Audio book: Đèn Cù I - Chương VII - Dân Làm Báo

Audio book: Đèn Cù I - Chương VII




Bốn ngày đêm ngược Trung Hoa. Lụt Hồ Nam, Vũ Hán, phải đi ngả Hàng Châu, Giang Tô, Giang Tây. Những dòng sông trong xanh mà nhìn vào bờ vẫn ngỡ thấy các hòn đá Tây Thi giặt lụa. Đỗ ở Hàng Châu, tôi cứ muốn biết thời xưa chỗ đầu tàu phì phò lấy nước này có là một tửu lâu không và Tô Đông Pha có la cà tới đó? Phà chở một lúc mấy toa xe lửa vượt Dương Tử mênh mông sóng lớn cho tôi thấy cái hơi thở sâu trầm của công nghiệp. Khói nhà máy Thượng Hải từ xa đã biến thành phố này ra thành một dẫy cô đảo chập chờn.

Đến Bắc Kinh đại học hình như đúng đêm 19 tháng 8. Chân chợt rón rén khi vào khu Lục Viện, túc xá trước kia của Yên Kinh đại học, Yenching - Harvard, một nhánh của Harvard. Vàng son, chạm trổ, mùi vị vuơng phủ…

Tất cả lưu học sinh học tiếng Trung Quốc một năm ở Bắc Kinh đại học rồi sẽ chia đi các trường chuyên nghiệp hay đại học khác. Đám báo chí lẽ ra sang Tiệp học theo giúp đỡ của OIJ (Hội nhà báo quốc tế, do Liên Xô đỡ đầu), nhưng Phạm Văn Đồng ở Genève về qua Bắc Kinh đã chỉ thị các ngành văn hoá báo chí, sử, nghệ thuật đều học tại Trung Quốc vì Trung Quốc gần với Việt Nam hơn. Nhờ thủ tướng trọng chữ Đồng mà tôi và Linh thành tương thân chứ nếu thủ tướng tên Dị thì có lẽ đã sang một nẻo khác.

Vài ngày sau lưu học sinh Việt Nam được hiệu trưởng Mã Dần Sơ chiêu đãi. Ông là nhà kinh tế học lỗi lạc, đào tạo ở Mỹ.

Thấp béo, hiền hậu. Lưu học sinh Việt Nam biểu diễn ca nhạc “Chàng buông vạt áo em ra là em ra…”. Linh hát quá hay nhưng tôi không buông. Tôi kéo Linh ra đứng dưới cây lê thấp ngoài sân trước cửa nhà ăn. Tuổi trẻ lãng mạn thích trăng sao, nhìn mắt Linh lúc ấy tôi ngỡ như mình đang vút lên ngang những vì sao trên Vạn lý Trường thành rồi tôi chạm tới mặt trăng thật: hôn cái đầu tiên. Vào má. Thấy Mã hiệu trưởng cười ở bên trong. Đinh ninh ông thấy chúng tôi “trốn” và ông phê chuẩn.

Nhưng nội bộ quyết dẹp. Ngay lập tức vi phạm kỷ luật luyến ái thế này chúng tôi đã láo xược thách thức toàn thể. Cả năm học ấy, chúng tôi là đối tượng giáo dục, phê phán, ngăn chặn và ép cắt đứt. Đến nay tôi cũng không hiểu tại sao tôi, nhất là Linh non nớt như thế, lại có gan ghẹo ngay vào giới luật thiêng liêng hàng đầu của đảng.

Xong hè 1955, Linh sang Bắc Kinh vũ đạo học hiệu. Tận đằng Đào Nhiên Đình, cách nhau non mười lăm hai chục cây số. Linh cắt bỏ bộ tóc dài mượt mười sáu tuổi đời mà các nữ sinh Triều Tiên hễ gặp lại vuốt ve khen đẹp. Tối thứ Bảy, nghe nữ sinh Trung Quốc ríu rít gọi nhau “jin cheng” - vào thành phố, rồi tiếng xe buýt rồ máy rời trạm, như một kỷ niệm bong đi, tôi buồn ghê gớm.

Trong cuộc họp lưu học sinh Việt Nam ở toàn Trung Quốc, đại sứ Hoàng Văn Hoan lớn tiếng chửi vụ hai chúng tôi. “Mới sang đã tung hê ngay kỷ luật của Đảng, chân ướt chân ráo luyến ái ba lăng nhăng ngay. Người chứ đâu phải trâu với ngựa mà cứ gặp nhau là nhảy”.

Trớ trêu! Tôi làm thư ký ghi biên bản, ngồi ngay cạnh đại sứ. Tôi đã phải ngăn mình đứng lên nói: “Thưa, chính là tôi”.

Cái ngăn tôi liều chính là Linh. Nữ sinh ngồi ở hàng đầu. Ngay trước mặt tôi, Linh ngồi đó chịu trận, đầu cúi xuống, hai tay chắp lại. Một a hoàn đang bị các lệnh bà quở nạt. Thương Linh xấu hổ, tôi đã im. Viết trẹo vào biên bản thành “đâu phải trâu với ngọ mà cứ hễ gặp nhau là ngủ?”. Thấy chữ “nhảy” đểu quá.

Lúc này Hoan đề cao kỷ luật đảng, ai ngờ rồi ông lại phạm kỷ luật trốn sang Bắc Kinh tối tối lên đài đọc hồi ký “Giọt nước trong biển cả” chửi Lê Duẩn thậm tệ.

Sắp khai giảng niên học mới, trường mời tôi để một buổi tối nói kinh nghiệm học tiếng Trung Quốc cho mấy trăm anh chị em lưu học sinh Việt Nam mới đến Bắc Kinh đại học.

Vào đầu tôi nói hãy coi ngôn ngữ lạ mà ta học như mỹ nhân. Để có thể đến với nó với tất cả cảm xúc và trí tuệ. Để có thể “Đôi ta như đá với dao, năng liếc năng sắc, năng chào năng quen”. Then chốt ở chỗ năng. (Đến đây tôi buột thở dài, thầm nghĩ, nay còn năng làm sao? Hai chi bộ theo lệnh sứ quán đều vây ráp…) Sau đó mách anh chị em các mánh để nhớ. (Lại thở dài. Sao ta không biết mánh quen?) Để nhớ có một cách như mâu thuẫn: thêm họ hàng râu ria vào cho cái ta cần nhớ.

Thuở bé học đến sông Loire (Pháp) có bốn nhánh là Vienne, Creuse, Indre, Cher thì tôi lại nói thành Viện Cớ Anh Xe. Một nhát nhớ ngay. Không phải lẩm bẩm ôn hoài ở trong đầu…

Ba mươi hai năm sau, ở Sài gòn, đến nhà Thiết Vũ ở Hàm Nghi, dắt xe mò lần trong cái ngõ ông mất điện tối mù, tôi khẽ kêu “Đi thế nào đây?” thì trong cùng ngõ cất lên tiếng người lạ:

Ngỡ công an, tôi thầm nghĩ: “Theo cả đến đây, Hai Khuynh dặn cẩn thận đúng quá?

Tiếng nói lại tiếp luôn:

- Lên tầng trên tôi chờ anh, xem anh có nhớ ra tôi không?

Không phải công an. Anh bạn này nghe kinh nghiệm học tập tối hôm đó, cùng với những Ngô Y Linh, Huy Du, Nguyễn Đình Nghi… Chúng tôi chưa hề chuyện trò bao giờ nhưng anh đã nạp tôi vào bộ nhớ âm thanh kỳ diệu của anh. Anh bạn đích thị tri âm này tên Bùi Phú Dụng, nay đã bảy mấy và ở ga Bình Triệu. Thỉnh thoảng vẫn gọi tôi qua điện thoại. Anh đáng vào Guinness.

Lên đại học, tôi viết bút ký toàn bằng tiếng Trung Quốc. Có lẽ cũng duy nhất? Như đã duy nhất luyến ái bất chấp kỷ luật tu hành.

***
Thình lình Thép Mới đứng bên bàn ăn của tôi ở Bắc Kinh đại học. Anh theo Cụ Hồ đi cảm ơn mười hai nước xã hội chủ nghĩa giúp ta thắng Pháp. Ngay tại nhà ăn, anh bảo tôi:

- Về Việt Nam tao sẽ phải tranh thủ ăn chứ chủ nghĩa xã hội ăn như thế này thì kém bữa bánh cuốn thịt quay cà cuống của tao mỗi sáng.

Chúng tôi đã đi chơi với nhau mấy bữa. Tôi hỏi anh một vấn đề mọi người đang bận tâm: Tại sao ta và Diệm đang tranh nhau Hoàng Sa cả ở trên báo mà đùng một cái ta lại công nhận và hoan nghênh Trung Quốc thu hồi Hoàng Sa?

- Mày ấu trĩ bỏ mẹ! Theo hiệp định Genève thì chỗ ấy dưới vĩ tuyến 17 phải là của Diệm. Để cho ông anh Trung Quốc chứ không để Mỹ nó vào nó xây căn cứ hải quân sát nách à?

Thế là tôi nghĩ ngay - y như Đảng lúc bấy giờ - mai kia ta cần, bạn lại trả cho ta, đi đâu mà mất, miễn là về phe ta.

Hôm ấy tôi nhận xét với Thép Mới một điều mà tôi cho là một nhược điểm lớn của Việt Nam: chúng ta thiếu một cuộc cách mạng tư sản dân chủ. Trung Quốc nó có từ 1911. Con gái Trung Hoa đã mặc váy ngắn đi đường đồng ca đòi nam nữ bình quyền từ đấy. Ít ra chủ nghĩa tư bản cũng đã lãnh đạo đất nước này được vài chục năm, Lỗ Tấn chửi chế độ nó ác thế mà nó để nguyên vẹn mạng ông cùng cái bút…

Có lẽ muốn tôi đỡ buồn vì bị cấm yêu, Thép Mới một sáng ngồi ở công viên Trung Sơn đã lộ ra với tôi:

- Này, mày nghe bình tĩnh nhá…, hình như bố Hồng Linh…, ta thịt, nghe đâu hình như (ông ta) là đặc vụ.

Một luồng băng lạnh buốt chạy ngầm suốt dọc người tôi.

Thép Mới lắm tin lắm, hắn đã nói ra thì nhiều phần là sự thật.

Nhưng không biết một cái gì đó trong tôi lập tức khiến tôi ngờ vực. Tôi hỏi:

- Cậu nghe ai?

- Thì cũng là xì xào thế… Khoa Tếu nó có biết ông ấy.

Rất nhanh, đảng viên Trần Đĩnh tự hỏi: có tiếp tục không?

Nhưng một Trần Đĩnh khác, một Trần Đĩnh chỉ thấy yểu điệu thục nữ cũng lại lập tức tự quyết định: thôi, cứ chờ bao giờ có tin chính thức đã. Tiếp theo là một loạt biện hộ hùng hồn: chả lẽ tầm thường đến thế ư? Chưa chi đã dao động.

Không, tôi càng phải ở bên Linh để cùng ngụp lặn trong cảnh ghê sợ này, nếu nó có là thật đi nữa.

Sau lần gặp Thép Mới ít lâu, tôi đã hỏi Lê Phú Hào, phóng viên Thông tấn xã tại Trung Quốc, về tin chính phủ ta công nhận vùng hải phận của Trung Quốc, tức là công nhận Hoàng Sa. Lê Phú Hào nói vì Liên Hợp Quốc nó ra cái luật biển với cái công ước gì tôi không nhớ, chỉ biết liên quan đến chủ quyền biển, các nước sẽ ký vào để khẳng định chủ quyền biển đảo của mình nhưng Trung Quốc và ta không ở trong Liên Hợp Quốc nên Trung Quốc tuyên bố một mình và ta ủng hộ. Do đó đại sứ Nguyễn Khang có trình công hàm cho Bộ ngoại giao Trung Quốc và ông Đồng cũng có công hàm gửi Chu Ân Lai công nhận tuyên bố của Trung Quốc về hải phận của Trung Quốc. Tớ nghĩ, Hào nói, nếu chỗ ấy mà của Sài Gòn thì Mỹ thừa sức mở căn cứ hải quân thật đấy. Nghe Hào tôi càng yên tâm. Vốn quen kiểu nghĩ của Trung ương và Bác Hồ đã làm thì phải đúng.

Lúc ấy tôi chưa chống đảng lật đổ và Lê Phú Hào, tình báo đội lốt nhà báo, chưa “phản bội” nhảy sang địch.

Niên học 1955-56 trôi đi bức bối (với tôi vì bị cấm yêu).

Cho tới giữa năm 1956 thì diễn ra một chuyện động trời khiến cho tất cả gần như bị đảo lộn: Đại hội 20 Đảng cộng sản Liên Xô, báo cáo mật của Khruschev về Stalin. Tôi đã ngày ngày đến thư viện của Đại học Bắc Kinh mở báo Pháp Le Monde. Không có. Chắc nhà trường đã cấm bày các số báo đó.

Nhưng tôi vớ được một tờ đăng tin Tổng bí thư Đảng cộng sản Anh Harry Pollitt sau khi đọc báo cáo này đã bị mù suốt nửa tháng. Hình như bị là do cái sự thật kinh khủng này.

Một trận bão lớn ập đến. Đại hội XX đã cho một cái nhìn phê phán không thể dung thứ cộng sản kiểu Stalin. Trong xung đột Xô - Trung, Đảng vẫn diễn giải là Liên Xô phản phúc, công kích trước nên Trung Quốc phải công kích lại. Nên biết một khía cạnh khác…

Mao Trạch Đông từ lâu không cam làm anh hai trong phe. Thơ từ của Mao đã nói rõ khẩu khí. Vung tay lên chia thiên hạ ra làm mấy cơ mà…

Stalin chết, đây là cơ hội cho Mao đặt lại tư cách đầu tàu. Mao lợi dụng hậu quả phá phách ghê gớm của Đại hội 20 để công khai đả kích Liên Xô. Mao biết phần lớn lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa rất ngại chống sùng bái cá nhân. Cầm quyền không cần tự do bầu cử mà không sùng bái cá nhân thì có bằng trò đùa!

Đại hội XX họp, đoàn Đảng cộng sản Trung Quốc đến, Chu Đức cầm đầu nhưng Đặng Tiểu Bình quản tất. Đài phát thanh Liên Xô phỏng vấn Chu Đức. Trong bài trả lời, Chu Đức dùng công thức chính thức vốn có về việc giúp đỡ của Liên Xô gồm bốn vế “to lớn, toàn diện, có hệ thống và vô tư” thì duyệt nó lần cuối, Đặng Tiểu Bình xén chữ “to lớn” đi mà thay bằng “hai nước giúp đỡ lẫn nhau”. Lần đầu xuất hiện cái thế ngang thưng này.

Ngọn cờ lý tưởng thiêng liêng nhưng tay con người phất nó lại bẩn. Dưới gầm bàn hội nghị, anh cả anh hai dọt vỡ ống đồng nhau và ngầm nhắm đàn em lôi kéo.

Khruschev đưa ra ba luận điểm mới toanh trong Đại hội XX: chung sống hòa bình, khả năng quá độ hòa bình lên chủ nghĩa xã hội và khả năng ngăn ngừa chiến tranh. Cái gai nhọn chính là ở chống sùng bái cá nhân nhưng bàn cãi chỗ này thì chả hoá ra tiểu nhân tham vọng quá hay sao? Liền phất cờ bảo vệ Stalin! Mày chống, tao bênh: Là tao chống mày. Thế là Nhân Dân nhật báo cắt nghiến đi luôn luận điểm “khả năng quá độ hoà bình lên chủ nghĩa xã hội”. Khác nào thiếp mời dự cưới chỉ để tên chú rể không có tên cô dâu. Cắt nó đi ví nó chính là “chủ nghĩa xét lại” phản đối bạo lực cách mạng, đầu hàng đế quốc. Từ nay phải hâm sôi nồng độ máu hiến dâng cho cách mạng thành chuẩn mực phân biệt cách mạng với cải lương. Quả nhiên cách hâm sôi máu đã kéo được khối người sính sùng bái cá nhân đi theo.

Mao chống Khruschev, nhưng Đại hội VIII Đảng cộng sản Trung Quốc (1956) lại xóa “tư tưởng Mao Trạch Đông” nêu trong Điều lệ. Rất ức, khai mạc, Mao nói vài câu rồi tếch. Phe bắt đầu rạn, nội bộ mỗi đảng bắt đầu nứt.

* * *

Một đoàn cán bộ báo Nhân Dân gồm Kỳ Vân, Xuân Trường, và Hồng Hà (mới ở Cứu Quốc sang Nhân Dân) qua Bắc Kinh để đi Liên Xô học. (Trên rừng, Thép Mới nói anh đã đưa người em của anh lên Hà Nội làm báo như thế nào: Con ông cụ - tức Hồng Hà - buôn trầu cau hung quá, cứ ôm cả giỏ tổ bố thế này ngồi nóc toa đều đặn từ Thanh Hoá ra, tao thấy thảm cho

con ông cụ, mới đưa con ông cụ ra làm báo Việt Cách của tao ở phố Charon. Mày biết đấy, từ đó con ông cụ quay ra quản tư tưởng tao, sư nó, ốp ghê lắm…)

Lần đi học này có cả Hoàng Minh Chính, Minh Việt, phó bí thư thành ủy Hà Nội.

Tôi ra khách sạn Hòa Bình ở phòng Kỳ Vân chơi với anh em suốt chiều cho tới tận tám chín giờ sáng hôm sau tiễn ra sân ga. Các thứ chuyện nhưng nổi nhất là sửa sai cải cách ruộng đất và Vanh chem (vingtième, tiếng Pháp: hạng, thứ 20 - BT) - Đại hội 20.

Kỳ Vân nói Trung Quốc nhất định phải chống Vanh chem. Gì chứ hoàng đế là không chịu cho ai chống sùng bái hoàng đế. Tôi nói có khả năng chịu, bằng chứng là Đại hội 8 đã xúp “tư tưởng Mao” đi. Kỳ Vân nói Mao chống thì ta cũng chống. Trung Quốc làm gì thì Việt Nam làm thế. Mao chịu sao được dân chủ hoá.

Cả tôi và Kỳ Vân đều sai, đều đúng. Kỳ Vân đánh giá quá cao yếu tố tiêu cực của Mao, tối quá cao yếu tố tích cực của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Bộ phận tích cực này mười năm sau thua Mao thảm hại. Thành toàn những “xét lại, đi đường tư bản, phái hữu, phản bội” vào tù, bị đấu tố và chết. Mao chết, họ lại nổi lên và thay đổi Trung Quốc.

Còn ta theo Mao, thì Kỳ Vân đúng! Tôi chỉ thấy Hồ Chí Minh, không thay Lê Duẩn lúc ấy đã coi Mao là “Lê-nin của thời đại ba làn sóng cách mạng”. Tôi lúc ấy chưa thể hình dung ra chuyện Cụ Hồ rồi cũng bị ngồi chơi xơi nước. Tôi tin tay lái con thuyền Việt Nam không bao giờ tuột khỏi tay Cụ.

Về cải cách ruộng đất, Kỳ Vân kể một chuyện làm tôi bàng hoàng. Đúng hơn, kinh hoàng. Chu Văn Biên, bí thư đoàn ủy cải cách ruộng đất Nghệ - Tĩnh, bắc ghế ngồi trên thềm cao chỉ tay vào mặt mẹ đẻ chắp tay đứng ở dưới sân dằn giọng:

- Tao với mi không mẹ không con mà chỉ là kẻ thù giai cấp của nhau. Tao có phận sự tiêu diệt mi mà mi thì nhất định sẽ chống lại…

Bà mẹ cắn lưỡi không chết. Ít lâu sau, nhảy giếng tự tử thành… Chu Văn Biên ký lệnh xử tử bất kỳ ở đâu. Chính hắn sai trói gô bố đẻ của Phan Đăng Lưu là Phan Đăng Tài, lùa ông cụ vào đòn ống khiêng lên trại tù rồi sau cụ chết mất xác.

Khi bị khiêng đi, cụ cứ chửi chúng mày khốn nạn, thằng Lưu kia, mày theo cộng sản để cho đàn em cộng sản của mày đối xử với tao thế này à? Du kích khiêng ông cụ lại đánh đá ông cụ… À, trong Nghệ có câu ca:

“Phá đảng lừng danh quân Đặng Thí,
Giết người khét tiếng gã Chu Biên”…

- Biên nay làm gì?

Đề bạt thứ trưởng nông nghiệp. Dù sao cũng giàu nhiệt tình cách mạng.

- Thế Bác sao?

- Bác thì vãi nước mắt. Nước mắt Bác làm mát đi các nỗi đau lòng. - Kỳ Vân nói.

Sáng sau tôi tiễn anh em ra ga. Hoàng Minh Chính là người cuối cùng nắm lấy tay cửa lên xuống nhoài mãi ra lớn tiếng bảo tôi:

- Cấm yêu là thế quái nào? Đấu tranh đi, đòi dân chủ…

Chính là người dẫn đội cải cách về đồn điền cụ Đào Đình Quang, địa chủ kháng chiến, yêu nước, thân sĩ, bố vợ Nguyễn Khánh Toàn và Đinh Đức Thiện. Đại đoàn 312 của Trần Độ, Lê Trọng Tấn thường xuyên đóng trên đất của cụ, ăn cơm miễn phí của cụ. Vị thân sĩ treo cổ chết.

Đào Đình Đức, giáo sư bác sĩ, con trai cụ ngậm ngùi bảo tôi:

- Ông cụ sợ bạo lực mà…

- Không phải, - tôi nói, Ông cụ trốn chạy cái đáng ghê sợ hơn nữa. Đó là sự tráo trở lật mặt…

Cái tráo trở còn khiến người ta không bao giờ thấy tội lỗi.

Hoàng Minh Chính không tráo trở nên sau đó đã bỏ cả đời đòi dân chủ. Có giẫm chân vào bùn mới biết từ đấy tránh bùn.

Đào Đình Đức cho tôi xem tấm ảnh lớn chụp cụ Đào Đình Quang đứng với Trần Độ, Lê Trọng Tấn và mấy sĩ quan của ban chỉ huy sư đoàn 312.

- Ông cụ đãi cơm gà cho sư đoàn này nhiều lắm đây! - tôi nói.

- Thế mới nên tội mua chuộc cách mạng, trốn đấu tranh giai cấp.

- Vậy thì cương lĩnh đoàn kết địa chủ, tư sản của Việt Minh năm 1941 là mua chuộc tư sản, địa chủ. - tôi nói - Mua chuộc cách mạng thì chết, mua chuộc phản động thì sống và có thành tích rồi lên cao…

- Chào anh Trần Đĩnh!


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo