Danlambao - Theo tin từ đài VOA hôm 9/11/2012, Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc Chống giam giữ tùy tiện (WGAD) đã chính thức khẳng định việc nhà cầm quyền CS Việt Nam bỏ tù các anh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế về quyền con người.
Thành quả như trên đạt được là nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của bác Trần Văn Huỳnh, thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức. Bên cạnh đó sự hỗ trợ vô cùng quý giá của nhà cá nhân, tổ chức như: Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam có trụ sở tại Pháp, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang và những người ủng hộ khác.
Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ, vào tháng 1/2012, Danlambao đăng 2 bài Giới thiệu về Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc Chống giam giữ tùy tiện (WGAD). Ngay sau đó, thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức đã lập tức gửi khiếu nại cho con mình đến WGAD. Tiếp theo là lời kêu gọi Hãy lên tiếng vì Trần Huỳnh Duy Thức và những người đã dấn thân vì Đất Nước đăng trên Danlambao đã được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc nhằm can thiệp, ủng hộ cho anh Thức và các tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Trao đổi với Danlambao, bác Trần Văn Huỳnh cho biết đây là niềm vui rất lớn đối với gia đình. Qua Danlambao, bác Huỳnh gửi lời cảm ơn đến các cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ để có được thành quả như hôm nay.
Bên cạnh đó, bác Trần Văn Huỳnh khẳng định sắp tới sẽ có những chiến dịch phối hợp vận động mạnh mẽ đòi trả từ do cho những tù nhân lương tâm tại Việt Nam, và chắc chắn sẽ dẫn đết kết quả mong muốn.
Năm nay đã bước sang tuổi 73, bác Trần Văn Huỳnh vẫn làm việc không ngừng nghỉ để kêu gọi trả tự do cho con trai mình là anh Trần Huỳnh Duy Thức và học trò Lê Công Định.
Cùng chung mục đích đánh động sự quan tâm của quốc tế, được biết cô Nguyễn Thì Hường (Hoàng Lan) cũng đã có những nỗ lực không mệt mỏi nhằm kêu gọi trả tự do cho hôn phu của mình là anh Nguyễn Tiến Trung. Dưới đây là bức thư gần đây của ông thượng nghị sĩ Mỹ Richard G. Lugar phản hồi lá thư chị Nguyễn Thị Hường gửi cho bà Clinton tháng 9 vừa rồi nhằm vận động cho những người tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Danlambao
* Dưới đây là bản tin của phóng viên Trà Mi, đài VOA về việc Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc Chống giam giữ tùy tiện (UNWGAD) xác định nhà cầm quyền Việt Nam bắt người tùy tiện và vi phạm luật pháp quốc tế về quyền con người:
Liên hiệp quốc tố cáo Việt Nam vi phạm luật quốc tế
Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc Chống giam giữ tùy tiện (UNWGAD) xác định việc Hà Nội giam giữ 4 nhà dân chủ gồm Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Thăng Long là tùy tiện, vi phạm luật quốc tế về quyền con người.
Văn kiện Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam có trụ sở tại Pháp vừa nhận được từ Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc nêu rõ UNWGAD yêu cầu Việt Nam sửa sai thể hiện qua việc phóng thích vô điều kiện và đền bù thiệt hại cho các nhà hoạt động vừa kể theo quy định của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của công dân mà Việt Nam tự nguyện ký kết từ năm 1982.
Tháng giêng năm 2010, 4 nhà dân chủ này bị Hà Nội tuyên án từ 5 tới 16 năm tù với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ luật Hình sự vì các hoạt động ôn hòa cổ súy dân chủ, kêu gọi cải cách chính trị và đa đảng tại Việt Nam.
Trường hợp của họ được Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam đệ nạp lên Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc Chống giam giữ tùy tiện tại Geneva.
Tran Huynh Duy Thuc, Nguyen Tien Trung, Le Cong Dinh
Chủ tịch Ủy ban, ông Võ Văn Ái cho biết:
“Chúng tôi đệ nạp hồ sơ của 4 vị Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Thăng Long vào đầu tháng 3/2012.”
Sau khi nhận được hồ sơ vụ việc của Định, Thức, Trung, và Long, Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc Chống giam giữ tùy tiện đã chuyển đạt tới chính quyền Việt Nam hồi giữa tháng ba năm nay.
Đến tháng 7, Hà Nội có thư hồi đáp phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định rằng những người lãnh án tù vi phạm pháp luật Việt Nam.
Tại cuộc họp hồi cuối tháng 8, Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc Chống giam giữ tùy tiện tuyên bố Việt Nam vi phạm các điều 9, 19, và 21 của Công ước quốc tế khi giam giữ trái phép ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Thăng Long.
Bác bỏ luận điểm của Việt Nam, UNGWAD nhấn mạnh cho dù việc bắt giam các nhà hoạt động chiếu theo luật pháp Việt Nam, nhưng vấn đề là luật pháp ấy phải phù hợp với luật pháp quốc tế mà Hà Nội đã tham gia cam kết.
UNGWAD tố cáo một số điều luật về an ninh của Việt Nam mà Hà Nội thường áp dụng đối với các nhà bất đồng chính kiến có nội dung mơ hồ, có thể khép tội không chỉ những ai dùng bạo lực cho mục tiêu chính trị mà còn cả những người chỉ hành xử quyền tự do ngôn luận và quyền tự do bày tỏ quan điểm chính đáng của công dân.
Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc nói quyền được bày tỏ ý kiến kể cả các ý kiến không đồng quan điểm với chính quyền được quy định và bảo vệ bởi điều 19 của Công ước quốc tế.
Ông Võ Văn Ái cho biết những bước kế tiếp có thể diễn ra tiếp sau tuyên bố này của Nhóm Hành động Liên hiệp quốc:
“Tổ Hành động Chống bắt bớ trái phép thông báo cho Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam rằng họ vừa thông qua ý kiến số 27/2012 tố cáo vi phạm luật quốc tế khi bắt giam các ông Định, Thức, Trung, và Long. Ý kiến này sẽ có phản ánh lên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và các báo cáo viên sẽ bắt đầu hoạt động. Qua sự hoạt động đó, tôi chắc chắn rằng họ sẽ có đề xuất yêu cầu Việt Nam chấp nhận sự có mặt của một báo cáo viên đặc nhiệm Liên hiệp quốc đến Việt Nam để điều tra.”
Sau phiên phúc thẩm vào tháng 5/2010, luật sư Lê Công Định và ông Trần Huỳnh Duy Thức bị giữ y án lần lượt là 5 và 16 năm tù, ông Lê Thăng Long được giảm từ 5 xuống còn 3 năm rưỡi tù giam. Tháng 6 năm nay, ông Long đã được trả tự do sớm nửa năm trước ngày mãn hạn. Riêng ông Nguyễn Tiến Trung không kháng cáo bản án 7 năm tù giam.
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam cho biết đang tiếp tục vận động sự quan tâm của Liên hiệp quốc đối với các nhà bất đồng chính kiến khác đang bị giam cầm tại Việt Nam, mà gần đây nhất là trường hợp của blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, AnhbaSG, nhạc sĩ Việt Khang, và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, những người bị lãnh án từ 4 tới 12 năm tù vì tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Trà Mi