Tâm sự với ông Bùi Tín về Đèn Cù - Dân Làm Báo

Tâm sự với ông Bùi Tín về Đèn Cù

Phan Châu Thành (Danlambao) - Sau khi gửi bài “Những hạn chế của Đèn Cù” lên mạng, tôi đã biết và chuẩn bị tinh thần cho một cuộc ném đá vào mình của dư luận mạng để cố gắng vượt qua cho “nhẹ nhàng”. Tôi đã bị ném đá như thế nhiều vì những bài viết thẳng thừng suy nghĩ của mình về Hồ, về Giáp, về CSVN... trước đó rồi, nên có hơi nhiều “kinh” ít “nghiệm”... Rồi tôi cũng tạm quên Đèn Cù và Trần Đĩnh đi, tập trung cho những bài viết khác như về Sân bay Long Thành hay Kho Xăng dầu Petrolimex Vân Phong mà tôi thấy cần kíp hơn.

Nhưng chiều nay lại tình cờ đọc được trên một trang mạng quen bài “2 cách ngắm Đèn Cù” của ông Bùi Tín mà nội dung hầu như chỉ dành để phản biện bài “Những hạn chế của Đèn Cù” của tôi, làm tôi khá phân vân. Dù sao, tôi cũng rất tôn trọng ông Bùi Tín - một bậc tiên sinh cùng thế hệ cha tôi - mà tôi đã thấy cha mình tự nhận là đã rất lầm lạc ngây thơ theo cộng sản suốt đời... Cho nên, phải phán xét, đánh giá những người như ông Bùi Tín, Trần Đĩnh, Trần Đức Thảo, Vũ Thư Hiên... tôi như lại phải phán xét chính cha mình - một người cộng sản con trai của một người cộng sản mà cả hai đều nhận ra mình lầm đường lạc lối quá muộn, phán xét thế hệ trước - thì thật là quá nhiều. Nhưng tôi sẽ không bắn đạn vào quá khứ (hỗn và phí), nhưng cũng sẽ không vì thế mà thay đổi quan điểm, suy nghĩ, đánh giá của mình về họ, về CSVN nói chung, về Hồ, về Giáp... (là quyền của tôi).

Ông Bùi Tín nói tôi đã quá lời, đã đi quá xa sự thật, đã nói sai về Đèn Cù và Trần Đĩnh, đã không nắm được phương pháp, nguyên tắc để thưởng thức tác phẩm như Đèn Cù... Vâng, đó là ý kiến của ông và tôi tôn trọng, xin rất cảm ơn ông vì ý kiến đó. Nhưng tôi ấn tượng nhất là thái độ nhẹ nhàng, tôn trọng của ông khi phê phán tôi mà vẫn không làm tôi cảm thấy bị công kích, đúng là tinh thần dân chủ. Và tôi cảm ơn ông Bùi Tín về điều quí giá đó - ông đã nói với tôi như nói với thế hệ đấu tranh dân chủ tiếp sau, chứ không phải như thế hệ cộng sản thứ hai (mà ông đã không còn là) với thế hệ CS thứ ba (mà tôi chưa từng là).

Tôi chỉ muốn và xin nói thêm với ông Bùi Tín mấy (ba) điều, tại sao tôi có những đánh giá như đã trình bày về Đền Cù, về Trần Đĩnh và những người như ông Bùi Tín mà tôi gọi là Hồ “nhều” và ông Bùi Tín đã cố chứng minh ngược lại. Chữ “nhều” không phải do Trần Đĩnh sáng tác ra như nhiều người “ca ngợi”, mà là từ dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ dùng với thái độ cười cợt về một thứ gì đó nhiều quá mà vô giá trị, như nói với trẻ con vậy: “Con có ‘nhều’ tiền nhỉ!” khi chúng khoe mấy đồng lẻ được mừng tuổi Tết, chúng không biết giá trị đồng tiền. Hồ “nhều” ở đây là vẫn mê tín Hồ một cách vô thức mà chưa biết (sợ, không dám biết) đích thực Hồ là ai, có phải gián điệp Tàu không?...

Thứ nhất, tác phẩm Đèn Cù dù chứa rất nhiều sự thật vụn, nhưng nó lại không nói lên được bản chất của sự thật đó, nó vẫn bế tắc, tại vì tác giả bế tắc. Tại sao tác giả bế tắc thế? Đó là giới hạn của thế hệ tác giả - thế hệ CS thứ hai, đã bị chói mù mắt hoàn toàn vì thế hệ thứ nhất “sáng” áp đảo trong bối cảnh xã hội Việt Nam (miền Bắc) bị lên đồng cộng sản hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, thế hệ CS thứ hai đã tự giác vô thức ngừng suy nghĩ, chỉ có ngưỡng mộ thế hệ đầu và làm theo. Tác giả Trần Đĩnh và cả thế hệ mình đã bị và tự tẩy não hiệu quả đến mức không biết mình vẫn là kẻ rất Hồ “nhều” một cách vô thức. Chức năng suy nghĩ độc lập của con người bát đầu đần biết mất thành bản năng tự vệ sinh tồn: suy nghĩ khác là chết, nên để sống thì chỉ có suy nghĩ theo như thế hệ CS trước hay ngừng suy nghĩ. Mà suy nghĩ như người đi trước thực chất là ngừng suy nghĩ, không tư duy, tức trở thành con vật. Quá trình con vật hóa con người bởi CS là như thế, bắt đầu từ thế hệ Hồ sang thế hệ hai của ông Bùi Tín...

Thế hệ hai, dù đã phản tỉnh, vẫn vô thức kính yêu và kính sợ Hồ, mà cứ đinh ninh (một cách ý thức) rằng mình rất coi thường hay căm ghét Hồ, như chính ông Bùi Tín. Đó là cách mà người ta có thể vừa rất yêu vừa rất căm ghét một ai đó hay một điều gì đó. Thế cho nên Trần Đĩnh và Trần Đức Thảo vẫn gọi Hồ một cách vô thức là “ông Cụ” trong tác phẩm của mình, trong khi cố gắng một cách ý thức “hạ bệ” Hồ, “giải mã” Hồ. Nhưng cái trong vô thức vẫn là quyết định. Họ và cả thế hệ đó cần một cuộc trị liệu tâm lý về Hồ để vô thức nhất quán với ý thức...

Về cá nhân những người cộng sản thế hệ hai và phản tỉnh, thực ra tôi đánh giá ông Bùi Tín và Vũ Thư Hiên cao hơn Trần Đĩnh và Trần Đức Thảo rất nhiều. Đó là vì lòng dũng cảm. Đó là vì hành động dẫn đầu thế hệ phản tỉnh của các ông. Với tôi, Vũ Thư Hiên và Bùi Tín... bất khuất hơn Trần Đĩnh rất nhiều. Cái thời khi các ông đứng lên phản tỉnh, Trần Đĩnh ở đâu và làm gì? Trần Đĩnh lấy uy tín đã viết tiểu sử Hồ mà đứng ngang Vũ Thư Hiên hay Bùi Tín ư? Với tôi thì không, và còn là ngược lại vì đó là Trần Đĩnh đã tự bẻ cong ngòi bút của mình... Có thể viết Bất khuất Tiểu sử Hồ bằng ngòi bút trung thực không? Không. Lịch sử sẽ phán xét lại điều đó. Bút pháp chỉ là chuyện nhỏ, bút chất mới là chuyện lớn. Cài ngòi bút lẽ ra phải “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” thì Trần Đĩnh lại vẽ những thằng gian để cúi luồn... thì có vẽ thêm 10 cái đèn cù nữa mà quay cũng không hết tội, hết nhục…

Thứ hai, Đèn Cù với tôi không vượt qua Bất khuất bao xa. Nếu Bất khuất 50 năm trước đó đã là một tác nhân tội lỗi góp phần đưa hàng vạn, hàng triệu số phận của các thế hệ chúng tôi đến kết cục sai lầm bi thảm (trong đó ít nhiều có cả tôi), thì khả năng Đèn Cù có thể làm ngộ nhận và lạc lối ai đó là điều rất có thể xảy ra mà tôi cảnh báo. Nhất là, khi Đèn cù “chống cộng sản quyết liệt” như vậy mà tác giả của nó lại được cộng sản quá ưu ái - không sờ đến cọng long chân - là điều rất bất thường với CSVN hiện nay. Tại sao Trần Đĩnh lại được CSVN ưu ái thế? Hiểu CSVN thì tôi không thể loại trừ khả năng Đèn Cù của Trần Đĩnh, và tất nhiên cả chính Trần Đĩnh, chỉ là một loại van xả áp (van an toàn) cho xã hội vốn đã bức bách quá rồi, mà cái van đó chả ảnh hưởng gì đến miếng ăn hay cái ghế của lũ CSVN thế hệ 3 đang cầm quyền (thế hệ của tôi, toàn “bạn bè” tôi cả! Tôi biết chúng nó nghĩ gì, chúng nó sẵn sàng “ị” lên thế hệ CS 1 và 2 để no cơm ấm cật rồi hạ cánh đổi màu...). Thế thì, ta có nên tung hô cái van đó, chỉ để làm sao trí và lạc hướng người đấu tranh vì dân chủ, hay nên tung hê nó? Trình độ lừa bịp của CSVN đã cao thượng thừa rồi, đâu chỉ là bịt mặt che râu như 60 năm trước? Nôm na là, CSVN đã dung những con vi rút tham nhũng thế hệ 5, thế hệ 7, 9... rồi mà Trần Đĩnh mới rón rén chỉ ra vài con vi rút CS thế hệ đầu MS-DOS 1.0 gì đó thì có giúp diệt vi rút tham nhũng hiện tại được không mà tung hô quá thế? Chỉ nên biết Đèn Cù thôi, nhưng đừng mất nhiều thời gian vào đó... đó là điều tôi muốn nói.

Thứ ba, đó là mong muốn giải ảo Hồ của tôi. Cảm ơn ông Bùi Tín đã nhớ và nhắc đến. Với tôi, đánh giá Hồ “tiêu cực, tác hại, giá trị dưới zero...” không phải là giải ảo Hồ. Cả trên ba triệu đảng viên hiện nay, và hàng triệu đảng viên CSVN trước đó (như chính cha tôi, ông nội, ông ngoại tôi, các cú bác tôi...) đều xứng đáng nhận đánh giá như thế và tệ hại hơn thế nữa - vì chính họ đã theo Hồ dìm đất nước dân tộc Việt xuống bùn đen CS và kéo lịch sử dân tộc đi ngược hướng tiến hóa của Nhân loại hàng vài trăm năm! Vậy Hồ cũng chỉ thế thôi ư? “Một mình” Hồ đã dựng nên cái đảng và nhà nước CSVN như hiện nay, đã làm và “lãnh đạo” tội ác trên của đám đông cộng sản ngu tối đến 3 thế hệ “thành công” rồi, mà cũng chỉ cần “giải Hồ” đến thế thôi ư? Không, người ta có Tòa án Lương tâm cho đám đông sai lầm trong lịch sử, như tôi đang phán xét chính ông cha mình - những người tôi vẫn vô cùng yêu quí (nhưng không kính...), như ông Bùi Tín tự phán xét chính mình... Người ta còn có Tòa án Tội ác chống Nhân loại cho những kẻ như Hồ. Và với tôi, giải Hồ là người Việt, dân tộc Việt đồng thanh đưa Hồ ra Tòa án Tội ác chiến tranh và chống Loài người đó. Đó như là phép trị liệu dân tộc Việt về Hồ, mới giải Hồ hoàn toàn cho dân tộc được. Nhập nhèm giữa hai điều đó (tự vấn lương tâm và đưa ra Tòa Tội ác Quốc tế) về Hồ lại chính là tội ác chống dân tộc, vì không cứu được dân tộc. Đó là lý do tôi phải cay nghiệt thế khi nói đến những người như ông Vũ Thư Hiên, Trần Đĩnh... Đánh gia nghiêm khắc không có nghĩa trừng phạt cá nhân họ. Họ đã dịch “Bông hồng vàng” của Pautowski, đã viết “Bất khuất” để lung lạc nhiều thế hệ và chính mình, thế rồi đến cuối đời họ vẫn “không ưa nhưng không muốn đạp đổ” Hồ, là cái tội “nhập nhèm” như thế. Rất may, ngày xưa họ lung lạc nhiều thế hệ với các tác phẩm của mình được là nhờ hệ thống tuyên truyền độc tôn duy nhất của CSVN - cái nay đã mất thiêng và mất độc tôn, dù vẫn còn và thêm bội phần độc hại, độc ác, độc hành tung... nhờ dân chủ và internet trên thế giới. Cũng chính là nhờ dân chủ và internet mà câu châm ngôn để lại của cha ông ta mới đúng, báo hiệu cái chết tất yếu của CSVN sắp tới: Không ai giàu ba họ, Không ai khó ba đời! Dân tộc Việt Nam nhất định sẽ không bị bè lũ cộng sản đời thứ tư (là lớp con cháu tôi) cai trị! Đời thứ ba của CSVN hiện nay chắc chắn là đời cuối cùng (mà ông Bùi Tín, Trần Đĩnh,... từng là đời CS tội lỗi thứ hai thôi).

Để kết thúc tâm sự với ông Bùi Tín về Đèn Cù, tôi xin nói quan điểm của mình về Đèn Cù tập 2. Nếu CSVN để yên cho Trần Đĩnh ra Đèn cù tập 2 thì đích thực Trần Đĩnh được một thế lực CSVN rất mạnh bảo kê, còn các thế lực khác “không thèm chấp”. Đèn Cù khi đó chỉ là một lối thoát ve sầu cho một đám CSVN nào đó mà thôi. Như thế nó có đóng góp gì cho phong trào dân chủ? Theo tôi là không, và nhiều khả năng là ngược lại: làm yếu đi, loãng đi, tự sướng, cho CS thêm thời gian cai trị vơ vét và thoát xác.

Không biết ông Bùi Tín “thưởng thức” Đèn Cù thế nào, chứ tôi cứ hình dung cái cảnh đám trẻ chen lấn xung quanh cái đèn cù - đèn kéo quân quay lờ đờ bằng sức nến và cánh quạt giấy, và ngay đằng sau đám trẻ chỉ thấy mặt lập lòe háo hức đó là những kẻ trong bóng tối đang hả hê, kẻ cầm roi để vụt đứa nào “nghịch, không biết thưởng thức đèn cù”, thì kẻ âm thầm vuốt râu khoái chí vì đã làm ra cái đèn cù lùa trẻ con vào một chỗ (để ông cho quân đi kiếm ăn)... thì tôi muốn bật điện lên chỉ cách cho bọn trẻ tự làm đèn cù còn hơn, chúng nó sẽ tự suy nghĩ và ít bị lừa lọc, sai khiến hơn...

Theo tôi, không nên bắt thế hệ blue-tooth “thưởng thức đèn cù” theo cách của thế hệ đèn cù, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo