“Chủ tịch huyện Tiên Lãng không đủ trình độ lãnh đạo” - Dân Làm Báo

“Chủ tịch huyện Tiên Lãng không đủ trình độ lãnh đạo”

GDVN -Đó là nhận định của Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão trong cuộc giao lưu trực tuyến với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. 

Thưa ông Vũ Mão, nếu ông ở vào vị trí của ông Đoàn Văn Vươn, ông sẽ cư xử như thế nào? (Một bạn đọc tại Tiên Lãng, Hải Phòng)

Ông Vũ Mão: Nếu tôi là ông Đoàn Văn Vươn, tôi cũng khó tránh khỏi những tâm tư, bức xúc, thậm chí uất ức giống như ông Đoàn Văn Vươn. May ra, khi đó, tôi có thể tỉnh táo hơn 1 chút, thì sẽ không dẫn đến những hành động manh động như ông này. Và có lẽ sẽ không có câu chuyện như chúng ta đang bàn.

Tất nhiên, câu chuyện này sẽ tiếp tục âm ỷ và không có gì là hay ho cả.

Ông Vũ Mão 

Độc giả Quốc Hưng, Hà Nội hỏi: Bản chất là một vụ cưỡng chế như bao vụ khác, theo ông yếu tố nào trong vụ việc này đã “xé toang” dư luận khi 2 anh em ông Vươn dùng vũ khí chống lại lực lượng cưỡng chế?

Ông Vũ Mão: Về cụm từ “xé toang” dư luận, theo tôi cũng chưa rõ ý lắm. Tôi có thể hiểu là vụ việc này sau khi xảy ra thì được các phương tiện thông tin đại chúng truyền tải rộng rãi, do đó được dư luận xã hội rất quan tâm. Nếu như vậy, tôi cảm thấy là điều rất tốt. Bởi vì, thứ nhất là công tác báo chí của chúng ta thể hiện tinh thần dân chủ cao hơn, cởi mở hơn. Thứ hai là, trình độ dân trí của nhân dân ta ngày càng cao hơn. Thứ ba, trách nhiệm công dân của mọi người với trách nhiệm đất nước ngày càng thể hiện đầy đủ hơn. Đó là lòng yêu nước, đó là “Bầu ơi, thương lấy bí cùng.” 

Thưa ông Vũ Mão, nếu ông là chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ông sẽ cư xử như thế nào ngay sau vụ cưỡng chế? (Sỹ Long, phường Máy Tơ, Ngô Quyền, Hải Phòng)

Ông Vũ Mão: Tôi đã từng là Bí thư huyện ủy của một huyện biên giới, miền núi, trong thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc, cho nên tôi hiểu được và hình dung được trách nhiệm của một người lãnh đạo chủ chốt là như thế nào. Rõ ràng trong trường hợp này, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng là người không đủ trình độ lãnh đạo, do đó đã đưa ra những chủ trương sai lầm. Điều đáng nói hơn nữa, sau khi sự việc đã xảy ra rồi, thì đã không đủ độ mẫn cảm để xử lý một cách có lý, có tình sự việc. 

Đó là chưa nói tới đằng sau đó, họ có động cơ cá nhân gì không? Có lợi ích cá nhân gì không? Từ sự việc này giúp chúng ta cách nhìn nhận, cách đánh giá cán bộ. Và từ đó có thể xem xét tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra của Đảng ta.

Nếu tôi là chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, tôi sẽ không xử lý như ông chủ tịch hiện tại. 

Thưa ông Vũ Mão, ông có nhận xét, đánh giá gì về những phát ngôn không đồng nhất, cố tình né tránh của lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng như lãnh đạo huyện Tiên Lãng? Việc phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Đỗ Trung Thoại lại “đổ” cho dân phá nhà ông Vươn? (Phạm Anh Hải, TP. Thái Nguyên)

Ông Vũ Mão: Theo tôi, đây là bài học cho những cán bộ vừa làm những việc ấy. Bài học ở đây là, thứ nhất phải nắm vững sự việc và chỉ phát ngôn khi mình đã nắm chắc sự việc đó. Còn khi chưa có đầy đủ thông tin, thì phải rất cẩn trọng và khiêm tốn, nói rõ ràng rằng : “Tôi chưa nắm được, tôi sẽ tìm hiểu đúng thực chất vấn đề và trả lời sau.” Rõ ràng những hành động của những cán bộ trên là thiếu chín chắn, thậm chí thiếu trung thực, có phần vô trách nhiệm. Và họ không có quan điểm đúng đắn “Lấy dân làm gốc.” 

Không thể chấp nhận loại cán bộ đứng trên dân và đổ lỗi cho dân. 

Độc giả Duy Minh (Hải Phòng) hỏi: Với khoảng 20 hộ dân còn lại cùng trong diện phải thu hồi đất đầm như ông Vươn, chính quyền huyện Tiên Lãng nên xử lý như thế nào trong thời gian tới đây?

Ông Vũ Mão: Theo tôi, thứ nhất là phải đánh giá lại toàn bộ sự kiện đã xảy ra thời gian qua để rút ra những bài học kinh nghiệm. Và đương nhiên không thể để lặp lại những việc làm tương tự đối với 20 hộ dân còn lại. Thứ hai, lãnh đạo nên gặp dân để nghe tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của họ.Thứ ba là phải căn cứ vào pháp luật để vận dụng, xử lý có lý, có tình. Thứ tư, việc xử lý tiếp theo cần xin ý kiến của thành phố và TW trước để có phương án thực thi có hiệu quả nhất, có lợi cho dân và có lợi cho sự phát triển của địa phương. 

- Độc giả Phương Thảo (Bắc Giang) hỏi: Ông có nghĩ đây là một “bài học đắt” trong công tác cưỡng chế đất đai không chỉ trong huyện Tiên Lãng mà còn trong cả nước không?

Ông Vũ Mão: Đương nhiên đây là bài học rất đắt giá mà tất cả chúng ta đều phải nghiêm túc để tìm ra bản chất, nguyên nhân của nó. Theo tôi, ở đây có mấy nguyên nhân cơ bản. Một là, vai trò quản lý đúng đắn của chính quyền. Hai là, vai trò của Đảng lãnh đạo. Đảng lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất, nhưng từ khi xảy ra vụ việc này, tôi chưa thấy rõ vai trò của Bí thư huyện ủy và của tập thể cấp ủy ở đâu. 

Thứ ba là, chúng ta có một hệ thống chính trị nhưng từng thành viên trong hệ thống chính trị đó không làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình và sự phối hợp với nhau là rất kém. Thứ tư là tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình rất yếu, tình trạng nể nang, né tránh là phổ biến. Thứ năm, những vụ việc cưỡng chế này không chỉ là trách nhiệm của cơ sở mà cần làm rõ thêm trách nhiệm của các cơ quan cấp trên, kể cả các cơ quan của TW. 

Một bạn đọc tại TP Hồ Chí Minh hỏi các vị khách mời: Giữa hai luồng thông tin: gia đình ông Vươn cho rằng mình bị mất trộm tôm cá với giá trị tài sản khoảng 1 tỷ đồng và phía chính quyền cho rằng gia đình ông Vươn đã đánh bắt cá trước khi cưỡng chế, ông tin ai hơn?

Ông Vũ Mão: Vấn đề này không thể nói ngay là tin ai hơn được mà cần phải có quy trình làm việc công phu. Tổ chức nhóm công tác gồm những người công tâm, khách quan và có trách nhiệm xuống địa bàn để gặp gỡ nhân dân, nghe đầy đủ những tiếng nói khác nhau, với những chứng cứ rành mạch thì mới có thể kết luận được. 

-Theo bác Vũ Mão, các đại biểu quốc hội ở Hải Phòng cần phản ứng như nào trước sự việc này để đúng vai trò chức năng của mình?

-Ông Vũ Mão: Tôi trả lời ý thứ 2 trước. Tôi cho rằng, vai trò của từng đại biểu Quốc hội và của Đoàn Đại biểu quốc hội ở Hải Phòng là rất quan trọng. Hiến pháp quy định Đại biểu quốc hội là đại diện cho tâm tư, nguyên vọng của cử chi, lắng nghe đầy đủ ý kiến của cử chi và có trách nhiệm phản ánh với Quốc hội. Tôi hiểu rằng, các Đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng cũng như tất cả Đại biểu của các tỉnh thành trên cả nước đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện những chức năng của mình. 

Nhưng là người công tác lâu năm ở Quốc hội, tham gia nhiều trong việc tổng kết những nhiệm kỳ ở Quốc hội thì thấy rằng, hoạt động của các Đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội còn nhiều điểm yếu. Cụ thể trong sự việc này, tôi hiểu rằng, Đoàn Đại biểu đã từng được nghe phản ánh và khiếu nại. Tuy nhiên, nhận thức đầy đủ về tính chất nghiêm trọng của vụ việc này, chắc hẳn là chưa đầy đủ. 

Dẫn đến không vào cuộc quyết liệt trong việc giám sát và kiến nghị cho địa phương phải giải quyết đúng pháp luật. Mặt khác, nếu có vấn đề gì nảy sinh ở cơ sở, địa phương cần phải phản ánh kịp thời tới Quốc hội. 

BBT



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo