Lữ Phương bảo vệ Mác, chống độc tài toàn trị - Dân Làm Báo

Lữ Phương bảo vệ Mác, chống độc tài toàn trị


Nguyễn Thanh Giang - Trong bài viết “Ông Võ Văn Kiệt và tôi”, Lũ Phương đã kể ông từng nói với Võ Văn Kiệt rằng:

“Anh Sáu biết tại sao tôi quan tâm đến chủ nghĩa Mác như vậy không? Đó là do tôi nghe lời ông Đồng và ông Duẩn, hai ông này luôn khuyên nhủ cán bộ phải học tập chủ nghĩa Mác vì không hiểu chủ nghĩa Mác thì không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nghe lời hai ông đó, tôi đã quay mặt vào tường trong suốt 10 năm để tìm hiểu; anh có biết sau đó tôi đã kết luận như thế nào không?”. Ông nhướng mắt lên và hỏi: “Sao?”
Tôi nhớ đã trả lời ông một cách tỉnh queo câu sau đây: Tôi nói hai cha nội đó chẳng biết Mác là con mẹ gì hết!. Không tưởng tượng được! Sau khi nghe câu nói báng bổ đó của tôi, ông đã cười phá lên, thoải mái như chưa bao giờ thoải mái đến như vậy! Không biết có đúng hay không, nhưng cái bí mật về chủ nghĩa Mác-Lenin mà ông không khi nào nói đến mỗi khi gặp tôi, dường như đã bộc lộ qua những tiếng cười của ông hôm đó”. 

Trao đổi với bbcvietnamese.com hôm 26 tháng 02 vừa rồi, trong chuyên đề về trí thức, ông còn “ vơ đũa cả nắm”: "Tôi thấy, Chủ nghĩa Mác chẳng dính dấp gì đến thực tại Việt Nam cả. Thứ nhất, những người nhân danh chủ nghĩa Mác để họ quản lý, lãnh đạo xã hội, họ cho rằng “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, nói một cách văn vẻ, thì họ ngộ nhận, họ hiểu lầm, họ không hiểu gì cả … họ lợi dụng, họ bóp méo hoàn toàn chủ nghĩa Mác, không dính dấp gì ở đây, nó là một chủ nghĩa Lenin, Stalin hóa, và nó là của Mao Trạch Đông. Cho nên những người nhân danh cái này để gọi là lãnh đạo Việt Nam, thì hoàn toàn không có cơ sở thực tế”.

Theo Lữ Phương:

“Chủ nghĩa Mác là một học thuyết có tham vọng đặt ra và giải quyết được mọi vấn đề của thời đại một cách hiện thực, triệt để, nhưng do bản thân chỉ là một thứ triết học chứa đựng không ít những suy lý tư biện cho nên những giải pháp kết tụ trong cuộc cách mạng gọi là vô sản là hoàn toàn bất khả thi, và tính chất bất khả thi này đã nằm ngay trong bản thân khái niệm giai cấp vô sản của Mác: giai cấp vô sản không phải là giai cấp công nhân thực tế mà chỉ là một khái niệm triết học trong hệ thống triết học của Mác mà thôi. Chính vì cứ nhất quyết coi những kết luận về chủ nghĩa xã hội của Mác là “khoa học”, đặc biệt coi chủ trương “chuyên chính vô sản” của ông là cái cốt tuỷ cần phải nắm vững để đấu tranh xây dựng xã hội mới, cho nên các chế độ gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực” nhân danh Mác đã đi vào con đường bế tắc: không có phát triển trong dân chủ và nhân đạo mà chỉ có trì trệ, bất lực trong chuyên chế và độc đoán mà thôi. Vấn đề đặt ra về mặt thực hành, theo tôi, do đó không phải là “vận dụng” chủ nghĩa Mác như một khoa học – nhất là cột Mác vào Lênin tạo thành một thứ chủ nghĩa Mác-Lênin – mà là hãy đối xử với chủ nghĩa Mác như một thứ triết học, được đối xử như vậy thì những các mặt tích cực lẫn tiêu cực trong lập luận của Mác cũng đều bổ ích cho đời sống. Trung tâm vấn đề ở đây là sự phân biệt cổ điển giữa triết học và khoa học, giữa tư tưởng suy lý và tư tưởng thực tiễn” (1).

Ông tìm thấy những yếu tố rất đáng trân trọng của Mác: 

“Hệ thống triết học của Mác, mặc dù tư biện, nhưng chứa đựng nhiều yếu tố tích cực: gợi ra cho những người nghiên cứu những định hướng mang tính phát hiện, nhắc nhở người ta phải chú ý đến những nhân tố hiện thực đã tạo nên lịch sử (như ảnh hưởng của khoa học kỹ thuật, những lợi ích vật chất, những mâu thuẫn giai cấp trong lòng một dân tộc...), những điều mà có lúc giới nghiên cứu đã không quan tâm đúng mức. Riêng khái niệm lao động bị tha hoá của Mác thì đã biến thành nguồn cảm hứng bất tận cho những xu huớng phê phán đến tận nền móng chẳng những đối với các hình thức tồn tại của xã hội hiện đại mà còn có thể đặt cơ sở để hình thành một thứ triết học chống tha hoá đối với cuộc sống nói chung của con người” (2).

“Sự đóng góp của Mác vào đời sống tư tưởng của nhân loại là điều không thể phủ nhận được, sự đóng góp ấy bao giờ cũng đứng bên ngoài hình thức chính trị hoá triết học kiểu Lênin, và do đó chủ nghĩa Mác của Mác cần phải tiếp tục được thanh lọc khỏi những “vấy bẩn” của chủ nghĩa Lênin. Chủ nghĩa Lênin đó, thực chất chỉ là một thứ chủ nghĩa Mác bị xét lại theo phương hướng xuyên tạc triệt để nhất trong lịch sử triết học Mác: nhân danh cho một thứ ý thức hệ gọi là “khoa học”, nó đã tạo ra mô hình nhà nước toàn trị ý thức hệ đưa đời sống tinh thần xã hội trở về thời kỳ Trung cổ. Đích thực, không thể có một “phản ánh luận mácxít-lêninnít” nghiêm chỉnh theo tinh thần học thuyết Mác (2).

“Triết học của Mác chứa đầy tham vọng giải phóng trần gian. Từ sự mâu thuẫn giữa tư bản và công nhân, giữa chủ và thợ trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào thế kỷ 19 ở phương Tây, Mác đã khái quát thành những mâu thuẫn xâu xé lịch sử loài người từ khởi thuỷ cho đến ngày nay: mâu thuẫn giữa những người nghèo và người giàu, giữa những người bị áp bức và đi áp bức, giữa dã man lạc hậu và văn minh tiến bộ, giữa ý thức hư huyễn và ý thức chân thực... – từ những mâu thuẫn ấy đưa ra triết lý về lao động và lao động bị tha hoá để giải quyết một lần cho xong tất cả.  Dấu ấn của tinh thần lạc quan của thế kỷ 18, 19 đã biểu hiện trong học thuyết Mác khá rõ rệt: đó là niềm tin mạnh mẽ về sự tất thắng của Lý trí, Khoa học và Tiến bộ trong việc tạo dựng tương lai. Để thể hiện niềm tin đó, và với ý hướng muốn thoát khỏi phương pháp tư biện trong các triết học duy tâm, Mác đã kêu gọi người ta trở về với cái hiện thực thời ông đang sống và dấn thân thay đổi nó” (3).


Song, thật đáng tiếc, không chỉ Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông lần lượt bóp méo Mác ngày càng tệ hại cho những mục đích chính trị của họ, mà ngay cả Angghen cũng từng làm xuy xuyển Mác:

“Sự lý giải của Angghen về mối quan hệ giữa ý thức xã hội với tồn tại xã hội cũng không tránh khỏi sự thiếu nhất quán đối với triết học Mác. Phân biệt sự khác nhau giữa tự nhiên và xã hội, Angghen cho rằng nếu quy luật của tự nhiên hoàn toàn bị sự vô ý thức và mù quáng chi phối thì trong xã hội ngược lại không có gì xảy ra “lại không có ý định tự giác, không có mục đích mong muốn". Tuy vậy, theo Angghen thì những ý định tự giác, có ý thức đó vẫn chỉ là những cảm nhận trực tiếp của những cá nhân riêng lẻ thôi; những mong muốn ấy “ít khi nào thực hiện được” khi người ta sống trong xã hội, và chính trong những hoạt động này đã hình thành ra cái mà Angghen gọi là những “hợp lực” biểu hiện cho một thứ “ý chí trung bình chung”, căn cứ vào đó, ông giả định về sự tồn tại của một thứ động lực khách quan, tập thể, độc lập với ý thức của những cá nhân, có nguồn gốc sâu thẳm trong cuộc sống vật chất của xã hội. Như vậy, chấp nhận sự phân biệt ý thức cá nhân với ý thức xã hội như Mác, nhưng Angghen đã biến cái ý thức xã hội mà Mác coi là cái tồn tại được ý thức thành một thực thể không khác gì với cái mà những nhà xã hội học thực chứng thường gọi là tâm lý quần chúng, hoặc tâm lý cộng đồng” (2). 

Những suy tưởng của Ăngghen về lao động tha hoá, ý thức huyễn hoặc … cũng hoàn toàn khác biệt với những khái niệm cực kỳ quan trọng này trong học thuyết của Mác. 

Không giống Mác, phản ánh luận trong triết học của Angghen đã đảo ngược lại biện chứng pháp của Hegel. Trong khi Mác đảo ngược cái Tinh thần tuyệt đối của Hegel thành thực tiễn lao động, coi đó là điểm xuất phát của triết học, thì Angghen lại dành cho thực tiễn lao động một ý nghĩa khác mà ông gọi là vật chất. 

Càng oan uổng cho Mác hơn khi trong tay Lênin chủ nghĩa Mác đã bị bóp méo thảm hại nhằm huy động cho cuộc Cách mạng Tháng Mười. 

Với những nhận xét sau, Lữ Phương cho rằng Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng phản mácxít hoàn toàn. 

“1 – Do không được bất cứ cuộc cách mạng vô sản nào ở những nước phương Tây nổ ra để yểm trợ, cuộc cách mạng Tháng Mười Nga không hề có được tính phổ quát, trái lại nó chỉ là một cuộc cách mạng địa phương, cục bộ, xuất hiện từ cái thế giới ngoại vi của chủ nghĩa tư bản: cái quốc tế do Lênin sáng tạo ra chỉ là sự tập hợp của đa số những quốc gia nghèo khổ, chậm phát triển.

2 –  Khái niệm chuyên chính vô sản trong lý luận của Mác mà Lênin bao giờ cũng nhắc nhở rằng đó chính là hòn đá tảng của chủ nghĩa Mác và cho rằng ai mà rời bỏ khái niệm ấy cũng là xa rời chủ nghĩa Mác trong thực chỉ là sự chuyên chính của những người tự cho mình là nắm được khoa học về sự phát triển của lịch sử, và như vậy là sự chuyên chính của môt lập trường, một thế giới quan do một thiểu số trí thức tạo ra. Thiếu hẳn thực chất mácxít (dù không tưởng), nội dung của khái niệm chuyên chính vô sản đó chỉ đơn thuần là sự chuyên chính của một ý thức hệ tự cho mình là vô sản – sự chuyên chính của một đảng phi mácxít.

3 –  Cái mô hình xã hội được gọi là “chủ nghĩa xã hội” nhân danh Mác để xây dựng cũng đã rơi vào sự suy thoái như thế. Không thể tiến thẳng lên cái không thể tiến lên được, Lênin đã đề xuất những chiếc cầu trung gian mang tính chất lùi bước mà ông gọi là chủ “nghĩa tư bản nhà nước”, qua đó tìm động lực xây dựng cơ sở vật chất để chuyển hoá xã hội lên một hình thái xã hội-kinh tế cao hơn. Nhưng cũng do cái viễn cảnh ấy của hình thái kinh tế-xã hội cao hơn là không tưởng cho nên cái nấc thang mượn đường ấy mãi mãi chỉ là cái nấc thang nằm nguyên một chỗ” (4).

Mô hình XHCN hiện thực do Lênin xác lập cũng rất phản Mác. 

Trong mô hình XHCN của Mác chế độ tư hữu bị xoá bỏ, tất cả tư liệu sản xuất được xã hội hóa, trở thành tài sản chung của mọi người. Xã hội tồn tại trong một nền kinh tế không còn thị trường, không còn hàng hoá, với một thể chế chính trị do giai cấp vô sản chiếm đại đa số dân cư làm chủ bằng một nhà nước kiều mới do mình trực tiếp tạo ra. (Tất nhiên, đây là một mô hình không tưởng).

Trong mô hình XHCN hiện thực, chủ nghĩa tư bản vẫn còn tồn tại nhưng là một thứ chủ nghĩa tư bản nhà nước độc quyền phi thị trường, phi hàng hoá mà Lenin đã mượn từ sự suy lý tư biện của Angghen, 
Theo Lữ Phương:

“Sự tha hóa trong chủ nghĩa tư bản nhà nước kiểu lêninnít, do không còn phải thông qua những định chế trung gian đặt nền trên phương thức sản xuất hàng hóa như trong chủ nghĩa tư bản cổ điển, nên đã trở thành sự tha hóa của con người trực tiếp với những ý tưởng của mình. Nói cách khác, nếu trong chủ nghĩa tư bản cổ điển, con người đánh mất bản thân trong hàng hóa và những cơ chế xã hội xây dựng trên trao đổi hàng hóa thì trong chủ nghĩa tư bản nhà nước lêninnít, con người đã đánh mất bản thân chính trong những ý tưởng giải phóng con người khỏi nền sản xuất hàng hóa. Và đó cũng là tình trạng con người đánh mất bản thân trong những ý tưởng được coi là đi giải phóng con người. Lý thuyết mácxít về giải phóng lao động ở đây đã bị đảo ngược: nó trở thành một thứ ý thức hệ không phải chỉ để những người tổ chức sản xuất huyễn hoặc những người lao động mà cũng còn là cái để chính những người lao động đưa mình vào một “mai sau” mờ mịt. Nó tạo ra cái ảo ảnh đã được lý tưởng hóa về một hiện thực trần trụi, nghèo nàn, làm cho con người tưởng rằng qua đó có thể tìm thấy hạnh phúc thật sự. Sự tha hóa tinh thần ấy không khác gì sự tha hóa mang tính chất tôn giáo mà Mác đã tố cáo. Nhưng đó không phải là thứ tôn giáo siêu việt hứa hẹn cho con người một đời sau tuyệt đối mà chỉ là một tổ chức chính trị trần tục, tầm thường được tôn lên thành cái tuyệt đối đó” (4).

Đối với số phận dân tộc Việt Nam, điều khốn khổ tệ hại là, chủ nghĩa Mác đã thấm vào đầu Nguyễn Ái Quốc - người sau này trở thành lãnh tụ ĐCSVN - lại thông qua thần tượng Lênin:

“Đọc những gì ông viết về lý luận mà ông gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin”, chúng ta thấy dường như sự hiểu biết của ông về Mác có phần không được nghiêm chỉnh lắm: tinh thần dân chủ không tưởng của Mác, biểu hiện rõ nhất trong lý luận về sự chế ngự của xã hội công dân đối với nhà nước là chuyện ông hoàn toàn không biết đến. Điều lôi cuốn ông có lẽ chỉ là mấy chữ “thế giới đại đồng” giông giống với cái khái niệm “tứ hải giai huynh đệ” trong Nho giáo vậy thôi. Sự hấp dẫn của Lênin đối với ông, ngoài tính cương nghị, nhạy bén, thực tế của một lĩnh tụ chính trị, có lẽ còn là cái tinh thần “khai sáng” của những bậc hiền nhân đối với đám dân đen thô lậu, ngu dốt, khốn khổ. Cung cách “nôm na” trong cách nói, cách ứng xử của ông, việc ông rất thích chú ý đến những chuyện “tương cà mắm muối” cho nhân dân có lẽ cũng là do kết quả của việc ông đã “Đông phương hoá” cái tinh thần từ trên trông xuống đó của Lênin. Thứ “chủ nghĩa tập thể” mà ông hay nói đến để răn dạy cán bộ, nhân danh Mác, thật ra không phải xuất phát từ cái ý hướng giải phóng con người khỏi chủ nghĩa cá nhân tha hoá trong xã hội tư sản, mà chỉ là một thứ tinh thần kỷ luật cách mạng của Lênin (suốt đời hy sinh vì đảng) cộng với một “cái chúng ta” vô ngã, phi cá tính nào đó tiềm ẩn trong các thứ lý luận phương Đông cổ xuý cho những thứ trật tự bất biến về xã hội và tự nhiên” (5).

“Chủ nghĩa Lênin mà ông mới chỉ nghe qua vào tháng 7 năm 1920, đã bắt đầu cố định thành thứ chủ nghĩa Lênin được giảng giải theo cách của Stalin rồi. Đường lối cách mạng vô sản phương Đông do Lênin hình thành, dần dà sau đó cũng đã được cụ thể hoá thành chính sách của Stalin coi Liên bang xô viết là trung tâm cách mạng thế giới, coi chủ nghĩa xã hội thực hiện ở Liên xô là hình mẫu cho các nước phải theo, khẳng định mạnh mẽ trong thực tế dần dần chiều hướng “gió Đông quyết định gió Tây”, manh nha từ năm 1920 trong Quốc tế III, từ đó hình thành ra “phe” xã hội chủ nghĩa như một thứ chủ nghĩa cộng sản mang tính cục bộ,“địa phương” khác hẳn với Mác, và trong chừng mực nào đó với cả Lênin nữa. Tất cả những chuyển biến trong bản thân cái gọi là cuộc cách mạng vô sản mácxít cũng đã quyết định hoàn toàn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Một mặt, nếu nó đã đưa Việt Nam tham gia vào những cơn sóng gió không ngừng ngả nghiêng vì những cuộc thanh toán nội bộ một cách ác liệt trong Quốc tế III thì mặt khác cũng lại gắn chặt số phận đất nước ngày càng sâu vào đó như một định mệnh không thể gỡ ra được” (5).

Không hề có chủ nghĩa Mác ở Việt Nam: 

“Chủ nghĩa Mác ở Việt Nam khởi đầu là chủ nghĩa Lênin, sau đó đã trở thành chủ nghĩa Mác-Lênin đã được “Đông phương hoá” lần lượt theo kiểu Stalin rồi sau đó là Mao Trạch Đông: đó là một thứ chủ nghĩa Mác đã bị biến dạng, xa lạ hoàn toàn với nguồn gốc xã hội và văn hoá của nó.Chủ nghĩa yêu nước truyền thống mà Đảng cộng sản Việt Nam muốn nương theo để đưa dân tộc Việt Nam vào “chủ nghĩa xã hội”, qua sự thử thách của thời gian, với chính mục tiêu của Mác, như vậy là đã hoàn toàn thất bại” (5). 

Du nhập tư tưởng Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông vào Việt Nam, không chỉ làm kiệt quệ Miền Bắc mà “Khi được bê nguyên xi vào áp dụng ở miền Nam Việt Nam sau khi thắng lợi hoàn toàn, cái mô hình đó lập tức đã phát huy ngay sức mạnh tàn phá của nó đối với tất cả những thành quả mà miền Nam đã đạt được trong suốt quá trình công nghiệp hóa (dù còn ở bước đầu) và hiện đại hóa. Chỉ còn vài năm, bắt đầu là “tiếp quản” rồi sau đó là “cải tạo” tư sản ở thành phố, “hợp tác hóa” ở nông thôn, đời sống người dân đã bị đẩy lùi lại tình trạng trước đó khoảng vài ba chục năm, khốn khổ như chưa bao giờ đã xảy ra, dưới chế độ phong kiến, thực dân. Nền sản xuất hàng hóa mở rộng đã bị phá vụn thành những khu vực nhỏ bé, chiếm lĩnh bởi những cái gọi là “ngành” hay “lãnh thổ”; bất cứ cơ quan nào hay địa phương nào (kể cả xã, ấp) cũng có thể lập ra các hàng rào, trạm gác để chặn xe cộ lại xét hỏi, tịch thu, đánh thuế; còn nếu có gì gọi được là sản xuất thì cũng chỉ là những phong trào vận động ồ ạt người ta đi “lao động xã hội chủ nghĩa” (đắp mương, làm thủy lợi...) hoặc rủ nhau đi ra khỏi thành phố xin đất để làm rẫy kiểu “tự túc” như thời kháng chiến trong rừng, tốn không biết bao xăng nhớt, thì giờ mà kết quả chẳng đi đến đâu (6).

“Sự chiến thắng của Đảng cộng sản là một sự kiện động trời với nước Mỹ và ngoạn mục với thế giới. Nhưng với Việt Nam, sự chiến thắng ấy chỉ đem lại cho tuyệt đại đa số những người dân bình thường điều mà họ đã mòn mỏi mơ ước từ lâu: đất nước được hoà bình. Và hơn nữa, phục hồi lại toàn vẹn chủ quyền trong thống nhất, từ đó tạo điều kiện cho những giấc mơ mới sinh thành. Nhưng chưa kịp định hình thì những giấc mơ này đã tan vỡ ngay lập tức. Đảng cộng sản khai thác được sức mạnh của dân tộc để chống ngoại xâm, nhưng ý thức hệ cộng sản đem vào xây dựng lại hoàn toàn đi ngược những điều đơn giản: chữa lành những vết thương chiến tranh, tạo dựng lại cuộc sống yên ấm cho nhân dân. Tất cả những sai lầm từ miền Bắc mệnh danh “xã hội chủ nghĩa” sau khi thắng Pháp nay đã được lập lại nguyên vẹn ở miền Nam sau khi thắng Mỹ: cũng trả thù những người khác chiến tuyến, khắc nghiệt với những người khác ý kiến, cũng đấu tranh giai cấp bằng cải tạo ở thành thi, hợp tác hoá ở nông thôn, gây ra đói nghèo, khổ sở, khiến bao người bỏ nước ra đi… trong khi đó thì ồn ào phất cờ “tiểu bá” tạo cớ cho người anh em “đại bá” đưa xe tăng và đại pháo tràn sang biên giới nhen lại chiến tranh. “Thắng trong chiến tranh nhưng bại trong hoà bình”, đã có hơn một tác giả phương Tây từng ủng hộ Việt Nam trước đây nhận xét như vậy sau khi Việt Nam thống nhất không lâu” (7).

Vì đâu nên nông nỗi này? Phải chăng mọi việc chỉ bắt đầu từ Đại hội Tours, năm 1920, khi Nguyễn Ái Quốc chuyển hướng từ chủ trương “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” và “Ỷ Pháp tự trị” của Phan Châu Trinh sang con đường cách mạng cực đoan của Đệ tam Quốc tế. Hay, từ cái đêm bất hạnh, Nguyễn Ái Quốc bật khóc trước những trang viết của Lênin rồi quyết định từ giã môi trường hoạt động khuynh tả ở nước Pháp dân chủ để sang Nga tiếp nhận mô thức chuyên chế kiểu phương Đông vào năm 1923.

Thực tế, cũng chẳng ra Lênin, dù đu dây, lúc ngả vào lòng Liên Xô, lúc nằm gọn trong vòng tay Trung Quốc, ĐCSVN cuối cùng vẫn thực hiện một thứ “chủ nghĩa Stalin mang đặc điểm Trung quốc”  - đó là chủ nghĩa Mao – một hệ tư tưởng tệ hại nhất trong những hệ tư tưởng gọi là “xã hội chủ nghĩa” phản Mác nhưng vẫn  nhân danh Mác!.  

Vì sai một ly (giữa Nguyễn Ái Quốc với Phan Châu Trinh) nên đã phải đi một dặm. Một dặm quá dài, đầy máu lửa, tan tác quê hương, đầm đìa nước mắt, ĐCSVN không thể không sửa sai (họ gọi là “Đổi mới”). Nhưng: 

“Những cái gọi là “đổi mới” lý luận về chủ nghĩa xã hội ra đới dưới sự bảo trợ của đảng và nhà nước hiện nay ở Việt Nam, theo tôi, chỉ là sự xoay sở một cách vô cùng hỗn loạn để đối phó với tình thế khó khăn ấy: nó chỉ lay hoay trong sự chắp vá tìm ra cách nói, cách trình bày như thế nào trước công luận để biện minh cho sự từ bỏ trên thực tế những nguyên lý mácxít về chủ nghĩa xã hội nhưng cuối cùng vẫn duy trì được sự độc tài của đảng chứ không phải là cái gì khác. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tình trạng ấy sẽ kéo dài được bao lâu, và kéo dài bằng cách nào khi mà, ngoài sự trấn áp, hù doạ quen thuộc, đảng đã không còn trong tay sự dự trữ tinh thần nào khác ngoài những thủ đoạn nói dối, mị dân? Sự tan rã về tư tưởng trong hàng ngũ đảng hiện nay là điều đã trở thành hiển nhiên không còn có thể nghi ngờ chút nào. Đảng đang tìm cách “tự diễn biến”, tự thay hình đổi dạng cũng là điều không thể nghi ngờ chút nào. Những băn khoăn của tôi không phải ở chỗ đó mà là xét xem sự biến chất của đảng theo chiều hướng đó có mang lại được ích lợi thật sự cho sự phát triển của dân tộc hay không mà thôi. Tôi cho rằng mọi việc ngày càng chìm sâu vào tình trạng bế tắc, thực dụng hoàn toàn không có lối thoát về lý luận. Có lẽ sự mơ mộng của tôi, nếu có, thì chỉ xuất phát từ tình trạng ấy: mong muốn sự hoá thân của đảng diễn ra một cách “tử tế” hơn, sự đổi mới của đảng diễn ra một cách toàn diện hơn, dân chủ hơn, có ý thức hơn, chứ không ứng biến nửa vời và phản văn hoá như nó đang diễn ra hiện nay” (1).

“Thực chất của cái xã hội “đổi mới” ra đời “dưới sự lãnh đạo” của Đảng cộng sản hiện nay ở Trung Quốc và cả Việt Nam chính là cái thực thể mà học thuyết Mác đã phủ định từ nền móng, không có tên gọi nào khác hơn là chủ nghĩa tư bản, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội mácxít, nên mới khen cái cái chế độ “XHCN” đã xoay chiều đó là “vì tinh thần nhân đạo, vì lợi ích cách mạng” một cách xun xoe hể hả! …. Một người xa quê hương 30 năm, nay trở về thăm nhà chắc hẳn sẽ có dịp thấy tận mắt điều đó đang diễn ra như thế nào. Rõ ràng là “chủ nghĩa tư bản” đã được phục hồi. Với tất cả những nô nức hứa hẹn thăng tiến cuộc sống xen lẫn với nghèo đói, ma tuý, mại dâm, tội ác, tham nhũng… ồn ào, chụp giật, rừng rú, vui buồn đủ thứ nhưng đó vẫn là “chủ nghĩa tư bản” chứ chẳng phải là cái gì khác ” (8).

Muốn ĐCSVN đổi mới thực sự, đổi mới đúng hướng thì phải “Diễn biến Hòa bình” họ và làm cho họ “tự diễn biến”. “Phong trào Dân chủ” có nhiệm vụ đảm trách sứ mệnh thiêng liêng đó. Tiếc rằng khi được hỏi về phong trào này Lữ Phương đã cho biết:

“ …tìm hiểu hiện tượng hàng loạt những tổ chức ra đời cùng tính chất với “Khối 8406” anh vừa hỏi: Cứ viết bài chửi Mác, chửi Hồ Chí Minh tới bến, càng dữ dằn, bạt mạng thì càng được xưng tụng là “chiến sĩ dân chủ”. Chỉ với một số người cùng với mấy cái PC nặn ra một tuyên ngôn kêu gọi đa nguyên, đa đảng gửi lên mạng toàn cầu là đã có thể khai sinh cho một số tổ chức mệnh danh dân chủ (cũng với bao nhiêu nhân sự đó), nếu có làm gì tiếp thì ngoài việc ra hết tuyên bố này đến tuyên bố khác kết án cộng sản, là chờ dịp viết thư (đăng lên mạng) kêu gọi những ông này bà nọ trong chính giới Mỹ dạy cho những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam một số bài học dân chủ và nhân quyền, kể cả những bài học thực thi bằng biện pháp ngoại giao và kinh tế! (9).

“Tình hình mới khởi đầu nhưng dường như không hứa hẹn điều gì đáng phấn chấn ngoài sự ồn ào trên các website đấu đá ở hải ngoại. Mọi việc diễn ra cho chúng ta thấy cái thiếu hoàn toàn cho điều đáng mong ước mà anh nói chính là cái gọi là “văn hoá dân chủ”. Dân chủ vì phục hận, trả thù, dân chủ thực hiện bằng chửi bới bạt mạng, cho mình là người duy nhất nắm chân lý, dân chủ vì đô la, kèn cựa nhau để tìm chỗ dựa của bên ngoài… thì như có người đã nói đó chỉ là thứ dân chủ ... “chợ búa” thôi. Chưa tìm cách ngồi lại với nhau để thanh toán cho nhau cái thứ “văn hoá dân chủ” ấy như Hà Sĩ Phu đã ám chỉ thì người ta chưa thể bàn gì đến việc tập hợp lực lượng, huống chi là chuyện thống nhất tổ chức” (9).

Theo Lữ Phương, dù đã quá muộn, lẽ ra sau 1975, ít nhất ĐCSVN đã phải thực hiện những điều tiên quyết sau đây:

“- Từ bỏ ý định “phất cờ”, “chính sách đóng cửa, tự lực cánh sinh theo lối cũ”.
- “Từ bỏ những phương pháp cách mạng và bạo lực”.
- “Từ bỏ khái niệm nhà nước giai cấp”.
- “Thể hiện chuyên chính bằng hiến pháp và pháp luật”.
- “Thực hiện tam quyền phân lập”, “xây dựng nhà nước pháp quyền”, “nền móng để giải quyết vấn đề đa nguyên, đa đảng”.
- Ðảng cộng sản “phải giao toàn bộ quyền lực cho nhà nước, trở về xã hội công dân, tự đặt mình trong pháp luật, bình đẳng với mọi tổ chức chính trị xã hội khác, từ đó khẳng định lại năng lực và phẩm chất của mình”” (10)

Rút trong cuốn “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH”                                                                                           


Nguyễn Thanh Giang 


Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay 
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội 
Điện thoại: (04) 35 534 370


danlambaovn.blogspot.com

Ghi chú: 
Lữ Phương - Trả lời báo “Diễn Đàn”, Paris, tháng 7- 1995                                                        
(2) Lữ Phương – Phản ánh luận Macxit-Leninit                                                                                      
(3) Lữ Phương - Vấn đề Lao động trong học thuyết Mác                                                                        
(4) Lữ Phương - Chủ nghĩa xã hội mácxít & chủ nghĩa xã hội hiện thực                                                                       
(5)  Lữ Phương - Từ Chủ Nghĩa Yêu Nước  đến Chủ Nghĩa Xã Hội                                                             
(6) Lữ Phương - Việt Nam “Đổi Mới”: 1979-1986                                                                                   
(7)Lữ Phương - Chiến Tranh Việt Nam: Chủ quyền Quốc gia, Xung Đột Ý thức hệ và Hoà giải Dân tộc                                                                                                                                                         
(8) Lữ Phương - Những Kẻ Không Được Lên Thiên Đường!                                                              
(9) Đoàn GiaoThủy - Vấn Đề Dân Chủ Hoá ở Việt Nam                                                                          
(10) Lữ Phương - Chủ nghĩa Xã hội Việt Nam: di sản và đổi mới


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo