Giật cả mình - Dân Làm Báo

Giật cả mình

Lê Trung Kiên (Danlambao) - Hôm qua về quê ăn giỗ, được đặc cách ngồi uống rượu với mấy chú, mấy cậu ở quê. Hết chuyện phố đến chuyện quê, rồi sang chuyện “chính chị”. Ông cậu buôn bán tạp hoá mấy chục năm nay tấm tắc khen ngợi đảng và nhà nước mình giỏi, mạnh ! Chi bao nhiêu tiền xây đường xá, điện đóm, trường trạm cho dân. Không biết lấy tiền ở đâu mà lắm thế !

Mình bảo: “Họ lấy ở tiền thuế của dân chứ ở đâu ! Chính cậu cũng hàng ngày đóng thuế đấy thôi !”

Ông cậu thật thà: “Nhà tao buôn bao năm nay có bao giờ đóng thuế đâu ! Đầu năm thì nộp thuế môn bài thôi ! Doanh thu thì bọn thuế nó ấn định. Cho cán bộ thuế tí ti là nó ấn định cho nộp thuế ít đi. Còn thì chẳng nộp thuế gì.”

Đã giật mình rồi. 

Hôm nay lại thấy bạn Dân Chờ hồi âm trong bài viết 'Ép dân không phải là cách phục vụ dân' rằng: "Chính phủ phải mạnh dạn thu thuế theo kiểu của Tư Bản thì mới có đủ tiền mở mang đường xá và các cơ sở dịch vụ công cộng và phúc lợi xã hội mới được nâng cao. Dân chúng VN chẳng ai chịu đóng thuế mà cứ đòi chính phủ phải bỏ tiền ra phục vụ thì lạ quá chừng!"

Dân tình đang xôn xao, bức xúc vụ thu phí bảo trì đường, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.v.v.. ầm ầm mà vẫn còn có ý kiến “đơn giản” đến như vậy. Mình lại càng giật mình hơn !

Thiết nghĩ phải trao đổi đôi lời:

Đúng là mấy anh tư bản thu thuế mạnh bạo thật ! Ví dụ anh cu Đức thu tới 20% thuế suất VAT (trên hàng hoá tiêu dùng và mọi dịch vụ hàng ngày chẳng hạn). Thế nhưng thuế - tức là một phần thu lớn của ngân sách, cùng với vốn vay được bọn tư bản chi tiêu minh bạch, đầu tư cho hạ tầng và phúc lợi xã hội chứ không ném vào các tập đoàn kinh tế, tổng công ty làm ăn ì ạch và thua lỗ như ở ta. 

Vì thu tới 20% thuế VAT - tức là người dân ăn 5 cân thịt thì mất 1 cân nộp thuế, còn 4 thôi, mua 5 hộp sữa cho con thì con chỉ còn 4... nên họ giám sát và đòi hỏi gắt gao về sự minh bạch trong sử dụng tiền thuế họ nộp. Cơ quan thuế cũng nghiêm ngặt hơn trong việc kiểm soát thu nhập, chi tiêu và thu thuế. Chính phủ họ cũng vì thế mà vì nhân dân phục vụ hơn ! Riêng khoản trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp xã hội, chăm sóc y tế và giáo dục của họ thì dân mình đừng có tưởng tượng nổi ! Họ vào bệnh viện là nhân viên y tế, bác sỹ, hộ lý.v.v... ngoài việc khám và chữa bệnh còn chăm sóc cho bệnh nhân cả sinh hoạt cá nhân, ăn uống. Người nhà không cần và không được phép chăm sóc bệnh nhân đến mức phải ăn trực nằm chờ, lê la ở hành lang, vỉa hè bệnh viện, nhà trọ dẫn đến tán gia, bại sản như ở ta.

Nhà mình thu thuế VAT cũng 10% ! Chưa kể thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, rồi đủ các loại thuế, phí các loại. 

Như vậy là cứ 10 cái bỉm mua cho con, 10 cái băng vệ sinh cho vợ thì Chính phủ xơi mỗi thứ 1 cái ! Tiền điện, nước, điện thoại, xăng dầu, mua xe ôtô, xe máy, tiền gửi xe, bia bọt, rượu, thuốc lá, giấy vở, quần áo, máy tính, ổ cứng, USB.v.v... nghìn thứ bà rằn cho sinh hoạt, kinh doanh hàng ngày đều đã có thuế trong đó, tối thiểu là 10% và người dân phải nộp qua giá mua bán ! 

Sao lại bảo dân Việt Nam chẳng ai chịu đóng thuế ? Vậy Chính phủ lấy tiền ở đâu ra ? Đối với tiền vay thì ai sẽ trả và lấy từ đâu trả ? Tất cả đều từ thuế và nhờ có thuế ! Chính phủ không thu được là lỗi quản lý của Chính phủ. Các doanh nghiệp sản xuất đến tiểu thương đều là một chuổi các mắt xích đưa sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đến người tiêu dùng, tức là người nộp thuế ! Không quản lý được việc bắt buộc xuất hoá đơn cho người tiêu dùng cuối cùng, tức là Chính phủ đã không kiểm soát được doanh thu thật của nhà cung cấp. Từ đó không kiểm soát được chính xác lợi nhuận và số thuế của họ phải nộp. Trong khi người tiêu dùng thực tế đã nộp thuế. Đây là hiện tượng đặc biệt phổ biến ở Việt Nam, gây thất thu thuế nghiêm trọng cho ngân sách và làm lợi bất chính cho nhà sản xuất, các khâu thương mại.

Chưa hết ! Vì quản lý đất đai, kinh tế, xã hội, con người, doanh nghiệp.... cùng hệ thống tài khoản của cá nhân, tổ chức kinh doanh rất lạc hậu, rời rạc, thậm chí không muốn hiện đại hoá cho nên việc thất thu thuế, phí, tiền xử phạt.v.v. từ xã hội, từ nền kinh tế là việc đương nhiên.

Lấy vài ví dụ nhỏ nhỏ:

1. Doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm (xã hội, y tế và thất nghiệp...) của người lao động – thậm chí nhiều doanh nghiệp còn khai khống số lượng lớn người lao động với mức lương dưới ngưỡng nộp thuế thu nhập cá nhân thông qua hình thức hợp đồng lao động giả, số CMTND giả, địa chỉ giả... nhưng vẫn được cơ quan thuế chấp nhận chi phí tiền lương vào trong chi phí sản xuất. Dẫn đến thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp, mà thuế thu nhập cá nhân cũng không thu được. Bên cạnh đó, thiếu sự liên kết giữa bảo hiểm và cơ quan thuế, thiếu chế tài mạnh bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ với lao động thông qua công cụ thuế nên người lao động cũng vô cùng thiệt thòi.

2. Giá bán sản phẩm, dịch vụ luôn là giá đã có thuế ! Nhà sản xuất, cung cấp luôn đã tính thuế vào giá bán để đảm bảo doanh thu. Thế nhưng, khi đến tay người tiêu dùng thì nhà cung cấp thương mại cuối cùng thường không xuất hoá đơn để trốn doanh thu chịu thuế. Khi người tiêu dùng đòi hoá đơn thì người bán, nhà hàng lại đòi cộng thêm tiền thuế vào số tiền phải trả. Như vậy, để có hoá đơn, người tiêu dùng chúng ta đã phải nộp thuế ít nhất 2 lần.

Vâng ! Cũng chính vì rất nhiều người Việt Nam mình chưa biết rằng hàng ngày, hàng giờ - chứ không phải hàng tháng - đang nộp thuế cho Chính phủ, cho Nhà nước để nuôi bộ máy đảng các cấp cồng kềnh; nuôi bộ máy hành chính khổng lồ từ tổ dân phố đến trung ương với đủ các loại thủ tục hành chính rườm ra, rắc rối, lấy hành dân là chính để nhũng nhiễu và tham lam; nuôi toà án, nuôi viện kiểm sát, nuôi lực lượng quân đội lẫn vũ khí, khí tài, quân phục; nuôi lực lượng công an dày đặc với công cụ hỗ trợ, từ cái còi, cái dùi cui, thắt lưng, còng số 8 đến xe bịt bùng, nhà tù, trại tạm giam; nuôi hệ thống giáo dục, y tế..v.v... và hiện nay đang phải còng lưng góp sức nuôi thêm cả 700 đầu báo nữa !!!... nên cứ tưởng rằng mình không đóng góp gì cho xã hội, cho nhà nước và cứ cúi đầu ơn đảng, ơn chính phủ đời đời.

Còn nữa ! Điện, đường, trường, trạm.v.v... đều được đầu tư xây dựng từ thuế và vốn vay (sẽ do thuế trả) nên phải được đầu tư xây dựng với chất lượng bền vững để quay trở lại phục vụ người dân ! Chứ không phải khi người dân sử dụng lại đòi thu phí tiếp ! Rồi lại đòi thêm cả phí bảo trì, sửa chữa do xuống cấp, hư hỏng – có những con đường chưa nghiệm thu đã hỏng rồi !

Và rồi, với tầm nhìn ngắn, quy hoạch đô thị chật chội, vá víu, thêm vào đó là nạn tham nhũng qua các nhóm lợi ích, mafia gắn kết hữu cơ với chính quyền để điều chỉnh quy hoạch nhằm trục lợi, dẫn đến các đô thị tắc nghẽn và ô nhiễm. Không gian sống của người dân ngày càng thảm hại so với thế giới.

Trong khi Quốc hội với gần 100% là đảng viên, phần rất nhiều là lãnh đạo đảng, chính phủ, các bộ ngành và tỉnh thành trong cả nước, các doanh nhân.v.v... vẫn chưa thông qua Luật thuế nhà đất để đánh thuế vào nhóm đầu cơ đất đai, nhà cửa vốn kiếm lợi tiền tỷ lâu nay để tăng thu ngân sách và bình ổn giá nhà, đất thì lại quay sang đánh thuế với phí người dân.

Một nhà nước mà chính sách sưu thuế phí ngày càng ngặt nghèo mà hổng rỗng, càng đổ hết lên đầu người dân thì là báo hiệu gì, của nhà nước nào đây ?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo