Trở về cội nguồn văn hóa dân tộc - Dân Làm Báo

Trở về cội nguồn văn hóa dân tộc

Việt Thường (Danlambao)Đất nước Việt Nam không cần vĩ đại bằng những công trình hoành tráng, bằng màn diễu võ dương oai rầm rộ trên biển Đông, bằng những tấm huy chương thể thao chói lóa hay một đất nước rộng lớn, với số dân đông đảo và những con số GDP khó ai bắt kịp. Đất nước ta theo đuổi cái chất vĩ đại bằng nền văn hóa đậm đà bản sắc, giàu tình nhân văn, bằng ý chí sắt thép và lòng yêu nước nồng nàn bảo vệ chủ quyền quốc gia, bằng tinh thần thượng võ trong thi đấu thể thao, một đất nước xinh đẹp trong lành với những con người thông minh, cần cù và một xã hội công bằng, tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người...


*

Ngót nghét gần 5000 năm trước, có một tộc người đông đảo sống trên một vùng đất rộng lớn bên bờ Nam sông Dương Tử. Họ là những nhà nông nghiệp của thời đại bấy giờ, khi nhiều dân tộc khác vẫn còn đang sống bằng nghề săn bắt. Dân tộc ấy biết trồng lúa nước, biết làm nhà sàn hình chữ nhật mái cong và sống theo mô hình làng mạc. Họ sống hòa hợp với thiên nhiên sông trời, mây nước, chuộng ca hát, và yêu tự do. Họ thường ngồi bên bờ sông để ngắm những con chim sải cánh bay trên bầu trời cao và trong họ dấy lên một khát vọng được tung cánh bay cao, bay xa như những con chim ấy. Tình yêu của họ dành cho khát vọng được bay cao tự do khiến họ thần thánh hóa những con vật biết bay. Họ sáng tạo ra một con vật thân dài vốn là từ hình tượng con giao long mà họ thường gặp và gán cho nó khả năng bay được mà họ gọi là con Rồng. Rồi chừng như thấy con rồng sao mà thô ráp, họ đã sáng tạo nên con Phượng mỹ miều lấy hình ảnh từ con chim Trĩ để ghép vào một cặp Rồng Phượng biểu trưng cho cái đẹp, sự khôn ngoan và uy quyền. 

Họ cũng biết chăn nuôi gia súc, biết dùng trâu để cấy lúa. Họ sáng tạo ra bộ âm lịch để phục vụ cho nhu cầu trồng lúa nước và lấy hình tượng 12 con gia súc gần gũi trong đời sống hàng ngày của họ mà biểu trưng cho ngày, tháng, năm. Họ có kỹ thuật đúc đồng cao, và thích làm những chiếc trống đồng và các dụng cụ bằng đồng khắc những hình thù tinh xảo. Họ thích nhuộm răng đen, xăm mình, cắt tóc ngắn, thích ăn cơm nấu trong ống tre, uống trà, ăn nhiều rau củ. Họ có khả năng quan sát, hình tượng hóa sự vật, sự việc, họ yêu cái đẹp, khéo tay, sáng tạo và rất lạc quan. 

Cuộc sống của những con người hiền hòa ấy bình lặng trôi qua. Họ sống rải rác dưới một hình thức nhà nước lỏng lẻo nhưng nền văn hóa, ngôn ngữ và quốc hồn quốc túy thì thật sự tương đồng. Họ có một ông tổ chung, trải qua nhiều đời vua chúa, họ đã xây dựng cho mình một nền văn hóa giàu tính nhân văn, một xã hội mà khoảng cách giữa vua và dân là không lớn, trọng sự học, kính thờ tổ tiên và các anh hùng dân tộc. 

Cho đến một ngày, một bộ tộc hung hãn phương Bắc tràn đến trên lưng ngựa và tay lăm lăm những vũ khí sắc bén. Than ôi, những nhà nông phương nam thuần phác ấy không biết lấy gì để chống trả khi trong tay họ chỉ có những cái liềm bằng đồng cắt lúa. Nền văn minh hiền hòa và thấm đậm chất nhân văn của họ đã đại bại trước sức mạnh cơ bắp, tư tưởng tàn nhẫn và bạo lực của đối phương. Vậy là họ thiên di mãi về phía nam, co cụm lại trong một vùng đất bé nhỏ, mang theo những chiếc trống đồng một thời rực rỡ ấy và cuối cùng rơi vào vòng đô hộ của người phương Bắc. 

Giặc phương Bắc tràn đến cõi Giang Nam với một khí thế hừng hực nhưng lại có một nền văn hóa nghèo nàn. Họ nhanh chóng hấp thu tinh hoa văn hóa của người phương Nam và họ hả hê ngồi trên ngai cao mà dạy các dân họ đô hộ rằng, vua của họ là thiên tử, đất nước của họ là trung tâm, và tất cả những ai sống xung quanh cái tâm ấy đều phải quy phục thiên tử. Họ gọi mình là Hoa Hạ, với “Hoa” nghĩa là quý tộc, còn các bộ tộc phương nam bị gọi là Nam man. Người Nam man ấy chính là Việt tộc- chủ nhân một thời của nền văn mình lúa nước rực rỡ bên bờ nam sông Dương Tử. 

Người Việt không hoàn toàn khuất phục trước sức mạnh của người Hoa Hạ. Nền văn minh khác biệt của họ khiến họ không thể sống chung với người Hoa Hạ- Hán. Vậy là những cuộc khởi nghĩa liên tục nổ ra. Những anh thư, tuấn kiệt trong Việt tộc không tiếc thân mình để bảo vệ văn hóa của tiên tổ khiến cho quân giặc khiếp sợ trước ý chí quật cường của giống dân này. Thế là họ một mặt dùng vũ lực dẹp loạn, một mặt ra sức tiêu diệt văn hóa và nguồn gốc của Việt tộc. Nhưng làm sao có thể tiêu diệt nền văn hóa ấy khi nó cũng đã bén rễ trong cộng đồng Hán tộc? Cuối cùng, họ đã thực hiện một cuộc đánh tráo văn hóa ngoạn mục. Họ đóng vai những người khai hóa xuống phương nam. Hàng loạt sách sử được viết ra với nội dung người Hán đã mang văn minh cho các bộ tộc xung quanh. Tất cả những gì các tộc người xung quanh có, đều là do được người Hán khai hóa, rằng nền văn minh Trung Hoa thì rực rỡ, còn văn minh của Việt tộc thì không có gì. 

1000 năm trôi qua, người Việt chưa bao giờ khuất phục. Và cuối cùng họ giành được độc lập trên phần đất nhỏ bé thừa hưởng của tổ tiên. Nhưng những gì họ đã mất thì quá nhiều, không chỉ mất đi phần đất đai mênh mông mà những di tích, những mộ phần của ông bà đành bỏ lại, mà họ còn mất đi hầu hết nguồn gốc văn hóa của mình. Con cháu người Việt sống hơn ngàn năm tiếp theo trong một nỗi mặc cảm khi nghĩ rằng mình phải đi vay mượn văn hóa và chữ viết của Trung Hoa vĩ đại. Những sự tích con rồng cháu tiên thần kỳ hay những chiến công vang dội của tổ tiên trước người láng giềng phương Bắc cũng không đủ để xóa đi nỗi tự ti ấy. 

Sự tự ti trước ánh hào quang rực rỡ của người Trung Quốc đã phần nào kềm hãm sự phát triển của người Việt. Một số người mặc nhiên công nhận sự thấp kém của dân tộc mình, cho rằng cái gì hay cái gì đẹp cũng từ Trung Hoa mà ra. Một số người còn phỉ nhổ vào chính nền văn hóa của mình mà chạy theo những hào quang của các nền văn hóa ngoại lai. Hậu quả của 1000 năm nô lệ còn kéo dài đến tận hôm nay! 

Sẽ có người cho rằng, người Hán chắc chắn phải có một nền văn minh cao hơn, phải thực sự là cái nôi của văn minh nhân loại, mới đủ sức làm nên một đất nước Trung Hoa vĩ đại, không chỉ to về diện tích, mà còn đông về dân số, với những cung vàng điện ngọc, thành quách kiên cố, với bức tường thành còn nhìn thấy được khi đứng ở mặt trăng. Nào chúng ta hãy cùng phân tích về Trung Hoa và làm rõ sự tương phản trong hai nền văn hóa Hoa và Việt. 

Nói đến ông tổ của người Hoa Hạ thì phải nói đến Tần Thủy Hoàng đế- một ông vua có công thống nhất “thiên hạ” và áp đặt một hình thức cai trị sắt máu như đốt sách, chôn nho. Trung Hoa vĩ đại đã được hình thành nên từ một ông tổ như thế. Đế chế Trung Hoa vĩ đại đã thai nghén từ những trận chiến chinh phạt, sát nhập các dân tộc vốn không liên quan gì đến nhau về mặt di truyền lẫn văn hóa. Vạn lý trường thành được dựng nên trên xương và máu của chính người dân Trung Quốc. Và ngày nay Trung Quốc tự hào khoe khoang bức tường đẫm máu ấy để lấy làm tự hào mà chưa một lần thắp những nén nhang tri ân những vong hồn đã khuất dưới chân tường thành. Vạn lý trường thành không đại diện cho nghệ thuật thẩm mỹ như đền Artimis của người Hy Lạp, không đại diện cho kỹ thuật xây dựng như kim tự tháp của người Ai Cập, cũng không đại diện cho tình yêu bất diệt của một ông vua dành cho vợ mình như đền Taj Mahal của Ấn Độ, Vạn Lý Trường Thành đại diện cho một sự “vĩ đại” theo phương châm dài nhất, to nhất, huy động được nhân công nhiều nhất. Và ở đây ta có thể hình dung được định nghĩa về sự “vĩ đại” theo tư tưởng của người Trung Hoa. 

Theo chiều dài của lịch sử, người Trung Hoa đã cố công theo đuổi đến cái đích “vĩ đại” của mình. Họ cho xây dựng những công trình vĩ đại, họ lo chinh chiến sát nhập đất đai để có một đất nước vĩ đại và một số dân đông vĩ đại. Rồi hai từ “vĩ đại” đã ăn sâu vào máu và suy nghĩ của họ nên họ làm việc gì cũng chỉ mong được vĩ đại, cho dù nó khiên cưỡng và trái tự nhiên. Như đại hội Olympic Bắc Kinh, họ đã trình làng một màn khai mạc vĩ đại, ngốn một số tiền vĩ đại, huy động số lượng diễn viên vĩ đại và giành được số lượng huy chương vĩ đại (mà có lẽ những lần thế vận hội sau họ khó có thể lập lại kỳ tích này). Cả thế giới vỗ tay khen họ vĩ đại mà quên đi bên ngoài sân vận động ấy, trong lòng đất nước Trung Hoa vĩ đại ấy, còn tuyệt đại đa số dân nghèo khổ, đang sống thiếu thốn từng ngày. 

Cũng bởi cái tư tưởng hướng đến sự vĩ đại ấy, Đặng Tiểu Bình đã phát biểu đại loại là mèo trắng mèo đen đều được, miễn bắt được chuột. Ta có thể hiểu ý ông là, dù tốt hay xấu, không quan trọng, miễn Trung Hoa được vĩ đại. Mao Trạch Đông không ngần ngại đưa ra danh sách dài dằng dặc những lãnh thổ cần phải chiếm lại, và một ai đó đã mạnh dạn ngoặc một đường cong cong bao hết biển Đông, làm cớ cho những rắc rối mang tính quốc tế sau này. 

Trái ngược với quốc gia Trung Hoa vĩ đại là nước Nam của người Việt- một đất nước nhỏ bé do đã bị chèn ép đến mất hết đất đai. Các vua của chúng ta không có lâu đài to, cũng không có thành dài. Những ai từng đi thăm kinh thành Huế đều lấy làm thảm thương cho những mái nhà xập xệ, cũ kỹ và thực sự giống Tàu. Rồi chúng ta thở dài mà nói sao mà nước mình nghèo thế, hay tại mình không có khả năng xây thành to như Trung Quốc, đã vậy còn nhái y như mẫu nhà của Trung Quốc, kìa cũng nhà vuông vuông, mái cong cong, bốn góc có tượng rồng. Mấy ai biết rằng cái nhà vuông vuông, mái cong cong đã được tổ tiên ta xây dựng từ gần 5000 năm trước. Mấy ai biết được hình tượng con rồng của ta đã có từ thưở khai hoang, lập địa. Nào có biết đâu ông Nguyễn An người Việt là công trình sư trưởng, kiến trúc sư trưởng xây dựng nên Tử Cấm Thành bên Trung Quốc. 

Dân ta không có cung vàng điện ngọc thì không người con đất Việt nào phải bỏ xương bỏ máu để chạy theo hai chữ “vĩ đại”. Vua ta sống trong những ngôi nhà nhỏ nhỏ giữa một khu vườn được thiết kế hòa hợp với thiên nhiên với những rặng cây đa, cây đề, những hồ nước hiền hòa, giữa những tiếng chim hót líu lo và giữa hàng ngàn bông hoa thơm ngát. Chẳng phải tiên tổ ta xưa kia đã sống hòa hợp như thế đó sao? Vua ta không phải là thiên tử, vua ta được nhân dân tôn lên nhờ tài năng và đức độ trị vì hay nhờ công lao chống giặc ngoại xâm. Từ thưở nào dân ta đã có một Hội Nghị Diên Hồng, nơi vua hỏi ý dân nên hàng hay nên đánh. Vua Hùng không truyền ngôi cho con trưởng, vua Hùng đã truyền ngôi cho người con giỏi nhất, đức độ nhất như ta thấy qua sự tích bánh Trưng bánh Dày. 

Dân ta không cần phải thậm xưng mình là dân tộc ưu việt, cũng không tự coi mình là trung tâm nhằm tạo nên lòng tự hào hão huyền để tạo nên khối liên kết trong quốc gia. Dân ta nối kết với nhau bằng chính tư tưởng đồng bào, cùng cha cùng mẹ, cùng văn hóa, cùng lịch sử, cùng sống cùng chết trên đất nước hình chữ S này. Nơi mà con dân đều là anh em của nhau không phân biệt đẳng cấp xã hội, cao thấp sang hèn. Phụ nữ Việt ta không phải bó chân như phụ nữ Hán, mà từ ngàn đời đã là những anh thư như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, biết hi sinh vì đất nước (Huyền Trân Công Chúa), biết phò chồng dạy con (Bà Huyện Thanh Quan, Bà Từ Dũ), biết bảo vệ chồng con, gia đình (chị Dậu). Chẳng phải văn hóa của ta rất đẹp đẽ và khác biệt đó sao? Chẳng phải nền văn hóa đậm chất nhân văn, đề cao tinh thần tự do, bình đẳng, đạo đức của dân tộc ta từ thưở xưa đã đang được chứng minh là ưu việt trong thế kỷ 21 này sao? 

Dân tộc tôi ơi, hãy tỉnh dậy. Đã đến lúc ta phải biết ta là ai và điều gì làm ta nên khác biệt. Giặc phương Bắc một lần nữa lại lăm le bờ cõi. Ngày hôm nay, chúng ta không thể chỉ thụ động chống giặc bằng việc giặc đánh đến đâu thì bảo vệ đến đó. Ta phải chủ động chống giặc bằng nhiều phương thức, trong đó việc biểu dương văn hóa truyền thống dân tộc chính là một phương thức hữu hiệu. Nền văn hóa rực rỡ của tổ tiên ta bên bờ sông Dương Tử phải được làm sống dậy, phải được tách bạch ra khỏi nền văn minh Trung Hoa vĩ đại. Đã đến lúc Trung Quốc phải trả lại cho chúng ta nền văn hóa của Việt tộc, từ bỏ ảo mộng đánh tráo văn hóa và dùng chính văn hóa người Việt “khai hóa” cho người Việt, vơ vét bản sắc của người khác rồi lồng ghép loang lổ vào nền văn hóa của mình. Đã đến lúc chúng ta phải dẹp bỏ đám mây mù “Trung Hoa vĩ đại” ra khỏi tư tưởng và văn hóa của ta. Ta đã đeo cái gông nô lệ văn hóa này quá lâu rồi. Hãy giũ bỏ nó và hùng cường đứng lên khẳng đình mình cho bạn bè năm châu. 

Ta có thể làm được điều đó không? Có thể lắm chứ! Vì người Việt ta đã làm nên không ít những điều thần kỳ. Những chiến thắng oanh liệt trước những đế quốc sừng xỏ là một minh chứng sống động cho ý chí, tài năng và sinh khí của dân Việt. Hà cớ gì sau bao nhiêu những chiến công ấy, đất nước ta vẫn mờ nhạt trong khu vườn đa sắc của thế giới? Vậy là ta chưa hoàn toàn chiến thắng, chưa hoàn toàn độc lập trước người láng giềng phương Bắc khổng lồ. Thế thì hôm nay, khi cục diện đã xoay chiều, ta phải giành lấy một chiến thắng thật sự, hoàn toàn, không chỉ dành lại biển đảo đã mất, mà còn dành lại nền văn hóa của dân tộc ta. Tất nhiên chúng ta không khẳng định mình bằng việc chạy theo sự vĩ đại hoang đường và lòng tự tôn dân tộc mù quáng, ta khẳng định mình qua nền văn hiến lâu đời đậm chất nhân văn, phù hợp với sự phát triển của nhân loại, nương theo những chuẩn mực đạo đức đúng đắn và mỗi con dân đất Việt, bằng khả năng, quyết tâm, sự sáng tạo và lòng yêu nước nồng nàn, ta góp phần tạo nên một hình ảnh đất nước Việt Nam đẹp đẽ và khác biệt trong ánh mắt bè bạn quốc tế. 

Đất nước Việt Nam không cần vĩ đại bằng những công trình hoành tráng, bằng màn diễu võ dương oai rầm rộ trên biển Đông, bằng những tấm huy chương thể thao chói lóa hay một đất nước rộng lớn, với số dân đông đảo và những con số GDP khó ai bắt kịp. Đất nước ta theo đuổi cái chất vĩ đại bằng nền văn hóa đậm đà bản sắc, giàu tình nhân văn, bằng ý chí sắt thép và lòng yêu nước nồng nàn bảo vệ chủ quyền quốc gia, bằng tinh thần thượng võ trong thi đấu thể thao, một đất nước xinh đẹp trong lành với những con người thông minh, cần cù và một xã hội công bằng, tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người. 

Kìa trống đồng thúc vang rền rã
Người dân Việt dâng lên như nước tràn bờ

Núi Thái Sơn, vua Kinh Dương phất tay vẫy gọi
Hồ Động Đình, mẹ Âu Cơ ru lời êm ái à ơi
Ngoài Biển Đông, cha Lạc Long cưỡi rồng đạp sóng
Cõi Lĩnh Nam, tiếng voi Hai Bà chực rống vang trời
Thành Thăng Long, quân Tây Sơn tiếng chân rầm rập
Bạch Đằng giang, ken két cọc sắt cạ đáy thuyền

Nghe giọng ai ngâm bài thơ Nam Quốc
Lời Hịch văn còn in đậm núi sông
Đại cáo Bình Ngô còn rì rào trong gió
Thơ Quang Trung còn khắc tựa trong tim

Nhục nô lệ ngàn năm chưa gột rửa
Tráo văn hóa ta há lại để yên?
Nay sóng biển Đông trào dâng gào thét
Dân Việt nào lại chịu cảnh ngồi yên?

Nào ta cùng hùng cường đứng dậy
Nắm tay nhau tiến bước lên đường
Lấy lòng nhân mà đối đãi bạo tàn
Lấy nghĩa khí làm tấm khiên hộ mạng

Nước Việt ta đời đời kiếp kiếp
Là cùng một bọc mẹ sinh ra
Màu da, mái tóc, ánh mắt rạng ngời
Tổ tiên ta ngày đêm phù hộ

Kìa trống đồng thúc vang rền rã
Lớp lớp người dâng lên như thác lũ tràn bờ!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo