Tiểu Khê (Danlambao) - Khái niệm về những nhà doanh nghiệp có khả năng tổ chức, quản lý sản xuất với phương châm tạo ra công ăn việc làm cho xã hội trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết. Mục đích lớn nhất của họ là vơ vét, tận thu dựa trên sức lao động rẻ mạt của những kẻ bị bần cùng hóa... Dễ hiểu bây giờ dân luôn nghi vấn với bất kỳ chủ trương, chính sách nào của nhà nước. Và chưa có nơi nào như ở Việt Nam, thế lực thù địch nhiều hơn thế lực không thù địch. Dân không có quyền bầu lên "Nhà nước" thì nhà nước liệu có vì dân?...
Bức tranh kinh tế ảm đạm của năm 2012 tiếp tục được vẽ thêm những gam mầu tối. Số doanh nghiệp dừng hoạt động lại tiếp tục tăng lên, chưa kể một số còn tạm dừng chờ đợi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng loạt người lao động không có công ăn việc làm, báo hiệu nguy cơ cao về rối loạn xã hội.
"Một nền kinh tế tăng trưởng bền vững..." Là tâm nguyện của các nhà quản lý hay chỉ là khẩu hiệu, điều này cũng có thể trả lời được. Chiến lược phát triển kinh tế của ta hoàn toàn khoa học với phương châm "Đi tắt, đón đầu" về công nghệ?. Nghe cũng thấy khấp khởi mừng thầm.
Lẽ tất nhiên, sự cần thiết cho việc thực hiện công cuộc hiện đại hóa đất nước khi chúng ta vừa bước ra khỏi vũng lầy của cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp phải là xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho mục tiêu đó. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến nhiều nguồn vốn vay từ nước ngoài. Đáng ngại hơn cả là chúng ta chưa có chiến lược cụ thể để tận dụng khai thác tốt những cơ sở hạ tầng để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế nội tại ở nước ta.
Có cảm giác chúng ta đang tìm cách vay tiền và tiêu tiền bằng mọi giá. Tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong những năm vừa quả chủ yếu đến từ đầu tư nước ngoài, từ những khoản vay của chính phủ, còn nội lực kinh tế trong nước thì hết sức yếu ớt.
Hàng loạt các dự án ma, treo là những dấu hỏi to tướng về cách thức quản lý của nhà nước. Không có ai trả lời câu hỏi về trách nhiệm.
Những người dân nghèo khi xây dựng cho mình một căn nhà dù lớn hay nhỏ đa số đều hết sức đắn đo, để đạt được mục tiêu đó người ta phải lao động, tích lũy, thắt lưng buộc bụng. Khi đã có một số tích lũy cơ bản họ mới dám làm, vậy mà vẫn còn lo ngay ngáy.
Ở góc độ quản lý nhà nước hình như chúng ta thiếu hẳn mối quan tâm như những người dân thường. Hay nhà nước là một khái niệm trừu tượng nên vấn đề trách nhiệm với quốc gia, dân tộc cũng trừu tượng không kém.
Ở đất nước Việt Nam đâu đâu cũng thấy những đại công trường. Những con đường trăm, ngàn tỉ. Những tòa nhà chọc trời đang mọc lên. Những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay trước kia nay đang dần trở thành những mặt bằng nhà máy, khu biệt thự, sân gôn và những lô đất béo bở được đền bù với giá rẻ mạt và sau khi hoàn thiện nền được hét giá rất cao. Những công trình thủy điện nối tiếp nhau trùng trùng, điệp điệp.
Sự hào nhoáng không che lấp hết được những âu lo thường trực. Nông dân khiếu kiện khắp nơi vì không có đất sản xuất, không công ăn việc làm và thất nghiệp triền miên. Những cánh rừng bị tàn phá một cách hợp lý hóa. Những mỏ quặng được khai thác nhịp nhàng ở khu rừng sâu núi thẳm, được hợp thức bằng nhiều cách.
Những đại dự án được phê duyệt với lượng tiền đầu tư khổng lồ. Các nhà tư bản nước ngoài cực kỳ hào phóng với đất nước này. Họ hỗ trợ nhiệt tình cho Việt nam với phương châm tận dụng nguồn lao động rẻ mạt và dùng Việt nam để làm bãi xả thải bởi những yêu cầu khắt khe về môi trường ở nước họ.
Việc tiêu hóa những đồng tiền đó đã đẻ ra một lớp người siêu giàu có. Sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý trong quá trình thực hiện mục tiêu sống gấp của chế độ đã tạo ra cho họ một cách làm giàu dễ dàng. Họ trở thành những nhà tỷ phú lừng danh của đất nước mà hầu như không cần phải động não. Được báo chí tôn vinh là những con người tài năng xuất chúng. Sự phối hợp nhịp nhàng nhuần nhuyễn của những kẻ nắm tài sản quốc gia trong tay và những kẻ xin xỏ cơ hội được tiếp tay bởi tư bản ngoại quốc đã trực tiếp đào sâu hố phân cách giàu nghèo. Lớp người giàu có ngày nay cảm thấy có thể chiếm đoạt mọi thứ để làm của riêng thật dễ dàng, đó là lúc lòng tham không đáy có dịp biểu hiện.
Khái niệm về những nhà doanh nghiệp có khả năng tổ chức, quản lý sản xuất với phương châm tạo ra công ăn việc làm cho xã hội trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết. Mục đích lớn nhất của họ là vơ vét, tận thu dựa trên sức lao động rẻ mạt của những kẻ bị bần cùng hóa.
Người lao động chưa bao giờ có được cảm giác yên tâm. Tạo công ăn việc làm cho họ có không ít những tên trộm cướp trá hình, chúng chẳng mất gì bởi đã có "chống lưng". Nhưng đồng tiền họ được trả luôn luôn có những chiếc túi càn khôn há mồm chờ sẵn để móc, xiết của họ. Nhu cầu cuộc sống là thiết yếu, nhưng thật khó khăn khi những ông Điện, Nước, Xăng dầu hình như luôn chực sẵn để làm thịt. Họ cũng không phải là mình đồng da sắt để không thể ốm đau, ông Y tế chỉ chờ có vậy. Và trong cuộc vật lộn đi tìm con chữ của con cái họ, ông Giáo dục cũng không thể để mất miếng mồi ngon.
Dễ hiểu bây giờ dân luôn nghi vấn với bất kỳ chủ trương, chính sách nào của nhà nước. Và chưa có nơi nào như ở Việt Nam, thế lực thù địch nhiều hơn thế lực không thù địch.
Dân không có quyền bầu lên "Nhà nước" thì nhà nước liệu có vì dân?.