Công khai thành lập Đảng đối lập - Tại sao? Khi nào? - Dân Làm Báo

Công khai thành lập Đảng đối lập - Tại sao? Khi nào?

Tâm-8x (Danlambao) - Tin cho hay, trong những ngày chờ dưỡng bịnh, ông Lê Hiếu Đằng (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ở TP HCM, đảng viên 45 tuổi) đã khẳng khái: “Cần cho lập thêm các đảng đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam.” Nhiều tín hiệu dư luận đánh giá đây là điều tốt và hồ hởi đón nhận, trong đó có ông Hồ Ngọc Nhuận (nguyên là phó chủ tịch UB Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, UB UB TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi ông cho rằng: “Vận hội mới cho nước nhà đã đến... Một chính đảng mới đang được vận động hình thành, với tên gọi tạm là Đảng Dân chủ Xã hội, do ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên cộng sản với 45 tuổi đảng, khởi xướng. Sẽ có hàng trăm, và rồi đây hàng ngàn đảng viên cộng sản đồng loạt khước từ độc tài toàn trị, thành lập chính đảng mới để đấu tranh công khai với Đảng Cộng sản cầm quyền.”

Công khai thành lập Đảng Dân chủ Xã hội - Nên hay không?

Thực sự mà nói, đón nhận tin này đối với tôi là một niềm vui, phấn khởi, là điều đáng mừng. Dù rằng, sự tuyên bố đó được thốt ra ở vị trí “nguyên là…”, tuy nhiên, tôi cho rằng, việc công khai tuyên bố thành lập “một đảng đối lập” là một bước đi khá phiêu, đầy nguy hiểm, không những cho chính người tuyên bố mà cũng gián tiếp gây nguy hiểm cho những người theo nó ở cả trước mắt lẫn lâu dài. Lý do:

- Thời điểm không thích hợp: Sự công khai tuyên bố thành lập đảng phái, phong trào, mạng lưới... trong thời điểm chế độ toàn trị còn mạnh, đặc biệt, khi chế độ đó có sự ưu đãi ngày một lớn với đội ngũ công an mật vụ, khiến cho giai đoạn “công an trị” được hình thành và hoạt động ngày một ráo riết hơn. Tình hình kinh tế - xã hội tuy có nhiều bất ổn, nhưng nó chưa phải là sự bất ổn đỉnh điểm cần thiết khiến người dân (vốn bị tuyên truyền, sợ hãi, lẫn vô cảm) phải quay lưng lại với chế độ và đến với một Đảng phái mới mà họ chưa biết nó đã làm gì, nó như thế nào, và hoạt động của nó ra sao. Do vậy, sự “công khai tuyên bố thành lập” là bước đi chết ngay trong lòng trứng. Nó khiến người tuyên bố lẫn số người đi theo bị tách ra và đàn áp một cách dễ dàng, khiến cho việc tiến hành các hoạt động tiếp theo nếu diễn ra thì chỉ là manh mún, không có liên kết giữa các chủ thể đảng viên, phạm vi đấu tranh chỉ nằm ở nhà và trên mạng internet. Bài học về phong trào Con đường Việt Nam vẫn còn mới mẻ...

- Tính Đảng dân chủ xã hội gần như không có: Dù tuyên bố một Đảng phái do một cựu Đảng cộng sản khởi xướng có thể đem lại niềm cảm hứng thoát Đảng cho một số người, nhưng nó lại gây ra sự hoài nghi cho nhiều người khác (nhất là những ai đã-đang sống ở chế độ toàn trị). Đặc biệt, một đảng phái ra đời phải trên cơ sở: sự nhận thức về tự do-dân chủ của người dân (1); sự phát triển mạng lưới người tham gia & tiến hành các hoạt động thúc đẩy mục tiêu đề ra trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội (2). Trong khi đó, Đảng Dân chủ Xã hội lại ra đời trên cơ sở “tuyên bố, chủ trương” chứ không phải gắn liền với bất kỳ một hoạt động nào mà nó mang tên cả, nghĩa nôm na là Đảng Dân chủ Xã hội đã “tập chạy trong khi chưa bò được”; nó làm cho Đảng này tồn tại trên “tuyên bố” chứ không phải trong thực tiễn đời sống. Nếu như vậy thì làm sao có thể gây dựng được niềm tin mà thu hút được lực lượng người tham gia, đặc biệt là những Đảng viên Cộng sản chấp nhận bỏ Đảng cũ để gia nhập vào Đảng mới cho được? Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa đều không có thì sự ra đời của tổ chức này không chết yểu thì cũng xem là lạ! Và cho dù ông Lê Hiếu Đằng không có chủ ý đi chăng nữa thì vô tình, với sự ra đời “nhanh chóng” trên cơ sở nền tảng gần như chưa-có-gì-cả sẽ vô tình tạo ra cái bẫy cho những ai đang và đã tìm đến hoạt động đấu tranh dân chủ.

Như vậy, sự ra đời của 1 tổ chức Đảng đối lập với ĐCS Việt Nam là NÊN và thực sự bức thiết. Ví dụ, trong lần trả lời BBC Vietnamese gần đây, Phương Uyên đã thẳng thắn thừa nhận rằng: “Tôi thấy trong lòng mình nhen nhóm lên một nhiệt huyết, cần phải cháy hơn nữa, chưa thể dừng ở đây được...” Tôi tin Phương Uyên nói thành thật những điều đó, nhất là sau những chuyện mà cô gái này đã trải qua. Nhưng sự nhiệt huyết của Uyên, Kha hay những người khác... cần được phát huy, nuôi dưỡng trong môi trường với nhóm người đồng chí hướng với cô, môi trường đó dạy bảo cô nên làm gì, sẽ phải làm gì để bảo vệ bản thân – gia đình khi tiến hành đấu tranh mà, làm giảm bớt sự khó khăn về phía chính quyền. Điều này, sẽ trở thành hiện thực nếu Phương Uyên là một thành viên trong một nhóm người, một phong trào, một mạng lưới đấu tranh... ở cả internet và trong đời sống thực tiễn với phương thức hoạt động phù hợp. Như vậy, quá trình đấu tranh sẽ giúp cô gái này vừa có DŨNG, lại vừa có cả MƯU, tạo điều kiện tốt nhất cho sự tranh đấu về tự do, dân chủ và chủ quyền quốc gia - lãnh hải của mình. Nhưng cái tổ chức mà Phương Uyên sẽ học được cái DŨNG, cái MƯU đó là một tổ chức hoạt động nguyên tắc - kỷ luật và có hệ thống đấu tranh (phương pháp, cách thức) linh hoạt chứ không phải là một tổ chức Đảng mang cái tên mĩ miều nhưng ra đời trên sự tuyên bố nóng vội. Đảng phái nào ra đời, mang tên gì cũng đẹp cả, nhưng khi tuyên bố thành lập, Đảng đó phải có một thời gian dài cùng đấu tranh với người dân, liên kết với mạng lưới blogger, các nhóm, phong trào khác trong nước. Đảng đó phải buộc qua cái quá trình tổ chức, hướng dẫn cho những cá nhân, nhóm người đấu tranh từng bước và đảm bảo sự đấu tranh đó được tiến lên, trưởng thành từng bước về mặt tổ chức lẫn người tham gia.

Sự cần thiết ra đời của một tổ chức 

Sự ra đời của một tổ chức dù trong hoàn cảnh lịch sử như thế nào thì đó phải là KẾT QUẢ của sự hoạt động và đấu tranh trước đó chứ không phải là sự ngẫu nhiên. Sự đấu tranh và hoạt động trước đó đi từ xác lập từ từ sự HIỆN DIỆN của tổ chức trong một vùng, thu hút một lực lượng nòng cốt nhất định, mở rộng mạng lưới hoạt động và lượng thành viên để hình thành nên 1 tổ chức - Đảng phái có cách thức hoạt động phù hợp với từng giai đoạn, hoàn cảnh Lịch sử vừa mang tính hệ thống - nguyên tắc - kỷ luật. Điều này giúp xác lập vị trí đứng trong lòng một nhóm dân, một cụm dân, một vùng dân dưới lá cờ chung về mục đích đấu tranh, là trung tâm của sự đoàn kết, hướng về đấu tranh. Đó là nền tảng để tiến trình đấu tranh đi đến thành công trong thực tiễn song song với sự phát triển của tổ chức đó (gắn với sự phát triển của phong trào tự do, dân chủ). Sự ra đời của một tổ chức như thế vừa giúp tránh việc phải đấu tranh lật đổ thể chế xong lại quay sang tranh giành quyền lực đến mức hỗn loạn như ở Ai Cập, hay sự đấu tranh chưa đủ mạnh để lật đổ được thể chế, buộc phải kéo dài và dẫn sang tình trạng chiến sự leo thang, bất ổn xã hội kéo dài như Lybia, vừa tạo động lực mở mang rộng hơn xã hội dân sự (thông qua việc khuyến khích, thúc đẩy các cá nhân, nhóm người hoạt động phản biện, đấu tranh trong xã hội từ thời kỳ thể chế Cộng sản còn tồn tại đến khi chế độ Cộng sản buộc phải chấm dứt).

Dù vậy, mặc cho nền kinh tế có bị suy thoái gần như toàn diện, hay “tài nguyên bị khai thác cạn kiệt và lòng dân quá bất an cùng bất mãn, các nhóm lợi ích lại vẫn tồn tại một cách đầy thách thức và trở thành những ông vua không ngai trên đầu dân nghèo” tiếp tục diễn ra đi chăng nữa và mức độ ngày càng trầm trọng hơn đi chăng nữa thì chẳng có “mùa xuân” nào ở đất nước Việt Nam vì nó thiếu một điều kiện CẦN. Đó là, nếu ngay bây giờ, các hoạt động đấu tranh dân chủ chỉ mới dừng lại ở mức độ tự phát, lấy tiếng tăm lẫn sự ngây thơ về “tinh thần đối thoại với người Cộng sản” mà không chịu hoạch định một kế hoạch lâu dài, có tính thực tiễn, có phương pháp đấu tranh...

Và điều kiện cần của nó

Nếu xác định con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Việt Nam. Tiến tới thay đổi thể chế chính trị từ độc tài sang đa đảng thì sự tập hợp một lực lượng lớn người cùng nêu lên yêu cầu tự do, dân chủ của mình sẽ buộc nhà cầm quyền phải trả lại quyền lực cho nhân dân. Nhưng muốn làm thế, thì từ ngay bây giờ, các nhóm, các phong trào đấu tranh trong nước trong từng điều kiện khác nhau, với phương pháp đấu tranh khác nhau... phải đảm bảo các điều kiện CẦN và mang tính nguyên tắc như sau:

- Đầu tiên là, tiến hành các hoạt động tuyên truyền nhằm phổ biến các giá trị tự do, dân chủ gắn với nhu cầu, lợi ích thiết thực mà người dân sẽ được hưởng trong từng hoàn cảnh nhất định: Nhiều nhà hoạt động dân chủ hoặc những người kỳ vọng vào tiến trình dân chủ hiện nay trong nước vẫn còn tin rằng, với sự phát triển internet như hiện nay thì chẳng mấy chốc sẽ có một mùa xuân Ả Rập tại Việt Nam. Nhưng họ không biết rằng, sự phát triển của internet chỉ tạo ra một lực lượng tri thức độc lập (được nhà báo Phạm Chí Dũng xem là “nhân tố có thể mang lại thiện cảm với các tổ chức và quốc gia trên thế giới quan tâm đến vấn đề dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự ở Việt Nam”), số lượng tri thức này không nhiều trong tổng số 86 triệu dân, chưa kể nhóm tri thức độc lập vẫn chưa tìm ra một hướng đi chung để có thể “đồng lòng, đồng tâm” đấu tranh với chế độ. Muốn có sự thu hút, thúc đẩy nhu cầu tự do, dân chủ thì phải mở rộng phạm vi tuyên truyền các giá trị này ở các các tầng lớp người chưa (từng đọc các tin bài trên các trang mạng tri thức độc lập) hoặc hạn chế tiếp xúc với internet (đã đọc nhưng chưa có niềm tin với kiểu nguồn đấu tranh trên mạng) ở vùng nông thôn lẫn thành thị. Chính tầng lớp người này (công nhân, nông dân, tri thức, tư thương...) mới chính là lực lượng xuống đường, tạo đủ lực để làm nên một cuộc thay đổi thể chế chính trị ở nước ta. Khi tầng lớp người này vẫn chưa - hạn chế tiếp xúc với các nguồn tin do các tri thức độc lập chủ trì thì mãi mãi, phong trào đấu tranh dân chủ sẽ ở trong các vòng luẩn quẩn. Lên tiếng - bị đe dọa - bắt - tầm soát - ở nhà - internet - lên tiếng - bị đe dọa... Và sự đấu tranh đó chỉ có tính chất “đánh tiếng” cho nhà cầm quyền và thu hút sự quan tâm của các tổ chức quốc tế chứ nó không đánh động được sự ý thức về quyền tự do - dân chủ (vốn là điều kiện cần để người dân xuống đường) của đại đa số người dân (vốn là điều kiện tiên quyết cho cuộc cách mạng dân chủ). Bài học về sự xuống đường ở Tây Nguyên năm 2001, 2004; vùng Tây Bắc (Mường Nhé, Lai Châu) năm 2010... vẫn còn nóng hổi đấy thôi. Những dân hai vùng này không phải tự nhiên xuống đường mà không có sự thâm nhập, tuyên truyền và chỉ đạo của một tổ chức từ trước đó. Sự nổi dậy và tổ chức nổi dậy này (điển hình là tổ chức FULRO) làm sống dậy “nhu cầu” của nhóm dân khu vực trên. 

Vì thế nên, cần tiếp tục đấu tranh trên mặt trận internet, phản ánh kịp thời hiện trạng tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội - chính trị và các chủ thể chính trị trong nước. Đưa tin diễn biến quá trình đấu tranh công khai của một số nhà hoạt động, blogger và tìm cách bảo vệ cho các cá nhân đó thông qua truyền tin và đấu tranh tiếng nói với nhà cầm quyền (nhất là với lực lượng Công an- Mật vụ). Ví dụ: Lên tiếng về trường hợp bắt bớ, tạm giam phi pháp của công an; cập nhật kiến thức Pháp luật cho những ai đang và đã đấu tranh đấu tranh. Đặc biệt, cần thiết phải thành lập đường dây truyền bá và phổ biến các thông tin, kiến thức về tình hình kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của nước nhà đối với bộ phận người dân ở nông thôn lẫn thành thị, chú tâm vào tầng lớp nông dân và công nhân thông qua đội quân tuyên truyền trong dân. Đây là sự “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” như Phan Châu Trinh và lớp người cùng thời và sau ông (Hồ Chí Minh) đã thực hiện. Hình thành một lớp người hiểu biết về thực trạng đất nước và có nhu cầu đòi hỏi về quyền tự do, dân chủ.

- Thứ hai, trong quá trình đấu tranh, sẽ xuất hiện nhiều nhóm đấu tranh khác nhau, cần tránh sự triệt tiêu mà thay vào đó là sự hợp tác, tìm tiếng nói chung, tiến tới liên kết trong cùng một tổ chức và gắn hoạt động với yếu tố quốc tế: Như những bài trước tôi đã nói, lực lượng người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam gần đây tuy xuất hiện nhiều nhưng lại rơi vào tình trạng lẻ tẻ, manh mún, phân tán, giữa các nhóm, phong trào chưa có sự liên kết nào để cùng nhau hoạt động nhằm tạo ra sự hiện diện trong đời sống – xã hội chỉ là sự hiện diện mang tính chất manh mún, dễ bị phân rã. Điều này không khó nhận ra với Phong trào Con Đường Việt Nam, Khối 8406, Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, Nhóm Boxitvn, Tập hợp Thanh Niên Dân Chủ... không có mối liên kết, liên hệ nào, nếu có thì lỏng lẻo, thậm chí đôi khi còn tìm cách bài xích lẫn nhau. Chỉ có Nhóm 258 là bắt đầu nhen nhóm sự hoạt động chung, tạo sự hiện diện và các hành động của nhóm này mang tính nguyên tắc, thực tiễn (yêu cầu xóa bỏ điều 258), trách nhiệm & phổ rộng (gửi đến các tổ chức Quốc tế ở Thái Lan) nhưng vẫn chưa thấy có sự liên kết nào với các nhóm khác. Do mới chỉ là sự nhen nhóm, và sự nhen nhóm này đang gặp phản ứng dập tắt của chính quyền. Nên về lâu dài, nó có phát triển mạnh lên hay không thì đó là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, bài học về tính nguyên tắc - tính thực tiễn và phổ rộng (tổ chức, không gian đấu tranh, nhóm người, phương pháp) trong hoạt động là một bài học lớn cho các nhóm, tổ chức sau này muốn ra đời.

Do vậy, việc tập hợp và đoàn kết lực lượng tri thức trong nước dưới một quan điểm, mục đích đấu tranh chung. Nhất là có tiếng nói chung nhất đối với các vấn đề biển đảo; vấn đề trung quốc; vấn đề tham nhũng; nhóm lợi ích; vấn đề việc làm; môi trường làm việc công nhân; giáo dục - y tế. Bên cạnh đó, nhanh chóng hình thành một các nhóm người tổ chức hoạt động bí mật ở một địa phương nhất định (trọng điểm), tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ từ trong nhân dân. Đưa người đứng đầu trong tổ chức lãnh đạo, đấu tranh theo tôn giáo; dân oan mất đất; các nạn nhân về hành vi lạm quyền của công an; cơ quan chính quyền; trong công nhân... nhằm tạo ra sự liên kết (kể cả đối với các đảng phái, phong trào đấu tranh ở bên ngoài lãnh thổ). Tạo ra tiếng nói chung, niềm tin chung trong đấu tranh loại bỏ chế độ độc đảng tại Việt Nam.

- Thứ ba, cần nhận thức rõ ràng bản chất chế độ tại Việt Nam khác so với Myamar, hay các nước diễn ra mùa xuân Ả rập: Điều mà những ai đã, đang, sẽ tham gia trong con đường đấu tranh hiện nay đó là sự hiểu biết rõ bản chất “độc tài” cộng sản Việt Nam hiện nay, một chế độ mà được blogger Huỳnh Thục Vy đã có một sự đánh giá cực kỳ chính xác: “Độc tài cộng Sản là một dạng độc tài tinh vi và có hệ thống hơn hẳn dạng gia đình trị và quân phiệt. Họ có một mô hình cai trị sắt máu nhưng mị dân đã được kiểm chứng 'tính hiệu quả' trên một diện rộng quốc tế và trong một thời gian dài. Với hệ thống mật vụ đặc trưng của mọi chế độ cộng sản, chính quyền Việt Nam có thể kiểm soát tất cả hoạt động và quan hệ trong xã hội. Sự len lỏi và khống chế toàn bộ xã hội của hệ thống an ninh làm biến dạng mọi mối quan hệ thông thường. Sợ hãi và thiếu niềm tin lẫn nhau làm cho các cá nhân tồn tại rời rạc, thiếu hẳn những gắn kết cộng đồng, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến chính trị.” Chưa kể, chế độ Cộng sản Việt Nam đã tồn tại qua thời điểm Đông Âu và Liên Xô sụp đổ; nghĩa là nó đã tiếp thu và học được những bài học lớn để tầm soát sự sụp đổ chế độ và cương quyết hơn trong bảo vệ chế độ. Ví như những cuộc diễn tập chống “phản loạn” hằng năm, mà gần đây nhất là cuộc diễn tập quy mô lớn về phương án giải tán đám đông phá rối an ninh trật tự; chống bạo loạn, khủng bố, giải cứu con tin, rà phá bom, mìn, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.trong cuộc vào sáng ngày 16/8, tại nhà máy Đạm Phú Mỹ, KCN Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) do 2 bộ: Công an và Quốc phòng phối hợp với Tập đoàn dầu khí Việt Nam tổ chức. Tránh sự mơ hồ về bản chất chế độ sẽ đem lại phương pháp đấu tranh, cách thức đấu tranh phù hợp không, tránh sự rập khuôn đấu tranh khô cứng từ bên ngoài vào.

Nhìn chung, trước mắt và lâu dài, muốn tập hợp được sức mạnh một lực lượng người thì cần phải làm cho những con người đó nhận thức về nhu cầu tự do - dân chủ của chính mình bằng nhiều hình thức, dưới nhiều nội dung khác nhau. Trong đó, yếu tố tuyên truyền đóng một vai trò hết sức quan trọng trong thời điểm trước khi tuyên bố thành lập Đảng phái đối lập. Vì sự giấu diếm và kiểm duyệt chính là nguyên tắc cơ bản của chế độ toàn trị ở Việt Nam hiện nay (và cũng là yếu điểm của nó), và nó là tảng đá ngăn chặn sự tập hợp lực lượng của các cá nhân, nhóm người đấu tranh dân chủ. Do vậy, đảm bảo từng bước phá được tảng đá về sự kiểm duyệt, giấu diếm của nhà cầm quyền và sự tự kiểm duyệt (vô cảm), chưa nhận thức, tìm thấy nhu cầu về tự do, dân chủ ở một bộ phận lớn người dân. Giúp họ không đứng yên run rẩy, nghĩ về sự lạnh lẽo và nguy hiểm mà buộc họ phải tiến tới, dùng hết sức mình giành giật. Tuyên truyền tự do, dân chủ trong dân là bước đi đầu tiên và xuyên suốt quá trình đấu tranh. Sự đấu tranh này sẽ khiến cho tổ chức đấu tranh ngày càng vững mạnh về chất và lượng. Đảm bảo đến một thời điểm chín mùi (khi khủng hoảng kinh tế, xã hội tác động mạnh mẽ nhất đến ý thức đòi hỏi quyền lợi của người dân - là điều kiện ĐỦ) sự nổi giận của người dân sẽ được dẫn dắt theo đúng hướng (bởi một tổ chức, đảng phái); đưa xã hội đi từ “phản ứng” đến giai điểm “phản kháng” mà theo dự đoán, thời điểm này sẽ là 4-5 năm tới (giai đoạn 2017 và kéo sang năm 2018).

Ngoài ra cần phải lưu ý, trong quá trình đấu tranh, nên tránh kỳ vọng vào sự nổi lên của một cá nhân bất kỳ và coi đó là một lãnh tụ. Điều này, nó khiến cho phong trào đấu tranh phụ thuộc vào “cá nhân - lãnh tụ”, vô hình chung, phong trào được dẫn dắt bởi một người, khiến phong trào dễ lụi tắt nếu như nhà cầm quyền bắt giữ - giết hại “lãnh tụ”, vừa khiến cho thành quả đấu tranh rơi vào tay một cá nhân, làm xuất hiện độc tài phong trào - cầm quyền, rơi vào tình trạng “kẻ độc tài giải phóng chính mình, nhưng lại nô dịch hóa nhân dân.”

Tóm lại, quá trình đấu tranh dân chủ, tự do còn là một quá trình dài, đầy gian khổ lẫn mất mát. Từ đây đến thời điểm mà Đảng Cộng sản phải trao quyền lại cho nhân dân thì chúng ta cần phải tiếp tục đấu tranh và học hỏi kinh nghiệm đấu tranh ở các nước, nhưng phải xác định phù hợp với lại hoàn cảnh và bản chất chế độ ở Việt Nam. Việc thành lập các Đảng phái phải được xem là kết quả của quá trình đấu tranh, chứ không phải là sự khởi đầu của đấu tranh, nhất là khi ở Việt Nam thời điểm hiện tại phong trào dân chủ tuy có xuất hiện nhiều cá nhân, nhóm... nhưng nó còn yếu và thiếu, tình trạng nghi kỵ lẫn nhau tồn tại, chưa có sự liên kết giữa yếu tố trong nước và nước ngoài. Nhất là các điều Cần có để duy trì sự tồn tại của mình lẫn đặt nền tảng cho sự phát triển như quan điểm tôi nêu trên.

Và phải chăng, những nhà đấu tranh tự do, dân chủ hiện nay (người trẻ tuổi, trung niên, người cao tuổi) phải đọc lại quá trình đấu tranh và hình thành và sự giành thắng lợi của ĐCS Việt Nam từ trước khi các tổ chức Cộng sản đầu tiên có mặt tại Việt Nam, đến khi hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, các giai đoạn đấu tranh từ 1930-1931; 1936-1939; 1939-1945 để thấy rằng sự ra đời của 1 Đảng phái là một quá trình đấu tranh trước đó, chuẩn bị đầy đủ điều kiện CẦN và CÓ chứ không phải là thông qua một lời “tuyên bố, khởi xướng” nhất thời?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo