Những người anh em - Dân Làm Báo

Những người anh em

Lê G. (Danlambao) - "Trước vận mệnh ngàn cân treo sợi tóc của Tổ Quốc và Dân Tộc, chúng ta như những kẻ lạc loài từ khắp bốn phương trời chợt bừng tỉnh để nhận ra nhau là anh em, cùng xiết chặt tay nhau, đồng lòng tỏ thái độ cho chính quyền độc tài biết từ nay chúng ta quyết sẽ không để cho bất kỳ người anh em nào nữa của chúng ta đấu tranh trong tuyệt vọng, cô đơn.

Ngay bây giờ đây, tất cả chúng ta đã sẵn sàng để bước lên con tàu “Chở quyền công dân” Đoàn Văn Vươn” để đòi lấy Công lý và Tự do."

*

Cha Lạc Long,
Mẹ Âu Cơ.
Bọc trăm trứng trăm con.
Thuở hồng hoang,
Những người anh em,
Theo mẹ lên rừng,
Theo cha xuống biển.
Khai thiên lập địa
Vun vén non sông,
Dựng nước Văn Lang.

Những người anh em,
Không hề run sợ,
Không hề đê hèn,
Giặc ác kia có đàn áp,
Hung hăng tiêu diệt giống nòi,
Suốt một ngàn năm.
Những người anh em
Vẫn không nản lòng
Theo tiếng trống Mê Linh,
Quật cường khởi nghĩa.
Cả vùng Lĩnh Nam
Đất trời rúng động.

Những người anh em
Nào sợ hiểm nguy,
Nào khiếp vó ngựa,
Quân hùng tướng mạnh,
Của giặc Nguyên Mông.
Thà làm ma nước Nam,
Còn hơn làm vương đất Bắc.
Tay thích Sát Thát,
Tay bóp nát cam,
Ba lần theo vua
Diệt giặc ngoại xâm,
Ghi danh thiên cổ.

Những người anh em
Tiến vào phương nam,
Khai hoang lập đất,
Giữ gìn tiếng Việt,
Ấp ủ tinh hoa
Ngàn năm văn hiến.
Dù ghềnh kia có thác dữ,
Dù núi kia có hổ gầm,
Dù sông kia có xiết cuồng,
Dù chân có mòn,
Dù gối có mỏi,
Nhưng lòng không sờn,
Nhưng chí không nản,
Mở mang từng tấc đất
Cho giang sơn Đại Việt.
Ôi, hào hùng làm sao,
Từng tấc đất thấm máu cha ông,
Những người anh em thuở trước.

Lũ quỷ đỏ bạo ngược
Ôm học thuyết ngoại lai.
Chuyên chính cộng sản,
Bắt bớ giam cầm,
Hèn với giặc, ác với dân.
Giặc kia đang lăm le ngoài bờ cõi.
Lũ tham quan bán nước
Khiếp dân và sợ giặc,
Cam tâm làm tay sai.
Mười sáu tốt bốn vàng,
Nhượng đất bán đai,
Giữ yên chế độ.
Những người anh em
Lại xông pha cứu nước!
Kể sao xiết tên những người anh hùng…!
Ôi, xót thương thay!
Những tiếng chuông…
Tiếng chuông…
Tiếng chuông…!
Cô đơn, cô đơn, cô đơn…!
Họ chiến đấu một mình…
Không!
Một ngàn lần không!
Nào những người anh em,
Sao cam tâm để anh em chúng ta
Đấu tranh mãi một mình,
Sống trong đau khổ, đọa đày.
Hãy cùng nhau xiết tay,
Vượt qua bao đớn hèn,
Băng qua bao khiếp nhược,
Đạp lên đi hãi sợ
Cùng sát cánh bên nhau.
Chúng ta có chính nghĩa,
Chúng ta có lòng dân,
Chúng ta có ý trời.
Đồng thanh một tiếng thét:
Lời tuyên bố công dân!
Hãy xéo đi ngoại bang,
Hãy cút đi độc tài.
Xây dựng lại giang san,
Đón những người anh hùng,
Ca khúc ca khải hoàn.
Vì,
Chúng ta là anh em,
Chúng ta là anh em,
Chúng ta là anh em.

Lê G.

Tôi viết bài này đã lâu, nhưng nay nhân đọc thấy hai bài kêu cứu của hai chị Thương và Hiền, và của mẹ anh Vươn nên tôi lại viết thêm mấy hàng cuối này.

Khi có một sự bất công xảy ra đối với một người nào đó, chúng ta phẫn nộ: người bị hại thì kêu la, người bình luận thì chửi rủa “bọn cộng nô chó chết”, còn ai đó thì “tại sao nên nỗi?”. Vâng, la, chửi, hỏi không làm chùn bước được bàn tay quen máu của chính quyền độc tài. Có lẽ chúng sợ nhất sự đồng tâm hiệp lực. Sức mạnh của đoàn kết làm bất cứ chế độ độc tài nào cũng run sợ. Chúng ta phải cho chính quyền độc tài biết chúng ta là NHỮNG NGƯỜI ANH EM.

Hãy xem lại những diễn biến gần đây. Nhóm biểu tình yêu nước đã thể hiện một tinh thần đoàn kết rất vững. Chính vì thế mà chính quyền cũng run tay. Chị Bùi Thị Minh Hằng bị bắt vào trại giáo dục thì tất cả những người ở ngoài đã lo lắng, đã tìm đủ cách để giải cứu chị ra khỏi nơi đó. Anh Lê Anh Hùng bị bắt vào trại tâm thần thì nhiều người lên tiếng. Tất cả bằng nhiều hướng: lên án độc tài, thuyết phục mẹ anh Hùng… Và cuối cùng họ cũng giải thoát được Lê Anh Hùng. Đó là bài học quý báu. Nhóm này thật sự coi nhau như anh em ruột thịt.

Đến lượt 14 thanh niên công giáo. Tiếc thay, họ ít được sự hỗ trợ của cộng đồng. Dĩ nhiên, có nhiều người lên tiếng trên mạng, nhưng đó là phản đối mang tính ảo nhiều hơn thật. Cái mà chúng ta cần là sự phản đối thật (dĩ nhiên kết hợp cả phàn đối ảo) và sự kiện diễn ra bằng những hình ảnh có thật. Ví dụ, trước phiên tòa có tập trung hàng trăm người quan tâm. Đấy là hình ảnh có thật. Ngoài anh em bà con của các thanh niên này thì có thêm ba anh từ Hà Nội vào để hiệp thông nhưng đều bị bắt nguội trước khi tham gia. Chính vì thế mà chính quyền đã không hề run tay khi tuyên án.

Cuối cùng là các vị ở Công án Bia Sơn. Đây là những bản án khốn kiếp nhất mà tôi từng thấy. Chính quyền cam tâm chà nát tất cả một cách tàn nhẫn, bất nhân. Các bạn nghĩ xem, chúng ta đã làm gì? Tôi thấy chúng ta không làm gì cả. Không hiệp thông, không đồng cảm… Tất cả rơi vào trạng thái câm nín. Vì thế mà cứ mỗi lần nhìn bức ảnh này của ông Trần Công là tôi thấy xấu hổ quá.


Bức ảnh này xin đặt tên là MẮT NGHẸN. Tôi chưa hề thấy một ánh mắt nào uất nghẹn như thế. Uất nghẹn vì sự bất công quá tầm nhận thức của con người. Uất nghẹn vì không có cách giãi bày. Và uất nghẹn vì tiếng kêu của mình không thấu tới đâu. Kể cả tới những người đồng cảnh ngộ, những người cũng bị chính quyền độc tài đàn áp như mình. Bức ảnh đã làm cho tôi xúc động mãnh liệt và theo ý kiến riêng tôi thông điệp khổ đau của nó hoàn toàn không thua kém bức Tiếng thét của Edvard Munch. Chỉ khác chăng một bên là ảnh thật, một bên là tranh vẽ. Một bên người thét đưa hai tay lên cố làm cho tiếng thét mình ngân xa, còn một bên, hai tay không thể đưa lên được vì bị các đại diện của thế lực độc tài giữ chặt, tiếng thét bị ngăn lại, bị bóp nghẹt nhưng nó đã biến thành ánh mắt không lời-mắt nghẹn. Chính quyền Cộng sản đã xét xử 22 người và người nhận án thấp nhất là 10 năm tù. Thật là ghê tởm!


Chắc cũng cần nhắc lại cuộc biểu tình Thái Bình tháng 6 năm 1997 chống tham nhũng, lạm quyền và chống sưu cao thuế nặng trong chương trình Đường-Điện-Trường-Trạm, trong đó những người đi đầu đều là người có công với chính quyền cộng sản gồm các cựu chiến binh và mẹ liệt sỹ. Chính quyền đã dẹp yên được và đưa xét xử 10 vụ án với tổng số 105 bị can với các tội danh khác nhau. Vậy, chúng ta có biết đến điều đó, có biết những người biểu tình xưa bây giờ ra sao, họ sống như thế nào? Và ngay bây giờ đây, khi nói về vụ biểu tình Thái Bình, một số kẻ văn nô, bưng bô cho chế độ đã bóp méo sự thật trên wikipedia tiếng Việt nào ai trong chúng ta ngỏ lời phản bác chúng. Chúng gọi hai người đánh kẻng tập hợp dân làng lại là hai kẻ gây rối. Rồi thì mà là “những kẻ xấu”, “thế lực thù địch”, “lợi dụng, cơ hội”. Những người anh em của chúng ta, những nông dân khổ cực đã bị lãng quên một cách đáng xấu hổ.

Có hai nguyên nhân chính làm chúng ta quên và thờ ơ với những anh em của chúng ta. Thứ nhất, tình thân thiết bè nhóm. Đây là tình cảm rất bình thường, ai ai trong chúng ta đều có tình cảm đó. Tôi yêu tất cả những người gia đình tôi, bạn bè tôi, nhóm tôi, hội tôi… Không có gì sai trái khi tình yêu này mãnh liệt cho tất cả các thành viên trong một nhóm. Nhưng nó cũng có hạn chế nếu nhóm đó bước vào một hoạt động xã hội chung nào đó. Càng yêu mãnh liệt nhóm mình thì như một nhu cầu tâm lý tự nhiên, chúng ta lại rào chúng ta lại trong nhóm của mình, không mở rộng lòng mình ra để đón nhận hay để lên tiếng vì những thành viên của nhóm khác. Nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm. Xin đơn cử một trường hợp nhỏ, nếu chúng ta thấy thằng móc túi bạn mình thì lên tiếng ngay như với người khác lại câm nín. Chúng ta cứ tưởng thì người kia mất tiền chứ mình có mất đâu mà lo. Thật ra là mình cũng mất đấy. Thứ nhất, đồng tiền được làm ra một cách bất chính sẽ được tiêu một cách bất minh vì thế toàn xã hội thiệt. Thứ hai, tên trộm đó sẽ càng ngày càng táo tợn, và sẽ có nhiều người đi làm nghề móc túi và lúc đó chính chúng ta sẽ bị móc túi và với cường độ thường xuyên hơn nhiều. Thứ ba, một xã hội thờ ơ vô cảm dẫn đến tình trạng suy đồi đạo đức, mất đi hẳn tính cảm thông và dần dà toàn xã hội mất hẳn những mục đích cao thượng để phấn đấu.

Nguyên nhân thứ hai là ai ai cũng nghĩ cách mình làm mới đúng. Đấu tranh với độc tài hả? Được thôi, nhưng làm theo cách của tôi đây này. Đây mới là cách đúng nhất. Và tất cả các nhóm đều lao vào chứng minh cái đúng của mình quên bẵng đi mục đích ban đầu là “đấu tranh với độc tài”. Lúc đó, theo tôi chỉ có một nhóm đúng duy nhất, thật trớ trêu đó chính là chính quyền độc tài. Chính quyền độc tài bảo rằng “Ôi, một lũ ô hợp thế này thì làm được cơm cháo gì mà lo” và họ đã đúng. Nên chăng, trước hiểm họa ngoại nội xâm, các nhóm chúng ta đều coi nhau như là anh em, thay vì tranh cãi nhau chúng ta mỗi người đóng góp vào công cuộc chung bằng cách của mình và dần dần tất cả mọi người nhận ra cách nào tốt nhất mà theo. Nhưng khi những người ở nhóm khác bị đàn áp thì tất cả đều lên tiếng bởi vì không phải vì bất đồng ý kiến mà chúng ta thôi là những anh em. Nay có một người anh em của chúng ta gặp an nguy thì tất cả những người anh em khác lao vào cứu anh em của mình chứ.

Chúng ta đã lỡ con tàu “Chở quyền công dân” Thái Bình;

Chúng ta đã lỡ con tàu “Chở quyền công dân” có tên Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn;

Chúng ta đã lỡ con tàu “Chở quyền công dân” có tên Phạm Thanh Nghiên, Cù Huy Hà Vũ;

Chúng ta đã lỡ con tàu “Chở quyền công dân” có tên Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung;

Chúng ta đã lỡ con tàu “Chở quyền công dân” 14 thanh niên Công Giáo;

Chúng ta đã lỡ con tàu “Chở quyền công dân” Công án Bia Sơn.

Và chúng ta sẽ mãi mãi lỡ các chuyến tàu “quyền công dân” tiếp theo nếu chúng ta không mạnh dạn, không đồng lòng cùng bước lên con tàu “quyền công dân” Đoàn Văn Vươn vào ngày 02-04 sắp tới đây. Đây là chuyến tàu rất thuận lợi, nó đã tạo được sự đồng thuận rất lớn trong mọi tầng lớp xã hội khác nhau, trong nước cũng như hải ngoại, trong cộng đồng Công giáo cũng như Phật giáo, Tin Lành,…Ngoài ra, chuyến tàu thuận lợi vì có những ngọn gió đổi thay “Lời tuyên bố các công dân tự do”, “Kiến nghị 72”, “Thư góp ý HĐGMVN”. Nếu không bước lên chuyến tàu này thì chúng ta còn chờ chuyến tàu nào nữa và đến bao giờ mới có một chuyến tàu khác thuận lợi như thế chứ đứng nói gì đến thuận lợi hơn?

Trước vận mệnh ngàn cân treo sợi tóc của Tổ Quốc và Dân Tộc, chúng ta như những kẻ lạc loài từ khắp bốn phương trời chợt bừng tỉnh để nhận ra nhau là anh em, cùng xiết chặt tay nhau, đồng lòng tỏ thái độ cho chính quyền độc tài biết từ nay chúng ta quyết sẽ không để cho bất kỳ người anh em nào nữa của chúng ta đấu tranh trong tuyệt vọng, cô đơn.

Ngay bây giờ đây, tất cả chúng ta đã sẵn sàng để bước lên con tàu “Chở quyền công dân” Đoàn Văn Vươn để đòi lấy Công lý và Tự do.

Hãy cho chính quyền độc tài biết sức mạnh của lòng dân.

Mọi người đều hướng về người anh hùng Đoàn Văn Vươn.

Tất cả tiến về Hải Phòng!!!



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo