Đôi điều về Nền Văn hóa mới - Dân Làm Báo

Đôi điều về Nền Văn hóa mới

Người Yêu Nước (Danlambao)Người nghèo hoặc đi xin thứ gì đơn giản, phong bì thường mỏng và là loại phong bán đầy ở Bưu điện. Người giàu hoặc việc cần chạy là rất quan trọng, phong bì là túi đựng chai rượu ngoại trong đó có vài sấp xanh đỏ. Cũng đôi khi phong bì được biến tấu thành "bánh Trung Thu, có nhân hạt xoàn". Anh nào đi xin việc hay chạy chọt mà không có phong bì thì bị coi là đồ vô văn hóa...
*

Văn hóa là một khái niệm rất rộng, và có hàng trăm định nghĩa thế nào là Văn hóa. Thầy giáo của tôi đã nói tóm gọn rằng, Văn hóa là những tập quán thói quen mà một xã hội thường xuyên chấp nhận, coi như điều bình thường. 

Văn hóa không hoàn toàn đồng nghĩa với kiến thức. Có nhiều người rất có học thức, có bằng đại học, tiến sỹ, nhưng có những hành vi ứng xử lạc lõng nên vẫn bị coi là vô văn hóa. 

Có những người được coi là rất có văn hóa ở nơi này, nhưng sang nơi khác vẫn có thể bị coi là kém văn hóa vì có những hành động là rất bình thường ở vùng này nhưng lại là rất thiếu văn hóa ở vùng khác. Chẳng hạn nhiều người Mỹ khi ngồi ở bàn thường gác cả giầy đặt lên mặt bàn, họ coi đó là bình thường, nhưng nếu sang VN thì sẽ bị các cụ chửi cho "ủng mả". Còn hiện nay ở Hà Nội Sài gòn có rất nhiều anh chàng khi ngồi trên ghế cứ thích cho cả hai chân lên ngồi xổm, nhìn qua là biết ngay họ ở quê ra. 

Trước đến nay, các Nghị quyết của Đảng thường hay nói: "Phải xây dựng nền Văn hóa XHCN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", nhưng thực ra cái này nghe khá là mông lung, mỗi người giải thích "thế nào là Văn hóa XHCN" theo mỗi kiểu. 

Thôi tôi chả nói nhiều về định nghĩa văn hóa nữa, tôi chỉ muốn nói đến những loại được coi là Văn hóa mới ở VN ngày nay như dưới đây mà thôi: 

- Văn hóa Phong bì: 

Phong bì đã trở thành tập tục thói quen khắp mọi lúc mọi nơi, đi đâu cũng phải có phong bì: chạy trường lớp, tết thầy cô, khám bệnh, chung chi cho sếp, chạy dự án, chạy chức… và cả chạy án. 

Người nghèo hoặc đi xin thứ gì đơn giản, phong bì thường mỏng và là loại phong bán đầy ở Bưu điện. Người giàu hoặc việc cần chạy là rất quan trọng, phong bì là túi đựng chai rượu ngoại trong đó có vài sấp xanh đỏ. Cũng đôi khi phong bì được biến tấu thành "bánh Trung Thu, có nhân hạt xoàn". 

Anh nào đi xin việc hay chạy chọt mà không có phong bì thì bị coi là đồ vô văn hóa. 

- Văn hóa giao thông: 

Khi tắc đường, nếu tôi leo xe máy lên vỉa hè mà phóng thì chẳng hề bị coi là thiếu văn hóa, mọi người quen việc đó rồi. 

Đèn xanh đỏ chỉ có tác dụng nếu nó nằm ở ngã tư có mặt cảnh sát, nếu anh nào nửa đêm dừng xe đợi đèn đỏ tại ngã tư không người thì sẽ dễ bị "Hâm à". 

Chạy xe khách xe tải đường dài bao giờ cũng phải có chuyện chung chi cho cảnh sát giao thông. Dịp hè vừa rồi, chính tôi đã từng nghe một cảnh sát GT ở Thanh Hóa khoảng hơn 30 tuổi, mắng một ông tài sắp đến tuổi về hưu: "Chạy xe già đời như mày mà kém văn hóa thế, đưa có chừng này mà gọi là qua được à, hồi xưa đi học lớp mấy?" 

- Văn hóa dối trá: 

Cái này thì tràn lan khắp nơi, từ cấp cao đến cấp thấp, từ già đến trẻ, từ việc lớn đến việc nhỏ. Dân gian thường nới: "Đài nói láo, báo nói phét". Bác tôi ở quê Thạch Thất, Hà Tây có câu nói rất hay, về Đài Tiếng nói Việt Nam: "Nó (tức cái đài) chỉ được mỗi cái lúc "tút tút" chỉ 6h là đúng". Cấp cao nhất là Lãnh đạo Đảng còn dám nói dối về điều thiêng liêng cao cả nhất thì ai mà chẳng dám dối trá. Ấy là khi Chủ tịch HCM mà họ coi là Lãnh tụ vĩ đại nhất, người thầy ưu tú nhất, vừa qua đời ngày mùng 2/9 năm 1969, thì Bộ Chính trị của Đảng (gồm toàn học trò của thầy) dám tuyên bố rằng Bác mất lúc 9h47 ngày 3/9. Sự nói dối này kéo dài đến vài chục năm sau. 

Dối trá có mặt khắp mọi nơi: Cán bộ dùng bằng giả, ngoài thị trường bán đầy đồ giả, (sắp Tết tha hồ lo rượu rởm), học sinh đi thi thì dùng phao, ca sỹ thì hát nhép, nhà văn nhà thơ thì đạo sách, cuộc thi Bài hát Việt trên truyền hình thì sắp xếp sẵn kết quả, nông dân dùng các loại thuốc tăng trọng, xuất khẩu tôm cá thì cho cả kim loại vào cho tăng cân, công an muốn bắt Luật sư họ Cù thì cũng phải dùng đến 2 bao cao su… Các loại con số thống kê chính thức của Nhà nước luôn luôn không đáng tin.

Chẳng hạn Tập đoàn Petrolimex năm nào cũng báo lỗ, lỗ nặng, để đòi được tăng giá bán xăng dầu, đến khi sắp bán cổ phiếu ra thị trường, muốn thu hút người mua, thì lại công bố là lãi lớn (ai ngu mà đi mua loại cổ phiếu của Cty toàn lỗ). 

Trong xã hội toàn dối trá, ai thật thà trung thực thì bị coi là "hâm, ngu" hoặc thậm chí bị hại. Như thầy giáo Khoa "Người đương thời", chỉ vì muốn tố cáo sự giả dối trong Giáo dục mà bị đánh tơi bời, đánh hội đồng bằng cả ngành Giáo dục từ cấp trường đến cấp Bộ. Ông đại tá an ninh về hưu ở Đồ Sơn khi tố cáo tiêu cực đất đai bị cả Chi bộ và Quận ủy kỷ luật vì phá hoại sự đoàn kết (trong việc ăn đất) của đảng, và vì thiểu số không phục tùng đa số. 

Nói về văn hóa dối trá thì nhiều lắm, kể từ giờ cho đến tết sang năm cũng không thể hết được. 

Tất cả các loại Văn hóa tôi tạm nêu ở trên đều là Văn hóa mới trong thời XHCN đấy nhé. Chỉ có một loại Văn hóa mà hiện nay báo chí chính thống của Đảng vẫn thường xuyên kêu là thiếu, cần phải có ngay, đó là "Văn hóa Từ chức"

Ngày trước có ông Bộ trưởng Nông nghiệp từ chức, báo chí bàn tán bình luận ầm ĩ, hàng trăm bài báo trong mấy tháng liền, bởi vì đó là hiện tượng rất cá biệt ở ta hiện nay. Chắc là chỉ đến khi nào mà tin về ông này ông nọ từ chức được đăng ở một góc nhỏ và ít bài bình luận, thì khi đó "Từ chức" mới được xếp vào loại "Văn hóa mới". 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo