Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an sách nhiễu - Dân Làm Báo

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an sách nhiễu

Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trình bày hoàn cảnh bản thân đang bị công an Khánh Hòa xách nhiễu.

Trong hai bài do Dân Làm Báo đăng tải, cho thấy công an Khánh Hòa hiểu sai khái niệm và nội dung Luật Tố Cáo. Từ đó, phía công an áp dụng luật sai hoàn toàn đối với công dân của nước CHXHCNVN - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - còn nguyên vẹn quyền hạn.

Theo cô Quỳnh cho biết: Công an tỉnh Khánh Hòa cần làm việc với cô về nội dung các bài viết trên facebook cá nhân do cô đứng tên [1]. Từ đó, họ thông báo FB Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tố cáo là xấu, nên nhiệm vụ của cơ quan ANĐT làm rõ thế nào là xấu [2]. 

Tố cáo vô giá trị

Luật Tố Cáo với số hiệu 03/2011/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/7/2012, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành [1].

Tất cả các bộ luật, phần "phạm vi điều chỉnh" là phần quan trọng nhất, nó luôn được đặt ngay điều 1 của bộ luật, ngõ hầu giúp tất cả mọi người khi: áp dụng, thi hành, nghiên cứu v.v...  đều phải hiểu thật rõ, nhằm không gây ra mọi sai trái hay bóp méo. 

Trong phần "Phạm vi điều chỉnh" của Luật Tố Cáo, điều 1 viết:

Luật này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Vậy, cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không thuộc "phạm vi điều chỉnh" của Luật Tố Cáo. Nói cách khác cô Quỳnh không phải "cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ", như điều 1 Luật Tố Cáo quy định.

Ngoài ra cô Quỳnh cho biết: "... phần xác nhận các nội dung in ra từ Facebook, tài liệu này do bên cơ quan ANĐT đưa ra, và theo giải thích của cơ quan ANĐT thì tài liệu này không hoàn toàn do họ in ra, mà do bên tố cáo chuyển giao..."

Khoản a, mục 1 điều 9 Luật Tố Cáo ghi rằng:

1. Người tố cáo có các quyền sau đây:

a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Do đó, người nào "chuyển giao" cho công an các bài viết trên facebook của cô Quỳnh không phải "người tố cáo". Hơn thế, người đó không chỉ sai Luật Tố Cáo mà còn xúc phạm công dân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, vì ông (bà) đấy tự ý "in ra" rồi "chuyển giao" cho công an mà không xin phép chủ sở hữu.

Suy ra, "giấy mời" cùng mọi "tố cáo" hoàn toàn vô giá trị trong trường hợp công dân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

"Nghiệp vụ công an" (?!)

Việc dẫn luật như trên, cho thấy phía công an, hoặc hiểu sai hoàn toàn thuật ngữ "tố cáo", "người tố cáo", "người bị tố cáo"; hoặc cố tình bóp méo các học thuật trong luật để xách nhiễu cô Quỳnh. Một hành vi hoàn toàn bất hợp pháp do phía công an gây ra.

Đứng trước việc xách nhiễu vô lối, cô Quỳnh đã tham vấn các luật sư : "...nghiệp vụ công an có một trình tự gọi là giai đoạn chuyển hóa chứng cứ cho nên có những biên bản khi cần họ sẽ tiến hành thủ tục chuyển hóa chứng cứ để trở thành chứng cứ tố tụng [...] tất cả các động thái từ trước đến giờ cho thấy, công an đang cố lôi tôi vào vấn đề hình sự, cụ thể là sẽ tìm đủ cách để khởi tố theo điều 258 Bộ luật Hình sự...". 

Từ điển tiếng Việt cho biết: "nghiệp vụ" [4] là kỹ năng, biện pháp thực hiện công việc chuyên môn của một nghề. Theo định nghĩa này, "nghiệp vụ" chẳng qua là "tay nghề chuyên môn" cao hay thấp; giỏi hay dở để hoàn thành công việc được giao. 

Một khi công an áp dụng "tay nghề" vào trong chuyên môn - như các luật sư cho cô Quỳnh biết - đồng nghĩa công an đang "bức cung", "ép cung", "dụ cung" - đây là những hình thức điều tra bị nghiêm cấm tuyệt đối, dù cho đó là tội phạm, bị can, bị cáo. Hơn nữa:

- Cô Quỳnh vẫn còn nguyên vẹn quyền công dân của mình. Điều này có nghĩa, giới công an Khánh Hòa đã vi phạm hoàn toàn hiến pháp, luật pháp, cũng như chứng tỏ "nghiệp vụ" quá kém!.

- Việt Nam đã ký kết Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác (tiếng Anh: United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment).

Theo luật sư cho biết: "...trong "nghiệp vụ công an" có "giai đoạn chuyển hóa chứng cứ...". Nếu quả vậy, công an Khánh Hòa cần huấn luyện và nâng cao "nghiệp vụ" cho cấp dưới để phục vụ cuộc sống yên lành của nhân dân tốt hơn. 

Phát "giấy mời", ngồi một chỗ chờ "khách" đến, nhận "tài liệu in ra" từ người vu vơ nào đó, rồi "ngồi lập biên bản", ép "khách" ký v.v... cho thấy công an hầu như không có tư duy độc lập. Ngoài ra, với "nghiệp vụ" như thế, "hình ảnh cao đẹp" thông qua những chuyến trinh sát xông xáo, theo dõi tội phạm kiên trì, truy tìm manh mối nghiêm cẩn và phát hiện một cách thông minh từ chứng cớ vô cùng nhỏ nhặt, trà trộn vào hang hùm miệng sói v.v... ngày càng mai một và tiêu tan. Rất tiếc cho lực lượng "công an nhân dân" ngày nay, không còn nối tiếp "truyền thống cao đẹp" cha anh, để trình ra trước nhân dân bóng dáng "kiêu hùng" và "quả cảm" của ngày xưa (!).

Giám đốc công an Khánh Hòa và cả Bộ Công An nên huấn luyện, giáo dục và tổ chức các đợt học luật cho cấp dưới để đảm bảo đừng biến "nghiệp vụ" gọi là "giai đoạn chuyển hóa chứng cứ" trở thành điều mà người dân gọi là "gài bẫy". Bởi đã gọi "gài bẫy", nghĩa là không phải hành vi dành cho những người làm công vụ. 

Một khi "gài bẫy" được gọi tên trong các vụ án thuộc các điều 79, 88, 89, 258 v.v... tức là nó chống lại khoản 1 điều 2 trong Hiến pháp, quy định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân". 

Kết

Trong phản ảnh của cô Quỳnh, công an cho biết có ai đó thài lai làm công việc gọi là "tố cáo" facebook Nguyễn Ngọc Như Quỳnh "là xấu", nên từ đó "cơ quan ANĐT làm rõ thế nào là xấu". "Xấu" hay "tốt" thuộc phạm trù đạo đức. Đó không thuộc trách nhiệm và phận sự của công an các cấp, nên nhường lại cho các "nhà văn hóa", các "nhà đạo đức".

Nếu công an Khánh Hòa - với tư cách bạn bè - quý mến và thấy Như Quỳnh bị "xấu" trong mắt những người xung quanh, họ có thể thuyết phục cô tham gia vào phong trào "Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Tất nhiên, thích tham gia hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nếu cô thấy cần phải "cải tạo" bản thân cho "đẹp" lên.

Căn cứ vào Luật Tố Cáo và các hành vi xách nhiễu từ phía công an Khánh Hòa, công dân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có đầy đủ chứng cớ và tư cách để thực hiện QUYỀN TỐ CÁO.



______________________________________



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo