Hoàng Sa - Trường Sa có còn của Việt Nam? - Dân Làm Báo

Hoàng Sa - Trường Sa có còn của Việt Nam?

Phạm Trần (Danlambao) - Ngày 19/01/2014 đánh dấu 40 năm Trung Cộng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và đến ngày 14/03/2014 lính Trung Cộng vẫn tiếp tục chiếm giữ 8 đảo đá ngầm ở Trường Sa trong 26 năm nhưng Nhà nước và Quân đội Cộng sản Việt Nam chưa có bất cứ hành động nào để đòi lại, ngay cả việc kiện Trung Cộng ra trước Tòa án Quốc tế cũng không dám làm thì chủ quyền lãnh thổ có còn không?

Tìm câu trả lời không khó. Sau đây là những bằng chứng Nhà nước CSVN đã thuần phục Trung Cộng theo phương châm 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”:

- Thứ nhất, Nhà nước cấm dân không được tổ chức tưởng niệm các chiến sỹ và đồng bào đã bỏ mình trong 2 trận chiến chống quân Trung Cộng xâm lăng và giết hại trên 40,000 quân và dân trong cuộc chiến tranh biên giới thứ nhất từ 17-02 đến 18-03-1979 và cuộc chiến thứ 2 từ 1984 đến 1986 ở Vị Xuyên (Hà Tuyên), nay là Tỉnh Hà Giang.

Nhưng tại sao học trò Việt Nam không được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học về cuộc chiến này?

Trong sách giáo khoa môn Sử lớp 12, họ chỉ viết 10 dòng về cuộc chiến đẫm máu năm 1979 mà không nói gì đến cuộc chiến thứ hai ở Vị Xuyên.

Cuốn sách có đến 11 tác giả, đứng đầu bởi ông Phan Ngọc Liên, Tổng Chủ biên chỉ ghi lại có vỏn vẹn như sau: 

“Bảo vệ biên giới phía Bắc: Hành động thù nghịch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như: cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng lên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn sáng 17- 2- 1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tiến quân dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).

Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18- 3- 1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta.” (Trang 207, Lịch sử 12, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, tháng 01 năm 2012)

Thương vong nhân mạng và thiệt hại vật chất của phía Việt Nam trong cuộc chiến này như thế nào? Tại sao giấu đi, với mục đích gì?

Và tại sao lại không nói gì đến cuộc chiến đẫm máu từ 1984 đến 1990 buộc quân Việt Nam phải rút khỏi tại cao điểm 1.502 (Núi Đất hay Lão Sơn) ở huyện Vị Xuyên (Tỉnh Hà Giang).

- Thứ hai, Việt Nam đã bị ép nhượng đất cho Trung Cộng như thế nào trong các cuộc đàm phán phân định ranh giới lãnh thổ hai nước.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ của CSVN tại Bắc Kinh từ 1974 đến 1989 nói: “Đánh ta năm 1979 một mặt gạt bỏ sự hàm ơn của ta đối với những giúp đỡ trước đây của nhân dân Trung Quốc, mặt khác tự phơi bày ý đồ vụ lợi trong sự viện trợ cho ta. Khi không đạt được thì trở mặt... Năm 1984, Trung Quốc huy động một Trung đoàn với hỏa lực mạnh liên tục tấn công bắn giết phân đội quân ta đóng giữ cao điểm 1.502 (Núi Đất hay Lão Sơn) ở huyện Vị Xuyên, cuối cùng chiếm lấy cao điểm ấy làm điểm quan sát từ xa, nhòm vào nội địa ta. Ở biên giới phía Bắc nước ta từ trước đến nay, dân hai bên đã có những việc xâm canh, xâm cư, dân ta cũng có một số điểm xâm canh sang đất Trung Quốc, diện tích không đáng kể, dân Trung Quốc xâm canh, xâm cư sang nước ta tại rất nhiều điểm, tổng diện tích khá lớn. Trong đàm phán phân định biên giới, Trung Quốc luôn nêu lên “phân định theo hiện trạng”, tranh luận qua lại, Trung Quốc luôn nêu “nhân nhượng lẫn nhau vì đại cục (?), cuối cùng Trung Quốc vẫn ăn hơn thì mới chịu. Thác Bản Giốc vốn của ta nay họ chiếm đứt được một nửa. Xưa Nguyễn Trãi tiễn cha đến tận ải Nam Quan, trước nay ta vẫn nói đất nước ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, sau đàm phán, biên giới nước ta tụt lùi xuống mãi đến chợ Tân Thanh, đối diện đã là trụ sở hải quan của Trung Quốc...” (17- 03- 2010, Bauxite Viet Nam).

Như vậy rõ ràng Việt Nam đã mất một phần đất “không nhỏ” về tay Trung Cộng, rõ rệt là phần đẹp nhất của Thác Bản Giốc.

Thứ ba, đảng CSVN đã âm thầm chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp của quân đội Trung Cộng trên 8 đảo đá ngầm họ chiếm của Việt Nam trong trận chiến ở quần đảo Trường Sa ngày 14/03/1988, quan trọng nhất là các bãi Colin, Len Đao và Gạc Ma. Có 64 binh sỹ Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống quân xâm lược này.

Nhà nước Việt Nam đã không có bất cứ hành động nào chiếm lại mà còn để cho Trung Cộng tự do đưa tầu võ trang của Hải Quân đến kiểm soát an ninh trong khu vực. Các tầu Hải giám và Kiểm ngư của Trung Cộng còn tự do bảo vệ hàng trăm tầu đánh cá của ngư dân Trung Cộng đền đánh bắt tự do trên vùng biển Trường Sa. Trung Cộng còn thiết lập các khu vực nuôi cá ở Trường Sa mà Việt Nam không dám phản đối hay phá bỏ. 

Trung Cộng còn ngang ngược đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông mỗi năm khoảng 3 tháng, bắt đầu từ tháng Năm. Năm 2013, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm đánh bắt từ ngày 16/5 đến 01/8/2013 gây thiệt hại cho ngư dân Việt Nam và công khai vi phạm vào vùng biển của Việt Nam.

Wu Zhuang, Giám đốc Cục Thủy sản Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã của Trung Cộng rằng: “Việc thúc đẩy tuần tra ngư nghiệp thường xuyên xung quanh quần đảo Trường Sa là ưu tiên hàng đầu trong việc thực thi luật ngư nghiệp.”

Việt Nam, như thường lệ chỉ biết “phản đối bằng nước bọt” cho có lệ.

Các anh hùng Hoàng Sa là ai?


Thứ bốn, vì sợ mất lòng Trung Cộng, Nhà nước CSVN không dám nhìn nhận và ghi ơn 74 Quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa từ ngày 17/01 đến 19/01/1974.

Trung Cộng đã từ chối không nói chuyện về Quần đảo Hoàng Sa với Việt Nam mà lãnh đạo Việt Nam không dám phản đối để tiếp tục theo đuổi phương châm “vừa là đồng chí vừa là anh em” với Trung Cộng.

Ngay đối với 64 chiến sỹ Quân đội Nhân dân hy sinh ở Trường Sa, nhà nước không dám tổ chức lễ tưởng niệm trong phạm vi lớn cả nước mà chỉ để cho Hải Quân tổ chức hạn chế và không dám nói thẳng lính và tầu chiến của Trung Cộng đã tấn công chiếm đảo của Việt Nam.

Mãi đến ngày 31/12/2013, Hải quân Việt Nam mới dám nói đích danh Trung Cộng đã đem quân chiếm một số bãi đá ngầm của quần đảo Trường Sa.

Báo Tuổi trẻ Online tường thuật: “Tàu Hải quân Việt Nam khi qua khu vực các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam luôn tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện 14.3.1988 - chống Trung Quốc xâm chiếm quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam..

... Trong diễn văn của mình, thượng tá Ngô Duy Đỗ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Trường Sa, Trưởng đoàn công tác, nhấn mạnh: “Ở vùng biển này, cách đây gần 26 năm đã diễn ra trận chiến đấu quyết liệt, quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146- Trường Sa anh hùng, của các tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505, Trung đoàn công binh 83 chống lại cuộc tấn công trắng trợn, bất ngờ của Hải quân Trung Quốc… Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta trên biển Đông nhưng đối phương đã đưa lực lượng lớn xuống quần đảo Trường Sa, ngang nhiên dùng vũ lực chiếm giữ trái phép một số bãi đá ngầm của ta, gây nên sự kiện 14.3.1988, làm cho tình hình càng thêm căng thẳng, phức tạp”.

Ai cũng biết tình hình phức tạp và có nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở Biển Đông là do Trung Cộng gây ra nhưng phía đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam thì vẫn cổ võ việc dùng “biện pháp hòa bình” để giải quyết xung đột.

Câu sáo ngữ này, từ 40 năm qua đối với Hoàng Sa và 26 năm đối với Trường Sa chỉ như “đàn gẩy tai trâu” vì Trung Cộng đã tăng cường binh lính và tầu chiến để thi hành “chiến lược biển” của Chủ tịch nước Tập Cận Bình ở Biển Đông. Trung Cộng cũng “chủ quyền hóa” vùng biển “đường Lưỡi Bò” chiếm 85% diện tích Biển Đông bằng cách tổ chức chính quyền cơ sở ở Tam Sa (Hoàng Sa (của Việt Nam), Trung Sa (gồm bãi Macclesfieldbãi cạn Scarborough cùng vùng biển xung quanh tranh chấp giữa Trung Cộng và Phi Luật Tân) và Trường Sa (của Việt Nam).

“Thiện chí hòa bình” của nhà nước Việt Nam đối với tranh chấp biển đảo với Trung Cộng, chỉ phản ảnh tính “nhu nhược” của một nhà nước có chủ quyền bởi vì Việt Nam có thể kiện Trung Cộng ra trước Tòa án Quốc tế như Phi Luật Tân đã làm ngày 22/01/2013 theo Luật Biển năm 1982.

Nhưng việc Việt Nam không dám kiện Trung Cộng như Phi Luật Tân là một bằng chứng khác chứng minh Lãnh đạo Việt Nam rất sợ hãi Bắc Kinh như đã chứng minh trong thỏa hiệp “hợp tác cùng phát triển” ở Biển Đông sau chuyến thăm Hà Nội 2 ngày (13- 15/10/2013) của Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường (Li Keqiang).

Tuyên bố chung Hà Nội đã đem thắng lợi cho Trung Cộng vì thực tế đã xác nhận chính sách nhất quán từ xưa đến nay của Trung Cộng vẫn là làm theo chỉ đạo của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) đưa ra từ năm 1979, đó là: “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác”

Lập trường này, một lần nữa đã được Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình lập lại với Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Cộng trong phiên họp ngày 30/7/2013 tại Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình lưu ý các Ủy viên Bộ Chính trị rằng “Trung Quốc phải kiên trì phương châm "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác" để thúc đẩy các hoạt động hợp tác hữu nghị cùng có lợi (trên các vùng biển tranh chấp, tức Biển Đông và Biển Hoa Đông).” (Theo Báo Giáo dục Việt Nam, 01/08/2013)

Thứ Năm, Nhà nước Cộng sản Việt Nam tìm mọi cách ngăn chận không cho người dân biểu tình phản đối Trung Cộng đàn áp, bắn giết ngư dân Việt Nam trên Biển Đông; xâm chiếm biển đảo của Việt Nam và còn lùng bắt những ai viết bài chống Trung Cộng là những việc làm phản tuyên truyền và chỉ có lợi cho Bắc Kinh.

Nếu đảng và chính phủ Việt Nam tin rằng chống Trung Cộng chỉ là cái cớ để người dân và các “thế lực thù địch” lợi dụng chống đảng và chống nhà nước nhằm gây mất ổn định để lật đổ chính quyền, xóa đảng thì việc đảng bị nhân dân xa lánh là điều tất yếu.

Tư duy xuyên tạc và chụp mũ này của đội ngũ những người làm công tác tư tưởng và bảo vệ an ninh cho đảng đã chia rẽ thay vì đoàn kết và gây thêm hận thù thay vì hòa giải với nhân dân là một sai lầm chính trị chỉ làm lợi cho kẻ thù.

Đảng CSVN hãy trả lời


Vì vậy, lãnh đạo đảng và nhà nước hãy can đảm trả lời cho dân biết:

- Tại sao đảng không dám suy tôn 74 anh hùng liệt sỹ Việt Nam Cộng Hòa đã đổ máu hy sinh bảo vệ lãnh thổ của Tổ Quốc tại Hoàng Sa tháng 01/1974?

- Phải chăng đảng và nhà nước, sau 38 năm thống nhất đất nước, vẫn còn hận thù 74 liệt sỹ Việt Nam Cộng hòa để gia đình họ bị vô ơn, bạc nghĩa chỉ vì 40 năm trước đây họ không phải là lính Cộng sản?

Cuộc sống cô quạnh, thiếu thốn không có chỗ ở của Bà Huỳnh Thị Sinh, góa phụ Trung tá VNCH Ngụy Văn Thà, chỉ huy Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ- 10 đã hy sinh tại Hoàng Sa là một bằng chứng của sự vô ơn này.

- Tại sao hàng năm Nhà nước không dám tổ chức lớn các buổi tưởng nhớ đến công lao của 64 liệt sỹ Quân đội Nhân dân bỏ mình tại Trường Sa tháng 03/1988?

- Tại sao Nhà nước lại cấm dân không được tổ chức truy điệu đồng bào và chiến sỹ đã hy sinh trong 2 cuộc chiến biên giới chống Trung Cộng xâm lăng từ 1979 đến 1990?

- Tại sao dân biểu tình chống các hành động chiếm đóng lãnh thổ Việt Nam của Trung Cộng lại bị công an đàn áp dã man?

- Tại sao, cho đến năm 2013, lịch sử “bây giờ” về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn chưa được viết vào sách giáo khoa để dậy cho học sinh và sinh viên?

- Tại sao lại có những sách dậy trẻ mầm non xuất bản có cờ Trung Cộng và có hình Việt Nam với hình “lưỡi bò” ở Biển Đông mà lại không có, hoặc có nhưng rất nhỏ về 2 Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

- Tại sao nhiều khu đất “bờ xôi ruộng mật”, nhiều vùng đất chiến lược quốc phòng và nhiều vùng biển “hái ra bạc khạc ra tiền” đã “rơi” vào tay người Hoa?

- Tại sao lại có nhiều Phố Tầu và Làng Tầu được phép mọc lên giữa làng xóm hiền hòa Việt Nam?

- Tại sao các Công trường, Nhà máy do người Hoa làm chủ lại là những “mật khu” bất khả xâm phạm đối với người Việt Nam ngay trên lãnh thổ của tổ tiên mình?

- Tại sao hàng triệu người Việt không có công ăn việc làm mà nhiều chục ngàn người Hoa lại được thong dong đưa vào Việt Nam lấy mất công việc của công nhân bản xứ?

- Tại sao Nhà nước có dư Công an và Côn đồ đi bảo vệ các Nhóm lợi ích và Chủ đầu tư để đàn áp dân chống cưỡng chế đất đai hay đi khiếu kiện đòi công bằng thì lại thiếu lực lượng an ninh đi lùng bắt số người Hoa cự ngụ bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, và để cho Thương lái người Hoa tiếp tay phá hoại nền Nông nghiệp của Việt Nam?

- Và sau cùng, tại sao Việt Nam lại để cho Trung Cộng “ăn sâu, bám rễ” vào dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên để bây giờ thua lỗ đã trông thấy trước mắt mà tương lai vẫn còn mù mịt tăm hơi?

Tất cả những thắc mắc này đều có liên quan đến chủ quyền và quyền tự hào dân tộc. Chúng cũng chứa tiền lẫn mồ hôi, nước mắt của người dân mà Đảng và Nhà nước có hay?

Trước những nỗi đau ấy của dân thì ai là người có bản lĩnh trong Lãnh đạo Việt Nam có thể cho dân biết đến bao giờ mới có ngày trở về với Tổ quốc của Hoàng Sa và những phần đảo Trường Sa bị Trung Cộng chiếm đóng, hay sẽ chẳng bao giờ?

(01/014)


__________________________________

Chú thích:

Ngày 22/01/2013, Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong đơn khởi kiện Philippines nêu 13 yêu sách cụ thể, trong đó nội dung quan trọng nhất là Philippines yêu cầu Tòa ra phán quyết yêu sách “đường lưỡi bò” vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không có giá trị. Trung Quốc tìm mọi cách phản đối, ngăn cản vụ kiện; chĩa mũi nhọn công kích Philippines cả trên mặt trận ngoại giao lẫn trong tuyên truyền và trên thực địa, hòng gây sức ép buộc Philippines phải từ bỏ vụ kiện. Mặc dù vậy, Philippines vẫn kiên trì theo đuổi vụ kiện và tiến trình của Tòa Trọng tài vẫn diễn ra theo đúng các trình tự được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Tòa Trọng tài đã được thành lập với 5 Trọng tài viên do ông Ghana là chủ tịch Tòa Trọng tài. Tòa Trọng tài cũng đã tiến hành cuộc họp đầu tiên thông qua Quy tắc tố tụng của Tòa và ấn định thời gian biểu cho Philippines nộp bản Biện hộ. Nhiều nước như Ấn Độ, Nhật, EU, Mỹ… đã lên tiếng công khai ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp Biển Đông tại các cơ quan tài phán quốc tế, bao gồm Tòa Trọng tài, ủng hộ vụ kiện của Philippines; phản đối việc Trung Quốc gây sức ép đối với Philippines trên vấn đề vụ kiện. Nhiều học giả, luật sư, nhà nghiên cứu cũng đã lên tiếng ủng hộ cho việc giải quyết tranh chấp thông qua Tòa Trọng tài. Vụ kiện đã mở ra một cục diện mới cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng pháp lý. Các nước liên quan cần có sự hỗ trợ tích cực cho vụ kiện của Philippines thành công và không thể đứng ngoài.

Trong năm 2013, Malaysia tỏ ra kiên quyết hơn trên vấn đề Biển Đông; không chấp nhận yêu sách “đường lưỡi bò” và không chấp nhận “cùng khai thác” trên thềm lục địa của Malaysia; tăng cường đầu tư vào lĩnh vực an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực của hải quân; nâng cấp và mở rộng căn cứ quân sự tại Bintulu Sarawak, nằm gần bãi ngầm Tăng Mẫu; chủ động đề nghị tiến hành cuộc gặp 4 nước ASEAN liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông (Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei) để thống nhất lập trường trên vấn để Biển Đông.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo