Người cộng sản có đuôi - Dân Làm Báo

Người cộng sản có đuôi

Lê Hải Lăng (Danlambao) - Ra khỏi trại tù, Hoàng và mấy người trong nhóm hỏi han ghi vội địa chỉ của nhau, rồi mạnh ai người nấy tìm lối về quê quán. Như con chim thả khỏi lồng, chàng đi dọc đường lòng nôn nao bồi hồi xúc động lẫn cả sung sướng. Hình ảnh vợ con thân nhân bạn bè hiển hiện luẩn quẩn trong đầu. Đứng đón được một chiếc xe, Hoàng ngồi lên cái băng sau cùng. Những người khách lạ nhìn vào chàng có vẻ như thương hại làm sao ấy.

Xe qua các chặng đường có lắm bụi tre tróc gốc, từng tàu lá chuối khô héo uốn mình trong gió. Người đàn bà mặc áo cụt đội nón lá rách vành, uể oải gánh hai đứa con trong hai cái đầu thúng. Năm ba đứa trẻ trần truồng như nhộng chạy lông ngông tìm củ khoai củ sắn giữa đám ruộng khô khan. Khoảng bốn năm người mặc áo vàng, áo xanh thổi còn chận xe ở ngã ba đường.

Xe lanh bánh chậm. Anh lơ bước xuống chạy thập thình cầm cái gì đó có thể là tờ giấy bạc giúi vào tay họ, rồi ngoắt tay cho tài xế xe mình tiếp tục chạy xuống đồi. Đến quá trưa xe dừng lại nghỉ ăn cơm. Hoàng nhìn vào một người đàn bà nói giọng Huế, trạc tuổi khoảng ba mươi rồi lên tiếng hỏi:

-Xin lỗi chị. Từ đây tới quận lỵ bao xa?

-Dạ không có xa chi mô. Rứa anh từ mô tới.

Tôi định nói lên địa danh của trại tù gọi là cải tạo. Nhưng khi nhớ lại lúc ban quản trại phát cái giấy cho về địa phương trình diện, họ đã răn đe trước là không được nói gì về trại, ai phạm sẽ bị bắt vào lại. Thế là Hoàng trả lời nửa bông đùa, nửa khẩn khoản:

-Tôi từ nơi xa đến. Cũng thật xa vì tôi nghèo không có đủ tiền ăn cơm bữa nay. Những cũng thật gần vì tôi được nói chuyện với chị người cùng xứ đất thần kinh.

-Tưởng răng chớ anh nói như ri thì tôi trả tiền mời anh ăn.

-Cám ơn lòng tốt của chị. Chị mua cho tôi một chai nước ngọt là quý lắm rồi. Tôi sợ khát nước, còn cơm thì nhịn đói nhiều năm cũng quen đi rồi.

-Nói như rứa là anh ở khu kinh tế mới trốn về hí!

Nhìn trong xe có một vài người mặc áo lính màu xanh, quần dân sự lại đội nón cối. Hồi hộp, lo âu, sợ hãi trong trại tù lâu ngày chất đống trong từng nhịp đập của trái tim. Chàng đành trả lời cho qua chuyện:

-Ở đâu cũng được. Miễn sao chị cho chai nước. 

Hoàng nhìn theo chân người đàn bà đi vào quán. Chàng nhớ không lầm là cũng đoạn đường nầy, cũng thị trấn nầy, những người bỏ tất cả từ miền Bắc xa xuôi vô đây xây dựng lại cuộc đời ngày mỗi phồn thịnh, sầm uất. Trước mắt chàng bây giờ không thấy những chiếc khăn đen trên đầu mà hầu như khăn trắng tang thương xuất hiện chỗ nầy, chỗ kia. Đứa con gái thiếu nhi ngơ ngáo ngửa tay xin miếng ăn. Không ai buồn để ý. Bà cụ già khom lưng lê lếch lượm được cái túi rác trên xe liệng xuống. Bà nhe răng cười mừng rỡ, vội vàng mở ra. Tay gạt tay bốc. Tội nghiệp. Không còn gì sót lại ngoài lá bánh. Bà thất vọng lủi thủi bỏ đi 

Bên kia góc đường cái trụ sở Ủy ban nhân dân với lá cờ đỏ, cái ảnh lãnh tụ treo chềnh ình. Tấm bình phong vô tri in hàng chữ to tướng: “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Hai ba chiếc xe hơi bóng nhoáng lách bên phải nhếch bên trái bóp còi thôi thúc đám trẻ đi lượm ve chai tránh ra. Giai cấp vô sản ngồi trong xe. Lớp người lao động thất thểu đi bộ ngược xuôi mỏi mệt, đau đớn.
Hoàng thấy rõ bên này mép đường. Người khách trong xe vội vã bước xuống xổ quần ngồi tè thản nhiên bên bức tường rêu phong. Rác rến, ruồi bọ, phân trâu, phân người tạo mùi thật khó ngửi. Cô gái con nhà ai len lén mời mọc bán mấy chiếc áo cũ. Tiếng còi, tiếng chân người áo vàng chạy đuổi. Cô con gái cắm đầu chạy trốn như chuột tìm lỗ cống. Hoàng lặp lại trong đầu lời cán bộ quản giáo: Đảng cộng sản muôn năm! 

Người tài xế kêu mọi khách lên xe. Rú máy chạy. Chiếc xe ù ịch chở Hoàng về lại ngôi nhà thân yêu. Những bộ mặt bơ phờ thiểu não trong cái xe nầy cũng nhịn ăn nhịn khát trông mau tới bến như chàng. Đến ngã tư chàng nhận ra quán cóc bên đường. Quán chị Mai có người chồng chung trại chưa thả về chung đợt. Xin xe dừng lại. Người tù trở về trong lòng quê hương của mình. Mừng mừng tủi tủi. Bước xuống. Nhìn trước ngó sau. Trời còn sáng lắm. Một màu xanh giữa không gian bao rộng.

Hoàng đi trên chặng đường vắng vẻ. Những đứa con nít chạy trốn đâu rồi không thấy vô tư đánh bi đánh đáo như thuở nào. Đi qua cái nhà lối khóm phường thấy lạ hẳn đi. Đúng là nhà ông Tư Hớn buôn bán giàu có nhất khu nầy. Cờ xí, khẩu hiệu, súng ống treo lô nhô trên tầng lầu. Hoàng cắm cổ bước đi tìm lối vào nhà mình.

Hai cánh cửa mở toang. Hoàng lững thững đi vào. Bà Năm trầu -mẹ vợ chàng - ngồi trệt trên mặt nền nhà giương mắt mở miệng hỏi:

-Ai vô đó giết tôi đi! giết tôi đi!

Hoàng nhanh nhẩu tới bên cạnh ấp úng:

-Con là Hoàng. Con đi tù về đây má. Má nhận ra con không?

-Ừ Hoàng. Hoàng bộ đội. Hoàng giải phóng. Hoàng cách mạng. Hoàng ác ôn. Hoàng cướp của. Hoàng giết người. Hoàng thép. Hoàng sắt…

Chàng ngạc nhiên phân vân lời nói của mẹ vợ. Chợt ông Năm lẩn thẩn đi cà nhắc dưới bếp lên. Ông dơ hai tay ôm chầm lấy Hoàng. Những giọt nước mắt chảy dãi dề trên má. Ông lấy tay quẹt miệng lắp bắp kể lể:

-Con về là mừng lắm rồi. Chuyện dài Xã hội chủ nghĩa đoạn trường bi thảm lắm. Cả khu phố nầy đày đọa xót xa gấp ngàn lần Pháp thuộc. Chúng đánh từ trong ra ngoài không chừa một ai. Đánh sập tư bản xong tới dân lao động rách nát. Chúng bắt khai báo lý lịch ba bốn đời trước. Già cả con nít không tha ai ráo trọi.

Thấy bố vợ thở hổn hển. Hoàng đỡ ông ngồi vào chiếc ghế bố. Chàng thật sự muốn khóc để chia sẻ. Nhưng chàng cũng đã hết nước mắt rồi. Hoàng pha ly nước mời ông Năm rồi hỏi:

-Thưa bố. Thu Thảo và bé Tèo đi đâu rồi hở bố?

-Nó bị đuổi dạy học lâu rồi. Hai mẹ con đi lượm lặt đồ lạc soong. Còn ngoại của cháu bị tra tấn đánh đập hóa ra điên loạn và bại chân ngồi một chỗ đó. Người cộng sản có cái đuôi. Khi chưa thôn tính miền Nam chúng cất dấu sau lưng. Khi thuộc về tay chúng, chúng mới lòi cái đuôi thì nhân dân đành phải chịu bọn quỹ có đuôi cai trị.

Hoàng cháng váng. Hoàng nôn mửa cho lũ người man rợ. Muốn thét cho loang trời vỡ đất để vơi đi tức giận. Chàng cầm tay bố vợ an ủi:

-Thôi bố. Cái vận nước mạt vận. Mình cứ tin tưởng vào bánh xe lịch sử sẽ tiếp tục quay đổi hướng. Mình quên đi để tồn tại.

Ông Năm nắm chặt lại hai bàn tay:

-Quên sao được. Ngôi nhà nầy là xương máu của vợ chồng bố lập ra. Miếng đất nầy là cha ông để lại. Chúng lấy chiêu bài giải phóng. Chúng chụp mũ phản động. Chúng xô đuổi vợ chồng con cái bố đi kinh tế mới. Không tuân lệnh, chúng lợi dụng đêm hôm xông vào tra khảo đánh đập. Rồi cho người khiêng hết vật dụng ra khỏi nhà và đuổi mọi người ra đường ở. Ông Năm ngẫm nghĩ một lúc rồi lấy hơi kể tiếp:

-Pháp, Nhật, Anh, Mỹ, Nga đi cả rồi. Còn người mình thôi. Chúng nói hòa bình thống nhất. Đơn từ hành chánh in đậm sáu chữ Độc lập-Tự do-Hạnh phúc. Cái đồ giả nhân giả nghĩa quay súng vào đồng bào của mình.

Hoàng thấy ông Năm đôi tay run run có vẻ thấm mệt lắm. Chàng chen vào ngắt lời:

-Họ xảo quyệt mánh khóe mưu mô. Sĩ quan ăn học như tụi con còn lầm khi chúng báo khai lý lịch đầy đủ thì được cách mạng khoan hồng. Còn khai gian thì ở tù rục xương. Nhưng đó là chiêu lừa để ai khai thật là đợi ngày gởi lại nắm xương rừng núi lạ.. Cả nước là một trại tù trong tay bịp bợm có bằng sát nhân. Mình nằm trong đó phải cắn răng chịu đựng. 

Phía ngoài có tiếng trẻ con. Tiếng chân chạy lật đật. Hoàng ngước nhìn ra. Cả một trời mơ thoáng hiện qua đầu. Vợ con chàng đây rồi. Chàng kêu nửa nghẹn ngào, nửa mừng rỡ:

-Thảo… Thu Thảo… em... em... Tèo… tới mau đây với bố.

Thảo nhào tới siết chặt vòng tay vào ngực chồng, mừng quá ra nước mắt. Hoàng kéo đứa con vào lòng. Chàng hôn lên trán con. Chàng hôn lên má vợ. Hai người nhìn nhau câm nín để cho đáy lòng tự thổn thức sau những năm dài cách biệt. Chưa bao giờ Hoàng thấy cái nụ hôn dành cho vợ đậm đà mặn nồng như thế. Hai trái tim hội ngộ từ từ đập từng nhịp khoan thai… Ngọn gió ngoài kia kêu vù vù xuyên qua cánh cửa khép hờ. 

*

Đi trình diện xong về ngồi nhà chờ đợi. Hoàng uống lá cây thảo mộc. Biến chứng sốt rét lâu lâu lên cơn. Cái bao tử có khi ăn no lại đau nhức kinh khủng. Như người cùi hủi đi vô đi ra không ai dám chào hỏi sợ vạ lây. Hoàng cảm thấy cô đơn với xã hội, nhưng thực sự no đầy tình thương trong tầm tay gia đình bé nhỏ.

Rồi thời gian đi qua. Hoàng nhận được cái giấy báo đi họp Tổ dân phố để xin trả quyền công dân. Hoàng đọc lịch sử biết bên Mỹ Nam Bắc chiến tranh khi tàn cuộc chém giết người thua không thấy xin người thắng trả quyền công dân. Mà họ cũng không có dại dột ngu si trả thù nhau khi đất nước thống nhất như thế nầy. Trừ khi lót gạch cho ngoại bang xâm lược. 

Hoàng chuẩn bị hớt tóc ngắn gọn. Kiếm một bộ áo quần bạc màu hơi lành một tí. Vợ Hoàng chạy đi vận động những người bà con quen biết lối xóm. Trước khi đi Thảo dặn cặn kẽ:

-Ra đó cán bộ dụ dỗ khen trước rồi chụp mũ vu khống tấn công sau. Anh nhớ cẩn thận bình tĩnh lựa lời mà nói.

-Em không dặn anh đã chuẩn bị. Anh đã nếm hàng ngàn vạn ngôn từ chửi bới mạt sát cả ngày cả đêm trong trại rồi. Con trâu họ nói con gà mình vẫn vỗ tay cán bộ đúng. Không phải mình hèn. Nhưng không chết ở chiến trường mà chết lúc bị trói tay thì tội cho gia đình. Đứa nào chơi xấu kẻ ngã ngựa mới là hèn phải không em?

Thảo bỗng đưa đứa con cho Hoàng. Đứa nhỏ mắt ghèn, trán nhô, tóc lưa thưa, gò má không có thịt. Nhìn mình nhìn vợ nhìn con chàng chép môi khen:

-Em cũng giỏi xoay xở. May mà anh còn sống sót la lết về đây.

-Bao nhiêu đứa nhẹ dạ bỏ chồng bỏ con ôm chân cán bộ. Ngày trước anh đối xử với em như bát nước đầy. Lúc anh sập xuống hố thẳm chẳng lẽ đứng nhìn. Thôi anh đi họp đi. 

Hoàng hôn nhẹ lên mái tóc vợ, rồi bước ra cửa. Thảo nhìn theo chồng.

Nàng vỗ tay bành bạch vào ống quần vá hai ba miếng rồi tự nhũ:

-Cái vốn trời cho. Đời lận đận phủ lên đầy rêu mốc. Dù cỏ lá rụng rơi trơ trụi đi. Nhưng trong tận cùng vực thẳm vẫn còn trong vắt. Không một đảng viên nào xông vào đây khuấy đục được. Nhất quyết kiên trì bảo vệ cái thành trì “cồn hến” là cả sự nghiệp vĩ đại như lời đảng ma cô ưu việt dạy … 

*

Hoàng tới dự cuộc họp Tổ dân phố. Hai ba người cán bộ ngồi trên chiếc ghế dài. Trên bàn chưng bày lá cờ đỏ cùng hình lãnh tụ của họ. Khoảng ba bốn chục người trong tổ ngồi bệt dưới đất thành vòng tròn. Một cán bộ ngậm điếu thuốc phì phà đứng dậy tuyên bố:

-Buổi họp hôm nay là đưa cái tên ngụy Lê Văn Hoàng trình diện trước nhân dân xét xử để ban cho cái quyền công dân.

Hắn đẩy tôi ra rồi tiếp tục:

-Nhân dân đánh giá phê phán tội ác ngay bây giờ.

Hoàng đứng như pho tượng phập phồng chờ đợi. Mong là không bị ai tư thù cá nhân để tố cáo. Tiếng bàn tán xôn xao. Người đàn bà ngồi hàng giữa đưa mạnh tay lên nêu ý kiến:

-Tui không thấy thằng ngụy nầy đi lao động. Cách mạng có dạy lao động là vinh quang.

Một người đàn ông tuổi trung niên đứng dậy lấy tay vỗ vào ngực rồi chỉ thẳng vào mặt Hoàng:

-Con vợ mầy dạy dỗ văn hóa đồi trụy cho con cái chúng tao. Mầy làm tay sai đế quốc giết hại quân giải phóng. Yêu cầu cán bộ, nhân dân không nên trả quyền công dân lúc nầy.

Có tiếng trầm trồ hì hà trong đám đông. Như võ sĩ mới bước lên đài, Hoàng bị một cú đấm phủ đầu. Người cán bộ cầm tờ giấy ghi. Đoạn chìa môi há miệng cất tiếng lớn:

-Ai có ý kiến gì nữa về quá trình và hiện tại tội ác tố lên để lập biên bản.

Tất cả im lặng một hồi. Ngọn gió đêm nhẹ nhàng thanh thản thổi qua. Rồi một bàn tay, hai bàn tay, ba bàn tay nhiều bàn tay cùng dơ lên bênh vực:

-Tui không thấy tên ngụy nầy gây nợ máu với nhân dân ở địa phương.

-Thằng ngụy đi học tập cải tạo tốt nhà nước cách mạng mới khoan hồng cho về. Nhất quyết tán thành trả quyền công dân.

Mấy chục người hùa nhau nói: Phải đó, phải đó.

Hoàng thở phào nhẹ nhõm. Chàng tưởng chừng như người ta dẫm nát thành tương. Giữa cái hố thẳm bi thương còn có nhiều tấm lòng nhân ái. Đời còn chút dễ thương. Người cán bộ không còn gì để bắt bẻ. Hắn chỉ vào mặt Hoàng:

-Anh tự phê bình và xin nguyện trước nhân dân, cách mạng.

Hoàng lấy bình tĩnh chậm rãi trả lời:

-Tôi xin chấp hành nghiêm chỉnh lệnh.

Người cán bộ nhìn đồng hồ đeo tay rồi hấp tấp công bố:

-Chiếu theo ý nhân dân, Cách mạng trả quyền công dân cho Lê Văn Hoàng. Từ đây tên ngụy đặt dưới quyền quản lý của công an khu vực. Tôi ra lệnh giải tán.

Tan họp. Hoàng theo chân mọi người ra về.

Bước vô nhà thì cả gia đình đã đợi sẵn. Nhìn Hoàng cười, ông bố vợ gõ vào vai:

-Người cộng sản có đuôi có bao giờ từ bỏ trò chơi khỉ vượn rừng hoang bao giờ.

Đêm nay vợ và con của Hoàng có một người chồng người cha được trả quyền công dân tiếp tục làm nô lệ cho đảng.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo