Dân "nổ súng" chống chính quyền ! - Dân Làm Báo

Dân "nổ súng" chống chính quyền !

Long Viet Nguyen - Khi các dự án ùn ùn mọc lên át dần màu xanh đồng lúa, người nông dân ngơ ngác nhìn thời buổi xoay vần. Đền bù với giá chưa đủ mua vài cân thịt cho mỗi mét vuông, tấc đất tấc vàng thuở nào nay đã rơi vào tay các ông chủ mới. Công lý không được xác lập thì kiện tụng gia tăng, đền bù thoả đáng cho nông dân mất đất đang trở thành nỗi nhức nhối thời nay.

Đăng đàn trước Quốc hội, ông Bộ trưởng Bộ TN-MT loan báo Chính phủ đang tìm cách sửa Luật đất đai và sửa cả 6 Nghị định xác định mức đền bù cho dân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Ông bộ trưởng hứa sẽ tìm cách sửa luật để đền bù cho nông dân giá đất sát dần với giá thị trường, ngoài ra Nhà nước sẽ đền bù những thiệt thòi vô hình khác như mất việc, mất quê và đủ loại bối rối khi dân phải di dời.

Làm luật cũng như bốc thuốc, bắt bệnh trúng thì mới mong thuốc có công hiệu. Vì sao đất ruộng chỉ được đền bù với giá 80-160 ngàn đồng cho mỗi mét vuông, để sau khi trở thành đất dự án, chúng được sang tay với giá cao gấp bội. Lãi ấy Nhà nước và nông dân đều không được hưởng, chúng róc rách chảy vào túi những ông chủ dự án và người có quyền biến hoá ruộng thành dự án. Nguyên căn của bệnh ấy là nông dân không có quyền làm chủ trên thủa đất mình đang canh tác. Ông chủ thật chính là những người có quyền lập, phê duyệt dự án, quyết định thu hồi đất, di dời và nếu cần thiết thì giải toả nông dân.
Vụ xả xúng chống lệnh cưỡng chế tại Hải Phòng (Ảnh Pháp luật TPHCM)

Ở xứ nào cũng vậy, vì mục đích công, Nhà nước đều dự liệu quyền trưng mua, trưng dụng đất tư, song phải mua hoặc đền bù thoả đáng theo thời giá thị trường. Điều ấy cũng đúng với nước ta, đất đai thuộc sở hữu toàn dân không có nghĩa là chỉ riêng cơ quan nhà nước mới có quyền định giá đất theo tiêu chí chủ quan của mình. Đất đai khi đã giao cho các hộ nông nghiệp thì quyền dùng đất ấy cũng là của nông dân, muốn lấy lại vì những mục đích công, Nhà nước phải trưng mua quyền ấy theo thời giá thị trường.

Khác với trưng dụng vì mục đích công như xây dựng đường xã, trường học, nếu các ông chủ muốn biến ruộng thành đất công nghiệp hoặc đất ở, thì thủ tục mua lại quyền sử dụng đất của nông dân càng phải tuân theo nguyên tắc thị trường hơn nữa. Muốn giúp nông dân mặc cả với giới chủ, phải giúp nông dân có nhiều thông tin chi tiết hơn về dự án, tạo cơ hội cho họ so sánh thiệt hơn, giúp họ liên kết và có năng lực đại diện tập thể trong các cuộc thương thảo với những ông chủ vượt xa họ về năng lực tài chính và sức mạnh quan hệ với quan chức chính quyền.

Cách tính giá đất hàng năm của UBND các tỉnh có những nét quan liêu tựa như Bộ Y tế ấn định người thấp dưới 145 cm không được lái xe máy. Công khai quy hoạch, bắt buộc đấu giá đất cạnh tranh, ông chủ nào trả giá cao và thân thiện hỗ trợ nông dân chuyển nghề hoặc di dời nơi ở sẽ có nhiều cơ may nhận được dự án. Những bảng giá đất, dù được thiết kế phức tạp với đủ loại hệ số, dù được cập nhật hàng năm, vẫn chỉ là những ấn định quan liêu của cơ quan nhà nước. Trên thực tế, do nông dân mất đất quá thiệt thòi, để thực hiện được dự án, các địa phương đều phải hỗ trợ thêm kinh phí với đủ loại tên gọi như bồi thường hoa màu, hỗ trợ chuyển nghề, hỗ trợ di dời, cấp đất dịch vụ. Cũng như thế, cá biệt nếu có hộ không chịu di dời, nhiều nhà đầu tư phải lặng lẽ “đi đêm” với họ.

Vì lẽ ấy, ai nhận ra nỗi khổ của người nông dân mất đất và tìm cách làm họ bớt ngôi ngoai nỗi buồn mất nghiệp, mất quê? Song dường như chính sách đền bù chưa thỏa đáng để nâng cao vị thế của nông dân thành người chủ trên mảnh đất của mình. Họ xứng đáng được hưởng như vậy, bởi một nhà nước của dân trước hết phải là một nhà nước của hơn 50 triệu nông dân. Nếu không làm được như vậy, người nông dân mất đất, mất nghiệp ấy sẽ sẵn sàng chống trả những bất công của chính quyền đang hành động vì lợi ích của những ông chủ dự án.

Long Viet Nguyen


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo