Thu Tâm (SGGP) - Năm học mới chưa bắt đầu nhưng nhiều gia đình công nhân có con chuẩn bị bước vào độ tuổi mẫu giáo đã lo sốt vó tìm chỗ học cho con. Trường công từ chối không nhận trẻ không có hộ khẩu TPHCM, gửi con ở các nhóm trẻ gia đình lại không yên tâm về chất lượng.
Vừa qua mới có thông tin UBND TPHCM phê duyệt kế hoạch xây dựng 6 khu quy hoạch nhà trẻ tại 6/14 KCX-KCN đóng trên địa bàn TPHCM, dành riêng phục vụ con em công nhân.
Như vậy, vấn đề giải quyết chỗ học cho con công nhân sau nhiều năm bít lối cuối cùng đã tìm ra ánh sáng. Đó quả thật là một tin vui không chỉ riêng đối với công nhân mà cả ngành giáo dục, thể hiện sự quan tâm, dù có phần hơi muộn, nhưng hết sức cần thiết của các cấp lãnh đạo TPHCM.
Tuy nhiên, nói như một vị lãnh đạo Ban quản lý các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM (HEPZA), đây thực chất chỉ là một việc làm “sửa sai” của những người có trách nhiệm. Bởi ngay từ đầu khi xây dựng các KCX, KCN, người ta chỉ chăm chăm vào bài toán lợi ích kinh tế, thu hút đầu tư mà bỏ qua những điều kiện cần và đủ song hành cùng với nó như xây dựng nhà lưu trú, trường học cho con em công nhân. Phải chờ đến hơn 20 năm sau (tính từ thời điểm KCX-KCN đầu tiên được hình thành), lời giải cho sự thiếu sót đó mới được chạm ngõ, song với số lượng nhà trẻ ít ỏi được xây dựng liệu có giúp nỗi lo kia bớt phập phồng?
Với 8/14 KCX-KCN còn lại chưa có quy hoạch xây dựng nhà trẻ, công nhân phải chờ đến khi nào gánh nặng tìm chỗ gởi con mới thôi bám riết? Đó là chưa kể không ít lo lắng khác đang dần hình thành như 6 nhà trẻ mới ra đời liệu có đáp ứng nổi số lượng con em công nhân đang vượt quá con số hàng vạn, tồn tại hay không vấn nạn chạy trường khi lượng cung không đáp ứng nổi cầu…
Bình tâm lại phân tích, có thể thấy quy hoạch nói trên thực ra chỉ là một hình thức chữa cháy. Với nhiều KCX-KCN đã tồn tại lâu đời rõ ràng không “đào” đâu ra quỹ đất, những người có trách nhiệm phải chọn giải pháp hy sinh mảng xanh trồng cây lấy đất xây dựng trường học. Riêng đối với một số KCX-KCN mới hình thành, quỹ đất xây dựng trường học có nhưng việc ràng buộc trách nhiệm thế nào để nhà đầu tư chịu bỏ tiền ra xây trường học lại là bài toán chưa tìm ra lời giải bởi quy định, chế tài dành cho việc này chưa có.
Hơn nữa, đó là chưa kể với những dự án đã được UBND TP phê duyệt, khi nào bắt đầu triển khai thực hiện đến nay vẫn còn là ẩn số. Vui mừng đó, nhưng hết thảy mới chỉ nằm trên giấy. Xem ra chặng đường đến với ước mơ về một ngôi trường giữ trẻ dành riêng cho con em công nhân hãy còn rất dài…
Theo Thu Tâm - SGGP