Ổn định chính trị - Dân Làm Báo

Ổn định chính trị

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Trước hội nghị TƯ 6 đã có nhiều phán đoán, đồn đại về sự ra đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nó gần như trở thành khẳng định khi biết trước đại hội mỗi đại biểu được phát một tập tài liệu dài 313 trang A4, trong đó thể hiện đầy đủ các số liệu báo cáo, hình ảnh, bảng biểu, đồ thị… về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội và những hệ lụy của nó mà cha con ông Dũng cùng nhóm lợi ích đã phạm phải. Ngoài ra trong những trang cuối còn có hình ảnh từ bên ngoài lẫn bên trong của tòa nhà thờ họ quá hoành tráng của ông. Nhưng sau đại hội kết quả thật bất ngờ. Hình ảnh ông Dũng tươi cười đứng cạnh hai ông Sang, Trọng vẻ mặt tiu nghỉu, buồn bã cho thấy: Một lần nữa ông lại thoát hiểm một cách ngoạn mục. Nhiều, nhưng trong số đó có một nguyên nhân rất quan trọng được ông tổng bí thư "kín đáo" nhắc đến trong diễn văn bế mạc "Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị.” là ổn định chính trị. 

Nếu coi ổn định chính trị là ít thay đổi chính phủ, ít có biểu tình, bạo động chống đối thì có thể nói ổn định chính trị là một truyền thống của chế độ cộng sản Việt Nam. Lãnh đạo đất nước thì từ 1945 đến nay chỉ có họ. Từ một nửa là miền Bắc tiến tới cả nước sau khi thôn tính xong miền Nam năm 1975. Thời gian đầu các đảng phái khác còn được hoạt động nhưng rồi đều lần lượt bị gắn cho nhãn, mác "phản động" thành ra nếu không chạy bán xới cũng bị tiêu diệt. Kể từ khi "đảng cộng sản Việt Nam giữ độc quyền lãnh đạo"chính thức được đưa vào trong điều 4 hiến pháp thì mặc nhiên các đảng phái chính trị khác đều bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Những "chóp bu" cũng rất ít khi có thay đổi bất ngờ. Bất kể những tội lỗi gây ra ông Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên chức chủ tịch nước kiêm chủ tịch đảng cho đến tận cuối đời. Lê Duẩn dù gây ra bao hệ lụy, đưa cả nước tới bên bờ vực thẳm vào những năm đầu 80 của thế kỷ trước cũng vẫn làm tổng bí thư một lèo từ khi thay ông Trường Chinh đến lúc chết. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tác giả của "công hàm bán nước 1958" đã có lúc tự hào mình làm thủ tướng lâu nhất thế giới. 

Sau thời những ông trên, các lãnh đạo đảng, nhà nước thì cứ theo nhiệm kỳ mà làm, tuổi cao thì nghỉ. Có ông bất tài gia đình có liên quan tới tham nhũng như ông Nông Đức Mạnh vẫn làm Tổng Bí thư tới hai khóa liền. Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tội lỗi ghi kín cả 313 trang A4 vẫn yên vị hai nhiệm kỳ liền. Ngoài "chóp bu", những ông khác trong Bộ Chính trị nếu sai lầm không thuộc loại đòi "đa nguyên đa đảng, cải cách thể chế" như ông Trần Xuân Bách thì dù có tội "tày đình" vẫn được bao che, ém nhẹm. Các vụ tham nhũng PCI (tham nhũng trong xây dựng xa lộ đông tây), in tiền polime có liên quan tới một số UVBCT nên đều có kết cục là hoặc đưa ra các con "dê tế thần", hoặc từ chối hợp tác với nước ngoài để điều tra. Biểu tình, bạo động đòi thay đổi chính phủ thì tuyệt nhiên không có. Bởi mới chỉ manh nha nghĩ tới, viết ra, trao đổi với một người khác chưa cần thực hiện là đã bị chính quyền coi là "thế lực thù địch", phạm vào một số tội trong "bộ luật hình sự", "an ninh quốc gia". Ngay cả những cuộc biểu tình yêu nước chống Trung Quốc dù chỉ lẻ tẻ, ít ỏi vẫn bị chính quyền vu cho là gây rối trật tự công cộng để đàn áp, bắt bớ, sách nhiễu. Anh em ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng tuy chỉ dùng vũ khí tự tạo chống lại lệnh cưỡng chế đất sai luật, nhưng chính quyền đã huy động một lực lương công an, quân đội hùng hậu trang bị vũ khí hiện đại coi như một trận "hợp đồng tác chiến tuyệt vời"để bắt và phá tan hoang ngôi nhà cùng tài sản của ông. 

Dĩ nhiên là chẳng có đảng cầm quyền nào lại muốn quốc gia của mình có bất ổn về chính trị. Nghĩa là đều muốn giữ vai trò lãnh đạo càng lâu càng tốt. Để có được điều này đảng cầm quyền ở các nước tự do dân chủ, đa nguyên phải cạnh tranh quyết liệt nhưng công bằng trước pháp luật với các đảng khác. Cho nên dù rất muốn nhưng nếu "lực bất tòng tâm" vẫn phải chấp nhận bị thay thế. Nhưng kẻ thất bại cũng không đến nỗi thất vọng lắm vì mất mát không phải là lớn vả lại vẫn có cơ hội để chiến thắng ở cuộc sau. Điều bất ngờ là sau cuộc chiến của các "ngao cò" này, người dân đóng vai là "ngư ông" đã được hưởng lợi. Đó cũng là lý do mà nhiều nước tư bản "thối nát" biểu tình chống đối xảy ra như cơm bữa, chính phủ thay đổi xoành xoạch nhưng kinh tế vẫn phát triển, dân tình vẫn sung sướng, vẫn là địa điểm mà con cái của các lãnh đạo, các nhà giàu ở các nước XHCN "ưu việt" chen chúc nhau đến du học, sinh sống. 

Ở Việt Nam, Hiến pháp quy định đảng cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo xã hội nên bất kỳ đảng nào "nhòm ngó" vai trò này đều là bất hợp pháp. Thực tế đã có nhiều đảng chỉ vừa mới "chân ướt chân ráo" đã phải nhận đủ loại nhãn mác như "phản động", "khủng bố", "tay sai của các thế lực thù địch",... để nhận được số phận tương ứng. Tuy không có đối thủ cạnh tranh nhưng vì không phải do dân bầu ra nên đảng cộng sản vẫn canh cánh nỗi lo bị mất vai trò lãnh đạo. Mà so với đảng cầm quyền ở các nước dân chủ thì còn lớn hơn rất nhiều. Bởi mất đồng nghĩa với mất các đặc quyền đặc lợi mà chỉ các lãnh đạo ở chế độ độc tài độc đảng mới có. Bị trừng trị vì những tội lỗi mắc phải mà những kẻ đứng trên pháp luật thì thường có rất nhiều. Những năm gần đây, sau khi Liên Xô và các nước cộng sản ở Đông Âu tan rã, Bắc Phi Trung Đông xảy ra hàng loạt các cuộc cách mạng xóa bỏ các chế độ độc tài, nhân dân thời bùng nổ thông tin khác xa thời "chân đất mắt toét kéo nhau phá kho thóc Nhật" nên nỗi lo trên đã trở thành nỗi sợ hãi tột bậc ám ảnh họ hàng ngày. Đúng như lời một tiền bối của chính quyền cộng sản đã nhắc nhở cảnh báo "Giành chính quyền đã khó nhưng giữ chính quyền còn khó hơn". Buộc họ phải dốc toàn tâm toàn lực, dùng đủ mọi thủ đoạn, vào hầu như mọi lĩnh vực để trấn an nỗi lo này. 

Với lợi thế giữ độc quyền thông tin qua "luật kiểm soát báo chí truyền thông"bưng bít, che giấu các sự thật ảnh hưởng tới uy tín của đảng và nhà nước. Không ngừng thổi phồng, tô vẽ về "công lao" trước đây để biện minh cho một đảng cộng sản thối nát, biến chất vẫn cố bám lấy vị trí lãnh đạo. Hù dọa nhân dân về chế độ đa nguyên đa đảng dễ dẫn tới hỗn loạn. Hù doạ đảng viên, các lực lượng vũ trang về có những "thế lực thù địch" chống phá cách mạng để phát động chống "diễn biến hòa bình".

Sau điều 4 hiến pháp các điều 88, 79 một loạt các nghị định phản dân chủ khác cũng được đưa vào trong"bộ luật hình sự", "bảo vệ an ninh quốc gia" với mục đích hạn chế, cấm đoán các quyền tự do, dân chủ của công dân và bưng bít, che đậy sự thối nát của chế độ. Dựa vào các điều luật này chính quyền tùy tiện bắt giam những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh chống tham nhũng, đấu tranh vì tự do dân chủ, vì sự tiến bộ của xã hội. 

Công an thay vì bảo vệ an ninh lại chuyên làm nhiệm vụ theo dõi, trấn áp dân. Để kiểm soát tư tưởng, hành động của công dân nhà nước đã tổ chức một lực lượng an ninh khổng lồ để xâm nhập vào nhiều lĩnh vực như an ninh mạng, an ninh tôn giáo, an ninh trong người Việt ở hải ngoại... Quân đội đáng lẽ ra chỉ có nhiệm vụ huấn luyện, bảo vệ đất nước thì nhà nước cho làm kinh tế với mục đích gắn quyền lợi của các cán bộ cao cấp trong quân đội với sự tồn tại của đảng nhằm tăng lòng trung thành với đảng. Công ty viễn thông quân đội Viettel, các xí nghiệp quốc phòng làm kinh tế, ngân hàng quân đội… đã làm ăn phát đạt là những ví dụ cho các chủ trương đó. Đặc biệt những vụ chống đối lại lệnh cưỡng chế đất đai, dân oan khiếu kiện tập trung đông người, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược,... thường bị chính quyền huy động một lực lượng vũ trang đông đảo trấn áp thẳng tay để nhanh chóng dẹp bỏ ngăn chặn nguy cơ bùng phát.

Quốc hội cơ quan quyền lực cao nhất lại là cơ quan đảng cử dân bầu nên chỉ được phép nói những gì, đồng ý những gì theo kịch bản đảng đã soạn sẵn và có trách nhiệm hợp pháp hóa các chủ trương dù đúng dù sai của đảng trước toàn dân. Các tổ chức đoàn thể như công đoàn, mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên cộng sản, hội cựu chiến binh, hội nông dân tập thể, hội liên hiệp phụ nữ... thực chất là những cánh tay nối dài của đảng tuy được ăn lương nhưng chỉ có mỗi một nhiệm vụ là vỗ tay tán thành các chủ trương của đảng. 

Giống như Trung Quốc nhà nước cộng sản Việt Nam luôn tán thành nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ của các nước khác để lấy lý do bác bỏ việc quốc tế tố cáo những hành động vi phạm nhân quyền. 

Sau hội nghị Thành Đô nhà nước cộng sản Việt Nam càng ngày càng lún sâu vào vòng lệ thuộc Trung Quốc. Mặc dầu bị lấn đất, lấn biển, ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển của mình liên tục bị Trung Quốc bắn giết, bắt giữ đòi tiền chuộc. Nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn khăng khăng cam kết giữ tình hữu nghị "4 tốt, 16 chữ vàng", vẫn tiếp tục ký kết các hợp tác toàn diện với Trung Quốc trên đủ mọi phương diện, vẫn tiếp tục đàn áp những cuộc biểu tình yêu nước, vẫn trừng phạt những người chống trung Quốc xâm lược bằng những bản án rất nặng. Chỉ có thể lý giải những hành động hèn hạ khó hiểu trên bằng chủ trương "thà mất nước chứ không chịu mất đảng" của nhà nước cộng sản. 

Năm vừa qua để an lòng dân trước sự suy thoái biến chất tột cùng của một bộ phận không nhỏ các cán bộ, đảng viên, sự bức xúc trước nạn tham nhũng trầm trọng, sự tuột dốc không phanh của kinh tế đất nước, đời sống ngày càng khó khăn của những người dân lương thiện. Các lãnh đạo cộng sản diễn lại vở tuồng cũ "chỉnh đốn đảng bằng phê và tự phê" và để người xem khỏi nhàm chán họ cho thêm màn "hội nghị TƯ 6". Nhưng vì sự ổn định chính trị họ đã biến vở tuồng thành một vở hài kịch nhạt nhẽo, một vết nhơ trong lịch sử đảng cộng sản. 

Tính đến giờ phút này có thể nói nhà nước cộng sản Việt Nam đã "thành công" trong việc giữ ổn định chính trị. Từ cương vị thấp nhất đến cương vị cao nhất của chính quyền vẫn do các đảng viên nắm giữ. Các cuộc tập trung đông hoặc ít người có đe dọa tới sự ổn đinh chính trị dù chỉ mới manh nha cũng đã bị dập tắt ngay tức khắc. Các lãnh đạo cộng sản từ thấp tới cao cũng đã "thu nạp" được một lượng tài sản "kha khá" đủ để nếu có chuyển đổi chế độ ôn hòa họ vẫn ở trong hàng ngũ có "tên tuổi số má". Dù khó tính và ghét bõ chế độ cộng sản đến đâu cũng phải thừa nhận một thực tế là các lãnh đạo của nó là "quá giỏi" trong lĩnh vực này. Chỉ có điều để có được"thành công" đó nhân dân, đất nước Việt Nam đã phải trả một giá quá đắt: Đó là người dân bị tước đoạt hầu hết những quyền tự do cơ bản kể cả quyền yêu nước. Cuộc sống của nông dân không ổn định trước nguy cơ đất đai có thể bị thu hồi bất kỳ lúc nào. Công nhân làm việc trong các nhà máy với mức lương rẻ mạt vì bị tư bản nước ngoài cấu kết với chính quyền cùng bóc lột. Các trí thức tiến bộ bị trù dập bị "bịt miệng". Tham nhũng ngày càng trầm trọng và phổ biến. Các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ gây ra cảnh nợ nần đẩy lạm phát tăng cao. Đất nước ô nhiễm, xác xơ, cạn kiệt tài nguyên, trở thành bãi phế thải khổng lồ chứa những thiết bị cũ kỹ lạc hậu của Trung Quốc. Việt Nam vẫn chỉ là nước chuyên xuất khẩu tài nguyên thô và lao động, tụt hậu với ngay cả các nước nằm trong khu vực tụt hậu của thế giới. Hàng chục nghìn cây số vuông đất biên giới, Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, quần đảo Hoàng Sa mất và biển Đông cũng sắp mất. Ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ đòi tiền chuộc ngay trên quê hương mình. Các giá trị đạo đức truyền thống bị băng hoại, đảo lộn, tệ nạn xã hội ngày càng tăng... 

Tới đây chắc hẳn những người còn ngây thơ tin vào ước mong "Việt Nam muốn ổn định chính trị để phát triển" của các lãnh đạo cộng sản phải thấm thía câu nói "Đừng tin những gì cộng sản nói hãy nhìn những gì cộng sản làm" của ông Thiệu. 

11/2012 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo