Hiến pháp và sự thực thi - Dân Làm Báo

Hiến pháp và sự thực thi

Minh Dân (Danlambao) - Nhà nước CHXHCNVN đã hoàn toàn quá tải trong sứ mệnh tiến lên xã hội chủ nghĩa vô vọng như một ông thày không đủ trình độ đứng lớp, một chính trị viên không còn chút lý luận hùng biện, một giám đốc thiếu kỹ năng không thể điều hành cơ quan doanh nghiệp, chủ xưởng hết tiền để trả công lao động, người chỉ huy không còn khả năng ra lệnh... Họ đang đi về đâu?

Một số ý nghĩa của lời mở đầu bản hiến pháp mới: 

"Nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội."

"Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."

Những mục tiêu trên hiểu thành trái nghĩa không làm cho người bảo vệ và thi hành hiến pháp ngượng mồm vì mức độ đã trở nên quá phổ biến và ngụy ngôn, một bản hiến pháp hay không làm nên một đất nước mạnh giàu đẹp.

Mục tiêu dân giàu: Một từ ngữ quá sống sượng và xấu hổ khi mà cán bộ chức quyền có mức thu nhập và tài sản tỷ lệ nghịch với "cống hiến".

Khái niệm nước mạnh: Một quốc gia luôn tránh né sức mạnh của ngoại bang, hòa hoãn nhún nhường vô điều kiện, không kiên quyết giữ gìn và bảo vệ lãnh thổ, đi ngược lại tinh thần yêu nước chung, đặt lợi ích riêng lên trên quyền lợi chung thì không thể là một nước mạnh, dân không giàu thì nước chẳng mạnh. Thật là ngượng ngùng và có lỗi khi đọc điều 11 bản hiến pháp: "Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm."

Tinh thần dân chủ: Một chính thể độc tài không nên có từ ngữ này, một xã hội dân chủ thì không có ai bị còng tay bằng những điều luật mơ hồ, không chấp nhận chống đối thì không có xã hội dân chủ.

Ý nghĩa công bằng: Đây là một khái niệm không có thực đối với nhà nước có một đảng độc nhất lãnh đạo, công bằng thường dựa trên sự điều khiển, mà người điều khiển lại nằm trong guồng máy điều hành độc đoán.

Tiêu chí văn minh: Bốn điều trên không có thì không bao giờ có văn minh.

Một nhà nước đã mất kiểm soát về công bằng khi để cho nhiều cán bộ đảng viên tự phong, tự lãnh một mức lương gần 3 tỷ đồng trên năm. Có gần 200 ngàn công nhân không có thưởng tết 2014 mà số tiền một giờ lương của tất cả số người này mới bằng tiền thưởng của một ông sếp cũng dịp tết 2014.

Viện Toán Học đã phá lệ trả lương tháng "khủng" cho nhà toán học Gs. Ngô bảo Châu với mức... 5 triệu VND để về nước phát triển nền toán học Việt Nam. Một năm khoảng 60 triệu, vậy là lương 30 ông bà toán học tầm cỡ quốc tế như Ngô bảo Châu mới bằng lương một ông cán bộ đảng viên thường. Đó mới là "đỉnh cao trí tuệ" của thuật dùng người.

Một cây cầu nhiều ngàn tỷ bị nứt thình lình, một cây cầu treo bỗng nhiên cũng sập đứt, một con tàu cánh ngầm bốc cháy... thêm một sự kêu gọi rập khuôn nữa của chính phủ là rà soát lại tất cả, đó là một sự mất kiểm soát hay chạy theo sự cố như đội bóng đá nghiệp dư tồi chuyên túm tụm đuổi theo một quả bóng? Không một ai chịu trách nhiệm, cũng không ai nhận lỗi và xin lỗi trước sự mất mát sinh mạng và tài sản chung.

Có bao nhiêu dinh thự, biệt thự khủng của quan chức "gộc" tầm cỡ bộ chính trị đã được phát hiện trong hàng vạn hình thức tài sản biển thủ chưa bị phát hiện, đây là tính phô trương rất vô tư của các chủ nhân dinh thự hay "sự quá tải của hệ thống chính trị trong việc kiểm soát tăng trưởng tài sản cán bộ". Có lẽ do quá tải nên mạnh ai nấy khoe của như đang ở trong một nhà nước vô pháp luật.

Việt Nam, xứ sở của dự án, đất nước quen tay xin tài trợ, quê hương của các quan chức ăn bớt, hoang phí, cứ tính nhẹ giá trị 20% của tất cả các dự án chui vào túi quan chức là bao nhiêu, không ai dám hình dung. Một xã hội tăng trưởng dựa trên thu nhập đút túi từ trên xuống dưới thử hỏi dân còn lại gì?

Bao giờ thì bầy đàn lãnh đạo cộng sản VN mới chùn tay bắt bớ những người đang cố gắng làm cho họ trở nên tốt hơn, họ có nghĩ rằng khi cùng quẫn thì giải pháp tích cực nhất là phải đàn áp với bất kỳ mọi hình thức. Cọng sản có chùn tay khi người bị bắt thật thản nhiên như đã sẵn sàng trước bạo lực, nhà cầm quyền thoáng cúi mặt thực thi phản dân chủ có phải vì cái điều 11 duy nhất có chứa hai từ "nghiêm trị" từ bản hiến pháp. (Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị.)

Cho thấy một hệ thống chính trị chuyên nghiêm trị sự chống đối mà không bao giờ biết trừng trị giặc tham nhũng tham ô, bè phái, buôn dân bán nước thì đã trở nên quá mức quá tệ hại.

Họ đã đánh đổi tất cả để giữ lại sáu chữ: "Sứ mệnh giải phóng dân tộc".




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo