Hãy là công dân danh dự của Hoàng Sa - Dân Làm Báo

Hãy là công dân danh dự của Hoàng Sa

Dân Làm Báo - "Đó là một hiến kế mà ông Bùi Văn Tiếng - trưởng Ban tổ chức Thành ủy kiêm chủ tịch Hội Nghiên cứu lịch sử TP Đà Nẵng - đưa ra với Tuổi Trẻ ngay trong ngày đầu năm mới". Trước khi mời các bạn đọc tiếp bài viết của Tuổi Trẻ, Dân Làm Báo xin "hiến" ngay lời đề nghị một vài công dân tiêu biểu và xứng đáng nhất sau đây là những công dân danh dự của Hoàng Sa:

Phạm Thanh Nghiên - người đã tọa kháng ngay trong nhà của mình để lên tiếng bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trong đó có Hoàng Sa; Người đã lên tiếng bằng hành động dũng cảm "chúng ta không thể quên. Vì một phần thân thể của đất mẹ vẫn còn bị cắt đứt. Chúng ta không thể cúi đầu. Vì danh dự và tự hào dân tộc vẫn là một vết nhục chưa được xóa nhòa. Chúng ta không thể im lặng. Vì im lặng là đồng ý với hành động bán nước. Chúng ta không thể buông xuôi. Vì mọi sự thờ ơ và buông xuôi sẽ dẫn đến những hành động bán nước tiếp diễn trong tương lai. Chúng ta, không những phải nỗ lực lấy lại những gì đã mất, mà còn phải ngăn chận những gì sẽ mất trong tương lai..."

Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải - người cựu chiến binh, blogger tiên phong với phong trào Dân Báo, người đã tham gia cùng với sinh viên học sinh biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa vào tháng 12.2007 trước Tòa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sài Gòn và sau đó, cùng với nhóm Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do và một số văn nghệ sĩ biểu tình trước Nhà hát thành phố vào ngày 19.1.2008 - ngày mà 34 năm trước Hoàng Sa đã bị mất vào tay Trung Quốc. 


Ts Cù Huy Hà Vũ - người đã tuyên bố rằng tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông là "quá rõ ràng" với sơ đồ gồm 9 đoạn hình "lưỡi bò", đồng hành quân sự với Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc là "mệnh lệnh của thời đại" và đề nghị công nhận liệt sĩ cho các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh khi đánh nhau với Trung Quốc ở Hoàng Sa năm 1974.



Luật sư Lê Công Định - Người đã chấp bút thảo bản tuyên bố của Đoàn Luật sư Tp HCM trong đó long trọng xác định "quyết định phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa của Quốc vụ Viện Trung Quốc là sự phủ nhận lịch sử và bất chấp công lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa; Hoàng Sa và Trường Sa đã, đang và sẽ mãi mãi là lãnh thổ không tách rời và bất khả xâm phạm của Việt Nam cả về phương diện pháp lý lẫn phương diện thực tế".


Bùi Thị Minh Hằng - Người đã có mặt trong tất cả những lần biểu tình hợp hiến để phản đối hành vi xâm lăng biển đảo của Trung Quốc. Người đã thực hiện những lời hứa của mình bằng thái độ quyết liệt: "Là một người con của Tổ Quốc Việt Nam, Minh Hằng nguyện hứa sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ Quốc. Là một công dân yêu nước, Minh Hằng sẽ làm tất cả để chống lại những điều sai trái để góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn."


và Trung tá Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa - Ngụy Văn Thà - thuyền trưởng hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ-10, người đã ở lại tàu tử thủ và hy sinh để bảo vệ tổ quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa với quân xâm lược Trung Quốc vào ngày 19 tháng 1 năm 1974. Cùng với ông là 73 tử sĩ khác đã đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa, đã cống hiến tuổi thanh xuân, cuộc đời và mạng sống của họ cho Tổ Quốc- Danh Dự - Trách Nhiệm


Và dĩ nhiên, còn rất nhiều người khác xứng đáng là công dân danh dự của Hoàng Sa.

*

Hãy là công dân danh dự của Hoàng Sa 

TT - “Điều quan trọng hơn bây giờ là phải chuẩn bị cho một phiên tòa quốc tế và việc kết nạp công dân danh dự cho Hoàng Sa là cách huy động lực lượng nhằm chuẩn bị cho việc đấu tranh vì công lý: Hoàng Sa là của Việt Nam!”.

Đó là một hiến kế mà ông Bùi Văn Tiếng - trưởng Ban tổ chức Thành ủy kiêm chủ tịch Hội Nghiên cứu lịch sử TP Đà Nẵng - đưa ra với Tuổi Trẻ ngay trong ngày đầu năm mới. 

Ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh: “Mong muốn trở thành công dân của mình như là một tâm nguyện, ột sự gắn bó, một lời khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa”. 

Học sinh Trường THCS Trần Quý Cáp, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng tìm đọc tư liệu trong cuốn Ký ức Hoàng Sa do UBND huyện đảo Hoàng Sa sưu tầm và biên soạn - Ảnh: ĐĂNG NAM

Ai cũng có quyền trở thành công dân của Hoàng Sa 

Ông Bùi Văn Tiếng - Ảnh: Tấn Vũ

* Với tư cách là người nghiên cứu lịch sử, ông có hiến kế gì để đòi lại Hoàng Sa bằng giải pháp hòa bình?

- Trước hết phải tăng cường xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu về Hoàng Sa. Việc thứ hai, theo tôi, lâu nay huyện đảo Hoàng Sa đã có chức danh chủ tịch và có công chức phụ trách huyện. Nếu xem chủ tịch và các công chức này là công dân Hoàng Sa thì cũng được, nhưng nói chung Hoàng Sa mới dừng lại ở công chức chứ chưa có công dân. 

Chính vì vậy để huyện đảo Hoàng Sa trở thành một thực thể chính trị xã hội sinh động, góp phần vào công cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa thì Hoàng Sa của chúng ta phải có công dân. Từ đó tôi mới nghĩ đến việc nên chăng chúng ta phát động một cuộc đăng ký trở thành công dân danh dự của huyện Hoàng Sa. 

Trên thế giới việc trở thành công dân danh dự cũng khá phổ biến. Ví dụ những TP lớn, người ta mời những người ưu tú, tất nhiên là số ít, một vài người trở thành công dân danh dự của TP. Đó là một hình thức tôn vinh. Còn ở bối cảnh của chúng ta lại hoàn toàn khác. Trở thành công dân danh dự cho một vùng đất đang bị tạm chiếm trái phép thì công dân danh dự thể hiện tình cảm của người đăng ký với quê hương của mình. Mong muốn trở thành công dân của mình như là một tâm nguyện, một sự gắn bó, một lời khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa chứ không phải là một hình thức nhằm tôn vinh cá nhân nào đó như các nước trên thế giới.

* Vậy đối tượng sẽ như thế nào?

- Tôi là người Đà Nẵng, tôi ở quận Hải Châu, quận Thanh Khê hay bất kỳ quận nào trên địa bàn TP này đều có quyền đăng ký để trở thành công dân danh dự của Hoàng Sa. Không chỉ ở Đà Nẵng mà tất cả các địa phương khác trên cả nước, thậm chí người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài hay tất cả mọi người trên thế giới này đều có quyền đăng ký để trở thành công dân danh dự Hoàng Sa. 

* Nhưng thưa ông, làm sao để tổ chức hoạt động cho những công dân danh dự này. Tức là khi đã trở thành công dân danh dự rồi thì họ sẽ làm những gì để cống hiến, đóng góp? 

- Theo tôi, họ có thể làm rất nhiều việc cho quê hương của mình, nhưng trước tiên là làm ba việc. Với những người giỏi ngoại ngữ (Anh, Hoa, Nhật, Pháp, Bồ Đào Nha...), đặc biệt là những người ở các nước sở tại hoàn toàn có thể sử dụng năng lực ngoại ngữ của mình “thâm nhập” vào các thư khố, trung tâm tư liệu để tìm kiếm tài liệu cổ trong các thư tịch cổ nhằm góp phần khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Mà cái đó hiện nay bản thân người Việt chưa có nhiều điều kiện, đặc biệt là người Việt trong nước. Lâu nay người Việt cũng có một số người làm (các nghiên cứu sinh, làm luận án về Hoàng Sa) nhưng họ chỉ làm trong phạm vi luận án của họ thôi. 

Còn với những người giỏi về luật pháp, nhất là luật pháp quốc tế, họ sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về việc tranh chấp chủ quyền biển đảo, quyền tài phán trên biển... Tất cả những vấn đề này nhằm giúp tư vấn cho Chính phủ Việt Nam khi vấn đề Hoàng Sa được đưa ra tòa án quốc tế, khi đó chúng ta có đầy đủ tài liệu để tranh tụng trước tòa. Đó là nhóm những chuyên gia về ngôn ngữ và chuyên gia về luật pháp. 

Với số đông các công dân danh dự khác thì tùy theo điều kiện sinh sống, làm việc và đang ở bất kỳ đâu đều có thể trở thành những tuyên truyền viên về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Một người hay một nhóm người nói thì có thể chưa có sức mạnh, nhưng một trăm nghìn người, một triệu người hay cả trăm triệu người cùng đồng lòng nói thì vấn đề sẽ khác đi nhiều. 

Hợp với ý nguyện, lòng dân 

* Nhưng để triển khai trong thực tế thì phải như thế nào, thưa ông? 

- Vâng, đó là ý tưởng, còn để triển khai được thì cần phải có ý kiến từ cấp Chính phủ. Chính phủ phải cho phép vì nó liên quan đến đối nội, đối ngoại và Bộ Ngoại giao phải vào cuộc cùng với UBND huyện đảo Hoàng Sa của TP Đà Nẵng. Khi ấy UBND huyện đảo Hoàng Sa chỉ cần mở một trang web và người dân vào đó để đăng ký trở thành công dân danh dự cho huyện của mình. Không chỉ người Việt mà chương trình này mở cho tất cả mọi người, tất cả những ai yêu quý Hoàng Sa, yêu quý chân lý Hoàng Sa là của Việt Nam đều có quyền đăng ký tham gia. 

* Khi đã trở thành công dân danh dự của Hoàng Sa thì Nhà nước có cấp cho những công dân danh dự ấy một loại giấy tựa như giấy CMND hiện nay không?

- Theo tôi, sau khi tập hợp được rồi thì chúng ta sẽ tiếp tục tính đến vấn đề đó. Cái quan trọng trước mắt bây giờ là làm sao tổ chức cho họ đăng ký và tập hợp được lực lượng theo từng nhóm, từng vùng, từng quốc gia. Khi ấy, đại diện cho chính quyền huyện Hoàng Sa có thể sang Ý, sang Pháp, sang Bồ Đào Nha... để kết nối gặp gỡ nhóm các công dân danh dự của huyện mình thông qua đại sứ quán tại các nước. Nói một cách nôm na là giống như họp đồng hương vậy, rồi thông qua đó có thể nhờ họ làm một số việc gì đó liên quan đến tư liệu Hoàng Sa...

Hay như trong nước thì bằng cách làm này chúng ta có thể huy động nhiều nhà nghiên cứu, nhiều công dân có trách nhiệm với Tổ quốc có thể vào thư khố của các chế độ cũ tại Đà Lạt hay tại TP.HCM để tìm kiếm, sao chụp tài liệu chuyển cho UBND huyện đảo Hoàng Sa. 

* Ông có nghĩ ý tưởng của ông sẽ được chấp thuận? 

- Tôi nghĩ cấp trên sẽ chấp thuận vì qua dư luận ban đầu cho thấy hầu như 100% đều đồng tình ý tưởng trên. Ngay như ngư dân Mai Phụng Lưu (Lý Sơn, Quảng Ngãi) khi gặp tôi cũng trăn trở là làm sao để ông có thể trở thành công dân Hoàng Sa. Chứ một năm có đến cả chục lần bước chân lên các đảo ở Hoàng Sa mà chưa phải là công dân của vùng đất mình yêu quý đó thì nghe vô lý quá. Vậy nên tôi nghĩ Chính phủ nên cho triển khai ý tưởng này và tôi tin rằng ai là người Việt cũng sẽ đăng ký là “công dân danh dự của Hoàng Sa”. 

Ngay sau lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mọi vấn đề xem ra rõ ràng rồi. Và tất cả những điều mà chúng ta đang nói ra đây nếu trở thành hiện thực sẽ rất tốt cho chúng ta sau này. Mọi thứ quan trọng hơn rất nhiều bây giờ là chuẩn bị cho phiên tòa quốc tế và việc kết nạp công dân danh dự cho Hoàng Sa là một cách huy động lực lượng. Cả trăm người cùng tìm ra một bản đồ giống như nhau ở nhiều quốc gia khác nhau sẽ khác xa với một người tìm ra một bản đồ ở một quốc gia nào đó chứ! 

* Thưa ông, trên thế giới đã có quốc gia nào làm như cách mà ông đề xuất chưa? 

- Tôi chưa thấy quốc gia nào làm nhưng tôi tin rằng đây là một cách làm hợp ý nguyện với lòng dân nước Việt. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo