Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực - Dân Làm Báo

Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực

Kì 3: Khu đất vàng 160ha đất tái định cư bị đánh tráo?

Người Cao Tuổi - Nội dung của quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Trong 930ha của dự án, có 160ha dành riêng để xây dựng nhà tái định cư cho nhân dân trong vùng bị quy hoạch. Tại Điều 2 quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch khu Đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) bao gồm: Hướng dẫn việc thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt; ban hành điều lệ quản lí xây dựng khu ĐTMTT.

Khi chưa ban hành điều lệ quản lí xây dựng thì Ban Quản lí Dự án Khu ĐTMTT, UBND quận 2 đã ào ạt giải tỏa nhà dân như những cơn lốc ập xuống khu đất vàng này. Sau 17 năm kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu ĐTMTT đến ngay vẫn chưa có bất cứ văn bản nào của Chính phủ hay của UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt tách 160ha đất dành riêng xây dựng khu tái định cư ra xa khu trung tâm khu ĐTMTT. 

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ diện tích 160ha đất tái định cư cho dân giáp ranh khu quy hoạch và nằm trong phân khu thứ 7 trong 7 phân khu chức năng của khu ĐTMTT. Nghị quyết số 21/2002/NQ-HĐND ngày 29/6/2002 của HĐND thành phố Hồ Chí Minh cũng nhất trí với chủ trương đầu tư xây dựng khu ĐTMTT với diện tích 930ha, trong đó khu trung tâm là 770ha và 160ha khu tái định cư. Cơ sở pháp lí là vậy, nhưng 160ha đất tái định cư đã biến mất? Vì khu đất 160ha này là quyền lợi của hàng chục nghìn dân đã sinh sống ổn định lâu đời tại khu vực mà Chính phủ giao cho UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng khu tái định cư cho người dân trong vùng dự án được hưởng lợi khi nhà và đất của họ giao cho chính quyền thành phố giải tỏa trắng để thực hiện dự án. Vậy mà họ không được hưởng ưu đãi mà còn bị cưỡng chế, đập phá nhà và phải di dời chỗ ở ra những vùng đất hoang hóa thuộc vùng sâu, vùng xa của quận 2. Có những khu tái định cư, UBND quận 2 xây “ưu đãi” cho người dân giáp ranh tỉnh Đồng Nai, hộ dân nào leo lên lầu ở thì phải cách chỗ ở cũ tới 15km và mất hết nghề nghiệp, việc làm, nguồn thu nhập ổn định. Cay đắng hơn là mất 16 triệu đồng/m2 tiền Nhà nước hỗ trợ mà còn phải kí nhận khoản nợ về số tiền chênh lệch giá bán chung cư quá cao so với giá đền bù. 

Người dân bị bưng bít thông tin? 

Nghị quyết số 18/NQ-TU của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đặc biệt vấn đề tái định cư đối với từng dự án được xem như một yêu cầu bắt buộc khi xây dựng dự án đầu tư cũng như khi thẩm định để phê duyệt ở các cấp có thẩm quyền… tránh tối đa việc điều chỉnh giải tỏa đối với các khu vực tập trung đông dân cư đã có nhà ở và cuộc sống ổn định… những dự án đầu tư có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân phải đưa ra lấy ý kiến của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân khu vực đó về mục đích, ý nghĩa, kế hoạch, thời gian thực hiện và chính sách đền bù, tái định cư… chính sách đền bù phải bảo đảm tái tạo được nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ cho những người có nhà ở, đất ở hợp pháp, hợp lệ, đang sinh sống ổn định”. Mặc dù đã có 2 quyết định số 18176/KTST-QH ban hành ngày 14/10/1997 và quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16/9/1998 của Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỉ lệ 1/2000 kèm theo 2 bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất tỉ lệ 1/2000. Vậy mà, chính quyền quận 2 không thông báo công khai, phổ biến rộng rãi cho người dân biết. Trong rất nhiều lần tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND thành phố và Đại biểu Quốc hội, người dân yêu cầu chính quyền phải công bố công khai đồ án, đồng thời phải tổ chức đối thoại với nhân dân trong vùng dự án, nhưng tất cả mọi đề nghị của người dân đều rơi vào im lặng! Trả lời báo chí, ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta có chính sách tài chính, nhưng chưa có kế hoạch tổng thể để giải quyết những vấn đề phát sinh.” Qua hơn 4 năm thăm dò ý kiến người dân, ông Lịch khẳng định: Hầu hết người dân Thủ Thiêm đều chưa biết khu ĐTMTT mặt mũi ra sao, nhiều thông tin người dân còn mù tịt. Ngay chính quyền cấp phường gần dân nhất cũng không thể trả lời cho dân rõ ràng hơn để dân có thể biết và giám sát việc chính quyền địa phương thực hiện các chủ trương của Chính phủ về xây dựng khu ĐTMTT. 

Đến năm 2006 (tức sau 10 năm công bố quy hoạch) UBND quận 2 mới tổ chức hội nghị phổ biến quy hoạch 1/5000 và 1/2000 nhưng thành phần chỉ mời riêng các “quan” từ ban điều hành khu phố trở lên, còn Tổ trưởng dân phố và người dân thì không được dự. Trong vòng 10 năm ấy, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã làm gì mà người dân sở tại mù tịt thông tin về khu ĐTMTT và 160ha đất khu tái định cư? Việc làm này là cố ý làm trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trái với nghị quyết của Thành ủy và nghị quyết của HĐND thành phố. Việc Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh gửi công văn số 70/UB-TH ngày 4/1/2002 để “xin” Thủ tướng Chính phủ cho thành phố ra quyết định thu hồi 930ha đất thuộc khu ĐTMTT là không phù hợp với quy định về thẩm quyền và thủ tục. Mặc dù Chính phủ không ban hành quyết định thu hồi đất như đề nghị của UBND thành phố mà chỉ có công văn hỏa tốc số 190/CP-NN với nội dung chỉ đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đúng theo chủ trương, chính sách được quy định trong nội dung quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì đây là một quyết định đúng đắn, được tất cả người dân trong vùng dự án đồng tình ủng hộ. Bởi lẽ, họ sẽ có được chỗ ở mới trong khu tái định cư ngay cạnh khu trung tâm khu ĐTMTT. Nhưng niềm tin ấy của hàng chục nghìn hộ dân đã bị dập tắt trong nỗi mong chờ đầy thất vọng khi khu tái định cư 160ha đã bị đánh tráo. Hai bản đồ quy hoạch chi tiết có giá trị pháp lí của khu ĐTMTT cũng bị chính quyền bưng bít mà UBND thành phố trả lời bằng văn bản cho là “bị thất lạc”. Quy hoạch khu ĐTMTT đã bị xé nát theo ý chí chủ quan của một nhóm quan chức. 160ha đất dành xây dựng tái định cư cho dân đã bị tách ra làm 6 khu tái định cư không liền kề với khu ĐTMTT mà nằm rải rác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa của quận 2. Có khu tái định cư được xây dựng nằm giáp ranh liền kề với tỉnh Đồng Nai chưa có đường giao thông. Đó là chưa kể đến những điều phi lí về giá bán căn hộ chung cư quá cao, nhưng giá bồi thường lại quá rẻ mạt. Bức xúc nhất là tất cả các văn bản do UBND quận 2 và UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành để thực hiện dự án 930ha khu ĐTMTT đều có nội dung “căn cứ và tuân thủ” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng trong quá trình thực hiện thì lại “vô hiệu hóa” quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phải chăng “phép vua thua lệ làng?”. 

Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng 


(Link này đã bị “sâu chúa” gỡ bõ)

Kì 4: Đánh tráo quy hoạch, phá phách nhà dân 

Quyết định số 367/ TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép thu hồi riêng khu trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) là 770ha, trong đó có 133ha mặt nước sông Sài Gòn, còn đất liền thu hồi 637ha. Thế nhưng sau khi có "Bản đồ 02/BB-BQL về ranh dự kiến giao đất trong tương lai của Sở Địa chính - Nhà đất thành phố cung cấp, lẽ ra UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND quận 2 và Ban Quản lí Dự án khu ĐTMTT tiến hành thu hồi 737ha (giảm 33ha so quyết định 367 của Thủ tướng) để thực hiện theo quy hoạch điều chỉnh tỉ lệ 1/2000 tại công văn số 1642/CP-CN ngày 14/11/2003. Vậy mà ông Vũ Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã lấy "ranh dự kiến" làm căn cứ pháp lí ban hành hai quyết định số 6565 và 6566 có nội dung trái pháp luật, coi đây là căn cứ "mở chiến dịch" cho UBND quận 2 cưỡng chế đập phá gần 3.000 căn nhà của dân nằm ngoài ranh quy hoạch được quy định rõ của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi 2 bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000 được Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh phê duyệt và bản đồ quy hoạch chung 1/5000 kèm theo tờ trình số 1861/TT-UB QLĐT ngày 27/5/1996 của UBND thành phố Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 367/TTg thì UBND quận 2 không sử dụng làm căn cứ pháp lí, mà làm theo tính tự phát của một "cơ chế" quyền lực áp đặt. UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hai bản đồ đã bị "thất lạc?". Thật phi lí và quá coi thường cuộc sống và sinh mạng của người dân! Tuy sai phạm lớn chưa được khắc phục thì sai phạm lại tiếp tục phát sinh. Lẽ ra, đối với những hộ dân nằm ngoài ranh quy hoạch, chính quyền muốn thu hồi đất thì phải ban hành quyết định thu hồi đất trên cơ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án. Ngược lại, gần 3.000 ngôi nhà ở của dân nằm ngoài ranh quy hoạch, không liên quan tới quy hoạch mà bị chính quyền quận 2 đập phá không có quyết định thu hồi đất? Đó là hành vi phạm pháp nghiêm trọng về quyền sống, quyền về nhà ở của công dân. Ngày 10/5/2002, ông Vũ Hùng Việt lại kí quyết định số 1997/QĐ-UB về việc thu hồi và giao đất xây dựng khu ĐTMTT, xác định vị trí, ranh giới thu hồi đất không có căn cứ. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh kí quyết định thay thế quyết định của Thủ tướng Chính phủ? 

Ngày 27/12/2005, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định số 6565/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu trung tâm ĐTMTT tỉ lệ 1/5000. Tại Điều 2 quyết định này, ông Vũ Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh tự thăng chức cho mình kí: "Quyết định này thay thế quyết định số 367/TTg ngày 04/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ". Trong tất cả các bộ luật của Việt Nam, không có điều, khoản nào quy định: UBND cấp tỉnh, thành phố có quyền ban hành quyết định thay thế và hủy bỏ quyết định của Thủ tướng Chính phủ? Rõ ràng là một quyết định trái pháp luật. Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã bị quyết định số 6565/QĐ-UBND của ông Vũ Hùng Việt thay thế, hủy bỏ. Vậy mà quyết định số 6566/QĐ-UBND kí sau đó vài giờ trong ngày 27/12/2005 về quy hoạch chi tiết 1/2000 vẫn tiếp tục "căn cứ vào quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ". Trong công văn số 2005/BXD-KTQH Bộ Xây dựng khẳng định: "Quy mô khu trung tâm ĐTMTT là 737ha. Công văn số 1642 của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ: Cho phép UBND thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh quy hoạch chung khu trung tâm theo ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng với diện tích 737ha. Trong tất cả các quyết định của 3 cấp (quận 2, thành phố, Trung ương) không có một cụm từ nào "cắt bỏ khu tái định cư 160ha" ra khỏi khu giáp ranh với khu trung tâm ĐTMTT? Có nghĩa là trong suốt quá trình thực hiện dự án, dù thay đổi hay điều chỉnh quy hoạch 1/5000 hay 1/2000 đều có thể điều chỉnh các khu chức năng khác trong khu trung tâm, còn khu tái định cư 160ha không thay đổi vị trí. Trong nội dung thông báo số 77/TB-VP, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao trách nhiệm cho UBND quận 2 phải giao đủ 770ha đất, nhưng tại quyết định số 6565/QĐ-UBND thì diện tích đất khu trung tâm được điều chỉnh xuống còn 737ha. 33ha đất còn lại biến đi đâu? 737ha đất khu trung tâm, UBND thành phố Hồ Chí Minh chia nhỏ thành hai khu: Khu đô thị phát triển: 657ha và khu đô thị chỉnh trang: 80ha. Thực chất thì 80ha đất chỉnh trang này hoàn toàn không có trong bản đồ quy hoạch được duyệt theo thiết kế của Công ty SASAKI (Mỹ) là đơn vị trúng thầu thiết kế với giá 600.000 USD và cũng không có trong văn bản chỉ đạo, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hay ý kiến của Bộ Xây dựng. Như vậy 80ha đất chỉnh trang đô thị, cá nhân hay tổ chức nào đã bịa đặt ra nó? Trên thực tế 80ha này đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh "cấp phát" cho 64 doanh nghiệp ém sẵn từ 5 năm, 10 năm trước. Các ông chủ này đã phân lô, bán nền kể từ thời điểm sau khi Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 phê duyệt Dự án Khu ĐTMTT cho đến khi có quy hoạch chi tiết Dự án này. Điều này Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã khẳng định tại Hội nghị thẩm định quy hoạch chi tiết khu trung tâm ĐTMTT tại Hà Nội ngày 10/11/2004. 

Đưa vào rồi lại rút ra, các đại gia đua xây biệt thự 

Trong cùng một ngày (27/12/2005), UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành 2 quyết định số 6565 và 6566 có nội dung đối chọi, chồng chéo nhau. Quyết định số 6565 thì "lạm quyền" hủy bỏ và thay thế quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 6566 thì sử dụng quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ pháp lí để phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm tỉ lệ 1/2000. Quyết định số 6565 đưa 80ha đất chỉnh trang đô thị vào nhằm "che lấp, uốn nắn những sai phạm trước đó" để phù hợp với thẩm định của Bộ Xây dựng về quy mô khu trung tâm 737ha trên giấy tờ. Còn quyết định số 6566 lại rút 80ha đất chỉnh trang ra ngoài và chỉ phê duyệt 657ha đất của khu trung tâm. Việc đưa 80ha vào rồi lại rút ra là cố ý làm trái Điều 13 của Luật Xây dựng. Nếu đưa 80ha đất chỉnh trang vào thì thành phố sẽ không còn đất để thu hồi theo đúng chủ trương của Chính phủ. Bởi đất đã "lỡ ưu ái cấp phát" cho các "đại gia" phân lô, bán nền trước đó rồi. Trò đưa vào rồi lại rút ra 80ha là "ma thuật" hợp thức hóa số liệu 770ha mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhằm khỏa lấp những sai phạm. Cũng vì những hình thức xảo biện này mà 160ha đất dành riêng xây dựng khu tái định cư cho hàng nghìn hộ dân cũng bị "đánh tráo" khỏi vị trí giáp ranh khu trung tâm ĐTMTT. Thay vào đó là các khu đất rời rạc, manh mún xây chung cư cho dân ở các vùng sâu, vùng xa. Nhiều cán bộ lão thành bức xúc: "Việc đưa vào rồi lại rút ra quá nhiều lần gây tốn kém, tranh cãi, còn ở đây, sau nhiều lần đưa vào, rút ra thì lại mọc lên quá nhiều biệt thự của các đại gia và quan chức". 

Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo