Cửa sổ mở - Dân Làm Báo

Cửa sổ mở

Ana Blandiana - Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Vào thời ấy, khi một họa sĩ bị bắt anh được phép mang bộ cọ và sơn vào tù. Vì thế khi anh bước vào xà lim tối đen trong tháp ngục, ý nghĩ đầu tiên của nhân vật trong truyện này là vẽ cho mình một cửa sổ mở trên một bức tường bên ngoài. Họa sĩ bắt đầu làm việc và đã thực sự vẽ một cửa sổ mở qua đấy ta có thể nhìn thấy bầu trời xanh lóa mắt. Xà lim nhờ thế trở nên sáng hơn nhiều.

Sáng đến, khi mang mẩu bánh mỳ và chút nước cho họa sĩ, cai tù phải nhắm mắt lại, ánh sáng tràn vào qua cửa sổ họa sĩ đã vẽ khiến hắn phải lóa mắt. 

"Chuyện gì ở đây thế?" hắn hét to rồi vội vàng đến đóng cửa sổ, chỉ va đầu vào bức tường. 

"Tôi đã mở cửa sổ," họa sĩ bình thản đáp. "Trong này tối quá." 

"Ha, ha, ha," cai ngục cười vang, nhưng cảm thấy xấu hổ vì mình bị lừa, liền lặp lại lời họa sĩ với vẻ châm chọc: "Mày đã mở cửa sổ? Mày đã vẽ cửa sổ, đồ cặn bả! Chẳng phải cửa sổ thực sự. Mày chỉ giỏi tưởng tượng đấy là cửa sổ." 

Họa sĩ bình thản trả lời, "Tôi chỉ muốn tạo ra ánh sáng trong xà lim, và tôi đã làm được. Qua cửa sổ ta có thể nhìn thấy bầu trời. Khi ông bước vào, chính ông cũng phải nhắm mắt lại vì ánh sáng đấy thôi." 

Đến đây cai ngục nổi giận: "Tao chả tin được mày. Tháp ngục này không có đến một cửa sổ. Ai bước vào đây rồi sẽ chẳng bao giờ thấy lại ánh nắng ban ngày." 

"Nhưng, trong xà lim tôi, ánh nắng chiếu vào qua cửa sổ." họa sĩ nói. 

"À, mày tưởng thế sao," cai ngục đáp một cách châm chọc. "Vậy tại sao mày không thử vượt ngục? Có thế mày mới thuyết phục được tao rằng tao với mày đang nói về một cửa sổ thật." 

Họa sĩ trầm tư nhìn cai ngục, bước vài bước đến bức tường, và lao mình qua cửa sổ. 

"Chờ đấy!" cai ngục thất kinh nhảy đến để cản họa sĩ, chỉ lại va đầu lần nữa vào bức tường. "Báo động! Tù nhân vượt ngục!" hắn bắt đầu la to, trong khi đó qua cửa sổ ta có thể nghe tiếng thân hình của họa sĩ rơi nhanh rồi đập mạnh xuống vỉa hè dưới chân tháp ngục. 



Ana Blandiana là nhà thơ người Rumania nổi tiếng với các bài thơ phản kháng chế độ cộng sản toàn trị trước đây ở Rumania. 

Nguồn: Tạp chí Review Of Contemporary Fiction, số mùa Xuân 2010. Bản dịch tiếng Anh của Jean Harris.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo