Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Trong thời gian qua, phong trào đấu tranh dân chủ trong nước có nhiều dấu hiệu tiến triển đáng khích lệ. Ngày càng có nhiều nhân sĩ trí thức gồm có cả những người từng là cộng sản công khai lên tiếng phản đối chế độ độc tài toàn trị. Từ những bản kiến nghị và tuyên bố về sửa đổi hiến pháp của các nhóm 72 trí thức và Công Dân Tự Do và bản góp ý của Hội Đồng Giám Mục Việt nam đến gần đây hơn là Tuyên bố về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị cũng như lời kêu gọi thành lập đảng đối lập của ông Lê Hiếu Đằng cho thấy về mặt tư tưởng, những người Việt yêu nước thật sự đã chính thức phủ nhận chủ thuyết cộng sản đã và đang đưa dân tộc vào chỗ diệt vong.
Nổi bật và đáng mừng nhất là ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mạnh dạn đứng lên đấu tranh trực diện với nhà cầm quyền ví dụ như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Ls Lê Công Định, Huỳnh Thục Vi, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Lê Quốc Quân, Đinh Nhật Uy... biểu hiện một tương lai sáng lạng cho phong trào dân chủ Việt nam. Tuy nhiên về mặt hành động thì vẫn còn có nhiều giới hạn. Mọi nỗ lực manh nha kết hợp thành lập tổ chức của những nhà đấu tranh thì đều bị công an dập tắt từ trong trứng nước. Khó có thể nhìn thấy sẽ có một tổ chức nào có quy củ và tầm vóc trong nước có điều kiện ra đời trong một tương lai gần để đẩy mạnh công cuộc đấu tranh dân chủ hóa Việt nam.
Trong khi đó thì tại hải ngoại, phong trào đấu tranh không có gì tiến triển đặc biệt nếu không muốn nói là đang bị thụt lùi mặc dù so với trong nước thì các đoàn thể có đầy đủ phương tiện về nhân sự và tài chánh. Các tổ chức và đảng phái vẫn sinh hoạt riêng rẽ và rời rạc. Thành viên ngày càng lão hóa với sức khỏe xuống dốc cùng ý chí. Lòng tin của quần chúng vào các tổ chức đấu tranh ngày càng bị xói mòn. Có lẽ mọi người đều đồng ý là không có một cá nhân hoặc đảng phái nào mà phải là một tập thể qui tụ hết tất cả mọi thành phần dân tộc mới có cơ hội đánh bại được cộng sản trong một khoảng thời gian ngắn nhất và ít tổn thương nhất để mang tự do dân chủ đến cho Việt nam. Lịch sử dân tộc đã chứng minh hùng hồn rằng người Việt sẵn sàng gạt bỏ tư thù và đứng chung chiến tuyến mỗi khi chống ngoại xâm giành lại chủ quyền độc lập. Nhưng khi cần phải đoàn kết để xây dựng và bảo vệ đất nước thì lại là một chuyện khác. Các cụm từ “tổ chức”, “lãnh đạo” và “đoàn kết” nghe thật đơn giản về dễ hiểu nhưng sao lại quá khó khăn trong việc thực hiện. Không biết có phải vì hoàn cảnh lịch sử, địa lý và thiên nhiên của một quốc gia nhược tiểu nhiều lần bị các cường quốc lấn chiếm và đô hộ đã tạo ra một tâm lý nạn nhân, tự ti và tự ái quá độ làm cho người Việt khó hòa đồng vào sinh hoạt và kỷ luật tập thể hay không? Cho dù là bất cứ nguyên nhân nào đi nữa thì việc thành lập một tổ chức đại diện cho tất cả mọi đoàn thể và cá nhân yêu chuộng tự do tại hải ngoại là một nhu cầu cấp bách và cần thiết. Vậy chúng ta có thể học hỏi được gì từ người Ba-lan, Lech Walesa và Công đoàn Đoàn kết hồi thập niên 80?
Lịch sử Balan
Balan là một quốc gia ở Đông Âu. Phía Bắc giáp biển Baltic một nhánh của Đại Tây Dương. Phía nam ráp ranh giới với Tiệp khắc. Nhưng hai quốc gia láng giềng có nhiều ảnh hưởng tới lịch sử Ba lan nhất là Đức quốc ở phía Tây và Nga ở hướng Đông. Một trong những đặc điểm địa lý của Ba lan là dòng sông Vistula chảy dài từ Nam chí Bắc ra tới biển Baltic. Phương Nam có những dãy núi hùng vĩ với nhiều mỏ than và khoáng sản.
Ba lan có diện tích khoảng 322,000 km2 và gần 40 triệu dân với 95% theo đạo Công giáo. Biên giới của Ba lan đã có nhiều biến đổi trong lịch sử và có lúc quốc gia Ba lan đã biến mất hẳn trên bản đồ thế giới.
Khoảng 2000 năm trước đây, một số bộ lạc thuộc dân tộc Slavic từ phía tây di dân tới miền đất này. Danh từ “Ba lan” bắt nguồn từ chữ Slavic “polanie” tức là người của đồng ruộng (people of the fields).[1] Tới thể kỷ thứ 10 thì dân số Ba lan lên tới 1 triệu người. Các bộ lạc sinh sống dọc theo dòng sông Vistula quyết định thống nhất lập quốc dưới triệu đại Piast và lịch sử quốc gia Ba lan bắt đầu hình thành. Hoàng đế đầu tiên là MieszkoI và trước sự đe dọa của các hoàng tử Đức quyết định rửa tội theo đạo Công giáo để nhận được sự che chở của Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh La Mã. Không chỉ có vua mà hầu hết tất cả thần dân đều cải đạo biến Ba lan thành một trận tuyến Công giáo kiên cố trước sự lăm le chinh phục của Chính Thống Giáo (Orthodox Church) ở phía Đông và Hồi giáo ở hướng Nam khi Thổ Nhĩ Kỳ còn là một bộ phận của Đế chế Ottoman. Sau một vài thế kỷ thì Đức quốc theo đạo Tin lành và kể từ đó Ba lan nằm giữa gọng kìm của các quốc gia láng giềng không cùng tín ngưỡng. Sự kiện này tạo ra tâm lý bị bao vây và cô lập làm cho người Ba lan càng thêm sùng đạo.
Trong thời gian đầu lập quốc, Ba lan phải đối phó với nhiều xung đột tranh giành quyền lực nội bộ và chiến đấu chống ngoại xâm từ phương Tây với các hoàng tử Đức quốc. Từ phương Đông, Ba lan cũng không tránh khỏi vó ngựa Mông Cổ tiến vào san bằng mọi thành quách. Mãi đến thế kỷ 14 thì Cassimir Đại Đế mới thống nhất được quốc gia và đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi đất nước. Nhà Vua cầu hòa với Đức và chào đón người di dân gốc Do thái. Dưới nền cai trị của ông, bộ luật đầu tiên được ban hành và trường đại học đầu tiên được thành lập tại thành phố Krakow. Đây là một thời kỳ vàng son trong lịch sử Ba lan.
Sau khi Đại Đế Cassimir qua đời, Ba lan sáp nhập với Lithuania và Ba lan-Lithuania trở thành một cường quốc. Nhưng tới thể kỷ 16 thì cuộc “hôn nhân” này bị đe dọa bởi những tranh cãi bất hòa giữa giới quý tộc Ba lan và Lithuania. Để duy trì lưỡng quốc trong một thể chế, giới quý tộc quyết định thành lập một quốc hội (Sejm) mà tất cả thành phần thuộc giới quý tộc đương nhiên trở thành dân biểu quốc hội có quyền biểu quyết để lựa chọn hoàng đế. Trong khi đó ở các quốc gia láng giềng thì các nhà vua vẫn tiếp tục truyền thống thiên mệnh “cha truyền con nối”. Có thể nói, Ba lan là quốc gia đầu tiên áp dụng thể chế dân chủ lập pháp trong lịch sử thế giới. Tất cả mọi quyết định quan trọng đều phải được quốc hội thông qua với tỷ lệ 100%. Chỉ cần một dân biểu phủ quyết là quốc hội bị bế tắc.
Cũng trong khoảng thời gian này, giới quý tộc cổ xúy cho một nền tư tưởng và tư duy tự do và sáng tạo. Văn học, nghệ thuật và khoa học phát triển tột bực. Nhưng cũng chính hình thức dân chủ tuyệt đối này dẫn đế sự sụp đổ của quốc gia. Dân biểu quý tộc mạnh hơn cả nhà vua và cấm không cho vua được thành lập quân đội vì sợ rằng vua sẽ dùng quân đội để tiêu diệt họ. Trong khi đó thì các nước láng giềng đều có những lực lượng quân đội hùng hậu. Chuyện gì đến thì phải đến. Bắt đầu từ thể ký 17 các nước chung quanh gồm có Thụy điển, Nga, Áo-Hung hợp nhau đánh Ba lan và tới thể kỷ 18 thì họ chia nhau xâu xé lãnh thổ đã chiếm được. Tới năm 1795 thì Ba lan chính thức biến mất trên bản đồ Âu châu. Thành phố Warsaw trở thành một phần của Nga xô. Krakow nhập vào Đế quốc Áo-Hung và Gdansk ở phía Bắc thuộc về Đức. Các nước này còn ký hiệp ước giao kết với nhau rằng họ sẽ không bao giờ cho Ba lan có cơ hội được hồi sinh.
Nhưng Ba lan là một dân tộc bất khuất. Dân chúng vẫn tiếp tục sùng đạo và dạy dỗ con cái nói tiếng mẹ đẻ. Nhiều cuộc kháng chiến nổi lên trong những năm 1830, 1848, 1863 và 1905 và đều bị dập tắt đẫm máu. Thế chiến thứ nhất bắt đầu năm 1914 tạo ra nhiều biến động tại Châu Âu. Trong lúc các quốc gia lân cận bận đánh nhau thì Tướng Jozef Pilsudski lãnh đạo kháng chiến giành độc lập. Chiến tranh kết thúc vào năm 1918 và Hòa Ước Versaille chính thức khai sinh lại quốc gia Ba lan. Lần đầu tiên sau 123 năm, Ba lan tái xuất hiện trên bản đồ Âu châu và Pilsudski trở thành quốc trưởng của nền Đệ nhất Cộng Hòa.
Nhưng chỉ sau 20 năm độc lập ngắn ngủi, Ba lan là nạn nhân đầu tiên hứng chịu nhiều trận cuồng phong của Đức Quốc Xã. Trước khi tuyên chiến đánh nhau, Đức và Liên xô đã bí mật ký hiệp ước thỏa thuận xâu xé Ba lan. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Ba lan có tới 6 triệu người bị Hitler giết chết. Phân nửa thuộc gốc Do thái bị tra tấn và thủ tiêu trong trại tù Auschwitz. Từ hướng Đông, có ít nhất 1 triệu người Ba lan bị Nga đày đi Siberia mà hơn phân nửa biệt tích không bao giờ trở lại. Thế chiến thứ hai kết thúc năm 1945. Số phận Ba lan bị các cường quốc định đoạt tại Hội nghị Yalta phải lệ thuộc về khối cộng sản dưới sự chỉ đạo của Liên xô. Một lần nữa, dân tộc Ba lan phải cúi đầu chịu nhục trước kẻ thù truyền kiếp.[2]
Lech Walesa
Giữa lúc chiến tranh đang diễn ra khốc liệt và tàn phá khắp nơi thì vào ngày 29 tháng 9 năm 1943, một cậu bé mang tên Lech Walesa chào đời trong một ngôi làng nhỏ Popowo thuộc khu vực Dobzryn ở phía Bắc. Tổ tiên của Lech Walesa đã đến Dobzryn lập nghiệp từ đầu thế kỷ 19 khi Ba lan bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Tên “Walesa” có nghĩa là “người phiêu bạc”. Từ nhỏ, ông cố và ông nội của Lech đã lưu lạc và sống tại Paris nhiều năm. Cả hai đều thích đánh bài và chỉ trở về quê quán khi đã cháy túi. Ông nội của Lech có hai người con trai tham gia kháng chiến chống Nga với Tướng Pilsudksi. Một trong hai người này bị bắt và bị đày đi biệt tích ở Siberia. Người kia thì chết trận gần Popowo. Boleslaw là bố của Lech lúc đó chỉ mới 12 tuổi. Sau khi ông nội mất, bố của Lech hưởng được một vài mẫu đất. Mẹ của Lech, Feliksa xuất thân từ một gia đình có học thức. Gia đình bên ngoại của Lech không chấp nhận cuộc hôn nhân với Boleslaw vì có cha ông đánh bạc đến mất hết tài sản.
Boleslaw và Feliksa có chung 4 đứa con. Chị cả của Lech là Izabela sinh năm 1934. Kế tiếp là Edward năm 1937 và Stanislaw năm 1939 khi chiến tranh bùng nổ. Boleslaw có một người em trai cũng mang tên Stanislaw. Như tất cả những gia đình khác, cả hai phải tòng quân chống ngoại xâm và bị quân Đức bắt nhưng được thả về làng. Không bao lâu thì người em của Boleslaw bị bắt làm lao công xây cầu và đào cống cho lính Đức. Vào năm 1943, Stanislaw chạy trốn vào rừng và lính Đức tới bắt Boleslaw trong lúc Feliksa đang mang thai. Lech Walesa ra đời trong lúc bố bị bắt đi làm lao công cho quân đội Đức. Điều kiện làm việc thật là tệ hại. Boleslaw bệnh nặng nhưng không có thuốc men. Chỗ ngủ không có lò sưởi trong mùa đông khắc nghiệt. Boleslaw bị viêm phổi và được thả về Popowo sau khi chiến tranh kết thúc năm 1945. Lần đầu tiên Boleslaw gặp mặt con thì Lech đã 18 tháng. Biết mình không còn sống được bao lâu, Boleslawrán chờ tới khi Stanislaw trở về làng và trong lúc nằm trên giường chờ chết, Boleslaw bắt Stanislaw hứa nhận trách nhiệm chăm sóc cho Feliksa và 4 đứa con thơ rồi tắt thở.[3]
Một năm sau, Stanislaw giữ đúng lời hứa và kết hôn với Feliksa. Trong thời gian đầu, Lech và 3 anh chị không chấp nhận Stanislaw vừa là chú và cha ghẻ của mình. Lech cũng cảm thấy mẹ mình không mấy hạnh phúc với cuộc hôn nhân chấp nối này nhưng Stanislaw đã làm tròn bổn phận xây cất một căn nhà đá, nhận lãnh nhiều công việc cực nhọc và cố gắng đối xử công bằng với tất cả 7 đứa con chung và riêng.
Lech lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn. Stanislaw phải nhận làm nhiều công việc và trồng trọt thêm rau quả mà vẫn thiếu ăn. Gia đình có khi cả tháng không có bánh mì để ăn. Mỗi buổi trưa sau khi tan học, Lech phải bỏ ra 2 tiếng đồng hồ để chẻ rơm nuôi gia súc. Lech bắt đầu đi học lúc 7 tuổi. Tuy không phải là một học sinh giỏi nhưng rất xuất sắc với môn thể thao. Trong tháng 7 năm 1956 khi Lech được 12 tuổi thì một biến cố diễn ra tại thành phố Poznan gây chấn động trên toàn quốc. Một số công nhân biểu tình phản đối chế độ bao cấp khi nhà cầm quyền trả lương quá ít nhưng lại định giá thực phẩm và tất cả mọi thứ cần thiết trong đời sống quá cao. Sau 2 ngày giằng co, công an nổ súng vào đoàn người biểu tình bắn chết hàng chục người và gây thương tích đến hàng trăm. Tổng Bí thư Bierut bị cất chức và Gomulka lên thay thế. Tuy không đạt được mục đích nhưng đoàn người biểu tình nhận thức được rằng nếu họ đứng lên đấu tranh thi sẽ gây được chú ý và có thể lật đổ cả ghế tổng bí thư - ngai vàng của triều đại cộng sản.
Lech học xong trung học vào năm 1958 khi mới 14 tuổi. Sau đó ghi danh học nghề thợ điện và sửa máy móc với trường huấn nghệ. Tới năm 1961 thì Lech tốt nghiệp và làm việc cho một hợp tác xã tại Popowo. Không lâu sau thì Lech nhập ngũ thi hành nghĩa vụ quân sự làm việc trong ngành truyền tin và điện tín. Sau 2 năm, Lech giải ngũ và trở về Popowo sống với gia đình và hành nghề thợ điện.
Cuộc sống bình lặng trong ngôi làng nhỏ làm Lech cảm thấy cuộc đời thiếu vắng ý nghĩa. Vừa lúc chia tay cô bạn gái và trong giây phút thất tình tuyệt vọng Lech quyết định rời bỏ quê hương lên tàu hỏa đi thật xa về hướng Bắc. Tàu ngừng lại tại Gdansk và Lech bước xuống định tạm dừng chân để uống một ly bia. Nào ngờ gặp lại người bạn cũ ở trường huấn nghệ đang làm việc cho hãng đóng tàu Lenin. Người bạn đề nghị Lech đến đó xin việc. Sáng hôm sau ngày 30/5/1967, Lech đến hãng điền đơn và vài ngày sau được nhận làm thợ điện của hãng đóng tàu Lenin nơi mà sau này Lech đã lãnh đạo cuộc biểu tình dẫn đến sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết làm sụp đổ chế độ cộng sản ở Ba lan và Âu châu.
Một thời gian sau khi ổn định việc làm, Lech làm quen với một cô gái làm việc trong tiệm bán hoa tên là Mirka Danuta Golos. Họ thành hôn vào ngày 8/11/1969 khi cô dâu mới tròn 19 tuổi và chú rể 23. Một năm sau thì đứa con đầu lòng ra đời.[4]
Công đoàn Đoàn kết (CĐĐK)
Trong lúc Lech đang bận bịu với niềm vui và hạnh phúc gia đình thì một biến cố quan trọng diễn ra tại thủ đô Warsaw. Adam Mickiewicz -một nhà thơ yêu nước trong thế kỷ 19 đã soạn vở kịch mang tên “Đêm cuối năm của Tổ tiên” (the Forefather’s Eve) nói lên tinh thần bất khuất chống ngoại xâm Nga xô trong giai đoạn lịch sử mà Ba lan đã biến mất trên bản đồ thế giới. Nhà cầm quyền lo ngại là quan thầy ở Moscow sẽ không hài lòng nên ra lệnh cấm không cho vở kịch được trình diễn tại Nhà hát Quốc gia. Tức giận trước thái độ khiếp nhược này, hàng ngàn sinh viên xuống đường biểu tình phản đối. Hơn 2000 sinh viên bị bắt giam và bị đuổi học. Sau đó không lâu, Tổng Bí thư Gomulka lại quyết định tăng giá thực phẩm chỉ một vài tuần trước Mùa Lễ Giáng sinh. Quyết định này gây ra nhiều phẫn nộ và hơn 1000 công nhân của hãng đóng tàu Lenin biểu tình diễn hành tới văn phòng ủy ban nhân dân địa phương. Trong lúc giằng co và xô sát với nhau thì một tên công an nổ súng bắn một người biểu tình. Thế là đoàn người biểu tình nổi giậm xúm lại đánh hắn cho tới chết. Đoàn công nhân quay trở lại hãng tàu tụ họp tiếp tục đình công. Lech được bầu vào ủy ban điều hợp cuộc đình công. Hôm sau, nhà cầm quyền ra lệnh cho quân đội và xe tăng tiến vào cổng số 2 của hãng tàu nổ súng bắn chết 4 công nhân và giải tán cuộc đình công.
Lech bị công an bắt và thẩm vấn hết mấy ngày. Không chỉ ở hãng tàu Lenin mà còn có nhiều cuộc biểu tình và đình công ở nhiều nơi khác. Nhà cầm quyền công bố là có tổng cộng 45 người tử vong và hàng ngàn người bị thương. Như cuộc biểu tình ở Poznan trước đây, Tổng Bí thư Gomulka bị cách chức và Edward Gierek lên thay thế.
Sau đó không lâu, Lech phải có một sự chọn lựa định mệnh. Bố mẹ quyết định di dân sang Hoa kỳ và muốn Lech và vợ con cùng đi theo. Lech từ chối và nói với mẹ rằng “Con sẽ không bao giờ rời bỏ quê hương. Chúng ta phải cố gắng xây dựng và thay đổi đất nước”. Lech không bao giờ gặp lại mẹ vì bà tử nạn trong một tai nạn xe cộ ở Nữu Ước năm 1975.[5]
Công nhân ở hãng tàu Lenin cũng như ở các hãng xưởng khác có công đoàn đại diện. Nhưng những công đoàn này đều nhận chỉ đạo từ nhà nước và người nắm chức chủ tịch lại là một đảng viên cộng sản cao cấp. Có một thời gian Lech được chọn làm giám sát viên cho công đoàn này nhưng không bao lâu Lech nhận ra tổ chức này chỉ biết nghe lời đảng và không có quan tâm gì đến những khó khăn của người lao động. Sau những nỗ lực đòi hỏi công đoàn tách ra khỏi sự kiểm soát của đảng cộng sản, Lech bị đuổi việc vào năm 1976. Cũng trong năm này có nhiều cuộc đình công và nhiều công nhân bị bắt giam và truy tố. Một nhóm người trí thức đứng ra thành lập Ủy ban Bảo vệ Người Lao động để biện hộ miễn phí cho công nhân đang bị cầm tù và giúp đỡ tài chánh cho gia đình của họ. Các vị lãnh đạo tinh thần Công giáo cũng lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền đối xử đàng hoàng với những người lao động đang bị giam giữ.
Sau khi bị hãng tàu sa thải, Lech làm thợ sửa xecho một công ty khác ở Stogi cách Gdansk khoảng 50 cây số. Tại đây Lech gặp và làm quen với Andrzel Gwiazda một kỹ sư điện và người đã sáng lập Nghiệp đoàn Tự do (Free Trades Union). Lech lập tức nhập vào nhóm của họ, in ấn và phân phối tờ báo “Công nhân miền Duyên hải” (the Coastal Workers) kêu gọi mọi người hỗ trợ và gia nhập tổ chức này. Trong nhóm này cũng có Anna Walentynowicz một nữ công nhân lái xe cần cẩu của hãng tàu Lenin và người đóng vai trò lịch sử trong sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết.
Thượng Đế ban cho Ba lan một phép lạ kỳ diệu trong tháng 10, 1978 khi Hồng Y Karol Wojtyla Tổng Giám Mục Krakow được bầu chọn làm Giáo Hoàng. Niềm vui tràn ngập cả nước và khi John Paul II về nước trong tháng 6 năm 1979 thì gần 1 triệu con chiên tham dự Thánh Lễ tại quảng trường Đại Thắng Warsaw. Đức Giáo Hoàng xác nhận quyền làm người là bất khả xâm phạm,[6] điều mà chế độ cộng sản đã tước đoạt từ chính thân nhân, gia đình và bạn bè của họ. Trong 9 ngày viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, bộ máy cai trị và công an dường như ngừng lại cho người dân Ba lan cơ hội tìm lại niềm tin.
Lenin đã từng nói là các cuộc cách mạng thành công khi sự bất mãn của quần chúng diễn ra cùng lúc với sự mất tự tin của giai cấp cai trị. Chỉ cần ngòi thuốc nổ là tất cả sẽ trở thành bão lửa. Ngọn lửa tại Gdansk bùng nổ khi Anna Walentynowicz bị đuổi việc vào ngày 9/8/1980 vì bà đã đốt nến tưởng niệm đồng nghiệp bị bắn chết trong cuộc đình công năm 1970. Anna là một phụ nữ ngoài 50 và đã làm việc cho hãng tàu trên 30 năm. Một nhóm người thuộc Nghiệp đoàn Tự do len lỏi và rải truyền đơn vận động công nhân phản đối việc Anna bị sa thải. Giám đốc hãng tàu hứa là sẽ thương lượng với công nhân. Trong lúc công nhân còn đang do dự thì Lech Walesa, người thợ điện của hãng tàu Lenin bị đuổi việc 4 năm về trước đã leo rào kêu gọi mọi người chớ tin vào lời của giám đốc mà hãy đình công hỗ trợ cho Anna. Đám công nhân lập tức hưởng ứng. Lech được chọn làm điều hợp viên của cuộc đình công. Lúc đầu, Lech đặt ra 5 điều kiện: nhận lại Anna, không trả thù những người tham gia đình công, xây cất đài tưởng niệm các công nhân bị bắn chết trong cuộc đình công năm 1970, tăng lương và tiền phụ cấp gia đình. Nhiều cuộc đình công khác cũng diễn ra trong vùng Baltic.
Sau một vài ngày giằng co, ban giám đốc hãng tàu đồng ý nhượng bộ và chấp thuận hầu hết các điều kiện do Lech đặt ra. Một số công nhân cảm thấy thỏa mãn và muốn kết thúc. Nhưng đại diện của công nhân ở hãng xưởng lân cận tới cầu cứu và yêu cầu công nhân hãng tàu tiếp tục đình công để hỗ trợ cho họ. Theo nhận xét của Lech, Công đoàn Đoàn kết được sinh ra vào đúng thời khắc này khi công nhân quyết định đình công không chỉ vì quyền lợi của chính bản thân họ mà cho tất cả người lao động. Ủy ban đình công soạn ra một văn bản mới với 21 điều kiện gồm có quyền thành lập công đoàn độc lập, tự do báo chí, tự do ngôn luận và tín ngưỡng và yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm. Những điều kiện này vượt qua quyền hành thương lượng của ban giám đốc. Ngày 23/8/1980, Phó Thủ tướng Mieczyslaw Jagielski đích thân xuống hãng tàu để thương lượng. Biết mình không đủ khả năng đối phó với một đối thủ mưu mô và quỷ quyệt, Lech nhờ đến sự giúp đỡ và cố vấn của các thành phần trí thức trong Ủy ban Bảo vệ Người Lao động.
Lúc đầu Jagielski bác hết mọi điều kiện. Sau đó mới từ từ nhượng bộ nhưng nhất quyết không chấp nhận công đoàn độc lập trong một chế độ toàn trị. Sau nhiều ngày tranh cãi, nhà cầm quyền đồng ý cho phép thành lập công đoàn sinh hoạt độc lập và không nhận chỉ đạo từ nhà nước nhưng phải công nhận vai trò lãnh đạo quốc gia của đảng Cộng sản (tương tự như điều 4 hiến pháp của CHXHCNVN). Cuộc đình công chấm dứt và ngày 30/8/1980 được in đậm trong trang sử Ba lan. Sau mỗi cuộc đình công lớn là ghế tổng bị thư bị lung lay. Lần này cũng không ngoại lệ. Edward Gierek bị hạ bệ và Stanislaw lên thay thế.
Công nhân hãng tàu Lenin trở lại làm việc nhưng cuộc đời của Lech hoàn toàn đổi mới. Các tổ chức nghiệp đoàn khắp nơi trên toàn quốc tới tìm gặp Lech để nhờ cố vấn. Ngày 17/9/1980, đại biểu của 35 tổ chức nghiệp đoàn trên toàn quốc họp mặt và chính thức thành lập Liên hiệp Công đoàn Độc lập - Công đoàn Đoàn kết (Solidarnosc) và bầu Lech Walesa làm chủ tịch. Trước đó, các nhà trí thức đã cố vấn là nên thành lập một cơ cấu có tầm mức vĩ mô và trên toàn quốc để nhà cầm quyền khó có thể cho người trà trộn và lũng đoạn. Ngày 10/11/1980, tòa án tối cao Ba lan đồng ý đăng ký Công đoàn Đoàn kết là một tổ chức hợp pháp.[7] Ngày càng có nhiều tổ chức nghiệp đoàn ghi danh tham gia và số lượng thành viên của Công đoàn Đoàn kết có lúc lên tới 10 triệu người (hơn 1/4 dân số Ba lan).
Trước sự lớn mạnh của Công đoàn Đoàn kết, giới lãnh đạo Liên xô vô cùng lo ngại là họ sẽ phải đối đầu với những diễn biến tương tư như vậy tại các quốc gia khác trong khối cộng sản và sự hiện hữu của một tổ chức dân sự độc lập là một việc không thể nào chấp nhận được trong một chế độ toàn trị. Bộ Chính Trị Ba lan bị triệu tập về Moscow và khiển trách. Tướng Garuzelski lên thay thế Kania làm Tổng Bí thư kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng và ban hành tình trạng thiết quân luật vào ngày 17/12/1981. 600 lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết gồm có Lech Walesa bị bắt giữ. Tổng cộng có hơn 10000 người bị giam cầm và Công đoàn Đoàn kết bị giải thể.
Thê giới phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng thiết quân luật và đàn áp công nhân. Hoa kỳ và phương Tây siết chặt lệnh cấm vận. Công đoàn Đoàn kết tiếp tục hoạt động trong vòng bí mật, in ấn và phân phối báo chí và thực hiện các chương trình phát thanh. Nhiều cuộc đình công biểu tình tiếp tục diễn ra và hàng chục người bị bắn chết. Trước tình hình kinh tế suy sụp, Lech Walesa được trả tự do vào ngày 12/11/1982 và tình trạng thiết quân luật chấm dứt trong tháng 7 năm 1983. Lech Walesa được chọn để nhận giải Nobel Hòa Bình trong tháng 10 năm 1983 nhưng quyết định không đi Na uy nhận giải vì biết rằng một khi nhà cầm quyền cho xuất cảnh thì sẽ không có ngày về lại Ba lan. Vợ Lech, Danuta đại diện cho Lech để nhận giải thưởng quốc tế này.
Tình hình kinh tế và xã hội ngày càng tồi tệ. Trong nước thì người dân vô cùng oán hận vì nhà cầm quyền đã tuyên chiến với chính đồng bào của họ. Ngoài nước thì quốc tế cô lập và cấm vận. Một luồng gió mới từ hướng Đông xuất hiện khi Mikhail Gorbachev trở thành Tổng Bí Thư Liên xô năm 1985 và áp dụng chính sách cởi mở (glasnost) và đổi mới (perestroika). Công đoàn Đoàn kết kêu gọi nhà cầm quyền hãy ngồi xuống đối thoại để hợp tác tìm giải pháp cho đất nước. Trước sự bế tắc toàn diện và đến khi bức tường Bá linh sụp đổ, nhà cầm quyền buộc phải lùi bước và tiến hành hội nghị bàn tròn kêu gọi Công đoàn Đoàn kết hợp tác và tái thiết đất nước. Hiến pháp được thay đổi để thành lập lưỡng viện quốc hội. Thượng viện có 100 ghế được bầu cử tự do. Hạ viện có 460 ghế và đảng cộng sản được giữ 2/3 tức 299 ghế. Trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 4/6/1989, ứng cử viên của Công đoàn Đoàn kết thắng hết 161 ghế tại hạ viện và 99/100 ghế tại thượng viện. đảng Cộng sản thất bại hoàn toàn và Ba lan bước qua một trang sử mới.
Bài học cho phong trào đấu tranh dân chủ Việt nam
Lịch sử Ba lan và Việt nam có nhiều điểm tương đồng. Cả hai từng bị quốc gia láng giềng xâm chiếm và đô hộ. Cả hai đều phải thường xuyên và trực diện đối đầu với cường quốc lân bang đe dọa và lấn át và có chiều dài lịch sử tinh thần bất khuất chống ngoại xâm. Cả hai có lúc bị cai trị bởi các tập đoàn gian manh khiếp nhược trước ngoại bang. Và cả hai đều có hàng triệu kiều bào sinh sống khắp nơi trên toàn thế giới. Có gần 10 triệu người Hoa kỳ nhận mình có nguồn gốc Ba lan, 1 triệu tại Canada và nửa triệu tại Anh quốc. Riêng tại Úc, số người gốc Ba lan cũng ngang ngửa với Việt nam với 163 ngàn.[8] Trong suốt thời gian chiến tranh lạnh, người Mỹ gốc Ba lan đã đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh lật đổ chế độ cộng sản. Zbigniew Brzezinski - cố vấn an ninh cho Tổng thống Jimmy Carter từ năm 1977 đến 1981 là một người Mỹ gốc Ba lan.
Thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo thời thế? Nếu Lech Walesa không quyết định leo rào của hãng đóng tàu Lenin thì có lẽ sẽ không có Công đoàn Đoàn kết. Nhưng tại sao Lech lại hành động như vậy? Vì ông quyết chống đối lại cái chế độ phi nhân đè đầu cưỡi cổ giai cấp công nhân mà các lãnh tụ cộng sản tự xưng là đại diện. Lịch sử là một chuỗi biến cố mà những hành động tưởng chừng như thật nhỏ nhặt có thể là ngòi nổ bùng lên thành ngọn lửa đốt tan cả một chủ thuyết cộng sản ở Đông Âu. Lech Walesa chỉ là một người thợ điện tầm thường mới học hết trung học nhưng đã đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên quyền lợi của bản thân. Nếu Lech quyết định theo gia đình di dân qua Mỹ thì bánh xe lịch sử có thể đã chuyển đi qua một hướng khác. Tấm lòng yêu nước và biết hy sinh hạnh phúc cá nhân của ông thật đáng được ngưỡng mộ. Khi phải đối đầu với đầu sỏ cộng sản gian manh và quỷ quyệt, Lech Walesa đã biết khiêm nhường và khôn ngoan nhờ tới sự giúp đỡ của giới trí thức trong nhóm Ủy ban Bảo vệ Công nhân và các vị lãnh đạo tinh thần. Đây là một bài học lãnh đạo “biết mình biết người” vô giá đáng để cho tất cả mọi người khâm phục.
Công đoàn Đoàn kết là một mô hình tổ chức đáng được noi theo. Công đoàn Đoàn kết phát triển lớn mạnh và có tới 10 triệu thành viên trong một thời gian ngắn không phải vì có số lượng người khổng lồ này trực tiếp ghi danh gia nhập mà là gián tiếp qua các tổ chức nghiệp đoàn. Tương tự như vậy, tổ chức Hội đồng Đại diện các nghiệp đoàn (ACTU) của Úc có 46 hội viên nghiệp đoàn đại diện cho 2 triệu công nhân trên toàn quốc. Hội viên của họ không phải là cá nhân mà là các tổ chức nghiệp đoàn với đủ mọi ngành nghề. Đã đến lúc các tổ chức và đoàn thể đấu tranh liên kết và thành lập Liên đoàn Dân chủ Việt nam tương tự như mô hình của Công đoàn Đoàn kết. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy có hàng trăm tổ chức đảng phái đấu tranh lên tiếng hoặc ký thỉnh nguyện thư đòi hỏi dân chủ và nhân quyền cho Việt nam. Không có lý do gì ngăn cản các tổ chức này liên kết thành lập liên đoàn. Hãy thử tưởng tượng có 50 đoàn thể đấu tranh tại Hoa kỳ, 20 từ Âu châu, 10 từ mỗi nơi như Úc châu, Á châu và Canada cùng liên kết thì sẽ lập thành một tổ chức liên đoàn với 100 thành viên đại diện cho các tổ chức đấu tranh trên toàn cầu. Mỗi đoàn thể là một hội viên có thể gửi đại biểu đại diện. Liên đoàn sẽ bầu ra một ban chấp hành và vị chủ tịch với nhiệm kỳ 2, 3 hoặc 4 năm. Đoàn viên sẽ gửi đại biểu đại diện trong các phiên họp hoặc đại hội thường niên thảo luận và thông qua các quyết định và đường lối đấu tranh để ban chấp hành thực thi. Số lượng thành viên sáng lập lúc đầu có thể khiêm nhường nhưng Liên đoàn có tiềm năng phát triển lớn mạnh theo thời gian giống như Công đoàn Đoàn kết hoặc Liên đoàn Quốc gia Dân chủ Miến điện (Burma’s National League for Democracy).
Thật ra, giấc mơ xây dựng một tổ chức đoàn kết và có tiếng nói thống nhất đại diện cho mọi người Việt yêu chuộng dân chủ tự do đã có từ lâu. Trong năm 2003 Đào Văn Bình và Nguyễn Anh Tuấn đã đưa ra một mô thức kết hợp như sau:
“-Khối Cựu Quân Nhân 9 đại biểu 3 đại biểu dự khuyết (không tham dự Hội Nghị)
-Khối Cựu Tù Nhân Chính Trị 9 đại biểu 3 đại biểu dự khuyết (không tham dự Hội Nghị)
-Khối đảng Phái Chính Trị 9 đại biểu 3 đại biểu dự khuyết (không tham dự Hội Nghị)
-Khối Cộng Đồng VN tại Hải Ngoại 9 đại biểu 3 đại biểu dự khuyết (không tham dự Hội Nghị)
-Khối Dân Chính 9 đại biểu 3 đại biểu dự khuyết (không tham dự Hội Nghị)
-Khối Sắc Tộc (bao gồm các sắc tộc) 9 đại biểu 3 đại biểu dự khuyết (không tham dự Hội Nghị)
Tổng cộng: 63 đại biểu”[9]
Mặc dù đề nghị này khó có thể thực hiện được vì không có tiêu chuẩn nào rõ rệt để xác định thành viên của các khối, nhưng nó cho thấy việc thành lập một tổ chức đại diện có tầm vóc và sức mạnh đoàn kết là một giấc mơ của nhiều người quan tâm đến tiến trình đấu tranh cho tự do và dân chủ cho Việt nam.
Gần đây hơn, Khối 8406 tại Hoa kỳ cũng đã phát thiệp triệu tập Đại hội Liên kết Đấu tranh cho Dân chủ Nhân quyền cho Việt nam trong tháng 8/2012 tại San Jose. Theo báo cáo của ban tổ chức thì Đại hội đã thu hút được sự tham dự của 62 đoàn thể đấu tranh tại hải ngoại và bầu ra một Ủy ban Vận động thành lập Hội đồng Liên kết.[10]
Hội nghị Diên hồng
Đề nghị thành lập Liên đoàn Dân chủ Việt nam nghe thật đơn giản trên lý thuyết nhưng công tác thực hiện sẽ không dễ chút nào. Vấn đề đầu tiên là ban tổ chức. Đại hội Liên kết Dân chủ Nhân quyền cho Việt nam do Khối 8406 Hoa kỳ tổ chức trong tháng 8 năm 2012 vừa qua là một bước tiến tích cực đáng được tán dương nhưng chưa thể hiện được tầm vóc của một Hội nghị Diên hồng. Tuy ban tổ chức cho biết là có 62 đoàn thể tham dự nhưng lướt qua danh sách thì đã thấy tới gần 15 tổ chức mang tên 8406 ở khắp mọi nơi. Mô hình“đoàn kết sau lưng tôi” không còn hợp thời nữa và cũng không có chỗ cho bất cứ tổ chức nào lập lại các thủ đoạn ma mãnh của đảng Cộng sản Đông dương khi thành lập Việt nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt minh) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Không có bất cứ một tổ chức hoặc đảng phái nào có đủ tư cách phất cờ hiệu triệu mà ban tổ chức phải bao gồm nhiều tổ chức đại diện cộng đồng, tôn giáo và truyền thông có uy tín và hoàn toàn trung dung, độc lập ở khắp các châu. Ban tổ chức sẽ không là đoàn viên hoặc dính líu tới việc lãnh đạo liên đoàn. Chỉ có như thế thì ban tổ chức mới có đủ tư thế mời gọi tất cả mọi đoàn thể đấu tranh khắp nơi trên toàn thế giới. Trong thời đại kỹ thuật tân tiến hiện nay, cách biệt địa lý không còn là một rào cản như trước nữa. Đại biểu có thể tham dự đại hội và nếu cần thiết biểu quyết qua video conference.
Phương châm hành động của Liên đoàn phải hoàn toàn trong sáng, rõ ràng và minh bạch. Tư cách đoàn viên phải được xác định đúng đắn để tránh trường hợp một vài tổ chức tìm cách ảnh hưởng lèo lái Liên đoàn qua các tổ chức đoàn viên liên hệ. Thành phần ban chấp hành phải phản ảnh được sự đa dạng và tính cách đại diện phục vụ cho tập thể chớ không chỉ riêng cho tổ chức của mình.
Một vấn đề phức tạp khác là sự liên kết với cá tổ chức đấu tranh trong nước. Trong hoàn cảnh hiện tại bất cứ mối quan hệ công khai nào cũng có thể tạo nhiều nguy hại hơn là có lợi cho chính các tổ chức đấu tranh chân chính trong nước vì chế độ và công an chắc chắn sẽ không để cho họ được yên ổn. Vấn đề này cũng như các chuyện phức tạp khác cần phải được ban chấp hành tham khảo và nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi vạch ra chương trình hành động.
Thật ra, mô hình Liên đoàn cũng không có gì mới mẻ trong sinh hoạt của người Việt hải ngoại mà đã được áp dụng tại Úc từ năm 1977 khi Cộng đồng Người Việt Tự do Liên bang Úc châu được thành lập. Cộng đồng Người Việt Tự do ở mỗi tiểu bang và lãnh thổ là thành viên của Cộng đồng Liên bang. Mỗi hai năm, đại diện các cộng đồng tiểu bang nhóm họp và bầu ra ban chấp hành Liên bang cũng như hoạch định hướng đi cho 2 năm kế tiếp. Hàng tháng ban chấp hành tổ chức hội thoại và các vị chủ tịch hoặc đại diện ở cấp tiểu bang tham gia thảo luận và đi đến quyết định chung. Nhờ vào cơ chế này mà trong thời gian qua, Cộng đồng Người Việt Tự do Liên bang Úc châu đã có những nỗ lực vận động có hiệu quả đáng kể cho nhân quyền tại Việt nam qua những cuộc gặp gỡ chính thức và thân mật với các viên chức cao cấp của chính quyền Úc kể cả Thủ tướng và Ngoại trưởng. Một Liên đoàn được thành lập và hoạt động hiệu quả có thể có tiếng nói và ảnh hưởng trên tầm vóc quốc tế góp phần đẩy mạnh công cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ tại Việt nam.
Kết luận
Trong bất cứ cuộc đấu tranh hoặc cách mạng nào, tổ chức và lãnh đạo là 2 yếu tố quyết định. Trường hợp Công đoàn Đoàn kết Ba lan và Lech Walesa là một bài học về tổ chức và lãnh đạo quý giá cho phong trào đấu tranh dân chủ Việt nam. Hiện tại thì các đoàn thể và đảng phái vẫn con sinh hoạt quá rời rạc như những bãi cát vụn. Làm sao kết hợp mọi lực lượng để tận dụng sức mạnh tập thể là một thách thức cho tất cả mọi người. Không ai có thể phủ nhận tiềm năng của hơn 4 triệu người Việt hải ngoại. Hàng năm chúng ta gửi về Việt nam mười mấy tỷ Mỹ kim tương đương với 10% tổng sản lượng quốc gia của Việt nam. Chúng ta có hàng trăm ngàn trí thức làm việc cho nhiều cơ quan có tầm vóc quốc tế. Chúng ta chỉ có thể hy vọng là các đoàn thể đấu tranh sẽ sẵn sàng liên kết và chấm dứt các cuộc hành trình đơn độc cũng như trí thức hải ngoại không còn mãi “đơn ca”[11]để có thể thật sự đồng hành, sánh bước cùng với các thanh niên sinh viên trong nước đang dấn thân đấu tranh và hy sinh cả tuổi thanh xuân cho tương lai và tiền đồ dân tộc.
_________________________________
Chú thích:
[1]. Adam Zamoyski “Poland a History” Hippocrene Books 2012, 1
[2]. Rebecca Stefoff “Lech Walesa The Road to Democracy” Fawcett Columbie New York 1992, 11-17
[3]. Mary Craig “The Crystal Spirit Lech Walesa and his Poland” Hodder & Stoughton 1986, 43-45
[4]. Rebecca Stefoff “Lech Walesa The Road to Democracy” Fawcett Columbie New York 1992, 47
[5]. Như trên, 61
[6]. Timothy Ash “The Polish Revolution: Solidarity” Yale University Press 2002, 90-91
[7]. Lech Walesa “The Struggle and the Triumph: An Autobiography” Arcade Publishing 1992, 316
[8]. Theo Thống kê ABS Census 2006, Ba lan chiếm 163,802 so với 173,663 người gốc Việt
[9]. Đào Văn Bình và Nguyễn Anh Tuấn “Nghị Hội Đoàn Kết Người Việt Hải Ngoại: Một Đề Nghị” 9/12/2003
[10]. David Thai “Báo Cáo của Ủy Ban Vận Động Thành Lập Hội Đồng Liên Kết Đấu Tranh Dân Chủ Nhân Quyền Cho Việt Nam” http://www. vietlist. us/SUB_CongDong/congdong1302181934. shtml
[11]. Từ Linh “Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?” www. procontra. asia