“Khi Loài Chim Báo Bão” được bầu trời chọn - Dân Làm Báo

“Khi Loài Chim Báo Bão” được bầu trời chọn


(Gởi anh Điếu Cày: Khi tiếng hót đã vọng vang bài ca Vĩnh Quyết)

Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Nhưng mà khi chim không còn chỗ dung thân trên chính vòm trời yêu dấu của mình. Con người độc ác đã buộc cánh chim ấy không còn được cất-lên-tiếng-nói-tiếng-hót, không còn được hót ca lời tình tự quê hương hay rã giọng mòn hơi biển đảo xa vời, trên chính khung trời thân thương bạn bè gia đình ngày cũ. Chọn lựa nào mà chẳng có đau khổ, nhất là khi ngay cả một cánh chim bạt mạng chỉ biết tung trời cả trong bão tố đã không còn một chọn lựa, một đường bay nào khác! Bắt những cánh chim không hề trốn tránh yêu thương từng góc biển cha ông tổ tiên để lại, từng cánh rừng già “chiến lược” Bauxite Tây Nguyên, từng trang viết buồn đẹp sâu đậm như tiếng chim gõ mõ… để phải tủi thân làm cánh chim viễn xứ nơi một phương trời xa lạ khác, là một nỗi hà khắc tàn nhẫn chưa từng có.

Thật tình không ai hiểu, không ai biết, sớm mai thức dậy trong một khách sạn một căn hộ một không gian mới, sau một vài đêm dài nghỉ ngơi có thể cũng sẽ không chợp mắt được, ở một nơi không còn bị co rút cánh mỏi trong một chiếc lồng khốn nạn, như một nhà tù đèo heo hút gió ở Nghệ An, cánh-chim-báo-bão Điếu Cày sẽ nghĩ gì và cảm thấy ra sao một “ngột ngạt” mới ở một chân trời tự do mới? “Ngột ngạt” nghĩ cho cùng vẫn là từ đúng nghĩa nhất đã giam hãm con người đầy chí khí lúc nào cũng chực chờ, sẵn sàng làm một điều gì, một điều gì hoàn toàn không vì lợi ích cá nhân mà vì lợi ích chung cho tất-cả-đồng-bào-chúng-ta.

Khi Loài Chim Báo Bão” đã là một tên gọi, một bài ca, một tụng ca mà đã rất lâu chúng ta có dịp dành tặng anh, một Điếu Cày không khoan nhượng không thỏa hiệp: “…Khi anh như loài chim báo bão. Đã đập cánh gọi kêu linh hồn ai ảo não. Khi tiếng hót đã vọng vang bài ca Vĩnh Quyết.” Hình ảnh ấy quả thật là đẹp và ước gì chúng ta vẫn được giữ mãi, để những bài thơ, bài nhạc kể cả những lần xuống đường đòi Tự Do cho anh (Free Điếu Cày) được xứng đáng trong niềm tin: “Điếu Cày là người được anh em giao phó”.

Hẳn nhiên vẫn còn sớm chán để có thể khẳng định một điều gì. Trong lũ con lạc loài như chúng ta, kẻ lưu vong, lưu đày ngay trên đất nước thân yêu của mình, hay lưu vong, lưu đày ở ngoài đất nước, thì cũng đã không thiếu những trái tim, những tấm lòng, việc làm đoái hoài đến quê hương, nhưng liệu trong ngần ấy đứa con lưu lạc, lạc loài, ai sẽ là người được đất nước tha thiết ủy thác nhận lãnh trách nhiệm? Và ai, chúng ta sẽ chọn ai đây, cũng như sẽ về theo dấu chân ai, giả thử bây giờ chúng ta mở ra một cuộc bình chọn lấy liền cho vui trên diễn đàn Danlambao và Facebook, nơi xuất hiện rất đầu tiên thông điệp nhắn gởi của một biểu tượng yêu nước chống Tàu Cộng xâm lăng và quyết thắng ngôn luận báo chí: blogger Điếu Cày.

Chưa chi đã thấy blogger Người Buôn Gió tình nguyện bay theo anh, và nhà báo Phạm Chí Dũng hẹn anh trong 3 năm nữa. Nhất là số đám đông thầm lặng như chúng ta thì nhiều vô kể, kể cả những vị có khi bị ném đá vì lỡ quá chân thành đặt dấu hỏi và điều quan trọng là chúng ta không lạ gì nhau, để phải làm nản lòng chiến sĩ. Đúng là “hò hẹn lâu rồi anh nói đi”, nhưng có lẽ với Điếu Cày thì “Hẹn Em Sài Gòn Năm 2015” nghe hợp lý hơn, vì chính họ cũng đã tỏ vẻ sợ con người luôn hành động và đột phá ấy, và như thế nói theo cách nói nửa miệng của Võ Thị Sáu: “Chế độ này liệu có tồn tại vài ba năm nữa để mà bỏ tù ai?”

Hãy thử bình chọn thăm dò như một chiếc phao tinh thần cho riêng mình, nếu bạn không muốn chia sẻ với ai khác một điều gì, thậm chí muốn chờ những thử thách gạn lọc của tuế nguyệt trơ gan cũng không sao. Có điều, không ai không biết trong chuyến ra đi bất đắc dĩ nhưng không bất đắc chí này, chí sĩ, chiến sĩ tự do Điếu Cày dù đã tưởng bị chặt tay bó tay một thời cũng sẽ nhân cơ hội này trổ thêm nhiều nhánh tay khác. Nhánh tay bên ngoài và nhánh chân bên trong. Ai cũng biết, chỉ những kẻ mạt vận hết thời đành chơi màn “sổ chấp”, là không thể đoán biết nổi trong trái tim của người tù kiên cường ấy đã mọc sẵn những đường tim, những nhịp trống Mê Linh, những nhịp tim trở về để hòa đập với nhịp tim ngắc ngoải quê hương.

Tôi ngờ rằng những bầy chim xa xứ hẳn cũng đang muốn tìm vượt được một đường bay, để trở về tổ ấm quê nhà cùng anh như thế. Nhưng thử hỏi bằng cách nào đây, khi dân tộc chúng ta là một dân tộc bị đày đọa, đi từ chia cắt hố thẳm này đến chia cắt hố thẳm khác, từ cú lừa Nghị Quyết 36 nọ đến Khúc Ruột Ngàn Dặm mỹ miều kia, của mỏ vàng Việt Kiều 10 tỷ đô mỗi năm (?)

Chúng ta lẽ nào cứ ngồi đây chua chát “bái phục”, khá khen cho những “thiên tài” không-bỏ-dấu đảng trị ngoại lai này và 70 năm ngủ dài trong bóng tối triền miên, không tìm đâu ra thứ ánh sáng mặt trời kỳ diệu của Dân Chủ, mà cất đầu dậy cùng năm châu bốn bể. Không, mãi mãi họ là người rất dị ứng với ánh sáng, nói chi đến ánh sáng Điếu Cày.

Rồi thì những con chim sẽ liền cánh, những đàn chim sẽ gọi bầy, một lúc nào đó 400 ngàn chất xám vẫn có những luân lưu của dòng máu Việt, của trong vận rủi vẫn có vận may, chúng ta còn có ước mơ có ấp ủ của biết bao thế hệ, chúng ta đâu thể tiếp tục ngồi chờ họ ban phát từng “ân huệ”, vì lý do đánh tráo khái niệm nhân đạo và một cách nhỏ giọt, có bóng dáng của ma mỵ đổi chác và đàn áp nhân đôi sau đó. Bộ mặt trâng tráo vẫn cố vặn lại những tiếng loa rè như với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thì cho đi chữa bịnh, với blogger Điếu Cày thì đi học tập báo chí, cho một xứ sở đứng gần cuối hạng của thế giới về tự do ngôn luận, tự do báo chí. Theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Việt Nam tụt hậu ở hàng 174 trên 180 nước. Tổ chức này còn cáo buộc Việt Nam là nơi có nhà tù chứa nhiều blogger và cư dân mạng nhất, chỉ sau quan thầy Tàu Cộng.

Nếu ngủ mơ là có sự hồi tâm “nhân đạo” gì đó ở đây, thì với người tù bất khuất Điếu Cày sau 30 tháng nhận bản án trò hề trốn thuế, rồi liền tù tì dọng thêm ngay 12 năm tội tuyên truyền chống nhà nước (Trung Cộng) và sau 6 năm rưỡi chỉ “tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù”, để “bốc” lên máy bay “bay đi cánh chim báo bão”, thì chúng ta nên cùng nhau làm chứng nhân cho mốc điểm lịch sử này: blogger Điếu Cày rồi sẽ được trở về đất Mẹ như một lẽ tất nhiên, coi như sau một thời gian ngắn đặc biệt của quy chế tạm dung, mà không cần một nỗ lực quốc tế vận nào nữa, khi chính tập đoàn lãnh đạo ma mãnh này đã “lên giọng” như thế, thì chí ít cũng nên biết giữ sĩ diện của “tài” lãnh đạo có một không hai của mình chứ.

Hay một lần nữa và một lần nữa, nhà nước vẫn luôn muốn nắm giũ mọi góc độ pháp lý man khai rừng rú, để tiếp tục treo lủng lẳng trên đầu người tù lương tâm luôn khẳng định mình vô tội và không hề nhận tội xin tha quá quả cảm, và chính nghĩa này.

Ở đây chúng ta vừa nhắc đến tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, và tôi cũng vừa nhớ lại trong bài “Khi Loài Chim Báo Bão”, không hiểu điều gì như ám ảnh tiên tri của những căn phần định mệnh, chính tôi cũng đã gởi gấm theo cùng dòng suy nghĩ: “Hà Vũ nữa, dấy thiên hà uy vũ”. Chữ “nữa” ở đây như một kết hợp bất ngờ và càng bất ngờ hơn, khi chỉ cách nhau 6 tháng, cả hai “nhắc nhở” ấy đã có mặt ở cùng chốn tạm dung này, như một vinh danh chiến thắng của giá trị tranh đấu dân chủ nhân quyền.

Kỳ thực, sao không là đôi song kiếm hiệp hành thì càng thêm nghĩa hiệp nghĩa vụ có sao đâu nhỉ?!

Cũng không lạ khi mọi so sánh, nhận định trong lúc này rất dễ bị khiên cưỡng, chủ quan, không thích hợp, vì vừa quá sớm vừa quá sốt ruột, và vô tình làm chùng lòng nhau. Thật tình, chúng ta chỉ muốn có một sự hợp quần gây sức mạnh. Sức người vốn có hạn, và một con chim én không làm nổi mùa xuân. Nhất là hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải nhân rộng vòng tròn đoàn kết từ trong ra ngoài: “Cầm tay nhau để không bị chặt tay mà đòi lại bàn tay cho một Điếu Cày / Cho một Điếu Cày chảy máu Tự Do.”

Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Khải Thanh Thủy…, mỗi người có mặt trong cuộc đời với một hoàn cảnh gia đình, giáo dục… không giống nhau và hẳn nhiên mỗi người có một chọn lựa, thể hiện riêng. Cuối cùng vẫn là tinh thần tôn trọng mọi khác biệt để ngồi lại bên nhau, ủng hộ nhau, nhất là chúng ta cần phải không quên những con người đã hy sinh hơn người này, một tấm lòng đấu tranh thực sự cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam.

Với mục tiêu tranh đấu để mang lại tự do dân chủ cho đất nước, và đã dũng cảm lãnh nhận mất mát tù đày, chắc hẳn những tù nhân lương tâm nổi tiếng này chẳng ai cần phải được tuyên dương “công trạng” thêm, nhất là sự tự do ấy đã phải gay go nhọc nhằn đến từ những tổ chức, những can thiệp không ngừng nghỉ của đồng bào hải ngoại và áp lực quốc tế, hoặc tệ hại hơn nữa là thấy rõ một sự đánh đổi rẻ rúng nhân phẩm, nếu không muốn nói là vô liêm sỉ, khi một tập đoàn thống trị chỉ cốt đem con dân mình ra trừng trị thẳng thừng, để mong chờ các nước dân chủ ngoại quốc đứng ra nhủ lòng thương hại điều đình, thương lượng đo đếm từng con tin một. Đối sách này không phải là phía Hoa Kỳ không nhìn thấy, nhưng để mở ra một lộ trình tiến hóa Dân Chủ thực sự, thì chính chúng ta phải có biện pháp nhất định để bắt họ phải dẹp bỏ mọi hành động “thả” người yêu nước với chiếc vé một chiều tống xuất, tống khứ có “bài bản”. Điều này đã tạo thành tiền lệ, như trợ lý ngoại trưởng Tom Malimowski đã cảnh báo vì ý thức được điều xót xa này cho thân phận Việt Nam: “Sẽ không có tiến triển mấy, nếu cứ thả một chục người này lại bắt thêm một chục người khác.”

Điều này khiến chúng ta có cảm tưởng Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng Mẹ Mìn(h). Hết rao bán như món hàng lãnh thổ lãnh hải, khi Tổ Quốc, Dân Tộc, Quốc Gia, Đất nước, giống nòi… không bao giờ là một ý niệm thiêng liêng trong tim óc vốn dĩ vô tổ quốc thứ chủ nghĩa cộng sản của họ, thì lại xem nhân dân như con lợn, vừa không được vỗ béo, vừa chỉ nhốt vô chuồng thú như những kẻ phạm pháp nghiêm trọng, những tội đồ dân tộc không bằng. Chưa hết đâu hãy nhìn mà xem hơn 18 ngàn người con gái Việt Nam da vàng hờn tủi vì hoàn cảnh gia đình xã hội đã phải bán rẻ từng phân vuông thân xác mình, làm điếm khắp bốn phương trời cho ngoại nhân. Thử hỏi vì đâu nên nỗi nát như tương bần này?

Không, con số 18.000 phụ nữ Việt Nam phải bán mình mỗi năm còn nhiều gấp bội, chưa kể tệ nạn buôn người, nô lệ tình dục trẻ em để bán tháo đi khắp mọi miền biên giới… Đất nước này đã có quá nhiều cú tuột dốc không phanh, và không chỉ bán buôn đổi chác mà còn là một cướp giật, cưỡng chế đất đai nhà cửa dân oan, dân oán ta thán khắp nơi, và chúng ta cứ phải ngồi đây chực chờ đói khát từng biểu tượng?

Điếu Cày là một biểu tượng quyết tử, can trường không lùi bước trước chế độ độc tài cộng sản Việt Nam, luôn hèn với Tàu Khựa, ác với dân lành. Điều mà chúng ta có thể dựa vào anh là tinh thần sẵn sàng hành động chiến đấu. Nói và làm và sáng tạo phương thức để lao mình từ trận chiến này đến trận chiến khác, dường như vẫn không bao giờ muốn yên nghỉ và cũng chưa thể yên nghỉ được. Như chúng ta đã từng đặt kỳ vọng và chúng ta đã thất vọng với khá nhiều đức hy sinh đã bị mai một, nửa vời. Phải nói nếu chúng ta không có những con người đi tiên phong, xung phong như anh, từ lãnh vực báo chí mạng, để những phong trào của những mạng xã hội viết blog bây giờ được nở rộ, đặc biệt là những khơi động tấm lòng yêu nước của tuổi trẻ xuống đường chống Trung Cộng đòi chủ quyền biển đảo, cũng như đã nhìn thấy rất rõ con đường Dân Chủ cho Việt Nam là một xu hướng của thời đại, và là một phương cách để tiến bước hòa bình, nhân bản, con người.

Một người với thứ ý chí quyết liệt như thế, thì cho dù có bị cưỡng bách, bứng đi trồng ở một vùng đất khác, chúng ta vẫn tin rằng quit của quê hương mang dấu ấn Điếu Cày vẫn sẽ ngọt ngào, đậm đà hương vị Việt Nam.

Ý chí quyết liệt để trồng cho được cây quít ngọt cho quê hương mới là điều tiên quyết đáng nói ở đây. Với tấm lòng kiên định, vốn là thứ vỏ quít dày sợ chi móng tay nhọn, và đã có ít nhiều chứng minh ngay sự bắt tay làm việc liền với giới truyền thông, nên dù có thể ra đi chưa phải là thượng sách nhưng với tình hình bây giờ, Điếu Cày xem ra có khá nhiều thuận lợi và sẽ phát triển được từng ý nguyện, hoài bão, lý tưởng của mình trong những chặng đường nắng mới sắp đến.

B/S Nguyễn Đan Quế, L/S Lê Công Định, L/S Lê Thị Công Nhân, và mai đây là L/S Lê Quốc Quân… vẫn nguyện làm người ở lại tiếp tục cuộc hành trình trên quê hương, bền tâm bền chí gắn bó sáng ngời hình ảnh của những nhà dân chủ đấu tranh là tiếng nói quan trọng vốn dĩ phải được phát đi từ trong nước. Không thể không nói rằng chúng ta rất ngưỡng mộ những thành trì cao quý này, như chúng ta cũng đã hơn một lần ngưỡng mộ Aung San Suu Kyl đã không bao giờ còn “đi” nữa, vì lời thề sống chết nơi mình đã sinh ra, đã ký kết đau thương, và đã không thể lẩn tránh được.

Cũng trong ý nghĩ xao xuyến lẫn lộn này, chúng ta dường như đang sững sờ thích thú trước một đốm sáng thật đẹp, thật chói lòa vừa lóe lên ở cuối đường hầm. Chúng ta lại càng tin rằng một người đã không còn trẻ nữa như Điếu Cày, dù ở tuổi 62 nhưng anh vẫn có thể đi cùng tâm tư thời đại, trẻ hóa lại để hòa nhập không ngờ với dòng chảy dạt dào của tuổi 26 như thường. Tuổi trẻ sẽ nhìn thấy ở anh như một nguồn cảm hứng sâu xa của sự bền chí dẻo dai, và họ sẽ đồng lòng hợp tác, ủng hộ một trái tim hướng thượng trẻ mãi không già, mà còn luôn biết nỗ lực làm mới những “trò chơi dân chủ” của mình. Nghĩ mà coi, chúng ta có ai suy nghĩ và nhớ ra được như nhà báo tự do Điếu Cày, khi anh mang theo trong người bức thư của bạn tù đồng nghiệp Trương Duy Nhất đã đành, nhưng điều sâu lắng và đáng nhớ ở đây chính là những dòng Tuyên Bố của Điếu Cày và Trương Duy Nhất, thay mặt các nhà báo ký giả bị khủng bố Hồi Giáo ISIS chặt đầu sát hại. Trong đó có đoạn này rất đáng chú ý, và cách “bảo vệ” mang theo “hành trang” ấy trong những đường khâu giấu kín vào mảnh áo cũng là một thú vị: “Chúng tôi kêu gọi các nhà báo VN, các tổ chức báo chí truyền thông, đồng nghiệp trên khắp thế giới lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ các nhà báo đang tác nghiệp trên khắp thế giới lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ các nhà báo đang tác nghiệp tại những vùng chiến sự nguy hiểm, và các quốc gia độc tài về truyền thông. Thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, bảo vệ Nhân Quyền.”



Ngoài ra, Điếu Cày đã từng là chiến sĩ, bộ đội, đã từng kinh qua cuộc chiến, đã từng ôm xác đồng đội ngã gục trên vai mình khô lạnh, phải chăng điều này đã làm anh hiểu được muốn an hưởng hòa bình, mỗi người con dân đất nước phải luôn sẵn sàng trong tư thế chiến đấu, và không bao giờ cúi đầu nhận chịu nô lệ một cách cực kỳ ô nhục như những ký kết thề thốt với kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.

Chính vì hình ảnh rắn rỏi áo vải Lam Sơn, hơi hướm bưng biền nhưng hào hùng lính tráng “Trách Nhiệm, Danh Dự, Tổ Quốc” ấy, chúng ta và những người lính đã từng xông pha chiến trận cũ bỗng thấy tin tưởng, gần gũi anh hơn chăng.

Đôi dép tổ ong màu ngả vàng vướng bụi như một chứng nhân nhếch nhác tù đày lếch thếch lên phi cơ qua Mỹ đã được Vũ Đông Hà cải biên, tô điểm hay ho thành màu xanh hy vọng của một Đôi Dép Việt Nam gót đầy thân phận, có điều mớ hành trang ký ức anh mang theo trong người hẳn là sẽ còn lâu nữa mới biến thành dĩ vãng, mới trổ màu hy vọng chăng.

Vâng, tất cả 40 năm hay chỉ mới 4, 5 ngày thì dường như mãi mãi vẫn chưa xa lắm để chôn giấu trở thành ký ức, hay biến bay thành dĩ vãng. Mà cho dẫu có là dĩ vãng, mớ ký ức chúng ta mang trên vai mình vẫn là hành trang để trở về nguồn cội. Do đó tôi nghĩ họ rất độc ác khi không hoan nghênh những người con dân Việt ôn hòa về lại xứ Việt.

Và bây giờ trên dặm đường tống xuất, như trong một tình cờ của mộng mị chiêm bao được nhìn thấy Dân Chủ, đôi dép tổ ong “made in Vietnam” của Điếu Cày bỗng dừng lại ở một nơi đang diễn ra Cách Mạng Dù ngoạn mục chưa từng thấy. Hồng Kông, nơi anh thoáng qua trong giây lát với cú điện thoại mượn đỡ của ai đó vội vàng gọi về quê nhà, có lẽ anh cũng đã chẳng thấy gì và cũng chẳng nghe ngóng gì nhưng một lần nữa, đôi dép tổ ong bụi đời này lại có dịp lang bạt kỳ hồ vướng vào đất cát của một nơi đang đòi Tự Do Dân Chủ một cách mãnh liệt, hiện đại tân kỳ, tổ chức kỷ cương nhất. Rồi một hôm nào trong những tưởng nhớ, có lúc nhìn xuống đôi chân không còn đôi dép tổ ong xưa cũ nữa, chắc hẳn anh sẽ liên tưởng đến cơn gió cách mạng dân chủ của tuổi trẻ Hồng Kông đã thoáng qua làm anh vụt lạnh hôm nào, khi nhớ đến quê nhà chừng như đang mòn mỏi đợi chờ. Khi không tôi vừa chợt sống lại hai câu thơ mà anh đã nhờ con trai là Nguyễn Trí Dũng mang ra, sau những chấn song tù: “Sài Gòn đang có biểu tình/Trong đây ta chỉ một mình với ta” (không nhớ nguyên văn). Nhắc lại đây với một cánh chim vừa thoát lồng, vừa thoát khỏi thứ bầu trời ảm đạm lắm khi làm ô nhiễm cả những đường bay, thành thật mà nói, chúng ta và cả anh sẽ không bao giờ còn gặp tâm hồn mình chiều hôm ấy. Sài Gòn, Hà Nội… “có biểu tình” như anh mơ màng, dù con số chẳng là bao nhiêu, như anh trong lần dẫn đầu phong trào này, với tấm biểu ngữ cùng những anh chị em trẻ “Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam Chủ Quyền. Tây Sa Nam Sa Trung Quốc Ngụy Xưng”, rồi cho đến khi anh bị kẹt tù, anh em ở ngoài vào thời điểm mùa hè cao độ đã tiếp nối lên tới 5, 6 ngàn của năm 2011, nhưng đó mới chính là nguồn chấn động không nguôi, vì hiệu quả trúng huyệt gây trấn áp hoảng loạn làm lộ nguyên hình quỷ đỏ, và vì thế anh sẽ nhận ra hoàn toàn không giống như một lần nào đó cho dẫu có rầm rộ ở trước đại sứ quán Trung Cộng, Việt Cộng nơi một thủ đô nước Mỹ. Không giống vì Sài Gòn, Hà Nội, Huế… mới chính là nỗi quan tâm thiết thực của chúng ta. Điều còn lại hơn ai hết, chúng ta biết anh vẫn là niềm hứng khởi tin tưởng để Nguyễn Trí Dũng và bạn bè của thế hệ con cháu anh ở trong nước tiếp tục tiến bước, đồng hành trên con đường đã được mai phục sẵn hy sinh chiến thắng.

Người tráng sĩ Kinh Kha giã từ sông Dịch sang Tần, cũng vào lúc chiều xuống hoàng hôn “bóng chiều không thắm không vàng vọt”. Điếu Cày sang Mỹ ở phi trường quốc tế Nội Bài chắc cũng chỉ ngậm ngùi một dòng sông Hương thao thức đưa tiễn. Cũng chẳng có hội tụ sông về cho một dòng… nước mắt của tạ từ nhắn gởi và bạn bè thân nhân vây quanh đọc thơ Bùi Chí Vinh “phản” thơ Thâm Tâm: “Đưa người ta cứ đưa sang sông. Không sợ tiếng sóng ở trong lòng.”

Kinh Kha sang Tần làm thích khách hạ thủ bạo chúa bất thành, như một lần ra đi không bao giờ còn trở lại, và “Ba năm mẹ già cũng đừng mong”, Với người tráng sĩ Điếu Cày, khi ra đi là để trở về như một thôi thúc của mệnh lệnh thời cuộc lịch sử sai khiến, anh sẽ không trở về với bàn tay trắng, thất tung hồn vía như lúc bị tống đi vì không còn một chọn lựa nào khá hơn.

Với Điếu Cày, nhắn gởi cùng anh câu thơ cũ chúng ta yêu mến nhất của Thâm Tâm: “Chí lớn chưa về bàn tay không” là một điều chắc hẳn không chỉ là Thơ, và bắt gặp trong Thơ. Điều này dễ hiểu, vì khi ra đi, dòng sông đưa tiễn trong tim anh là một dòng sông đấu tranh!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo