Mặc Lâm (RFA) - Ngày 5/8/2010, Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh ban hành quyết định thu hồi gần 21 ngàn m2 đất ở xứ Lỗ Vó, Dạ Cá khu phố Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn để xây dựng Nhà máy xử lý nước thải thuộc công ty Phú Điền. Nhân dân tại đây đa số chấp hành lệnh này nhưng yêu cầu việc triển khai dự án phải đúng quy định của pháp luật.
Hợp sức chống lực lượng cưỡng chế
Người dân yêu cầu lùi nhà máy xuống Đồng Khô, cách vị trí dự định ở Lỗ Vó khoảng 400m. Bà Nghiêm một cán bộ về hưu tại đây và cũng là nạn nhân của vụ cưỡng chế này cho biết:
Bà con đồng ý nhà máy nước thải với điều kiện chuyển xa hơn xuống duới cánh đồng xấu ấy, cũng nằm trong dẫy đấy. Nó ở cuối cùng vào cánh đồng trũng khó canh tác nhưng họ không chuyển, họ cứ nhằm cái chỗ thương binh liệt sĩ này vì ruộng đẹp trong khi đó hai cái hố ở bên phuờng mấy mẫu đã liền vào đấy. Nó muốn ăn muốn đớp khu đó nên không chịu đi. Còn rất nhiều chỗ để làm chứ phải không đâu?
Người dân tại đây một mặt lo lắng ruộng của họ bị mất không còn đất để canh tác bên cạnh đó khi nhà máy nước thải xây lên không ai dám chắc cả làng sẽ không bị ô nhiễm vì vị trí nhà máy ngay ở đầu khu dân cư.
Bà Nghiêm cho biết số hộ dân trong làng đa số là thương binh liệt sĩ nhưng họ không được hưởng chính sách đền bù nào cho hợp lý ngoại trừ việc bắt ép của chính quyền địa phương:
Trong 63 hộ thì có 42 hộ là gia đình thương binh liệt sĩ. Bọn em đã ra Thanh tra Chính phủ và các ngành rồi nhưng người ta cứ bỏ đấy không ngó ngàng gì tới. Đến mức độ ra kiện hôm nay thì mai ở nhà nó đánh. Đánh xong mai lại ra tiếp Thanh tra Chính phủ cũng chẳng ăn thua gì. Đến bây giờ cũng vậy nó cứ hoành hành đã, nó bảo đi đến đâu cũng thế vậy thì dân nguời ta trông vào đâu nữa bây giờ? Nó còn uy hiếp bà con: Không được ra Trung ương, không được vượt cấp, không đuợc khiếu nại. Bây giờ chính quyền với nó là một rồi nó đâu cần gì ai, chỉ hành động để cướp cho bằng được ruộng đất mà thôi.
Ngày 12 tháng 6 chính quyền phường và thị xã tập trung lực lượng cưỡng chế về Lỗ Vó. Rất bất ngờ, người dân đã chuẩn bị sẵn và báo động bằng chiêng trống ầm ĩ. Họ kéo nhau về hợp sức chống lại lực lượng cưỡng chế. Bốn mươi hai gia đình chính sách bị lấy đất được dân chúng các xã chung quanh kéo về bảo vệ có lúc đông đến hơn một nghìn người.
Vào chiều ngày 18-6-2013 câu chuyện cưỡng chế lại xảy ra. Chính quyền huy động hơn 100 người gồm lực lượng cảnh sát cơ động nòng cốt tiến về khu đất đang bị cưỡng chế. Lần này lực lượng cưỡng chế đã ra tay quyết liệt hơn. Nhiều người bị đánh phải mang đi cấp cứu. Các em nhỏ theo cha mẹ cũng bị tấn công. Tuy nhiên do bà con cản trở quyết liệt lực lượng cưỡng chế phải rút lui và không thu được một kết quả nào.
Dùng đòn hạ sách đối phó với dân
Ngày 23 tháng Sáu người dân tiếp tục bị chính quyền áp lực phải bỏ ruộng của mình trong đó có cả việc lén lút chặt cây của bà con và gây áp lực trên từng gia đình, Bà Nghiêm kể:
Chiều tối hôm qua nó họp các lực lượng đảng viên, cán bộ trong chi bộ nó uy hiếp nó bảo mọi người phải ra để nó trả tiền nếu không nó vứt. Nó đe dọa bằng hình thức đang đêm công an nó vào nhà nào chưa chịu lấy tiền.
Trên kênh VTV1 trong bản tin thời sự có phát sóng về câu chuyện người dân Trịnh Nguyễn chống cưỡng chế nhưng đã bị đài này cắt xén nhiều đoạn. Ông Quý, một người dân Trịnh Nguyễn cho biết:
Tất cả từ trên xuống duới bây giờ nó đang lừa dân. Nó lập những văn bản dân chưa đồng ý thì nó lại ghi là dân đã đồng ý. Truyền hình VTV1 thì nó cắt xén, nguời ta nói dài thì nó cắt nó lấy một đoạn thôi sau đó nó ghép người của nó để nói là đồng ý. Vấn đề người dân vẫn đang ra sức chống vì chúng nó dùng cả xã hội đen để chặt phá cây cối của người dân trồng ở bờ ruộng vào hai ba giờ sáng.
Bên cạnh thủ thuật cắt xén, láp ráp hình ảnh lời nói để bóp méo câu chuyện như VTV thường làm, Chính quyền xã Trịnh Nguyễn đã sử dụng cả những đòn hạ sách để đối phó với người dân. Họ tuyên bố sẽ đuổi học các em học sinh đã tham gia giữ đất với cha mẹ. Khai trừ đảng nếu đảng viên nào không chấp nhận tiền bồi thường và cắt luôn danh hiệu làng văn hóa trong thôn.
Đối với người dân, việc con em không đến trường là điều quan trọng nhưng nếu mất đất thì lấy gì sống để nuôi con tới trường? Đối với đảng viên cũng vậy khi niềm tin vào đảng đã mất sạch thì cái thẻ đảng giúp được gì cho họ? Liệu ai còn cam tâm tham gia vào nơi vừa lấy mất chén cơm của mình? Còn cái danh hiệu Làng Văn hóa liệu có bán được để nuôi miệng ăn của cả gia đình được không?
Ông Quý cho biết người dân sẽ không nhượng bộ mặc dù biết rằng nếu chống lại sẽ thua thiệt nhưng người dân không còn cách nào khác, ông nói:
Một đàng vẫn gửi đơn lên các cấp chính quyền mặc dù hiện tại họ vẫn chưa đưa ra phương cách giải quyết cho người dân chúng tôi mà đất là nguồn sống của người dân và môi trường sống dũng đang bị hăm dọa thì người dân chúng tôi phải giữ thôi không thể để mặc được. Kể cả vấn đề phải đổ máu cũng chấp nhận thôi, không có cách nào khác. Sự sống của người ta mà, trước sau cũng chết. Môi trường hủy hoại, ruộng thì mất hết đàng nào cũng chết dân tôi sẽ chống đến cùng.
Câu chuyện tranh chấp đất đai giữa chính quyền và nhân dân ngày một lan rộng và diễn biến mỗi nơi một khác, tuy nhiên người dân ngày càng ý thức được rằng không ai bênh vực cho họ kể cả những tấm huân chương cao quý nhất mà họ đã đổ máu ra cho đất nước mới có được. Bây giờ chỉ có những con người đồng cảnh ngộ mới giúp được nhau, vì vậy họ đã liên kết thành khối, khối người bị bất công và áp bức dồn nén lại thành sức mạnh.