Truyền thông độc lập tại Việt Nam, những khó khăn trên con đường hoạt động - Dân Làm Báo

Truyền thông độc lập tại Việt Nam, những khó khăn trên con đường hoạt động

CTV Danlambao - Việt Nam có hơn 700 tờ báo hình, báo tiếng, báo mạng... tất cả đều chịu sự kiểm soát của đảng cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2010 tờ báo độc lập Truyền thông Chúa Cứu Thế (VRNs) ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng về sự hình thành và phát triển của truyền thông độc lập tại Việt Nam.

CTV Danlambao có cuộc trò chuyện với Linh mục Lê Ngọc Thanh, người chịu trách nhiệm chính trang Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam.

CTV Danlambao: Được biết, trang Truyền thông Chúa Cứu Thế (VRNs) là một trong những tờ báo độc lập đầu tiên hoạt động công khai tại Việt Nam để lên tiếng bảo vệ quyền tự do ngôn luận, chiếu theo điều 19, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Xin Linh mục cho biết những khó khăn mà trang Chuacuuthe.com đã gặp phải kể từ ngày thành lập từ phía nhà cầm quyền Việt Nam như việc bị đánh Ddos hay gây khó khăn cho cộng tác viên…?

Lm. Lê Ngọc Thanh: Trước đây chúng tôi sợ mọi sự: Sợ đưa tin về xã hội nhiều quá, người đọc Công giáo sẽ cho rằng Dòng Chúa Cứu Thế làm chính trị. Sợ đăng bài và phỏng vấn các nhà dân chủ, các nhà hoạt động nhân quyền và dân quyền, hoặc đăng bài bình luận của các chính trị gia thuộc các đảng phái khác nhau thì bị bắt kết vào điều 88 hay 79 hay 258 của Bộ luật hình sự. Sợ hackers được nhà nước lấy tiền thuế của dân thuê đến tấn công... và nhiều cái sợ khác.

Tuy nhiên, năm 2013, nếu anh theo dõi trên hệ thống truyền thông của VRNs tại www.chuacuuthe.com, www.ducme.tv và Radio Anphong thì sẽ thấy, chúng tôi đã không bỏ bất cứ nội dung nào, mà chúng tôi có thể trực tiếp tiếp cận và sản xuất cũng như các cộng tác viên thân tín trực tiếp làm.

Điều giúp chúng tôi vượt qua các sợ hãi đó là kinh nghiệm được Chúa Yêsu cứu. Ngài cứu chúng tôi từ đời sống cụ thể (offline) đến hoạt động trực tuyến (online). Chắc anh nhớ, năm 2008, Nhà Dòng chúng tôi tại Hà Nội phải đối phó với bạo lực của nhà cầm quyền. Khi họ bắt đầu làm đổ máu giáo dân và đánh tu sĩ, chúng tôi đã bảo nhau, thôi, bỏ đi, kệ họ, đừng làm gì nữa. Chúng tôi thật sự bỏ cuộc đi tìm công lý cho mình. Nhưng chỉ sau một ngày, dân chúng khắp nơi ở Miền Bắc kéo đến với nhà thờ DCCT Thái Hà. Họ bảo tại linh địa Đức Bà, Đức Mẹ Maria đã hiển linh với họ, và họ xin chúng tôi cùng với họ ra đó cầu nguyện. Anh thấy không, chúng tôi bỏ cuộc, nhưng Thiên Chúa không muốn, Người đã dùng Đức Mẹ và dân chúng kéo chúng tôi trở lại với sứ vụ đi tìm công lý và công bằng. Từ lúc đó thì không chỉ còn là tìm cho chúng tôi, mà chuyển hẳn sang tìm cho dân. Dân và chúng tôi ý thức, nếu họ thực thi công bằng cho Thái Hà, thì họ phải công bằng với dân, và lúc đó đất nước sẽ không còn tình trạng cướp ngày nữa. Lúc đó, website do một cha khác trong Nhà Dòng phụ trách đã là kênh thông tin chính cung cấp sự thật, đủ cho cả hệ thống 700 tờ báo và truyền hình truyền thanh các loại phải vận động hết cỡ chống lại, mà vẫn không tự tin, phải dùng đến công an bắt bớ và đe dọa. Sức mạnh của sự thật quả là không có sự gian dối nào đủ sức chiến thắng. Liền ngay sau đó, website bị đánh sập hoàn toàn, nhà cung cấp dịch vụ hosting xin chúng tôi chuyển host ra nước ngoài. Đang lúc bối rối chưa biết làm sao, thì Thiên Chúa gởi các ông Cựu đệ tử DCCT ở Hải Ngoại (những người trước đây đi tu DCCT, nhưng chưa khấn Dòng thì xin về lập gia đinh) giúp lo về hosting và bảo mật. Năm 2010, khi chúng tôi tiếp nhận và quản lý hệ thống truyền thông VRNs, chính một sĩ quan cao cấp công an đã tự hào đánh sập các website lề trái, trong đó, trang chuacuuthe.com và www.dcctvn.net của chúng tôi đã bị hệ thống máy đặt tại đại bản doanh của Tổng công ty viễn thông quân đội Viettel tấn công (http://www.chuacuuthe.com/2010/04/hacker-than-m%E1%BA%BFn/) ngày 26.04.2010. Với luật pháp Việt Nam, chúng tôi không thể kiện họ được và tình trạng này đe dọa chính sự sống còn của truyền thông cùng với an nguy của Nhà Dòng. Đang lúc sợ hãi như thế, Thiên Chúa lại sai những người yêu mến DCCT đến cộng tác với chúng tôi. Trong một thời gian ngắn, VRNs đã làm xong thủ tục để trở thành một hãng truyền thông chính thức được chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ. Và liền sau đó, một số chuyên gia về bảo mật quốc tế đã giúp chúng tôi xây dựng mạng lưới ngăn tấn công Ddos và các loại tấn công khác.

Đến nay, sự tấn công của nhà cầm quyền nhắm vào chúng tôi chưa hết, nhưng nhờ có Chúa, chúng tôi đã quen được lối sống “chung với lũ”, nên nếu có 12 hay 24 tiếng bị tấn công thì chúng tôi cho phép mình nghỉ ngơi một chút để uống ly cà phê với các cộng tác viên và thân hữu hay cùng các nạn nhân của bất công trực tiếp đi đòi công lý cho họ và cũng là cho chính mình.

Hiện nay cá nhân chúng tôi và các phóng viên của chúng tôi đi đâu công an cũng theo dõi, thậm chí tôi đi làm lễ lúc 5 giờ sáng họ cũng đi theo. Nhưng bây giờ chuyện đó đối với chúng tôi không còn chút gì lo sợ, vì tất cả là hồng ân của Thiên Chúa ban. Nếu có gì xảy ra với chúng tôi thì là chúng tôi được thêm chứ không mất đi. Do đó chúng tôi bằng mọi giá trung thành với sứ mạng của mình là loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, trong kinh nghiệm được gặp và được chính Đức Yêsu giải cứu, và là tiếng nói (cái loa) của những người không có tiếng nói hoặc bị tước đoạt tiếng nói.

CTV Danlambao: Trong năm 2013, nhà cầm quyền Việt Nam đã rất nhiều luật và nghị định dưới dưới luật hòng hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân như điều 258 bộ luật hình sự, hay nghị định 72, nghị định 174... Truyền thông Chúa Cứu Thế sẽ đối phó với những khó khăn này như thế nào?

Lm. Lê Ngọc Thanh: Ở Việt Nam, tuy hệ thống pháp luật không hoàn hảo, nhưng nếu chúng ta biết dùng thì cũng có thể tự hào mình đã sống đúng luật, ngay khi bị kết án là vi phạm điều luật này pháp lệnh kia.

Anh hãy hình dung, Hiến pháp công nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí... thì công dân có quyền sống và thực hành các quyền đó. Có người bảo rằng nhưng nó có cái đuôi “theo quy định của pháp luật”, nó dùng để hạn chế tự do như luật báo chí, Luật xuất bản và hàng loạt Nghị định quái gở khác. Đúng là điều đó đã xảy ra, nhưng những điều đó là sai Hiến pháp. Hiến pháp quy định “công dân có quyền”. Bộ luật, luật, Pháp lệnh, Nghị quyết “là con là cháu” của Hiến pháp, nên không được quyền hạn chế quyền tự do của công dân đã được Hiến định. Nên nếu luật nào hạn chế quyền công dân, luật đó vi Hiến. Vị đại biểu quốc hội nào ấn nút thông qua các luật vi Hiến đó, tức khắc mất quyền đại biểu quốc hội, vì đã phản bội lại Hiến pháp, do đó tự thân các luật đó không có giá trị. Công dân không được quyền thi hành hay áp dụng những gì vi Hiến.

Chính vì vậy, tại Việt Nam, chúng tôi vẫn làm truyền thông với tư cách công dân, quý vị cầm quyền có bắt, có xử chúng tôi thì chỉ thêm bằng chứng cho các công dân biết một nhà cầm quyền không phải được sinh ra bởi Hiến pháp và tự thân là phi pháp.

Chúng tôi nghĩ họ hiểu điều này, nên để chúng tôi hoạt động, mà chỉ tỏ ra khó chịu, để rồi đi nói xấu chúng tôi với các Đức giám mục, linh mục các nơi. Nhưng họ quên rằng chúng tôi đang là kênh thông tin chính cung cấp các tin tức xã hội và giáo hội cho mọi tầng lớp trong giáo hội từ hệ thống website đến newsletter. Hiện nay họ vẫn dùng tiền thuế của dân để thuê những hacker tấn công chúng tôi. Nhưng có Thiên Chúa và cộng đồng bảo vệ chúng tôi, chúng tôi không khiếp sợ.

Riêng về Nghị định 72, tôi không biết ai đã giúp ông Thủ tướng soạn nghị định này. Đây là nghị định cố tình đưa thủ tướng và Chính phủ của thủ tướng ra làm trò hề. Một nghị định quản lý internet mà đặt vấn đề “ra khỏi biên giới”. Ở không gian internet đâu là biên giới. Ví dụ một website chấm vn (.vn) thì người nước ngoài ở Mỹ, Nigeria, Úc, Đức... có thể vào xem và đọc không? Hoặc một người ở Việt Nam có thể đọc tin tức của các website có đuôi tên miền là chấm com, chấm us (.com; .us...) không? Tôi chỉ đưa ra một điểm rất nhỏ để thấy tầm nhìn quản lý internet theo kiểu chiến khu của Việt Nam trong Nghị định 72.

CTV Danlambao: Với những khó khăn và thách thức như vậy, Cha và những người hoạt động trong lãnh vực truyền thông độc lập sẽ làm gì trong năm 2014. (Như việc gởi bản báo cáo bằng tiếng Anh về những vi phạm về quyền tự do ngôn luận lên các tổ chức nhân quyền quốc tế)?

Lm. Lê Ngọc Thanh: Năm 2014, chúng tôi nghĩ hệ thống truyền thông lề Dân cần phải gia tăng các bản tin Việt Nam bằng tiếng Anh, càng nhiều càng tốt, vì hiện nay đa số các hãng tin quốc tế không có văn phòng và phóng viên tại Việt Nam, nên tin tức về Việt Nam họ có được là nhờ các kênh thông tin chính thức của lề Đảng mà thôi. Muốn cho thế giới biết đầy đủ hơn về Việt Nam thì phải có thật nhiều bản tin lề dân bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng cần phải tiếp tục huấn luyện thêm nhiều người dân biết làm truyền thông, biết đưa tin ngay về những sự kiện xảy ra quanh mình, và mỗi website hay blog lớn hiện nay, cần xây dựng mạng lưới thông tin nhân dân này.

Chúng ta cần giúp cho hơn 30 triệu dân đang sử dụng internet ở Việt Nam quan tâm đến các vấn đề xã hội. Những người này đã bị tiêm nhiễm tuyên truyền quá nặng. Hễ ai nói về các vấn đề xã hội một cách rõ ràng thì họ dễ nghĩ ngay những người đang nói đó là “làm chính trị”. Ở Việt Nam, giới bình dân còn nghĩ “làm chính trị”, tức là phi pháp, nên không làm, không nghe, và không liên quan. Cần giúp người dân hiểu được từ lít xăng xe gắn máy cho đến cái kẹo của em bé đều liên quan đến chính trị. Từ tiền viện phí cho đến bình sữa của trẻ sơ sinh cũng liên quan đến chính trị, nên dù có họ tránh, chính trị vẫn đang ảnh hưởng trên đời sống của họ. Nếu họ tránh chính trị, thì những người đầu cơ chính trị sẽ lũng đoạn chính trị để làm cho đất nước càng ngày càng nợ nần, dân trí càng ngày càng lạc hậu và đặc biệt, tương lai của họ sẽ mù tối. Chính họ phải lãnh trách nhiệm chính trị của mình. Họ phải suy nghĩ về giải pháp làm cho mình, gia đình mình, những người xung quanh mình cùng cộng đồng dân tộc này hạnh phúc. Họ không chịu lãnh trách nhiệm chính trị, cứ để xã hội càng lụn bại, sau này cháu chắt của họ sẽ hỏi khi chúng học lịch sử: “Thời tội tệ của Việt Nam, ông/bà đang ở đâu?”

Một khi thông tin trung thực đến được với đại chúng, họ sẽ biết rõ sự thật, và lúc đó họ sẽ tự biết làm gì cho cuộc đời họ, con cháu họ và dân Việt Nam tốt hơn, mà chẳng cần ai mớm cho họ đâu.

CTV Danlambao: Xin cảm ơn Lm. Lê Ngọc Thanh đã dành thời gian cho Danlambao. Xin kính chúc Truyền thông Chúa Cứu Thế luôn thành công trên con đường đang đi, để góp phần lên tiếng cho những dân Việt Nam bị vi phạm nhân quyền.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo