Hiểu biết hạn chế, dễ làm bệnh nhẹ trở nên trầm trọng - Dân Làm Báo

Hiểu biết hạn chế, dễ làm bệnh nhẹ trở nên trầm trọng

Le Nguyen (Danlambao) - Có người không cần thông minh lắm chỉ cần hiểu biết tương đối cũng có thể đề ra những phương án ngừa bệnh lẫn điều trị được những loại bệnh cảm mạo, sổ mũi thông thường nhưng với những cá nhân bảo thủ không chịu “học”, hiểu biết hạn chế lại mắc chứng hoang tưởng cho rằng ta đây biết hết, tự nghĩ mình là đỉnh cao trí tuệ rất dễ gây ra thảm họa, không chỉ nhất thời mà còn di hại lâu dài, biến bệnh thông thường thành bệnh nan y di căn hết thuốc chữa và khi bệnh đã đến giai đoạn trầm trọng vẫn chưa nhận ra, vẫn tưởng rằng với nước lã, lá cây hay ngay cả lảm nhảm vài câu thần chú “với quyết tâm chính trị...” như kẻ lên đồng là có thể chữa khỏi bệnh!

Điển hình cho luận điểm không chịu “học” hiểu biết hạn chế là nguyên nhân biến bệnh thông thường thành bệnh nan y hết thuốc chữa, ứng hợp với vai trò lãnh đạo kinh tế xã hội của đảng cộng sản Việt nam được chứng minh qua lời phát biểu của các nhà quản lý khoa học, chuyên gia kinh tế tài chánh hàng đầu của Việt nam trong diễn đàn kinh tế mùa xuân diễn ra ở thành phố biển Nha trang. Nội dung thảo luận xoay quanh đề án tái cấu trúc nền kinh tế “hết thuốc chữa”, trong đó có nhiều ý kiến chỉ ra những bất cập, yếu kém, có cả “cự cãi” đổ lỗi cho nhau, cùng với một số ý kiến đề nghị chấn chỉnh khá muộn màng để vực dậy, vượt qua suy thoái của nền kinh tế thị trường vốn méo mó không giống ai, lại đeo phải chiếc cùm quá khổ “định hướng xã hội chủ nghĩa.” 

Trong diễn đàn kinh tế này chúng ta nghe được những phát ngôn nổi cộm khá bi quan của các chuyên gia gắn bó mật thiết với chế độ rất lâu đời chứ không thông qua lời phê phán trên các kênh thông tin của các “thế lực thù địch”tung tin đồn thất thiệt nhằm bôi nhọ chống phá “tổ quốc”:

“...Nếu không tìm được câu trả lời cho nguyên nhân tại sao nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng như hiện nay thì có tái cấu trúc mấy đi chăng nữa chúng ta cũng không bao giờ tìm được sự phát triển ổn định…Tất cả các “bản lề” mà chúng ta hy vọng xoay chuyển tình hình trong năm nay đã lung lay hết rồi…Nhiều người đã đưa ra những ý kiến sửa đổi rất hay cùng với kinh nghiệm của các tổ chức thế giới và tham khảo các nước xung quanh đề án tái cấu trúc này nên làm lại”( Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc ngân hàng nhà nước).

“…Trong quá trình phát triển có nhiều việc không kiểm soát được tốt. Nhất là trong mấy năm gần đây khi nền kinh tế phát triển quá nóng cũng không kiểm soát được tốt. Vì vậy làm cho một số nhóm lợi ích nào đó có thể được hưởng lợi rất nhiều, trong khi những ngươi khác lại chịu hệ quả của tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô hoặc lạm phát lên cao làm cho vật giá leo thang và đời sống của họ khó khăn hơn...Đây cũng là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng tôi cũng đang nỗ lực, để làm sao đóng góp cho Việt Nam có thể thay đổi theo hướng công bằng hơn trong phát triển.”(chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên ban nghiên cứu của thủ tướng chính phủ.)

“...Điều đáng nói là không chỉ kinh tế mới có vấn đề nghiêm trọng... Đất nước đang rơi vào tình trạng suy thoái toàn diện từ kinh tế, xã hội, văn hóa, đạo đức, giáo dục y tế đến niềm tin, kỷ luật, kỷ cương, pháp luật, đạo đức...Trong xã hội đã xuất hiện những động lực làm giàu nhanh bằng các thủ đoạn bất chính, thông qua các mối quan hệ với một số người có chức có quyền... Các giá trị đạo đức của xã hội bị thách thức hay đảo lộn...Xã hội ngày càng phân hóa, khoảng cách giữa người dân và giới cầm quyền ngày càng xa cách. Tâm tư, nguyện vọng của người dân chưa có cơ chế thể hiện một cách trung thực và an toàn...”(tiến sĩ Nguyễn Đăng Doanh, nguyên viện trưởng viện quản lý kinh tế trung ương.)

“...Đề án tái cơ cấu được nghiên cứu từ lâu thảo luận ở nhiều cấp và tất cả chúng ta ngồi đây đều có cơ hội tham gia vào quá trình đó... Chúng tôi là tội đồ gây nên việc đó nên không thể giao cho chúng tôi, song tôi tin các chuyên gia ngồi đây không ai làm tốt hơn chúng tôi... Chúng ta phê phán chính phủ ngập ngừng này kia trong tái cơ cấu kinh tế, có lẽ cũng có phần của chuyên gia chúng ta...Tiên trách kỷ hậu trách nhân, bối cảnh kinh tế hiện nay có phần của chuyên gia, vì giới chuyên gia nói theo cảm tính cũng nhiều, tất cả mọi phân tích về chính sách phải chuẩn mực chứ không thể chỉ nói theo ý của mình, theo cảm tính được, ý kiến trong hai ngày diễn ra diễn đàn rất phân tán...”( tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, phó viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển kinh tế trung ương).

Ngoài các phát biểu “nặng ký” vừa nêu còn có một chuyên gia ẩn danh đúc kết diễn đàn kinh tế mùa xuân, xuất sắc nhất so với các lời phát biểu trước, trong cũng như sau hội nghị kinh tế mùa xuân, khi ông nhận định rằng: “Chuyên gia nói theo phong trào...chuyên gia như thế này thì chính phủ không làm được gì hết?...” Xin nói thêm, đó chỉ là nhận xét phát biểu xuất sắc trên lý luận, lý thuyết liên quan đến diễn đàn kinh tế chứ không có nghĩa nhận định xuất sắc này có khả năng chỉ ra nguyên nhân làm cho các chính sách, nghị định, nghị quyết về kinh tế xã hội của đảng, nhà nước cộng sản đã phá sản trong thực tế. 

Bàn xa hơn diễn đàn kinh tế mùa xuân tức là nói đến thực chất của “các chuyên gia” phá hoại kinh tế có rất nhiều nhưng đầu tiên phải kể đến là các nhà hoạch định chính sách có tư duy bảo thủ không chịu học, hiểu biết giới hạn bị các nhóm lợi ích, các tên tư bản hoang dã nước trong lẫn nước ngoài lợi dụng thao túng phục vụ cho mục tiêu làm giàu bất chánh, được tác giả Hoàng kim sống gần gủi với nông dân trồng lúa chỉ ra chiêu trò gian manh của công ty độc quyền mua bán lúa gạo của nhà nước trong bài viết: “Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam Đã Bần Cùng Hoá Nông Dân Việt Nam Như Thế Nào?” đăng tải trên trang Boxitvn, về chính sách mua lúa tạm trữ để tăng thu nhập cho nông dân, có kết luận như sau:

“..Chính sách mua lúa tạm trữ hiện nay theo quyết định số 31 là một chính sách trong đó các công ty của Chính phủ trong VFA mà nòng cốt là hai tổng công ty lương thực miền Nam và miền Bắc độc quyền, toàn quyền thao túng lúa gạo của nông dân, lấy hết lợi nhuận của nông dân...Còn quyền lợi của nông dân nằm ở giá bán gạo xuất khẩu và giá bán lúa thì đều bị VFA dìm xuống tận đáy. “

Bên cạnh bài viết của tác giả Hoàng Kim là bức thư của thạc sĩ Lê Thị Phi Vân gửi cho Tiến sĩ Tô Văn trường đươc công khai hóa trên các báo lề dân, có nội dung gây nhức nhối dư luận xã hội về sự thao túng phân bón, xăng dầu...của nhóm lợi ích trong nền kinh tế vốn mong manh có gắn đuôi xã hội chủ nghĩa:

“Dear anh Trường,

Em vừa đi công tác 2 tuần ở Indonesia về. Tại Indo em được tiếp xúc với khá nhiều đồng nghiệp ở 9 nước ASEAN bao gồm Việt Nam, Indonesia, Brunei, Thailan, Malaysia, Philipines, Lào, Campuchia, Myanmar. Điều chúng em nhận thấy rất rõ ràng là người dân Việt Nam mình đang bị các quan chức Việt Nam bịt mắt, cung cấp thông tin sai sự thật. 

Hiện tại giá xăng dầu ở Indonesia đang ở mức rẻ không ngờ: Xăng thường dùng (ở bên Indonesia gọi là Premium) có giá bán lẻ tại các cây xăng là 4.500 rupi/lít, tương đương với 9.000 VND. Giá dầu diezel cũng có giá 4.500 rupi/lít. Đây là 2 loại xăng dầu thông dụng của người dân Indo nên Chính phủ Indo có trợ giá. Hai loại xăng còn lại là xăng A92 và A95 không được trợ giá nên giá bán lẻ ở các cây xăng là 10.400 rupi (20.800 VND) đối với xăng A92 và 10.900 rupi (21.800 VND) đối với xăng A95, như vậy ngay cả khi không được trợ giá thì người dân Indo cũng phải trả một mức giá rẻ hơn ở Việt Nam rất nhiều, trong khi đó ở VN các quan chức luôn ra rả lừa dối dân ta rằng giá xăng dầu của Việt Nam rẻ hơn giá xăng dầu ở các nước láng giềng, rằng nếu không tăng giá thì xăng dầu chảy lậu ra khỏi biên giới. Họ lấy giá tham chiếu là giá xăng dầu ở Campuchia và Lào là những nước mà chính các Tổng công ty xăng dầu của Việt Nam làm đại lý lớn nhất ở đó. Vậy là lấy giá của ta làm tham chiếu cho chính ta.

Thực ra khi ở Indo các bạn Lào và Campuchia cũng đều rất ngỡ ngàng vì cảm thấy mình bị lừa. Họ cho biết giá xăng dầu mà Việt Nam bán cho họ quá cao so với thế giới. Em hỏi các bạn Brunei thì được biết giá xăng dầu ở Brunei rẻ hơn nước khác và người dân được dùng gần như miễn phí, họ chỉ phải trả tiền như mua nước thôi. Tất nhiên ở một nước như Brunei thì mình không so sánh được rồi, tuy nhiên khi hỏi các bạn Philippines và Malaysia thì họ cho biết giá xăng dầu của họ cũng chỉ hơn $1 một chút thôi.

Tương tự, giá phân đạm mà người nông dân ở Indo phải trả rẻ hơn rất nhiều so với giá mà người dân VN phải trả: Nông dân Indo chỉ phải trả có 1,8 rupi/1 kg đạm, tương đương với 3.600 VND trong khi đó người nông dân VN đang phải gánh một mức giá siêu bất hợp lý là khoảng 10.000 – 11.000 VND/kg, tức là cao gấp gần 3 lần Indonesia, trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất phân bón VN đang được nhà nước trợ giá đầu vào!Thật là không thể nào lý giải nổi. Những sự bất hợp lý như vậy chỉ có thể thấy được ở VN mà thôi. Thế mới biết làm công dân VN bị thiệt thòi như thế nào!

Em 

Lê Thị Phi Vân.”

Ai cũng thấy các loa đài lề đảng thường dị ứng với sự thật, có thói quen đổ cho những ai nói khác các thông tin định hướng là ý đồ của các thế lực phản động lưu vong không khách quan, thiếu thông tin dựng chuyện nói xấu tổ quốc, xuyên tạc chính sách của đảng nhà nước, nhưng với tác giả Hoàng Kim đang sống và làm việc trong nước. Thạc sĩ Lê Thị Phi Vân đang công tác tại viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thuộc bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn phần nào hạn chế luận điệu vu khống của bộ máy nhà nước.Và qua bài viết của tác giả Hoàng Kim cùng với bức thư của thạc sĩ Lê Thị Phi Vân đã chỉ ra mầm móng phá hoại kinh tế đáng kinh sợ của nhóm lợi ích đang hoành hành bên trong hệ thống cai trị của chế độ cộng sản Việt Nam.

Lẽ ra với bản lãnh lãnh đạo thực chất thì công ty độc quyền xăng dầu không đối thủ cạnh tranh của nhà nước không thể tự tung tự tác tuồn “xăng dầu” vượt biên giới thu lợi bất chính cực khủng trong thời gian dài, vẫn báo cáo lỗ đễ được bù lỗ bằng tiền thuế của dân và các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, nông dân Việt Nam phải trả cao hơn nông dân các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong khi các công ty nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là phân bón được trợ giá lẫn thuế ưu đãi đầu vào lại có giá đắt hơn gấp bội làm giá thành đội lên cao, biến nông dân thành “nô lệ” cho bọn “tư bản đỏ” bóc lột sức lao động trên chính mảnh đất của mình?

Trưng dẫn bằng chứng về sự thật giá xăng dầu, phân bón trong khu vực Đông Nam Á và mặt trái của cái gọi là nghị quyết số 31 mua lúa tạm trữ để nâng thu nhập cho nông dân có lời 30% như lời tuyên bố của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không chỉ đơn thuần nói đến sự khác biệt của giá xăng dầu, phân bón hay tính chất yếu kém, bất khả thi của nghị quyết thu mua lúa tạm trữ. Mục đích chính là nói đến một sự thật khác, là năng lực thật sự của số đông lãnh đạo ít học bảo thủ, hiểu biết giới hạn đã bị thiểu số gian manh, có phần hiểu biết hơn thao túng quyền lực, thu gom quyền lợi xây dựng đế chế tội ác trong một nhà nước vô luân, vô luật, vô đạo cộng sản Việt nam.

Thật ra, để cho nông dân nâng cao lợi tức thu nhập cũng không khó, không cần phải ra nghị quyết, nghị định này nọ hoặc hô hào cho nông dân có lời 30% nặng cảm tính hơn thực tế bởi chúng ta ai cũng thấy, giá lúa 2.000 VND tăng dần lên 5.000 VND người trồng lúa vẫn không có lãi khả quan để nâng mức sống và giá thịt heo hơi từ lúc 20.000 VND leo dần lên 50.000 VND người nuôi heo vẫn bị lỗ. Thế thì giá lúa, gíá thịt heo bao nhiêu thì người nông dân mới có lãi, nguyên nhân đến từ đâu, do đâu?

Thiển nghĩ để giải quyết bài toán nâng thu nhập cho nông dân chỉ cần sử dụng 1% các chuyên gia giáo sư, tiến sĩ của nhà nước hiện có, nghiên cứu thực hiện kế hoạch sản xuất từng phần đến tự túc toàn phần nhằm bình ổn các mặt hàng thiết yếu, sử dụng trong nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu rầy dịch bệnh, thực phẩm nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản...kể cả trợ giá cho nông dân, giúp hạ giá thành sản xuất, ngăn chận gian thương, lợi ích nhóm thao túng thị trường, đầu cơ tích trữ. Bên cạnh đó là từng bước ngăn chận tiêu cực phát sinh trong công ty độc quyền lúa gạo quốc doanh, kể cả giải thể công ty quốc doanh, thiết lập từng phần cơ chế thị trường cho nông dân được hưởng giá thị trường, là nông dân có thể nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống, không cần đến nghị định, nghị quyết...hay hô hào quyết tâm chính trị, chính em chi cả!

Đúng ra, nếu là lãnh đạo tối cao thực sự có năng lực, có khả năng tương đối phải thực tế hơn, phải chuyên cần học hỏi nắm bắt tình hình chuyển đổi của thế giới để nhận ra rằng các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các chính sách, nghị quyết, nghị định...không thể hữu hiệu với tư duy đơn thuần cảm tính “quyết tâm chính trị...” nhất là phải thấy một bộ phận không nhỏ suy thoái đạo đức lối sống thừa hành, tìm mọi cách kể cả thủ đoạn bẩn thỉu ăn cắp, ăn cướp vun vén cho bản thân, gia đình, phe nhóm...phá nát các kế hoạch to lẫn kế hoạch nhỏ do đảng chính phủ đề ra. 

Hơn ai hết, chắc hẳn đảng cộng sản phải biết bộ phận siêu vi, độc trùng, rác rưởi này sản sinh ra từ đâu và lực lượng nồng cốt của đảng lãnh đạo nhà nước xã hội, quy tụ những kẻ gian manh, dối trá, độc ác, tham lam hơn cả giai cấp quý tộc thối tha, tư bản bóc lột sẳn sàng lên giá treo cổ vì mục tiêu lợi nhuận thì chuyện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam khủng hoảng dai dẳng, sống không ra sống chết không ra chết ngoắc ngoải, tồn tại nhờ vào ống trợ sinh, gói to gói nhỏ từ “ngân sách nhà nước”không có gì là khó hiểu?

Thực sự, nhân khi theo dõi diễn biến đề án tái cấu trúc kinh tế Việt Nam và nhắc đến chuyện nhỏ, không có gì lớn lao như giá cả xăng dầu, phân bón hay đề xuất mua lúa tạm trữ cho nông dân có lãi đều do cán bộ quan chức nhà nước nắm độc quyền nhưng cơ chế phản động này không giúp cho đời sống nông dân tốt hơn, là muốn chỉ ra một mảnh hư hoại phát sinh từ cơ chế, hệ thống nhà nước độc quyền đã tự biến thành công cụ bóc lột “giá trị thặng dư” của giai cấp nông dân, giai cấp lãnh đạo nhà nước, xã hội vượt xa bọn địa chủ ác ghê, độc ác hơn tư bản rừng rú của vài thế kỷ trước và với tầng lớp lãnh đạo bảo thủ không chịu “học” hiểu biết giới hạn như cộng sản Việt Nam thì còn trông mong gì ở cái gọi là “cấu trúc”tái tới, tái lui cho đến bao giờ kinh tế “chín” đây hở trời!

Thiết nghĩ, muốn “tái” cho nó thật “chín” không còn cách nào khác, nghe ra như có mùi bạo lực của xã hội đen, là phải mạnh tay “luộc” đảng cộng sản cùng lúc với quyết tâm đem “chôn” chủ nghĩa xã hội hoang tưởng đi.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo