Xin cứu lấy rừng quốc gia Cát Tiên - Dân Làm Báo

Xin cứu lấy rừng quốc gia Cát Tiên

Kính thưa toàn thể quý vị kính mến ở trang Boxitvn cũng như tất cả mọi người có lòng yêu nước thương dân trên đất nước Việt Nam và toàn thế giới.

Trong khi nước nhà và nhân dân đang phải chịu đựng nhiều vấn nạn, về đối ngoại thì Trung Quốc đang hung hãn lấn chiếm biển đảo, về đối nội thì kinh tế xuống dốc, lạm phát tăng cao gây cho dân nhiều khốn khổ. Từ vị Chủ tịch nước cho đến người trí thức hay nông dân, những ai có lòng yêu nước đều đang ngày đêm trăn trở cho vận mệnh của quốc gia dân tộc. Thế mà vẫn có một số người Việt Nam đang cố tình nhắm mắt làm ngơ trước những nỗi đau của đất nước, chỉ đang “đau đáu” lo cho lợi ích riêng tư của mình bằng cách ra sức tàn phá môi sinh của chính mảnh đất mà họ sinh sống, mặc cho hành động của họ có ảnh hưởng tai hại như thế nào tới tương lai của dân tộc và các thế hệ sau.

Tôi đang nói đến tập đoàn Đức Long Gia Lai, một tập đoàn đang lăm le xây dựng 2 thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai ở đoạn chảy qua rừng quốc gia Cát Tiên. 

Sông Đồng Nai là con sông bắt nguồn từ Lâm Đồng, chảy qua các tỉnh Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và cuối cùng là thành phố Hồ Chí Minh – là con sông dài nhất chảy qua lãnh thổ Việt Nam, đem lại nguồn sống và cảnh quan cho hàng triệu người ở lưu vực. Những năm qua, nhiều công trình thủy điện đã được xây dựng trên sông này và đã tác động không nhỏ tới dòng chảy tự nhiên cũng như tài nguyên của nó. Nhưng lòng tham con người cứ mãi thúc giục, và “lợi ích nhóm” vẫn tiếp tục xấn tới. Chúng không để một giây phút yên bình nào cho thiên nhiên và con người Việt Nam, vẫn tiếp tục “đòi” xây dựng thủy điện trên sông Đồng Nai, và nguy hại hơn cả là lần này sẽ xây bên trong rừng quốc gia Cát Tiên, một tài sản thiên nhiên vô cùng quí giá của đất nước. Rừng quốc gia Cát Tiên nằm trên trên địa bàn của ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước với tổng diện tích là 71.920 ha, là một trong những sinh cảnh hiếm hoi quý giá còn sót lại của đất nước ta, là khu dự trữ sinh quyển của thế giới với một nền đa dạng sinh học phong phú. Nếu rừng Cát Tiên mà còn bị xâm hại thì trên đất nước sẽ chẳng còn chỗ nào mà bọn “lợi ích nhóm” không thò “bàn tay lông lá” của chúng đến để đục khoét, tàn phá, mưu cầu lợi ích riêng. 

Quí vị có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều thông tin về dự án gây nhiều tranh cãi này qua mạng Google, phần lớn là qua báo chí “chính thống” ở trong nước. Cái được và cái mất đã được chính ông (nguyên) Giám dốc Vườn quốc gia Cát Tiên Trần Văn Thành và nhiều nhà khoa học chân chính khác chỉ rõ, tôi nghĩ không cần phải bàn cãi nhiều ở đây. Nói rõ ra, lẽ ra dự án đã phải được hủy bỏ vì lợi ích về lâu dài của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân vùng Đông Nam Bộ nói riêng. 

Đã sinh ra là người Việt Nam, lẽ ra những người trong tập đoàn Đức Long Gia Lai phải hiểu rằng con sông Đồng Nai cũng như rừng quốc gia Cát Tiên là một tài sản vô cùng quí hiếm của thiên nhiên ban tặng cho nhân dân và đất nước Việt Nam cũng như thế giới, và mọi người Việt Nam đều phải có trách nhiệm giữ gìn nó như là của “để dành” cho con cháu muôn đời sau. 

Nhưng không! Với túi tham không đáy, mặc cho bao nhiêu phản đối của những người có lương tâm, tập đoàn Đức Long Gia Lai vẫn điên cuồng xấn tới với dự án tội ác này. Mới đây nhất, ông Trần Văn Thành, người cực lực phản đối dự án thủy điện 6 và 6A, từ Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên đã trở thành “nguyên Giám đốc …” – bị chuyển công tác! Và chuyến khảo sát thực tế (được giữ rất kín!) của Bộ Tài nguyên – Môi trường đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã có sự “hộ tống” kỹ càng của chủ đầu tư Tập đoàn Đức Long Gia Lai. 

Chính báo Người Lao Động trong bài “Lại lăm le xây 2 thủy điện Đồng Nai”, số ra ngày 26/08/2012, đã phải tuyên bố rằng chuyến khảo sát này có gì đó “Không bình thường”. 

Cướp hơn 500 hecta đất, phá hoại hoa màu của nhân dân Văn Giang là một tội ác tày trời của tập đoàn Ecopark, nhưng tội ác này mà chẳng thấm vào đâu so với tội ác “đầu tư” thủy điện bằng cách tàn phá rừng quốc gia, triệt hạ hàng trăm héc ta gỗ quí, triệt hạ hệ sinh quyển, thay đổi dòng chảy sông Đồng Nai, gây lũ quét và cả đại hồng thủy cho cả dân cư và hệ sinh thái lưu vực, gây nguy hại khôn lường về lâu về dài. Nhân dân và đất nước Việt Nam mến yêu sẽ phải hứng chịu tội ác tày trời này cho đến ngàn năm sau nếu mỗi người trong chúng ta không nhanh chóng ngăn chặn bàn tay nhớp nhúa của tập đoàn Đức Long Gia Lai mà đại diện là Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị. 

Là một người vô cùng yêu mến thiên nhiên đất nước Việt Nam, tôi đã không thể ngồi yên chờ cho các thế lực đen tối của đồng tiền tiếp tục làm mưa làm gió, tiếp tục “đi đêm” để đạt mục tiêu cuối cùng là thẳng tay tàn phá tài nguyên thiên nhiên của đất nước để làm đầy túi riêng. Vì vậy, hôm nay tôi khẩn thiết kêu gọi tất cả quí vị nhân sĩ đáng kính ở Boxitvn giúp cho tôi phổ biến bức tâm thư này và đồng thời dùng uy tín của các vị để đi đến việc thành lập một bản kiến nghị phản đối 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A để mọi người có quan tâm cùng ký tên để gửi lên các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp đặc biệt là ở các tỉnh thành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi 2 dự án thủy điện này. 

Tôi cũng kêu gọi tất cả các vị nông dân, công nhân, các vị trí thức, các bạn sinh viên, học sinh, đặc biệt là những người sống ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận trong vùng hạ lưu sông Đồng Nai, vì nguồn sống của chính bản thân mình cũng như của con cháu mai sau, vì tình yêu thiên nhiên Việt Nam, hãy cùng nhau hợp sức để chận đứng bàn tay tội ác của tập đoàn Đức Long Gia Lai. 

Nếu như các blogger Việt Nam và toàn thể “cư dân mạng” đã “thành công” trong việc chặn đứng bàn tay tội ác của tập đoàn Ecopark trong việc cướp đất sản xuất của nhân dân Văn Giang, thì tôi tin rằng chúng ta có thể cùng nhau hợp lực một lần nữa, để chặn đứng bàn tay tội ác của tập đoàn Đức Long Gia Lai. 

Tôi cũng nhớ lại dự án xây nhà máy thép của tập đoàn Posco Hàn Quốc tại vịnh Vân Phong Khánh Hòa vào năm 2008. Do sự phản đối bền bĩ của các trí thức, các nhà khoa học, cả bên báo chí và những người có lương tâm, cuối cùng dự án đã bất thành, nhân dân và thiên nhiên Vân Phong, Khánh Hòa đã chiến thắng “lợi ích nhóm”. Đây là một bài học rất tốt cho chúng ta. Tôi tin rằng, nếu cố gắng hết sức, lại thêm sự hỗ trợ của mạng Internet và các blogger (4 năm trước chưa có nhiều), chắc chắn chúng ta sẽ phải làm cho tập đoàn Đức Long Gia Lai lùi bước như Posco đã lùi bước. 

Chúng ta phải làm, phải hành động. Trước là vì thiên nhiên đất nước vô cùng mến yêu mà cha ông đã dày công gìn giữ. Sau nữa là để cho các thế lực “lợi ích nhóm” thấy rằng, nhân dân Việt Nam dù trong hoàn cảnh nào, luôn đủ sáng suốt và quyết tâm, sẽ không nhân nhượng, không bỏ qua cho bất cứ hành động nào mang tính cách tàn phá đất nước, từ việc lấn chiếm biển đảo của “giặc ngoài” cho đến việc phá rừng, lấp sông của “thù trong”. Để cho chúng thấy rằng, những kẻ cơ hội, đục nước béo cò, làm giàu cho bản thân bằng cách tàn phá tài nguyên đất nước sớm muộn gì cũng bị nhân dân vạch mặt chỉ tên và sẽ phải mang lấy thất bại nhục nhã. 

Trong cuộc “đấu tranh” này, chúng ta lại có nhiều điều thuận lợi. Thứ nhất, các báo chí “chính thống” như “Người Lao Động” hay VNExpress có vẻ đứng về phía bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên. Thứ hai, trong số các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện, có hai tỉnh không đồng ý là tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Và có rất nhiều các vị trí thức trong lĩnh vực môi trường, sông ngòi… đã lên tiếng quan ngại hoặc phản đối dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. 

Một lần nữa, tôi xin gửi lời kêu gọi đến các vị trí thức đáng kính ở trang Boxitvn như bác Phạm Toàn, ông Nguyễn Huệ Chi và các blogger có ảnh hưởng như anh Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tường Thụy, các vị nhân sĩ Huỳnh Ngọc Chênh, Lê Hiếu Đằng, cụ Lê Hiền Đức, các giáo sư Nguyễn Thế Hùng, Trần Văn Thọ… và hàng trăm các trí thức cùng blogger khác trên toàn Việt Nam, cả ở Nhật, Singapore, Mỹ, Úc, Châu Âu…, cùng hợp lực để đi đến một mục tiêu trước mắt là thành lập một bản kiến nghị như tôi đã đề cập ở trên. Nếu như các vị lãnh đạo không trả lời kiến nghị (sau một thời gian nhất định), thì tôi kêu gọi mọi người cùng biểu tình tuần hành để phản đối việc làm sai trái của Đức Long Gia Lai. Nếu tất cả các biện pháp đều không có hiệu quả, và nếu cuối cùng Đức Long Gia Lai được phép xây dựng 2 thủy điện 6 và 6A, thì chúng ta sẽ vận động bà con ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai cùng nhau kiện tập đoàn Đức Long Gia Lai ra tòa. Chừng đó, tôi sẽ hy vọng là các vị luật sư kính mến có lòng yêu nước thương dân sẽ sẵn sàng giúp đỡ người dân để họ có thể hoàn thành nguyện vọng bảo vệ nguồn sống của họ cũng như thiên nhiên quí giá của đất nước Việt Nam mến yêu. 

Trong khi mọi người Việt Nam đang bị phân tâm vì lo lắng đau đáu cho vận mệnh của đất nước, trong thì tham nhũng đục khoét của dân, ngoài thì giặc Tàu lấn chiếm biển đảo, thì rất nhiều kẻ đang lầm lũi “đi cửa sau” để đục nước béo cò, để làm giàu cách bằng cách phá hoại chính cái đất nước Việt Nam mà họ đang sinh sống, thật không còn gì đáng giận, đáng buồn hơn. 

Bảo vệ biển đảo khỏi bàn tay của giặc ngoài đã là chuyện khó, nhưng bảo vệ đất nước khỏi bị gặm nhắm và tàn phá bởi “thù trong” thì càng khó hơn vì bọn này nấp trong bóng tối ít bị để ý, lại có thế lực, có “quan hệ”, không thiếu tiền cũng như thủ đoạn. Hãy xem việc ông Trần Văn Thành, (nguyên) Giám Đốc Vườn Quốc Gia Cát Tiên, người cực lực phản đối dự án thủy điện 6 và 6A, mới đây đã bị chuyển công tác thì đủ biết thế lực của chúng đã mạnh đến cỡ nào. 

Tuy vậy, tôi tin tưởng rằng với sức mạnh và tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam, tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng như các thế lực đen tối khác sớm muộn gì cũng sẽ phải dừng bàn tay tội ác của chúng. 

Tôi vội vã viết bức tâm thư này vì tôi lo rằng, nếu chúng ta không nhanh tay ngăn chặn Đức Long Gia Lai, với tình hình hiện nay có nhiều điểm “đáng ngờ” trong chuyến khảo sát thực tế của Bộ Tài nguyên – Môi trường, và với “quyết tâm” của Bùi Phát, Chủ tịch tập đoàn Đức Long Gia Lai (xin đọc thêm về thái độ của hung hãn của ông ta đối với các nhà báo – trong các bài báo mới đây nhất), thì việc thông qua xây dựng thủy điện 6 và 6A có thể xảy ra trong thời gian rất ngắn. Chừng đó thì mọi việc sẽ được đặt vào thế đã rồi, khó mà thay đổi được. 

Trong khi chờ đợi hồi âm của quý vị ở Boxitvn, xin quý vị nhận nơi đây lời cám ơn chân thành của tôi, một người Việt Nam bình thường nhưng lúc nào cũng đau đáu vì tình yêu đất nước và thiên nhiên Việt Nam. 

Nguyễn Khắc Tâm 

_________________________

Chú thích: 

Có rất nhiều thông tin trên Google về hai dự án này để quý vị có thể tham khảo. Tạm thời tôi chỉ có thể cung cấp một số thông tin hạn chế, như danh sách (rất chưa đầy đủ) của các trí thức cũng như quan chức đã bày tỏ quan ngại cũng như phản đối dự án thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai: 

– GS. TS. Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học – Công nghệ và Quản lý môi trường. 

– PGS. TS. Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam (VACNE). 

– GS. TS. Lâm Minh Triết, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam (VACNE). 

– TS. Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ. 

– Lâm Đình Uy, điều phối viên của Mạng sông ngòi Việt Nam. 

– Ông Hoàng Văn Thống, Chánh thanh tra Sở TN-MT Đồng Nai. 

– TS. Vũ Ngọc Long, đại diện của Mạng lưới sông ngòi phía Nam, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển. 

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––– 

Lại lăm le xây 2 thủy điện Đồng Nai 

Bài và ảnh: Xuân Hoàng 

Chuyến khảo sát thực tế của Bộ Tài nguyên – Môi trường đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được giữ kín. Tập đoàn Đức Long Gia Lai – chủ đầu tư 2 thủy điện này – đã “hộ tống” kỹ càng đoàn khảo sát 

Trong 2 ngày 24 và 25-8, đoàn liên ngành gồm đại diện Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường), các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông và Vườn Quốc gia Cát Tiên… đã có cuộc khảo sát thẩm định, đánh giá tác động môi trường tại nơi được dự tính sẽ xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. 


Cảnh quan tuyệt đẹp nơi thượng nguồn sông Đồng Nai, đoạn dự tính xây thủy điện 

Chưa nói được điều gì! 

Chuyến khảo sát tập trung ở khu vực rừng đầu nguồn sông Đồng Nai, thuộc xã Đồng Nai Thượng (giáp ranh huyện Cát Tiên – Lâm Đồng và huyện Bù Đăng – Bình Phước). Tại đây, đoàn khảo sát đã vượt gần 5 km đường rừng, xuống sâu hơn 100 m, đến tận mép nước đầu nguồn sông Đồng Nai, nơi có nhiều cánh rừng bạt ngàn, những cây cổ thụ đường kính hàng chục vòng tay, những thảm thực vật cũng như nhiều loài động vật quý hiếm. 

Phía rừng đầu nguồn tỉnh Bình Phước, sau quá trình trèo đèo lội suối, đoàn đã đến những khu rừng hoang sơ, hùng vĩ, trù phú của đại ngàn. Cũng như lần khảo sát của đoàn các nhà khoa học cách đây chưa lâu, nhiều thành viên trong đoàn khảo sát lần này tỏ ra thích thú trước vẻ đẹp của những cánh rừng. Trao đổi với chúng tôi, một thành viên trong đoàn cảm thán: “Chưa nói gì đến việc thủy điện sẽ ảnh hưởng đến cả khu vực rộng lớn và môi trường sống của con cháu mai sau như thế nào, trước mắt, tôi nhận thấy những cánh rừng này thật quý giá!”. 

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, ông Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, cho biết đây mới chỉ là một trong những khảo sát ban đầu nhằm xem xét có thể cho phép xây dựng 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A hay không. Ông Dung cho biết mình không có quyền phát ngôn. 

Còn việc có kế hoạch khảo sát nào khác trước khi đưa ra kết luận cuối cùng có xây dựng thủy điện hay không, ông cũng nói không biết. Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng có nhận xét như thế nào về sinh cảnh, động thực vật và môi trường trong cả lưu vực, ông Dung thẳng thừng: “Chưa thể nói được điều gì”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên, cho biết ông có trách nhiệm hợp tác, hỗ trợ đoàn khảo sát chứ không nắm được các kế hoạch cụ thể.
Không bình thường 

Vào tháng 8-2011, đoàn khảo sát gồm nhiều chuyên gia và nhà khoa học đã có cuộc thực địa tại khu vực dự tính sẽ xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Đợt khảo sát này có sự tham gia của đại diện nhiều địa phương, các ngành liên quan, phóng viên báo chí và cả đại diện chủ đầu tư. Tuy nhiên, ở cuộc khảo sát lần này do Bộ Tài nguyên – Môi trường tổ chức, phóng viên các báo đài không hề được biết đến. Trong khi đó, “song hành” cùng các cán bộ khảo sát là đoàn “hộ tống” rất rầm rộ của chủ đầu tư, Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Dư luận không khỏi thắc mắc bởi việc khảo sát, đánh giá của các cơ quan phải được thực hiện hoàn toàn độc lập, khách quan và việc chủ đầu tư “hộ tống” kỹ càng đoàn khảo sát là việc không bình thường.
Khi phóng viên báo Người Lao Động vượt rừng tìm theo đoàn khảo sát đến xã Đồng Nai Thượng thì ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai, còn bất ngờ lớn tiếng cho rằng đã gây khó khăn cho công việc của ông. Ông Bùi Pháp đã gọi một số người dân “ủng hộ thủy điện” đến và… giao phóng viên cho họ “giám sát”! 

Thay giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên

Trong khi vấn đề nên hay không nên xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vẫn chưa ngã ngũ thì gần đây, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên, đã được chuyển công tác đến đơn vị khác. Giám đốc mới của Vườn quốc gia Cát Tiên là ông Nguyễn Văn Diện.

Ông Trần Văn Thành là người có quan điểm bảo vệ tuyệt đối Vườn quốc gia Cát Tiên và cho rằng việc xây dựng thủy điện sẽ ảnh hưởng lớn đến khu di sản thiên nhiên thế giới này. 

X.H. 

Nguồn: Người Lao động Online Chủ Nhật, 26/08/2012 00:04


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo