Người Buôn Gió - Giữ cho dân trong rọ, cũng như giữ được vàng trong túi. Nay lệnh cho bộ Hình tăng cường siết chặt không để cho dân chúng dám có ý khác. Sau đó sẽ có kế lấy vàng thanh khoản nợ công...
*
Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 67. Vệ Kính Vương năm thứ hai.
Mùa thu, có cơn bão đổi hướng không dự đoán được, tàn phá nặng nề vùng duyên hải, cây cối hoa màu ngoài đồng không kịp thu hái dập nát, tả tơi.
Năm ấy nhà Sản chỉnh đốn quan lại, kiểm kê nợ nần, số nợ thật là khủng khiếp. Mọi việc đều đổ tại cho phủ Chúa quản lý không ra gì mới đến nỗi vậy. Chúa là người cơ mưu ứng biến tài giỏi, trước việc khó vẫn tươi cười như không. Khi xưa còn thuở là cai đội ở miền heo hút tận cùng đất nước, đã hiểu được chuyện kinh tài rành rẽ. Lại từng canh cửa biển ngăn chặn bọn vượt biên, nên ngài nắm được trong dân còn có nhiều vàng lắm.
Chúa họp bầy tôi lại phán:
- Giữ cho dân trong rọ, cũng như giữ được vàng trong túi. Nay lệnh cho bộ Hình tăng cường siết chặt không để cho dân chúng dám có ý khác. Sau đó sẽ có kế lấy vàng thanh khoản nợ công.
Bộ Hình ra tay khắp nước, bắt bớ, xét xử lại bắt bớ. Dân chúng cúi đầu im thin thít, người đi đường không dám ngẩng đầu chào nhau. Ai cũng lo việc nhà nầy. Động một lời phàn nàn cũng thành tội nói xấu triều đình. Bởi thế không ai dám nói gì đến chính sự.
Rồi Chúa ra lệnh cấm vàng trong dân, ai có phải mang bán cho triều đình lấy tiền giấy. Rồi lại khuyên dân mang tiền giấy ấy mà gửi ngân khố triều đình. Cầm giấy chứng nhận mà hàng tháng đi lấy tiền lời.
Dân có ý thăm dò, nhìn nhau. Một tháng trôi qua, chả ai mang vàng đến bán.
Bầy tôi coi kho bạc đến gặp Chúa hiến kế như vầy, như vầy:
Chúa cấp tốc xuất kho, cho người cầm vàng đi ra thương điếm bán. Đồng thời lại sai bộ Hình đi theo nhằm lúc bán mà bắt. Rồi phao tin trong thiên hạ có kẻ bị bắt tịch thu trắng cả mấy trăm lượng vàng. Thiên hạ nghe ai cũng xót xa nghĩ đến phận mình, ruột gan bồn chồn thấp thỏm lo lắng nếu ai có chút vàng giữ trong nhà.
Lúc này quan coi kho mới cho người cầm vàng, lẻn cổng sau đến cổng trước xếp hàng. Rồi lấy đó mà tiếng rằng mỗi ngày kho bạc triều đình mua đến cả xe vàng.
Chúa lại lệnh rằng quyết tâm giữ không để lạm phát, mất giá đồng tiền.
Lác đác người dân thấy giao dịch bên ngoài thì lỡ công sai thấy thu trắng mất, bèn đem bán cho kho bạc kém giá một chút nhưng an toàn, vả lại Chúa cam kết thế rồi lo gì tiền mất giá, đem tiền ấy gửi cho ngân khố lấy lời có hơn là để vàng chôn dưới đất.
Có mụ đi chợ thấy miếng đậu phụ ngoài chợ bỗng bé hơn bình thường. Lúc về phàn nàn với chồng.
Gã chồng nói:
- Cái mẹo người bán đầu tiên cho bé dần đi để người mua không để ý. Đến khi bé lắm rồi, mới chợt làm to bằng như cũ với giá cao hơn. Thiên hạ cứ tưởng là vì to hơn thì giá cao hơn, thực tình là đã tăng giá còn miếng đậu phụ vẫn thế mà thôi.
Hào phú bên cạnh nghe thấy, lập tức gom hết vàng trong nhà đem đi chôn giấu thật kỹ. Phu nhân mới hỏi sao lại làm chuyện lạ đời lúc này thế. Hào phú nói:
- Nhờ có miếng đậu phụ mà ta nhớ đến câu ''gánh vàng đi đổ sông Ngô, đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương.'' Chuyện này cứ thế, không nói nhiều kẻo đắc tội triều đình.
Phu nhân là người am hiểu, nghe thế không hỏi thêm gì nữa.