Phòng phòng chống chống, dân chủ muôn năm! - Dân Làm Báo

Phòng phòng chống chống, dân chủ muôn năm!

Dân Làm Báo - Ông Thủ tướng 2 nhiệm kỳ, người hùng Tiên Lãng hôm nay với tuyên bố ngày xưa "không dẹp được tham nhũng tui sẽ bái bai", cũng là đồng chí kiêm luôn chức Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng vừa mới gật đầu với kiến nghị của Thanh tra chính phủ về việc tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN

Ông Chủ tịch xếp sòng nhánh đảng cử dân bầu thì vừa đăng đàn tuyên bố phải quan tâm hơn nữa quyền con người trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992

Thử điểm lại coi sao:

Ông Thủ tướng đồng ý "kết hợp tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 với Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (Khóa X) và tổng kết công tác PCTN" (đọc mà rối mù). 

Giai đoạn thứ nhất của Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020: đúng là các đồng chí lãnh đạo đảng ta thật sướng. Chẳng cần thời hạn gói ghém trong nhiệm kỳ trách nhiệm của mình. Muốn kéo sao kéo, dài bao "niên" cũng được, hết mùa thu lá rụng này rơi sang mùa thu lá chết khác. Không xong thì đồng chí khác lãnh đủ cái gia tài của mẹ để lại cho con. 

Chuyển sang điều ông Chủ tịch đại biểu dân nói: “phải phát huy mạnh mẽ tính dân chủ của nhân dân; khẳng định bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì nhân dân, tiếp tục khẳng định địa vị pháp lý, làm rõ thêm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…” 

Nếu cái gì cũng là của dân thì mần răng mà cái chuyện phòng phòng chống chống cứ nằm trong tay đảng viên lãnh đạo nắm quyền (quay trở lại chuyện của ông Thủ). Tham nhũng cũng là các quan và chống tham nhũng cũng là các quan thì biết chừng nào mới các quan mới hát được câu kết cho bài ca phòng phòng chống chống, mới hết điệp khúc "rút kinh nghiệm, hoàn thiện, nâng cao..." - viết cho dài dòng hoành tráng đọc trẹo quai hàm theo kiểu các quan là: "làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó kiến nghị các biện pháp, giải pháp làm cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm của công tác PCTN cho giai đoạn tiếp theo"

Ông Chủ tịch đại diện dân mang thẻ đảng còn nhấn mạnh: "Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi cần tiếp tục khẳng định địa vị pháp lý, làm rõ thêm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự gắn bó giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân, với dân tộc"

Ủa, còn có chỗ để khẳng định thêm nữa sao?? Không phải đã khẳng định hết mức, đụng trần nhà của sự khẳng định về đảng duy nhất lãnh đạo, đảng muôn năm, đảng là đầy tớ của nhân dân, đảng là thì mà là... rồi sao? Còn gì gắn bó và thắm thiết hơn cái tình nhân-dân-chủ & đảng-đầy-tớ, nhân dân làm chủ, đảng quản lý dùm mọi thứ? (Xin đừng nhắc tới cái đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn). 

Ông Chủ tịch dân còn nhắn nhủ: "thể hiện rõ nét hơn nữa mô hình Nhà nước ta là Nhà nước XHCN có sự thống nhất và phân công, phân nhiệm, song song với cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp, hướng tới mục đích tối cao là nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân." 

Chết cha! Vậy thì quyền lực của đảng đang bao trùm lên cả 3 ngành vất đi đâu?? Cứ tưởng là đồng chí nào có đang ngồi ghế sơn màu lập pháp, ngồi bàn có dán nhãn tư pháp, nằm giường có made in hành pháp cũng đều là đảng ta một nhà - có gì thì cứ xử lý nội bộ đảng, phê bình, kiểm điểm là xong ngay mà. 

Chết cha! Vậy thì từ nay đồng chí Thủ tướng xếp sòng hành pháp làm sao mà tò mò tọc mạch rón rén ngồi vào ghế quan tòa, nhảy cóc sang nhà anh tư pháp để xét xử anh minh, đáp ứng kỳ vọng của toàn dân... báo lề đảng và toàn dân... cựu nguyên công thần? 

Chết cha! Vậy thì từ nay chính đồng chí Chủ tịch dân mần sao đứng trước Quốc hội đồng bào đọc lệnh của đám phải gió nào đó quyết định không kỷ luật ai trong vụ chìm xuồng Vờ na xin? 

Mà thôi kết luận cho nó xong: 

Sao mà phòng chống hoài dzậy?? Đảng ta là đảng vô sản, đại diện cho giai cấp công nhân, suốt đời vì dân phục vụ vì nước quên mình chứ có thằng phản động nào chấm mút của dân đâu!? 

Sao mà phải phát huy mạnh mẽ tính dân chủ của nhân dân chi nữa vậy?? Nước ta dân chủ gấp vạn lần... tụi nó mà. Chị Doan đã phán, lời chị đã trở thành khuôn vàng thước ngọc không thể chối cải được. Tốt đủ rồi, nói nữa, đòi cải thiện một thứ vốn đã tốt gấp vạn lần, chúng nó tưởng đồ "dân chủ" của đảng ta là đồ nhái sao? 

Thôi nghe. Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm. Hàng tốt số một rồi!. 





Tổng kết 5 năm Luật Phòng, chống tham nhũng 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng (PCTN) vừa đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc kết hợp tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 với Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (Khóa X) và tổng kết công tác PCTN. Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN để chuẩn bị Hội nghị đạt kết quả tốt. 

Việc tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 là nhằm đánh giá việc thực hiện Luật PCTN và giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức liên quan. 

Đồng thời, làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó kiến nghị các biện pháp, giải pháp làm cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm của công tác PCTN cho giai đoạn tiếp theo. 

Quốc Hà 


*

Sửa đổi Hiến pháp 1992: Quan tâm hơn nữa quyền con người 

Tại phiên họp thứ hai của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sáng qua - 21/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho rằng, dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi “phải phát huy mạnh mẽ tính dân chủ của nhân dân; khẳng định bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì nhân dân, tiếp tục khẳng định địa vị pháp lý, làm rõ thêm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…” 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 diễn ra trong bối cảnh diễn ra trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nên phải đáp ứng yêu cầu phù hợp với diễn biến tình hình trong nước, dự báo xu hướng khu vực và thế giới; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI trên tinh thần sửa đổi, hoàn thiện đạo luật cơ bản, lâu dài, ổn định phục vụ sự phát triển chung của đất nước, của dân tộc. 

Từ đó, dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi cũng phải phát huy mạnh mẽ tính dân chủ của nhân dân; khẳng định bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì nhân dân, thể hiện rõ nét hơn nữa mô hình Nhà nước ta là Nhà nước XHCN có sự thống nhất và phân công, phân nhiệm, song song với cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp, hướng tới mục đích tối cao là nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân. 

Việc xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng phải hướng tới mục tiêu tạo sức bật mạnh mẽ cho công cuộc phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, giáo dục, xã hội phù hợp với bối cảnh đổi mới của đất nước trong những năm tiếp theo. 

Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi cần tiếp tục khẳng định địa vị pháp lý, làm rõ thêm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự gắn bó giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân, với dân tộc. Bên cạnh đó, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng phải tiếp tục quan tâm hơn nữa đến quyền con người; quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong việc chấp hành kỷ cương, pháp luật của Nhà nước…nhằm xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh mỗi cá nhân, tập thể vì lợi ích của đất nước, của dân tộc. 

Phiên họp thứ hai của Ủy ban tập trung đánh giá Dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, đồng thời cho ý kiến đối với một số định hướng lớn trong dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Ủy ban cũng sẽ cho ý kiến về thiết kế bố cục, chương, điều của Hiến pháp sửa đổi sao cho phù hợp, có tính ổn định, lâu dài, tương xứng với vai trò, vị trí là đạo luật cơ bản của quốc gia. 

Các thành viên của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng đã cho ý kiến về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những định hướng cơ bản về tổ chức, phương thức hoạt động của các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp và một số định chế quan trọng khác như: Chế định Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát, Tòa án, Kiểm toán Nhà nước và đặc biệt có cơ chế bảo vệ Hiến pháp chống lại các sự vi phạm… 

Huy Anh 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo