Luận bàn về bài viết "Tổ Quốc cần những con người mới" của Nguyễn Đắc Kiên - Dân Làm Báo

Luận bàn về bài viết "Tổ Quốc cần những con người mới" của Nguyễn Đắc Kiên

Chim Báo Bão (Danlambao) - Hôm nay lên mạng nhân đọc bài "Tổ Quốc cần những con người mới" của ký giả Nguyễn Đắc Kiên (NĐK). Sau khi đọc xong bài viết, dựa trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn cởi mở tôn trọng những ý kiến khác biệt, tôi có một vài suy nghĩ nhằm phản biện lại bài viết trên của anh. Sau đây tôi xin có ý kiến  tập trung vào phần 1 bài viết  của NĐK, nhằm làm sáng tỏ vấn đề trên và rộng đường cho dư luận nhận xét bài viết trên của NĐK.

Đúng như lời dẫn của tác giả sau ba tháng im hơi lặng tiếng kể từ khi gây lên scandal công khai chỉ trích ông trùm độc tài toàn trị Nguyễn Phú Trọng. NĐK đã tập trung nghiền ngẫm phân tích để rồi cho ra bài viết "Tổ quốc cần những con người mới". Sau phần dẫn lời, tác giả giới thiệu phần một của bài viết với nhan đề "Một con đường cải tổ". Phần I, NĐK đi sâu vào phân tích và nhận định cái gọi là nhóm cấp tiến trong nội bộ chóp bu của đảng cầm quyền. Sau khi phân tích bản chất của hai nhóm bảo thủ và nhóm lợi ích, tác giả nhân định đã xuất hiện nhóm thứ 3, nhóm cấp tiến thông qua hai sự kiện là xét kỷ luật đồng chí X và việc không bầu hai nhân vật được dự định lựa chọn vào ghế của bộ sậu đầu não và NĐK hy vọng vào việc vận động nhóm cấp tiến này đề làm một cuộc cách mạng về dân chủ v.v...

1. Hai sự kiện thể hiện lợi ích phe nhóm

Nếu chỉ xét về hai sự kiện, một là bỏ phiếu không kỷ luật đồng chí X, hai là không bỏ phiếu bầu Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào ghế ủy viên bộ chính trị, để nhận định có nhóm cấp tiến thì tôi e rằng NĐK chưa đúng và có phần gượng ép. Hai sự kiện trên không hề dính dáng gì tới cái gọi là cấp tiến, là dân chủ vì nó chẳng thể hiện một chút gì đến lợi ích của đất nước, thậm chí còn ngược lại, sự kiện trên đã gây thất vọng lớn cho dư luận. Có chăng tôi thấy sự kiện không kỷ luật đồng chí X cho thấy, khi cảm thấy quyền lợi cá nhân bị xâm phạm, nếu như đồng chí X bị đổ, sẽ kéo theo hệ lụy của rất nhiều đồng chí khác trong bộ chính trị và TW bị đổ theo, cũng như có thông tin đồng chí X đã vận động ngoài hành lang gửi mỗi đồngchí UVTW một phong bì 1 triệu USD gọi là chút quà mọn. Vì vậy việc bỏ phiếu không kỷ luật đồng chí X là một nước cờ khôn ngoan, nó chứng tỏ rằng bộ máy cai trị của đảng, quyết tâm tham nhũng đến nhường nào. 

Vấn đề thứ hai là không bỏ phiếu cho Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ, cũng là vấn đề biểu hiện phe nhóm đấu đá nhau và ngăn cản, không muốn cho nhân vật "làm tới liền" có cơ hội để thể hiện. Loại bỏ một nhân vật quá "nóng" trên con đường tham nhũng của nhiều đồng chí chưa bị lộ, là một chỉ dấu tiêu cực phe nhóm chứ đâu phải là cấp tiến dân chủ.

Vì vậy hai sự kiện trên thực chất chỉ là nhằm bảo vệ lợi ích của đa số các UVTW mà thôi, phải chăng NĐK đã nhầm việc dân chủ hóa trong nội bộ đảng độc tài, chứ không phải dân chủ mang tính xã hội, hai phạm trù này về ý nghĩa và bản chất hoàn toàn khác nhau. Một sự kiện khác không kém phần quan trọng nhằm bổ xung cho nhận định trên của tôi, là việc vội vàng thông qua hiến pháp mà chỉ sửa đổi chiếu lệ cho thấy đảng CSVN còn rất ngoan cố và bảo thủ, nhằm bảo vệ chế độ đến cùng, chứ không hề có lực lượng cấp tiến như tác giả NĐK đã nhận định.

Có hay không lực lượng cấp tiến trong nội bộ chóp bu của đảng cầm quyền

2. Có hay không lực lượng cấp tiến!

Xin thưa là không hề có lực lượng cấp tiến nào trong nội bộ đảng CSVN như nhiều người đã lầm tưởng, có chăng chỉ là một vài cá nhân có tư tưởng cấp tiến khi đã về vườn, hoặc một vài vị ngồi ở chiếc ghế hữu danh vô thực, ít mầu mỡ như bộ tư pháp, bộ nội vụ... không cam phận muốn phá ngang, hay muốn thể hiện được đảng cho làm quân xanh, đăng đàn trên báo chí phát biểu vài vấn đề, được cho là có tư tưởng cấp tiến nhằm ghi điểm mà thôi.

Những ai để tâm tìm hiểu về cơ cấu tổ chức của đảng cầm quyền đều biết. Cơ chế và qui chế đề bạt cán bộ của đảng CSVN với những tiêu chí hết sức chặt chẽ và ích kỷ. Họ không cần người tài đức mà chỉ cần người trung thành. Trung thành tuyệt đối với đảng (Thực ra những người này họ trung thành với cái túi của chính họ thì đúng hơn, vì họ cũng thừa biết, hệ thống tư tưởng của Max từ lâu đã bị vứt vào sọt rác, bản thân đảng của họ thực chất có đi theo chủ nghĩa Max nữa đâu mà trung thành). Những thành phần này được gọi là cán bộ nguồn, được thử thách, rèn luyện và bồi dưỡng từ cấp cơ sở lên đến TW. Ngoài tiêu chí trên những cán bộ này phải có thân thế sự nghiệp mang dòng dõi con ông cháu cha, được kế vị từ lớp cha anh trước để lại, hoặc có ô dù để được nâng đỡ và tất nhiên tiềm lực kinh tế dồi dào để vận động ngoài hành lang, với các đồng chí không quên kèm theo phong bì lót tay để được ủng hộ, bỏ phiếu cho họ được ngồi vào những vị trí béo bở. Nói chung những cán bộ cốt cán của đảng ở các cấp cho tới TW trở lên đều phải có hai tiêu chí cơ bản là trung thành và tiềm lực để vượt qua các vòng tuyển lựa mới được vào UVTW.

Nghề làm "quan" là nghề béo bở nhất hiện nay và tất nhiên họ phải đầu tư, khi đã ngồi vào chiếc ghế nóng và thời cơ đã đến, họ phải tìm mọi cách thu về những khoản đã đầu tư và đương nhiên là phải sinh lời. Con người sinh ra khác loài vật là có tính tham, mà lòng tham thì vô đáy, các cán bộ cao cấp của đảng cũng là như con người và đương nhiên họ cũng nằm trong cái qui luật trần tục đó, họ cũng lợi dụng chức tước để vơ vét, tham nhũng như những kẻ làm quan trước kia, thậm chí còn hơn, nhiều kẻ với hàm bộ trưởng, nhẩm tính không thu về trăm triệu một ngày, thì kể như ngày đó là lỗ. Với đa số thành phần được chọn lọc kỹ lưỡng như vậy, thì làm những người có tư tưởng cấp tiến làm sao lọt vào được đến cấp UVTW. Vì  vậy việc nhận định có lực lượng cấp tiến trong nội bộ chóp bu của đảng cầm quyền là không thực tế. Có chăng hiện nay trong nội bộ đảng cầm quyền đang hình thành hai phe nhóm chống đối nhau quyết liệt, đó là phe đảng và phe chính quyền, nhằm phân chia lại quyền lợi mà phe chính quyền của 'đồng chí X' đã lạm quyền, qua mặt đảng mấy năm về trước để tha hồ tung hoành vơ vét. Nay đảng không thể khoanh tay ngồi nhìn và phải giành lại quyền lợi về cho mình bằng cơ chế tập trung dân chủ, đảng lãnh đạo, cấp ủy quyết định như trước đây đã từng làm.

Kết luận: Nhận định và phân tích tình hình đất nước, trong đó nhận định về tư tưởng nội bộ đảng cầm quyền là việc hệ trọng. Số phận dân tộc trong tay họ. 

Nhưng nếu nhận định không có cơ sở, không sát với thực tế, vô tình định hướng dư luận trông chờ vào điều không tưởng là điều đáng tiếc không chỉ với Nguyễn Đắc Kiên, mà trước đây đã có rất nhiều nhận định mơ hồ, nào là tình hình biến động ở các nước Châu Âu, tình hình kinh tế suy thoái, rồi cộng sản bất chính, tàn ác như vậy, dẫn đến mất lòng dân, sơm muộn sẽ bị lật đổ. Với kiểu nhận định hão, vô thưởng vô phạt như vậy vô tình gieo vào lòng mọi người sự thỏa hiệp an bài. Làm mất đi ý chí trong cuộc đấu tranh chống độc tài, vì một nền dân chủ hóa đất nước. Trên đây là nhận xét mang tính cá nhân của tôi, mong nhận được ý kiến phê bình đóng góp của quí vị. Xin cảm tạ!  

Hà Nội, ngày 19/3/2014




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo