Đối thoại - Dân Làm Báo

Đối thoại

Thư của Công An Nhân Dân (thư số 1) 

Công an nhân dân đang ngày đêm bảo vệ trật tự trị an cho nhân dân, thực thi luật pháp. Các bạn ghét công an vì các bạn là những người vi phạm pháp luật và người đầu tiên các bạn phải đối mặt vì việc làm sai của mình chính là công an.

Các bạn nói đến dân chủ, mong muốn có dân chủ, điều đó hoàn toàn chính đáng. Công an cũng là người như mọi người, cũng có những nhu cầu như mọi người và hiểu những gì đang diễn ra hơn ai hết trong đó có vấn đề dân chủ, quyền con người. 

Các bạn cần dân chủ? OK, nhưng các bạn có cho rằng mình sẽ sử dụng nó một cách hiệu quả? Tôi thì không tin lắm vào chuyện này, tôi quá hiểu cái loại quần chúng nhân dân như các bạn. Tôi đã từng học tập công tác ở nước ngoài và tôi nhận ra rằng ở những nước còn lạc hậu hơn chúng ta nhưng dân của họ hành xử văn minh hơn dân ta nhiều. 

Tôi đánh giá dân mình qua cách họ tham gia giao thông. Xe cấp cứu ư? mặc kệ, không phải chuyện của mình. Luật lệ ư? mặc kệ, mình cứ được việc mình đã v.v… nói chung cứ ra đường mà nhìn là biết khả năng sử dụng quyền dân chủ của dân ta. 

Tôi đánh giá dân mình qua cách họ cư xử với nhau. Va chạm nhỏ ngoài đường, chưa biết đúng sai, bạn có thể nhận được những câu thế này: “đi đứng kiểu gì đấy, mắt mù à”, hoặc bị chửi ngay (không thể nêu ví dụ được) hơn chút nữa là đâm chém nhau ngay. 

Còn nhiều chuyện lắm. Tôi không tin rằng qua đêm nay, đến sáng mai dân Việt Nam ta trở thành người văn minh biết sử dụng quyền dân chủ một cách đúng đắn. 

Dân chủ rất cần, nhưng cách mà các bạn định dùng nó có vấn đề qua động cơ hành động của các bạn. 


Thư phản hồi ( số 1)

Chào bạn công an nhân dân, 

Xin lỗi không biết phải gọi ông, bà hay phát ngôn nhân công an nhân dân, thôi thì tạm gọi là bạn công an nhân dân để dễ thảo luận, trao đổi phải không bạn, đồng ý chứ! 

Lâu lắm rồi mới được đọc lời văn nhẹ nhàng, có tính nhân văn cao hiếm gặp của công an nhân dân và người viết rất thích thú luận bàn những đề tài nổi cộm, bức xúc của đất nước, con người sống trong nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Để khách quan lẫn công bằng trong thảo luận, tranh luận, sẽ và không cắt bớt chữ nào trong bài viết của bạn, vì tương đối ngắn, có rất ít chữ nhưng lại chứa rất nhiều ý, khó có nhiều cá nhân trong ngành công an nhân dân làm được điều này. Qua đó có thể đánh giá bạn thuộc loại cán bộ có hạng chứ không thuộc hạng xòang vì đã từng công tác ở nước ngoài theo như lời bạn nói!? 

Để không làm mất thời giờ của nhau, người đọc lần lượt trích dẫn từng đoạn trong bài viết của bạn. 

Trong phần mở đầu bạn có viết: “công an nhân dân đang ngày đêm bảo vệ trật tự trị an cho nhân dân, thực thi luật pháp. Các bạn ghét công an vì các bạn là những người vi phạm pháp luật và người đầu tiên các bạn phải đối mặt vì việc làm sai của mình chính là công an.” 

Viết như thế, một là bạn chưa hiểu hết cái gọi là “thực thi luật pháp, bảo vệ trật tự trị an cho nhân dân!” Hai là bạn chỉ nói thật có một nửa, thậm chí là nói dối. Bạn có biết,”một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật đã là giả dối?” Bạn có chắc là công an nhân dân ngày đêm... thực thi luật pháp và người dân ghét công an vì vi phạm luật pháp, rồi phải đối diện với công an? Để tìm hiểu sự thật không khó, chỉ cần bạn chịu đọc báo của đảng và nhà nước, không cần phải vượt tường lửa đọc báo “phản đông lưu vong nước ngoài” sẽ thấy được bản chất công an nhân dân bảo vệ nhân dân, thực thi luật pháp như thế nào? 

Nếu “bị” rãnh hơn, bạn có thể tìm đến những điểm công an tác nghiệp,những trục giao thông xem công an thực thi luật pháp như thế nào. Chặn xe đòi hối lộ hay thực thi luật pháp? Khâu này có thể bao biện là có sự đồng tình của bên đưa và bên nhận! Thế còn những bộ ngành có trách nhiệm ở đâu không diệt trừ tệ nạn này, hay cố tình nuôi dưỡng tham nhũng, nuôi dưỡng bộ phận thực thi luật pháp nhưng cố tình vi phạm luật pháp? 

Không riêng người viết, bất cứ ai sống trong các nước dân chủ, kể cả bạn (theo như lời bạn khoe) thì chuyện diệt trừ không chắc, nhưng ngăn ngừa tham nhũng, hối lộ của công an giao thông có thể làm được. Tạm đưa ra hình ảnh cho bạn làm so sánh nhé! 

- Ở các xứ dân chủ, người vi phạm luật giao thông không hề bị giữ bằng lái xe, không bị giữ chìa khóa xe, bị đem xe về đồn, bị giam xe và nhất là không cần đóng phạt ngay địa phương mà người lái xe vi phạm. Chỉ cần nhận giấy phạt (nội dung giấy phạt có hai phần, một là đóng phạt, hai là kiện ra toà nếu nghĩ mình không vi phạm luật) là có thể tiếp tục cuộc hành trình (chỉ trừ trường hợp uống rượu quá mức qui định nồng độ cồn cho phép lái xe…) 

- Ở Việt Nam, khi công an bắt xe dừng lại, người tham gia giao thông, dù đúng luật giao thông hay không đúng luật giao thông, đều gặp rắc rối. Mục đích của công an giao thông đa phần, nếu không nói là hầu hết là tiền, không luật pháp gì cả? Cự cãi hả, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ “mời” anh về đồn. Giữ bằng lái xe, giam xe và phải đến ngay kho bạc được chỉ định mới đóng phạt được. Với truờng hợp này, những người ở tại chổ có thể vì bức xúc không “chung” hối lộ, chịu khó lên kho bạc đóng phạt lấy bằng lái, lấy xe về. Riêng những người ở nơi xa đến nhất là dân nông thôn lên thành thị, đều phải chung hối lộ để tránh nhận giấy phạt, vì ở nơi xa, chưa chắc một lần trở lại đóng phạt ở nơi bị phạt, lấy được xe và bằng lái về. Sự việc đó cứ diễn ra năm này sang năm khác, trước mắt nhiều người. Sự việc đó nói lên điều gì, có phải cố tình nuôi dưỡng sai phạm, nuôi dưỡng tham nhũng hối lộ không, bạn công an nhân dân? 

Đoạn kế tiếp bạn viết: “Các bạn nói đến dân chủ, mong muốn có dân chủ, điều đó hoàn toàn chính đáng. Công an cũng là người như mọi người, cũng có những nhu cầu như mọi người và hiểu những gì đang diễn ra hơn ai hết trong đó có vấn đề dân chủ, quyền con người.” 

Có thật sự bạn hiểu những gì đang diễn ra hơn ai hết trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền và bạn có thật sự hiểu dân chủ, nhân quyền như loài người bình thường hiểu hay phải hiểu dân chủ, nhân quyền theo chỉ đạo, định hướng? Nói bạn đừng buồn nhá,ngay lãnh đạo của bạn còn ngọng nghịu khi nói đến dân chủ, nhân quyền huống hồ chi bạn, chỉ nói hiểu hơn ai hết những gì đang diễn ra về dân chủ, nhân quyền chứ không nói rõ, không hiểu cũng như không có ý nghĩa gì cả?! Do đó, không cần phải bàn thêm vì dân chủ, nhân quyền được đảng, nhà nước hô hào “rỗng và tối” đúng không bạn công an nhân dân? 

Ở một đoạn khác bạn viết:“Các bạn cần dân chủ? OK, nhưng các bạn có cho rằng mình sẽ sử dụng nó một cách hiệu quả? Tôi thì không tin lắm vào chuyện này, tôi quá hiểu cái loại quần chúng nhân dân như các bạn. Tôi đã từng học tập công tác ở nước ngoài và tôi nhận ra rằng ở những nước còn lạc hậu hơn chúng ta nhưng dân của họ hành xử văn minh hơn dân ta nhiều.” 

Đúng mọi người đều cần dân chủ, cần quyền làm chủ đất nước thật sự, vì dân chủ là nền tảng để đưa đất nước đi lên và con người sống trong đó được hạnh phúc, được đối xử đúng là con người.Chứ không phải dân chủ mà những việc sinh tử liên quan đến mình, phải kiến nghị, phải xin phép trước những kẻ luôn miệng bảo mình là đầy tớ của nhân dân,lại coi mạng người như cỏ rác, đối xử với người dân như súc vật, bất chấp nguyện vọng chính đáng của toàn dân. 

Bạn cũng có ý nghi ngờ, người dân sử dụng dân chủ không hiệu quả như bạn và thể chế dân chủ xã hội chủ nghĩa dân chủ gấp vạn lần hơn dân chủ tư bản, phải không nào? Bạn, xin nhắc lại, bạn có đầy đủ quyền tự do để ngờ vực, bảo lưu chính kiến, vì đó là quyền tư do tư tưởng của bạn, không ai được quyền xâm phạm. Thế nhưng bạn khoe rằng đã từng học tập, công tác ở nước ngoài, có những nước lạc hậu mà hành xử văn minh hơn dân ta nhiều. Tạm cho lời bạn nói là đúng! Vậy có bao giờ bạn suy nghĩ, bạn nhận ra nguyên nhân sâu xa của hành đông kém văn minh của dân ta không? Có phải là do tàn dư mỹ ngụy không? Bạn có thể đổ lỗi hành động kém văn minh đó, cho bất cứ ai, cho ông trời, ông địa, ông thần thừ nào đó, nhưng tuyệt đối không nên đổ cho ông đảng, ông Hồ bạn nhé! 

Cám ơn bạn,vì đoạn văn dưới đây có sự kiện cụ thể,con người cụ thể, giúp cho người đọc có cơ hội bàn đến người, việc cụ thể, chứ không phải nói đến những cái trừu tượng, cái mơ mơ màng màng. Trong đoạn này bạn viết: “ Tôi đánh giá dân mình qua cách họ tham gia giao thông. Xe cấp cứu ư? mặc kệ, không phải chuyện của mình. Luật lệ ư? mặc kệ, mình cứ được việc mình đã v.v… nói chung cứ ra đường mà nhìn là biết khả năng sử dụng quyền dân chủ của dân ta.” 

Bạn công an nhân dân, người đọc gọi để cho bạn tỉnh lại, bạn có mơ ngủ không? Khả năng sử dụng quyền dân chủ, không dính dáng gì đến tham gia giao thông bạn ạ, có chăng là tham gia giao thông ít nhiều liên hệ đến văn hoá sống. Văn hoá sống này từ đâu ra, có phải do nhiều chục năm đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa và vì … lợi ích trăm năm trồng người của ông Hồ Chí Minh? Bạn có thể bác bỏ lập luận của người viết vừa nêu nhưng bạn không thể bác bỏ lời dạy của người xưa: “thượng bất chánh thì hạ tắc loạn”. Bạn kêu ca, phàn nàn người dân bất chấp luật lệ giao thông, thế bạn có thấy công an nhân dân thi hành luật pháp lại cố tình vi phạm luật pháp không? Ngoài ra nó còn do lỗi của bộ giao thông, kém tài, óc cạn mà ra (sẽ bàn đến trong một dịp khác). 

Trong đoạn kế tiếp bạn viết: “Tôi đánh giá dân mình qua cách họ cư xử với nhau. Va chạm nhỏ ngoài đường, chưa biết đúng sai, bạn có thể nhận được những câu thế này: “đi đứng kiểu gì đấy, mắt mù à”, hoặc bị chửi ngay (không thể nêu ví dụ được) hơn chút nữa là đâm chém nhau ngay.” 

Thật bạn không biết tại sao à? Nếu thế người đọc thật sự nghi ngờ thời gian học tập, công tác nước ngoài của bạn. Nhận thức của bạn quá kém, không học hỏi được gì trong thời gian học tập, sống trong xứ sở văn minh tiên tiến. Xin lỗi hỏi bạn đừng buồn, có phải bạn học tập, sống ở nước ngoài, Trung Hoa, Cuba, Triều Tiên? Bạn có biết ở các nước dân chủ văn minh, dù va chạm nhỏ hay lớn, bất luận đúng sai đều không xảy ra chửi lộn, đâm chém bởi xe cộ, vật dụng, đồ vật quí trong nhà đều có đóng bảo hiểm, những hư hao mất mát, có bảo hiểm bối thường, không chuyện gì phải đánh đấm cự cãi, đâm chém. Còn ở xứ ta, tài sản, xe cộ nếu bị cướp, bị tai nạn hư hại thì không biết đến bao lâu mới tạo dựng lại được nên họ sẵn sàng chết sống với cái mình có, đó là phản ứng tự nhiện, đương nhiên của con người không chuyện chi đáng chê trách. Có chăng là trách lãnh đạo nhà nước tồi dỡ không nhận ra cái hay, đẹp của xứ người, áp dụng vào xứ mình, mọi thứ tệ hại đều đổ lỗi cho người dân! 

Phần kết bạn viết:“Còn nhiều chuyện lắm. Tôi không tin rằng qua đêm nay, đến sáng mai dân Việt Nam ta trở thành người văn minh biết sử dụng quyền dân chủ một cách đúng đắn. Dân chủ rất cần, nhưng cách mà các bạn định dùng nó có vấn đề qua động cơ hành động của các bạn.” 

Có phải bạn muốn nói, còn nhiều chuyện lắm, nói hoài không hết. Người viết cũng thế, nói về dân chủ cộng sản sẽ không bao giờ chấm dứt và người viết cũng hiểu ý bạn muốn nói, không thể qua một đêm mà người dân Việt Nam biết sử dụng quyền dân chủ một cách đúng đắn. Xin hỏi bạn rằng sử dụng quyền dân chủ như thế nào là đúng đắn và thế nào là không đứng đắn? Và bạn cũng có nói dân chủ rất cần nhưng mà cách các bạn định dùng có vấn đề qua động cơ hành động của các bạn? Thật đoạn kết của bạn quá tối nghĩa. Nếu có thể được bạn nói rõ hơn để chúng ta bàn tiếp được không bạn công an nhân dân? Hy vọng được thảo luận quanh chủ đề dân chủ với bạn công an nhân dân hoặc lãnh đạo của bạn trên diễn đàn này. 


Thư Phản Hồi của CAND (thư số 2)

Thân gửi Le Nguyen (cứ tạm xưng hô như vậy nhé cho nó dễ chịu) 

Các bạn đang nhìn nhận CA qua một bộ phận của nó. Nhìn nhận như vậy là chưa đầy đủ và không khách quan. Tuy nhiên, nó lại là cái “sờ sờ” hàng ngày, đập vào mắt bàn dân thiên hạ. Cứ lấy cái này mà chỉ trích CA thì quả thực khó ai có thể thanh minh nổi. Tuy nhiên, công tác của CA được tiến hành trên nhiều lĩnh vực, chắc các bạn biết cả nhưng cố tình quên đi với các lý do của mình. Các bạn thường hay quy chụp sự việc hiện tượng cụ thể thành cái phổ biến, thành bản chất. Nói chung các bạn chưa đúng khi nhìn nhận CA qua lăng kính “mặc cảm”, còn CA thì lại chưa làm được việc xóa đi mặc cảm đó. Tôi cũng thấy buồn cho điều này, nhưng tôi tư duy và hành động theo hướng làm cho sự việc tốt hơn thay vì loại bỏ nó như các bạn. Đó là quan điểm của tôi. 

Bạn muốn tôi trình bày thế nào là dân chủ, tôi nghĩ là không cần thiết vì đó không phải là cái khiến chúng ta đấu tranh gay gắt với nhau. Thực ra chúng ra đang đấu tranh với nhau là con đường đi tới và phương pháp thực hiện dân chủ. Các bạn đang ra sức chứng minh con đường của chúng tôi là sai, còn các bạn là đúng. Cuộc đấu tranh này diễn ra từ khi rất nhiều người trong số chúng ta ở đây chưa ra đời. Hơn 20 năm trước, cán cân khá thăng bằng, có lúc nghiêng về phía chúng tôi. Hơn 20 năm gần đây, cán cân nghiêng về phía các bạn, đó là một thực tế không thể phủ nhận. Lý luận của chúng tôi (cho con đường đi tới cái đích chung dân chủ, tự do, ấm no….) đã thực sự khủng hoảng, mà như nhiều người nói nó đã bị ném vào sọt rác tại chính quê hương sinh ra nó. Thực tế là như thế đấy, bọn tôi cũng đau lắm chứ và vẫn đang lùng nhùng chưa có lối ra. Giờ thì sao đây? 

Các bạn muốn loại bỏ hoàn toàn chúng tôi, nhu cầu đó cũng chẳng có gì là sai bởi việc thay một “cái cũ” tồi tệ bằng “cái mới” tốt hơn cũng là điều nên làm. Các bạn cứ tiếp tục làm đi, nếu các bạn thành công, tôi tin dân ta sẽ được nhờ. Còn chúng tôi sẽ lại trở thành “phản động” và chấp nhận đi “tập trung giáo dục cải tạo” dưới tay các bạn. Có sao đâu! 

Chúng tôi muốn tiếp tục tồn tại để sửa chữa và hoàn chỉnh mình, cũng với mục đích thay “cái cũ” bằng “cái mới” tốt hơn nhưng theo cách tự mình thực hiện (chẳng lẽ là điều không nên làm?) và nhu cầu này của chúng tôi cũng chính đáng không kém. Chúng tôi cũng đang cố gắng làm, nếu thành công, dân ta ắt cũng được nhờ. 

Vậy là chúng ta tiếp tục đấu tranh với nhau để đạt được mục đích của mình, loại trừ lẫn nhau là điều khó tránh khỏi, nên việc thường giành cho nhau những thứ không dễ chịu chút nào cũng là điều thường tình. Trên mặt trận đấu tranh này, CA đương nhiên là người các bạn thường giáp mặt. Trong hoàn cảnh này biết làm thế nào để có được cảm tình của nhau đây? 

Vài ý phản biện khác của bạn tôi cũng không định tranh luận thêm. Nhưng ý tôi đại khái là, dân chủ cho mỗi người thì mỗi người khi dùng nói thì cũng nên tôn trọng quyền của người khác. 


Thư Phản Hồi (thư số 2) 

Chào bạn công an nhân dân, 

Rất vui khi nhận được phản hồi chừng mực, đỉnh đạt, văn minh đúng phong cách của một người được học tập, sống và làm việc ở nước ngoài. Trong phản hồi bạn có ý trách người viết nhận xét về công an nhân dân chưa đầy đủ, không khách quan rất khéo, rất nhẹ nhàng. Cứ tạm cho là bạn đúng, chưa cần phải bàn thêm, vì những ý phía sau của thư phản hồi này rất quan trọng, cần bàn hơn. 

Điểm nổi bật cũng như ý tưởng làm nền cho các lập luận phản hồi của bạn nằm trong hai từ “loại bỏ” trong tiến trình thực hiện dân chủ cho Việt Nam. Bạn với người viết cùng công nhận giá trị dân chủ, đều thấy cần phải thực thi dân chủ cho Việt Nam nhưng mỗi người, có một phương cách khác nhau. Luận điểm đó hoàn toàn đúng, nếu chỉ nhìn hời hợt, bên ngoài kiểu dáng dân chủ mà chưa đi sâu vào bên trong thực chất dân chủ. Bạn đã rơi vào trường hợp này, nhận thức dân chủ trên bề mặt nặng hình thức, chưa vào chuyên sâu để hiểu đúng, đủ dân chủ. Tại sao nói thế? Chính ngôn ngữ “loại bỏ”như sợi chỉ xuyên suốt trong lý luận đã chỉ ra cho người viết biết tư duy, nhận thức dân chủ của bạn! 

Đấu tranh “loại bỏ” để giành, để cướp quyền lực chính trị đã xảy ra trong quá khứ của chính thể độc tài quân chủ, độc tài quân phiệt và độc tài cộng sản... Do vậy, bạn một cá nhân trong chính thể còn lạc hậu đó, nên vẫn mang nặng mặc cảm, tư duy cũ của “ thắng-bại” được làm vua thua làm giặc, chưa bắt kịp tư duy “đồng thành” cả hai cùng thắng, cả hai cùng có lợi của thời hiện đại, thời kỹ thuật số. 

Bạn có biết, chúng ta đang sống trong thời đại dân chủ, ý tưởng “loại bỏ” đã không còn đất diễn. Mọi cuộc đấu tranh giành quyền lực chính trị trong thời đại dân chủ của thể chế dân chủ thực sự, đều diễn ra trong hoà bình. Mọi cuộc tranh đua trong mùa bầu cử, các đảng phái chính trị, các ứng viên tranh lấy chính quyền hừng hực khí thế, hùng hổ tranh luận như ăn tươi nuốt sống lẫn nhau, sôi nổi hào hứng, bừng bừng khí thế không thua kém bất cứ cuộc tranh tài thể thao nào. Cuối cùng, các đối thủ cạnh tranh chính trị dù thắng hay bại đều không xem nhau là kẻ thù, họ xem chuyện giỏi thắng dỡ thua là chuyện bình thường của chính trị. Họ, các đối thủ chính trị đến bắt tay nhau, ôm nhau chúc cho nhau những điều tốt đẹp, rồi cùng nhau góp phần tài năng trí tuệ phát triển quốc gia, phụng sự xã hội. Còn hình ảnh đấu tranh chính trị nào đẹp hơn hở bạn công an nhân dân? 

Bàn đến đây người đọc thấy đã tạm đủ, nhưng cũng xin nói thêm một vài điểm không đặc biệt quan trọng mà người đọc xem ra thấy bạn rất băn khoăn. Đó là ý nghĩ: “nếu thua trong cuộc đấu tranh này, bạn sẽ trở thành phản động, sẽ bị đưa đi tập trung giáo dục cải tạo”. Bạn cứ an tâm, trong thể chế chính trị dân chủ không ai đứng trên, đứng ngoài luật pháp và không có ai là ngoại lệ trước pháp luật, kể cả những cá nhân có “nhân thân”tốt, hoặc có công với “cách mạng”. Mọi người sẽ chưa là “phản động”, sẽ không bị đi “tập trung giáo dục cải tạo”, nếu chưa có kết luận qua xét xử công bằng của toà án! 

Trước khi kết thúc, người đọc thấy có câu hỏi trong thư của bạn khá tình cảm, hiếm thấy ẩn chứa trong tư tưởng của những người cộng sản mê, cuồng: “Trong hoàn cảnh này biết làm thế nào để có được cảm tình của nhau đây?” Xin đáp lời bạn để thay cho lời kết: “Hãy đối xử với nhau trên tinh thần Việt, con dân Việt, không quốc gia, không cộng sản và không chỉ với người viết này mà ngay cả những bạn khác đang đối diện với bạn trong các trại tù trải dài từ Bắc xuống Nam Việt Nam, bởi các bạn ấy cũng như tôi và bạn chung giòng máu Tiên Rồng, cùng một ước mơ tự do dân chủ.” 

Hẹn gặp lại bạn. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo