Phái đoàn Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ tiếp xúc với đại diện các tổ chức XHDS độc lập trước khi làm việc chính thức với nhà nước VN - Dân Làm Báo

Phái đoàn Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ tiếp xúc với đại diện các tổ chức XHDS độc lập trước khi làm việc chính thức với nhà nước VN

Hình được cung cấp bởi nhân viên ĐSQ

Danlambao - Sáng ngày 6/5/2015, ông Tom Malinowski - Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động và cũng là Trưởng đoàn Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ đã gặp gỡ đại diện các tổ chức Xã hội Dân sự độc lập (XHDS) để có buổi trao đổi về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Buổi tiếp xúc này đã được diễn ra trước khi phái đoàn có buổi làm việc chính thức với chính phủ Việt Nam vào ngày 7/5/2015 tại Trung tâm hội nghị Rose Garden của Đại sứ quán Mỹ ở số 170 Ngọc Khánh (Hà Nội).

Một tuần trước đây, bà Jenifer Neidhart de Ortiz, Tham tán chính trị về Nhân quyền của Đại sứ quán Hoa Kỳ đã gửi điện thư mời các tổ chức khởi xướng Chiến dịch Nhân quyền 2015 và ký tên trong Thư ngỏ gửi Hội đồng Nhân quyền LHQ đến tham dự buổi họp này.

Phía phái đoàn Hoa Kỳ ngoài ông Tom Malinowski còn có:

- Bà Anny Ho (Regional Refugee Coordinator / Điều phối viên Khu vực về Người Tị nạn);
- Bà Susan O'Sullivan (Director Office Asian & Pacific Affairs / Giám đốc Văn phòng Các Vấn đề châu Á-Thái Bình Dương);
- Ông Jason Foley (Deputy Assistants Administrator USAID / (Phó Quản lý USAID);
- Ông Ronald Newman (Director of Multialateral Affairs / Giám đốc Các Vấn đề Đa phương);
- Ông David Saperstein (Ambassador at Large for International Religious freedom / Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế);
- Bà Judith Heuman (Special Advisor for Disability Rights / Cố vấn Đặc biệt về Quyền của Người Khuyết tật);
- Bà Sarah Fox (Speacial Representative for International Labor Afairs / Đại diện Đặc biệt về Các Vấn đề Lao động Quốc tế);
- Ông Tim Wedding (Deputy assistant USTR for Labor / Phó quản lý USTR về Lao động);
- Bà Marta Prado (USTR Director for Southeast Asia & Pacific / Giám đốc phụ trách Đông Nam Á và Thái BÌnh Dương của USTR)

Các đại diện XHDS độc lập tham gia gồm: 

- LS Nguyễn Văn Đài (Hội Anh em Dân chủ); 
- Anh Trương Minh Tam (Con đường Việt Nam)
- LS Lê Thị Công Nhân (Lao động Việt); 
- Blogger Nguyễn Tường Thuỵ (Hội Nhà báo Độc lập); 
- TS Nguyễn Quang A (Diễn đàn Xã hội Dân sự); 
- Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và anh Võ Trường Thiện (MLBVN); 
- Chị Hà Thị Vân (Hội Bảo vệ quyền Tự do Tôn giáo); 
- Nhà thơ Bùi Chát (Nhà Xuất bản Giấy vụn); 
- Anh Lê Công Vinh (No-U Sài Gòn); 
- Anh Nguyễn Đình Hà
- Anh Nguyễn Lê Hùng, anh Ngô Duy Quyền (Hội Bầu bí tương thân); 
- Chị Trần Thị Nga (Hội PNNQ Việt Nam) 
- và một thành viên của Dân Làm Báo.

Tom MalinowskiU.S. Assistant Secretary of State for
Democracy, Human Rights and Labor
Mở đầu buổi trao đổi, ông Tom Malinowski cho rằng đây là thời điểm quan trọng để thúc đẩy vấn đề nhân quyền khi Việt Nam và Hoa Kỳ đều mong muốn mối quan hệ Việt-Mỹ ngày càng chặt chẽ thông qua hình thức thúc đẩy quan hệ thương mại, quan hệ quốc phòng...

Người trưởng phái đoàn Đối thoại Nhân quyền của Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng quan điểm của Hoa Kỳ rất rõ ràng rằng muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phải song song với việc tôn trọng nhân quyền. Ông cho biết tuy vài tháng qua Việt Nam có những cải thiện nhưng Hoa Kỳ nhận thấy vẫn còn rất nhiều hạn chế và một trong những vấn đề hạn chế ấy là mối quan hệ giữa chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự độc lập.

Ông Tom Malinowsku cũng cho biết là phái đoàn Hoa Kỳ đã theo dõi nỗ lực vận động thư ngỏ gửi Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng như chiến dịch Nhân quyền 2015 và phái đoàn đánh giá cao sự dấn thân hoạt động của các tổ chức XHDS độc lập tại Việt Nam. Chính vì thế buổi gặp gỡ hôm nay với đại diện các tổ chức XHDS là để lắng nghe các ý kiến đóng góp nhằm có thêm thông tin bổ sung cho phiên họp chính thức với nhà nước Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày mai.

Chia sẻ với phái đoàn về hiện tình nhân quyền, TS Nguyễn Quang A của Diễn đàn Xã hội Dân sự cho rằng tại Việt Nam, tất cả các quyền tự do cơ bản đều được Hiến pháp ghi nhận nhưng trên thực tế nó không được tồn tại. Chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm là việc rất tốt nhưng tốt hơn hết là cần phải thúc đẩy sửa đổi luật pháp để giải quyết vấn đề tận gốc.

Một trong những vấn đề phái đoàn quan tâm là quyền tự do tôn giáo liệu có được thực sự đảm bảo thông qua Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng Tôn giáo. Theo ông David Saperstein, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế, thì thời hạn để tiếp nhận các sửa đổi cho dự thảo là quá gấp rút. Chị Hà Thị Vân đã cung cấp thêm thông tin cho phái đoàn rằng khi dự thảo trên được công bố cách đây 1 tháng thì đã có giáo phận Bắc Ninh, giáo phận Kon Tum và Hội đồng Giám mục Việt Nam lên tiếng phản đối. Theo trình bày của Hà Vân và LS Lê Thị Công Nhân thì dự thảo này giới hạn quyền tự do tôn giáo hơn trước đây bằng việc quy định phải xin phép khi cử hành các nghi thức tôn giáo khá chi tiết.

Đại diện Mạng Lưới Blogger Việt Nam là blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã trình bày kết quả sơ bộ của Chiến dịch vận động Tự do - Dân chủ - Nhân quyền 2015 hiện đã có hơn 30,000 chữ ký. Kết quả này có được là do sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là cộng đồng Hoa Kỳ và Úc châu.

Blogger Mẹ Nấm cũng trình bày thêm về tình trạng những người hoạt động nhân quyền tại Việt Nam bị sách nhiễu và đàn áp dưới nhiều hình thức như: bị cấm xuất cảnh, bị xâm phạm quyền tự do đi lại và đối diện với tình trạng bắt giữ tùy tiện của công an; tình trạng người dân bị chết khi bị an ninh bắt giam mà theo báo cáo mới nhất do Bộ Công an công bố đã có hơn 200 người chết trong đồn công an, trại tạm giam, tạm giữ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được kết luận là do tự tử, bệnh tật... mà không có cơ quan giám sát độc lập. Và nghiêm trọng hơn là tình trạng công an sử dụng bạo lực với công dân không bị xử lý nghiêm minh.

Trong dịp này, MLBVN đã trao cho phái đoàn Hoa Kỳ bản lên tiếng về trường hợp Facebooker Nguyễn Viết Dũng bị bắt giữ tuỳ tiện bởi điều 245 BLHS và danh sách các tù nhân lương tâm cần được quan tâm như bằng chứng cho phiên họp chính thức sáng ngày 7 tháng 5, 2015.

Ông Tom Malinowski bày tỏ sự quan tâm đến tình trạng của Nguyễn Viết Dũng bằng những câu hỏi liên quan đến hình thức bắt giữ và lý do khởi tố và cho rằng đây là những trường hợp cụ thể nhất để phái đoàn Hoa Kỳ đặt vấn đề để thảo luận với nhà nước Việt Nam.

LS Nguyễn Văn Đài thay mặt Hội AEDC trình bày về việc thay đổi phương thức đấu tranh của hội từ đối đầu sang đối thoại với an ninh cấp cao và nhận được phản hồi rằng thay đổi tại Việt Nam sẽ đến từ từ nếu các tổ chức XHDS đủ mạnh. Bên cạnh đó LS Đài cũng nêu ý kiến về vấn đề tài chính để Hội AEDC có thể hoạt động hiệu quả hơn.

Nhà thơ Bùi Chát, đại diện Nhà xuất bản Giấy Vụn đã trình bày các khó khăn về quản lý xuất bản và tự do báo chí. Anh Bùi Chát cho rằng thực sự cần thiết nếu có thể thay đổi điều kiện thành lập nhà xuất bản, có tự do báo chí để tạo nên những thay đổi về nhận thức trong xã hội.

Các đại diện của các tổ chức XHDS độc lập đề nghị phái đoàn thúc đẩy nhà nước Việt Nam tôn trọng các cam kết đã ký với thế giới về nhân quyền như quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền tự do đi lại của công dân. Đặc biệt là yêu cầu chấm dứt sử dụng các điều luật hình sự 79, 88, 258, 245 để đàn áp, bắt bớ các nhà hoạt động, tôn trọng sự tồn tại của các tổ chức XHDS độc lập, chấm dứt việc đàn áp, bắt giữ tuỳ tiện.

Kết thúc buổi tiếp xúc, ông Tom Malinowski cho rằng nếu nhà nước Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ thì phải có sự tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng nhân quyền. Đơn cử như thông qua việc thúc đẩy quan hệ thương mại TPP, nếu Việt Nam muốn có những thuận lợi lớn về kinh tế thì đi liền với nó phải có các thay đổi liên quan đến quyền lợi của người lao động bởi thuận lợi kinh tế chỉ đến khi có sự thay đổi từ quyền lợi của công dân.

Ông Tom cũng đã thực hiện một cuộc trưng cầu ý kiến tại chỗ để biết quan điểm của đại diện các tổ chức XHDS độc lập - đặt mình trong vai trò của 535 thượng nghị sĩ Mỹ - thì sẽ bỏ phiếu như thế nào cho việc VN gia nhập TPP. Kết quả có 5/14 người bỏ phiếu thuận, 1 phiếu trắng, và 8 phiếu chống.

Kết thúc buổi họp, Trưởng đoàn Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ đã cám ơn sự đóng góp ý kiến của các tổ chức XHDS tham dự buổi họp. Ông đặc biệt lưu tâm đến tình trạng an toàn của những người tham gia và đề nghị mọi người thông báo cho đại diện của ĐSQ Hoa Kỳ về tình trạng an toàn trong những ngày tới với lời nhắn: "Nếu các bạn gặp bất kỳ rắc rối nào, thì họ (những người gây ra rắc rối ấy) cũng sẽ rơi vào rắc rối".




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo