “Theo thông tin tôi được biết thì có một địa danh đã bỏ cuộc vì họ thấy mức phí là quá cao, còn Indonesia không rút, thậm chí theo thông tin chính thức của tổ chức chiến dịch New 7 Wonder (N7W) thì tổ chức này từng cân nhắc chuyện loại Komodo của Indonesia ra khỏi danh sách, nhưng tiếng nói của người dân ở đó mạnh mẽ đến mức N7W buộc phải hủy quyết định này và đưa Komodo trở lại. Cuối cùng cũng nhờ tiếng nói mạnh mẽ của người bầu chọn mà Komodo đã có trong danh sách kỳ quan công bố vừa qua. Bầu chọn toàn cầu là vậy, tiếng nói của công dân thế giới là quan trọng”. Ông cho hay đối với Việt Nam, quan điểm của Bộ VH-TT-DL là tham gia cuộc bầu chọn theo tiêu chí quảng bá quốc gia, nhìn đây là một cơ hội quảng bá với quốc tế.
Thí sinh một cuộc thi sắc đẹp được huy động nhắn tin bầu chọn qua mạng - Ảnh: TTXVN
Ông Hoàng khẳng định trong suốt 4 năm tham gia chiến dịch, N7W không yêu cầu Việt Nam chi trả bất cứ khoản nào. “Về chi phí, trong 4 năm qua chúng tôi xây dựng đối tượng thực hiện vận động dựa trên những thuận lợi ngành và những nền tảng có sẵn của Bộ như tình nguyện viên là Đoàn thanh niên chuyên quảng bá miễn phí trên mạng, tuyên truyền tại các lễ hội, ngày văn hóa, hội chợ du lịch, giải đấu thể thao trong và ngoài nước, Bộ VH-TT-DL có hệ thống các cơ sở đào tạo, huấn luyện và cơ quan báo chí thuận lợi cho cuộc vận động, chúng ta không có lý do để phàn nàn về tốn kém, có hay không có cuộc này, chúng tôi vẫn thực hiện đầy đủ các lễ hội, hội thảo, hội chợ như trên trong và ngoài nước thường niên, cuộc vận động này cho thêm một điểm nhấn, thêm một thông điệp”, ông Hoàng cho biết.
Ước tính có hơn 20 triệu tin nhắn điện thoại đã bầu chọn cho vịnh Hạ Long trong cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Tuy nhiên, theo ông Trần Nhất Hoàng, quá trình đối soát và xác nhận con số cuối cùng cần hơn một tháng. Ông Hoàng cho biết trong số tiền 630 đồng/tin nhắn bầu chọn, 300 đồng được chia cho Tổ chức NewOpenWorld để vận hành chương trình, quảng cáo..., 300 đồng cho đơn vị bưu chính viễn thông và nhà mạng theo quy định cước viễn thông, 30 đồng dành cho những khoản thuế, phí chuyển ngoại tệ theo quy định của nhà nước.
Về kinh phí nộp cho N7W để tổ chức lễ đón nhận danh hiệu, ông trả lời: “Khi công tác đối soát hoàn tất, xác nhận đầy đủ phiếu bầu và có kế hoạch về lễ đón nhận, khi đó chúng ta mới nói đến vấn đề kinh phí tổ chức”.