Hồi tưởng ngày này năm trước - Dân Làm Báo

Hồi tưởng ngày này năm trước

Le Nguyen (Danlambao) - Thắm thoát lại đến ngày 05/06, ngày đánh dấu những người con yêu ở hai đầu tổ quốc Hà Nội, Saigon rầm rập xuống đường bày tỏ lòng yêu nước, chống bành trướng phương Bắc, kẻ ngang nhiên rượt đuổi, bắt giữ, bắn giết ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên ngư trường của tổ tiên nghìn đời để lại. Kẻ thù Phương Bắc hành xử man rợ, chúng ngang nhiên bắt bớ, ngang ngược đòi tiền chuộc mạng như bọn hải tặc thời trung cổ. Những hình ảnh, những thước phim, những bài viết của các chiến sĩ thông tin trên các trang báo không chính thống chỉ ra nhiều cảnh ngư dân bó gối ôm đầu, mặt thất thần hoảng hốt, vái lạy “hải tặc” Trung Cộng khiến cho chúng ta những người cùng chung giòng máu Việt Nam không khỏi bức xúc bất bình lẫn căm giận lũ người khôn nhà dại chợ, hèn với giặc ác với dân.

Chúng, những tên hèn với giặc ác với dân phản ứng yếu ớt, nhu nhược với bá quyền Trung Quốc. Các hệ thống tuyên truyền đồ sộ nắm trong tay nhưng những tên hèn với giặc gần như tắt tiếng, chúng chỉ dám xa gần nhắc đến “tàu lạ” nếu không muốn nói là hèn nhược khiến cho lòng tự hào dân tộc trổi dậy, sục sôi phẫn nộ và người dân không yên tâm với cách giải quyết bọn giặc cướp của nhà nước cộng sản Việt Nam là mềm dẻo, hết sức tự chế đến độ mất dần đất biên giới, biển đảo vẫn tự chế, kềm chế nói như quan chức đỉnh cao của đảng ta là “làm cho tình hình thêm rất đổi tình hình!” 

Thế cho nên, người dân không thể chờ lâu hơn nữa, họ tự kêu gọi nhau qua tin nhắn, qua báo lề dân hẹn ngày giờ cùng xuống đường bày tỏ thái độ dứt khoát rõ ràng, hừng hực khí thế đấu tranh với những tiếng hô vang dậy mỗi góc phố, từng con đường mà đoàn người yêu nước diễn hành ngang qua: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam... Việt Nam, Việt Nam... Đả đảo Tàu cộng xâm lược... đả đảo, đả đảo... Bảo vệ nhân dân Việt Nam... bảo vệ, bảo vệ” cùng với một rừng biểu ngữ bằng vật liệu thô sơ viết vội mang nội dung yêu nước, yêu hoà bình đa màu sắc với ba thứ tiếng Anh, Việt, Hoa... thể hiện tính tự phát thật sự tự phát nhưng rất kiên quyết, mãnh liệt: “Dân tộc Việt Nam mong muốn hòa bình hữu nghị... Biển Đông không phải là ao nhà của Trung Quốc... Sự bành trướng của Trung Quốc đe dọa hòa bình và an ninh thế giới... Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh... ” 

Hôm nay đã một năm trôi qua tưởng chừng mới hôm qua hôm kia với hình ảnh âm thanh sống động, những giọt mồ hôi tuôn đổ ướt đẩm trên vầng trán, trên khuôn mặt rạng rỡ của thanh niên phụ nữ, của cụ già em bé dưới ánh sáng mặt trời oi bức của những ngày hè, làm đẹp thêm dáng đứng Việt nam. Một người cất giọng “phản đối Trung Quốc xâm lược” hàng ngàn người có cả già trẻ gái trai như trong lời của bài Việt Nam Tôi Đâu của ca nhạc sĩ trẻ Việt Khang, vung nấm tay lên cao hét vang “phản đối, phản đối...”vang dội phố phường. Đến một người bắt nhịp hát “Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi...” hàng trăm người cất cao giọng hát...

“Dậy mà đi, dậy mà đi 
Ai chiến thắng không hề chiến bại 
Ai nên khôn không khốn một lần 
Dậy mà đi, dậy mà đi 
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi 

Đừng tiếc nữa cần chi khóc mãi 
Dậy mà đi núi sông đang chờ 
Dậy mà đi, dậy mà đi 
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi 

Bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà 
Bao nhiêu năm qua dân ta chết xa nhà 
Dậy mà đi, dậy mà đi 
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi” 

Có lẽ suốt mùa hè năm trước hình ảnh của những người yêu nước được biết tên hay không biết tên khó phai mờ trong tâm trí của người dân Việt nam chưa có dịp, chưa có cơ hội hòa mình vào cuộc xuống đường lịch sử của những ngày này năm trước. 

Một năm trôi qua trong tôi vẫn như mới hôm qua hôm kia, còn in đậm nét bất khuất của nữ tướng Bùi Hằng, nét đẹp dịu dàng trong tà áo dài truyền thống của hoa khôi biểu tình Trịnh Kim Tiến, hình ảnh của binh nhì Nguyễn Tiến Nam được đồng đội giải cứu trước trụ sở công an Phường Tràng Tiền, gương mặt rạng ngời của Nguyễn Văn Phương đọc tuyên cáo trước nhà hát lớn Hà Nội, nét khắc khổ chịu đựng của bà mẹ Việt nam tiêu biểu có mặt trên tuyến đầu suốt mùa hè rực lửa đấu tranh năm trước ở Hà Nội, hình ảnh người nhạc sĩ già Tạ Trí Hải sát cánh cùng đồng bào bắt nhịp cho những bài ca tranh đấu, cùng nét ngây thơ dễ thương các em bé, các học sinh còn mặc đồng phục mang khăn quàng đỏ đưa cao biểu ngữ khẳng định chủ quyền biển đảo. Ấn tượng nhất đối với tôi là hình ảnh bà Trần Thị Hường cùng hai con gái, một gia đình Việt Kiều Đức giương cao biểu ngữ hoà nhập, chia lửa chia nỗi uất nghẹn cùng đồng bào trong nước...và hình ảnh của cặp vợ chồng trẻ, người chồng cõng con trên vai ở Saigon, say sưa hát vang bài Đáp Lời Sông Núi của nhạc sĩ Trúc Hồ: 

“Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi, 
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng. 
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi, 
Quyết bảo vệ giang san, ta thà chết cho quê hương. 
Đây muôn triệu con tim, đây muôn triệu khối óc, 
Cùng giòng máu Việt Nam. 
Đây Hưng Đạo Vương, đây Lý Lê Trần, 
Bốn ngàn năm chưa một lần khuất phục ngoại bang...” 

Còn nhiều, rất nhiều hình ảnh gây xúc động làm rơi nước mắt, đi vào lòng người lẫn tự hào cho dáng đứng Việt Nam mà lời không nói hết ý, chữ không diễn tả hết nghĩa của một mùa hè rực lửa đấu tranh năm trước và trí nhớ con người có hạn như tôi không thể nhớ cũng như không thể biết hết được. (xin lỗi các bạn tham gia biểu tình năm trước xứng đáng được ghi danh vào lịch sử Việt Nam nhưng tôi đã không có khả năng làm được việc đó.) 

Bên cạnh những hình ảnh tự hào cho dáng đứng Việt Nam trong tôi còn thu nhận vào trong trí những hình ảnh ô nhục, đáng xấu hổ của an ninh cộng sản Việt Nam. Nói như giáo sư Ngô Bảo Châu là không ai làm mất thể diện quốc gia bằng các ông bà này, khi chận bắt người xuống đường bày tỏ lòng yêu nước cách thô bạo, dã man nắm hai tay hai chân, áo quần sút sổ, khiêng đi ngời ngời giữa phố đông người, quăng lên xe như quăng súc vật. Điển hình là hình ảnh tên an ninh thường phục cặp nách bạn Phan Nguyên khiêng trước đám đông người dân lẫn khách du lịch nước ngoài không còn biết dùng từ nào để diễn tả cho hành động phản cảm, phản văn minh đó cùng với Clip ghi lại hình ảnh các tên an ninh thường phục, sắc phục khiêng Nguyễn Chí Đức đến cạnh xé buýt, tên đại úy Minh thể hiện thú tính đạp vào mặt Chí Đức nhiều lần. 

Một năm trôi qua dư âm cuộc xuống đường năm trước vẫn còn động lại trong tim của nhiều người Việt Nam còn tha thiết tiền đồ dân tộc và thế giới trong năm qua cũng có nhiều thay đổi, những nước độc tài khát máu của Bắc Phi, Trung Đông lần lượt sụp đổ lẫn trên đường bại vong và buộc phải thực hiện thay đổi như Tunisia, Egypt, Libya, Yemen, Syria... Ở Âu Châu, có Nga là nước cựu cộng sản dần hoàn thiện thể chế dân chủ. Ở Á Châu đúng hơn là khu vực Đông Nam Á, có Myanmar đang chuyển đổi sang dân chủ mà hơn một năm trước đó, lúc Việt Nam còn là chủ tịch luân phiên của khối Asean, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị cấp cao của khối do Việt Nam chủ trì tổ chức đã phát biểu: 

“Mong muốn Myanmar triển khai hiệu quả lộ trình dân chủ vì hòa bình và hòa hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó sớm tập trung ổn định để phát triển đất nước Myanmar.” 

Đến hôm nay hơn một năm sau ngày thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “khuyến khích” Myanmar triển khai lộ trình dân chủ, đất nước Myanmar đã thực hiện nhiều bước chuyển đổi chính trị tích cực cho nhu cầu dân chủ hoá, thì Việt Nam lại đi thụt lùi về thời chính trị hoang dã, gia tăng trấn áp những nhà đối kháng, củng cố độc tài, phát triển tội ác chống nhân dân gây chấn động khắp cả nước như việc cưỡng cướp đất đai của nông dân ở Tiên Lãng, Vụ Bản, Nam Định, Cần Thơ... đẩy nhân dân vào bước đường cùng phải phản kháng bằng súng, mìn, bom xăng tự chế lẫn tay không gậy gộc cuốc xẻng đá sỏi và ngay cả phản kháng bằng cách cởi trần truồng phơi “sức mạnh” tự có phản thuần phong mỹ tục chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Dù thế, mặc cho lời than oán ngất trời của người dân lẫn lời can ngăn tâm huyết của các công thần dựng nên chế độ, đảng cộng sản Việt Nam vẫn ngoan cố gây thêm tội ác với nhân dân! 

Một lần nữa những viên ngọc quý, lấp lánh sắc màu nhân bản, nhân văn những người xuống đường bày tỏ tình yêu nước chống kẻ thù phương Bắc của mùa hè năm trước, thể hiện dáng đứng hiên ngang Việt Nam. Họ lại nhập cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội, họ lên tiếng bênh vực cho đồng bào thấp cổ bé miệng của mình, dù biết rằng đây là cuộc chiến không cân sức, không lý lẽ bởi đối thủ được trang bị vũ khí lẫn pháp lý đến tận răng và chúng là những kẻ quen sống với môi trường hoang dại mạnh được yếu thua, khó từ bỏ thói rừng rú để thực hiện cách đấu tranh, cạnh tranh lành mạnh của loài người văn minh. Thế nhưng tôi tin rằng, những người con yêu của tổ quốc cũng tin rằng chính nghĩa cuối cùng sẽ chiến thắng gian tà như lịch sử nhân loại đã từng diễn ra như thế.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo