Sẽ có một ngày - Dân Làm Báo

Sẽ có một ngày

Sẽ có một ngày 
Con người hôm nay 
Vứt súng, vứt cùm 
Vứt cờ, vứt Đảng 
Đòi lại khăn tang 
Xoay ngang vòng nạng… 
Oan khiên 
(NCT) 

Chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời, thì chẳng có chủ nghĩa mệnh danh, nhân danh nào tồn tại mãi, sẽ có ngày bị vứt vào thùng rác của lịch sử. Chủ nghĩa cộng sản thực sự đã CHẾT tại Việt Nam kể từ 1989, bắt đầu từ nước Poland, rồi sau đó toàn bộ Đông Âu sụp đổ. Cái nôi cách mạng đỏ của Mạc Tư Khoa rớt xuống, và đống tã khâm liệm màu trắng, đã tống táng Lê Nin, Stalin vào thùng rác nhơ bẩn của lịch sử Nga sô nói riêng, và cả nhân loại nói chung.

Không thể nào còn lại chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam ta, khi mà bắt đầu xuất hiện những “đại gia tư sản đỏ”. Đây là điểm mà chúng ta cần lưu ý. Bắt nguồn từ cái gọi “đổi mới”, tất cả các tài sản như nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, bến cảng, dầu khí và nhiều nguồn tài nguyên đất nước, do đảng Cộng Sản Việt Nam quản lý và kinh doanh sau khi chiếm đoạt của miền Nam, chỉ sau một đêm, qua một quá trình tinh vi chuẩn bị, đã biến thành tài sản tư nhân, và chủ nhân mới của các tài sản này, toàn bộ là đảng viên cộng sản Việt Nam cao cấp. Đảng cộng sản VN từ tay trắng, mà quậy nên cơm cháo. Sau 10 năm chiếm miền Nam 1975 – 1985, sử dụng sức người, sức của và vật chất phong phú, mà vẫn liên tục thất bại, vì bị Hoa Kỳ cấm vận, thiếu chuyên môn, và nhất là chính sách độc đảng cai trị một nền kinh tế quốc doanh “cha chung không ai khóc”. 

Tôi đã có dịp về thăm Việt Nam 5 lần, 3 lần về họp với một hệ thống kinh tế lớn, nhưng tôi đã không màng hợp tác. (có dịp tôi sẽ nói rõ hơn về vấn đề này) Nhờ thế, tôi đã có cơ hội đi từ Nam ra Bắc, từ những xóm nghèo thôn dã, lên tận miền Cao Nguyên nước mình. Nói không ba sạo, tôi đã khóc trong lòng, và mỗi chiều xuống trên quê hương, tôi đã rưng lệ thương cảm cho dân tộc mình. Tôi đã thấy những đống rác cao ngất, và người dân tôi, sống chui rúc sát đống rác hôi thối quanh năm. Tôi đã thấy những cụ già, đến tuổi mà nếu ở Mỹ sẽ được ăn tiền trợ cấp, an nhàn, thì ở nước Việt Nam mình lại phải đi mót, lưới cá ven sông, ven bờ, ôi, cả một đời cơ cực. Tôi đã tiếp xúc những đảng viên Cộng sản, có kẻ nghi hoặc không dám nói, nhưng đa số có kẻ vẫn cho là “nước mình như người trúng gió, đổi mới như ra gió, phải ra từ từ, chứ không gió độc trúng thì chết ngay”. Luận điệu cải tạo tư tưởng trong các trường đảng Nguyễn Ái Quốc tại các Tỉnh, nhồi nhét vào đầu họ những luận điệu, như chính trị cần ổn định thì kinh tế mới phát triển. Hoặc dân mình, dân trí thấp lắm, nếu dân chủ thì địch và phản động sẽ lợi dụng. 

Hiện nay, tình hình kinh tế thế giới ảm đạm, đã ảnh hưởng khốc liệt đến các nước chậm phát triển nghèo khó, trong đó có Việt Nam mình. Nói nôm na, nhà giàu có tiền thì vẫn sống và hưởng thụ, dù kinh tế có thê thảm, nhưng nhà nghèo thì tiền đâu mà ăn. Vì thế, nước ta nằm trong quỹ đạo của kinh tế bóng chiều. Nhưng chính đảng cộng sản Việt Nam khi đổi mới để tự thoát sự sụp đổ như Đông Âu, cũng bị ảnh hưởng của con dao hai lưỡi, đó là, lớp tư sản mới mọc lên như nấm, và có người giàu quá nhanh bằng con đường làm ăn móc ngoặc, phi pháp như bán tài nguyên, bán rừng, bán đất, bán khoáng sản. Rồi nẩy sinh ra lớp tư sản mới, và sự chia rẽ bắt đầu, giữa đảng viên với nhau, vì tranh ăn, ganh ăn và bị loại. Sự tranh giành nhau từ hạ tầng đến thượng tầng cơ sở. Nếu ông Hồ Chí Minh sống dậy, chắc ông sẽ phải ôm con mắt mình, vì con ngươi của đảng mà ông thống thiết viết di chúc kêu gọi gìn giữ, đã bị đâm sắp mù. Bên cạnh, vì thiếu tầm nhìn chiến lược, kém tầm nhìn dài hạn, đo đó, các tư sản này, bỏ tất cả của cải vào một ổ trứng. Ví dụ như ổ trứng địa ốc, cái vấn đề này hiện nay rất te tua. Nếu bạn về Sài gòn hoặc Hà Nội, Đà Nẵng là 3 địa phương nổi bật, sẽ nhận thấy sự phát triển về nhà cửa, cầu cống đường xá một cách ngoạn mục theo hình thức. Nhưng, hiện nay, co cụm, phố thương xá, cao ốc không ai thuê, ngoại quốc làm ăn khó khăn, có cung ứng mà thiếu nhu cầu, bèn rút ra. Nhà cửa xuống giá tuột dốc như hiện tượng chim cút, và dĩ nhiên các đại gia địa ốc nổi tiếng bề ngoài như Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai, đã phải than thở, thu nhỏ lại để sống còn. Và hiện nay, các tư sản này, chửi chính phủ Việt Nam không e dè, không lo sợ, chỉ vì, họ đã có thời, và cũng còn “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. 

Đây là điểm mấu chốt, mà theo tôi, sẽ là mối lo cho đảng cầm quyền. Vì kinh tế thị trường đã quen ăn, bén mùi. Bây giờ, những thành phần này bắt đầu bất mãn vì miếng cơm manh áo và sự nghiệp của mình đang thu nhỏ, teo dần và có lúc sẽ phá sản. Chứ không phải là dân oan, dân bị cưỡng chế đâu. Thành phần tư sản ở Việt Nam hiện nay là nhiều thành phần khác nhau, khi nổi dậy sẽ kéo theo dân oan, dân cưỡng chế và các đảng viên, cựu chiến binh bất mãn. Ngay cả các thành phần tư sản cho dù là “vệ tinh” của đảng cầm quyền, cũng bắt đầu bất mãn trầm trọng, vì phân chia quyền lợi không đồng đều. Ví dụ, khai thác cát dưới lòng sông bán cho Nhật để làm thuỷ tinh, đóng cho đảng cầm quyền 15% đến 20% số tiền thu hoạch, ta gọi đó là sân sau của các viên chức đảng cầm quyền. Do vậy, anh Ba Dũng, có sân sau, anh Tư Sang có sân trước, anh Nguyễn Phú Trọng, anh Lê Hồng Anh, anh Nguyễn Sinh Hùng có sân ngang, sân dọc. Và các sân là ổ kinh tài khổng lồ các mối lợi nhuận, nộp vào quỹ của đảng cầm quyền, và các nhân sự cầm đầu cái đảng này chia phần với nhau. Và sân của anh này nhìn qua cái sân của anh kia, gầm gừ, rình rập, canh chừng. Trước đây, ta nghe quà cáp, phong bì như ông Lê Khả Phiêu nêu ra là đồ bỏ, so với các lợi nhuận của sân sau, sân trước, sân ngang, sân dọc. Chưa kể, bên quân đội và công an có nhiều sân kinh tài âm thầm mà ta chưa thể biết hết. 

Theo tôi, đảng cầm quyền là đảng cầm tiền, sẽ phải tự thay đổi để thoát hiểm thêm lần nữa trước những áp lực mạnh mẽ của giới tư sản mới, và trong lòng người dân Việt Nam mình hiện nay, âm ỉ những bất mãn là, tại sao Hoàng Sa, Trường Sa bị mất, ngư dân bị Tàu bắt bớ, mà người dân biểu lộ sự phản kháng qua biều tình, thì bị cấm đoán, bị đánh đập, bị giam cầm? Nhưng, lần thoát hiểm này sẽ ngoạn mục, nhiều bất ngờ, vì cái mô hình, cái mặt nạ của chủ nghĩa cộng sản giả tạo, phi lý đã phơi bày rõ nhất. Và lần thay đổi này theo phương thức như thế nào, chắc chắn phải xảy ra, và tôi tiên đoán, chúng ta đang chờ đợi SẼ CÓ MỘT NGÀY… 

Đảng cầm quyền không có một mô hình chính thể, chính danh, chính đảng, chính hiến. 

Như thế, phân tích những điểm vừa nêu, tôi có thể nói rằng: 

Sẽ có một ngày, người Việt Nam chúng ta sẽ: 

Về với miếu đường 
Mồ mả gia tiên 
Mấy chục năm liền 
Bức bách lãng quên 
Rồi hình ảnh, chắc chắn, sẽ có một ngày: 
Kẻ bùi ngùi hối hận 
Kẻ kính cẩn dâng lên 
Này vòng hoa tái ngộ 
Đặt lên mộ cha ông… 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo