Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải lên tiếng ủng hộ buổi Dã ngoại trao đổi về Quyền Con Người - Dân Làm Báo

Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải lên tiếng ủng hộ buổi Dã ngoại trao đổi về Quyền Con Người

Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải

Danlambao - Rạng sáng ngày 5/5/2013, tức chỉ vài tiếng trước giờ G, Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đã chính thức lên tiếng ủng hộ tuổi trẻ Việt Nam tham gia buổi Dã ngoại trao đổi về Quyền Con Người diễn ra tại 3 Thành Phố Sài Gòn, Hà Nội và Nha Trang.

Trong bức thư gửi đến Danlambao, vị Thượng nghị sĩ đại diện cho vùng Ottawa (Canada) cho biết: dù ở xa, nhưng bản thân ông rất ‘thèm gặp’ và muốn tham gia buổi dã ngoại để nói chuyện cùng tuổi trẻ Việt Nam. Qua thư, ông gửi gắm niềm hy vọng:

“Thật vận mệnh đất nước còn có hồi phục hưng lại từ những con người can trường như các bạn. Chúng tôi kính phục sự quả cảm, lòng can trường của các bạn cho dù các bạn có khiêm nhường từ chối”

Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải từng là một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, vượt biên tỵ nạn tại Canada sau năm 1975. Vào tháng 9/2012, ông là người gốc Việt đầu tiên tại Canada được chỉ định làm Thượng nghị sĩ đại diện cho cùng Ottawa.

Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải là người kiên trì theo đuổi mục tiêu đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ. Hiện ông là Chủ tịch Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, một tổ chức tranh đấu lâu đời và rất có uy tín do cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thành lập.

Danlambao xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bức thư của Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải gởi đến các Công Dân Tự Do, những người đã can đảm tham gia buổi dã ngoại trao đổi về Quyền Con Người:

*

Thơ gởi các anh em dân chủ trong nước nhân dịp các bạn tổ chức buổi dã ngoại trao đổi về Quyền Con Người.

Các bạn thân mến,

Đọc tin thấy các bạn tổ chức buổi dã ngoại để trao đổi về quyền con người, vì cách xa cả đại dương nên không thể tham dự được cho dù rất thèm gặp và nói chuyện với các bạn. Thôi đành gởi vài hàng tâm tình giữa người trẻ và người gìa, người trong nước và người ngoài nước. Nhưng cho dù ở đâu, làm gì chúng ta cùng một mục tiêu là tranh đấu cho dân tộc Việt Nam có được tự do, dân chủ và có quyền làm người như những con người khác trên thế giới.

Tôi vô cùng khâm phục các bạn, những người đứng trước còng số tám của công an, trước những đạo luật hàm hồ của nhà cầm quyền Hà Nội, để có thể dùng để kết án bất cứ ai, và với bất cứ lý do gì họ muốn, mà các bạn dám làm. Làm chớ không phải chỉ nói suông như một số người. Làm trước gông cùm, tù đày mà vẫn thản nhiên. Thật vận mệnh đất nước còn có hồi phục hưng lại từ những con người can trường như các bạn. Chúng tôi kính phục sự quả cảm, lòng can trường của các bạn cho dù các bạn có khiêm nhường từ chối.

Chúng tôi không chỉ nói suông những lời cảm phục với các bạn, hay ca tụng xã giao các bạn, mà cá nhân tôi và những chiến hữu của tôi trong Liên Minh Dân Chủ Việt Nam do cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thành lập, vẫn luôn trung thành với lập trường tranh đấu, hỗ trợ cho những phong trào tranh đấu trong nước để mang tự do, dân chủ và quyền làm người cho toàn dân tộc.

Gương mặt rạng rỡ, đầy cương nghị của Phương Uyên làm chúng tôi vững tin hơn cho tiền đồ dân tộc, nhưng không thể dấu được nỗi xót xa khi nghe:

“Nhận tin từ mẹ của Phương Uyên cho biết, em bị đánh trong tù khiến cho bạn bè, anh chị em, chú bác cô dì cậu mợ, ông bà cha mẹ dù không cùng huyết thống cật ruột nhưng thấm tình dân tộc, đậm nghĩa đồng bào không ai bị đánh... sao nghe đau nhói ở trong lòng!”

Trong nỗi đau đó có tôi và những chiến hữu của tôi, nhưng chúng ta biết dùng nỗi đau thương đó làm hành trình đi đến ngày tự do cho đất nước. Ngày đó không xa đâu Phương Uyên!

Còn rất nhiều người muốn cùng nối bước trong hành trình đó với chúng ta như Phạm Thanh Nghiên, nhưng Thanh Nghiên nói: “còn tôi trong hoàn cảnh của một người bị quản chế, không thể hội ngộ với bạn bè của mình tại những nơi đã hẹn”. Thanh Nghiên không tới được, nhưng lòng Thanh Nghiên đang cùng chúng ta, cùng tranh đấu với chúng ta, cùng đốt lên ngọn lửa để làm sáng những ước vọng tha thiết của đồng bào.

Không phải chỉ có người Việt Nam mình tranh đấu cho lẽ phải, cho công lý cho người mình, mà người ngoại quốc cũng đồng lòng với mình vì đó là đều thiêng liêng được áp dụng trên thế giới, ngoại trừ những nước độc tài, cộng sản. Họ quan tâm đến chúng ta, họ quan tâm đến sự an nguy của người tranh đấu. Hãy nghe Nguyễn Hoàng Vi nói:

“Ông Faubrice Maurice, Tổng Lãnh Sự Pháp (ở Sài Gòn) đã đặc biệt quan tâm là với những đàn áp của nhà cầm quyền, điều gì đã làm cho những Công Dân Tự Do không sợ hãi và công khai tổ chức Buổi dã ngoại trao đổi về Quyền con người vào ngày Chủ Nhật 5/5/2013.

Blogger Nguyễn Hoàng Vi đã trả lời rằng:

“Nhân quyền cần phải được thể hiện công khai và quyền con người sẽ không có nếu nó chỉ được thể hiện trong sự sợ hãi hoặc lén lút.” (Dân Làm Báo)

Đúng, khẳng khái. Đáng mặt anh thư thời đại. Tôi rất hãnh diện với các bạn và đồng bào trong nước đang kiên cường lật trang sử đau thương và nhục nhã của dân tộc.

Tôi xin mượn bốn câu thơ sau đây, (trong dòng thơ Việt và xin lỗi, sửa vài chữ) để tặng các bạn:

Ta vùng vẫy với xích xiềng cộng sản,
Mấy chục năm khổ nhục vẫn kiêu hùng.
Việt sử thăng trầm, bao chương bừng chiếu,
Sáng những khoảng mịt mùng, nặng trĩu đau thương.

Tôi mường tượng nỗi vui mừng khôn xiết khi gặp lại các bạn trong ngày đất nước không còn cộng sản.

Thân mến chào các bạn,



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo