Những điều cần phải nói, dù rất thừa - Dân Làm Báo

Những điều cần phải nói, dù rất thừa

Mẹ Nấm (Danlambao) - Bạn làm gì để tin vào điều mình cho là đúng? Bảo vệ nó đến cùng bằng lý lẽ, và nói cho nhiều người biết điều đúng đắn đó? Hoặc im lặng sống, chờ đợi điều mình tin là đúng sẽ trở thành hiện thực?...

Cách nào cũng được - tuỳ vào sự lựa chọn của mỗi người, nhưng có một nguyên tắc quan trọng là đừng bao giờ từ bỏ sự tử tế khi tin vào những điều mình làm là đúng.

Tôi có vài người bạn, vì hiếu kỳ, đến gặp tôi, cà phê đôi ba lần vì bạn tin vào những điều đúng và bạn bảo bạn đang cố gắng làm người tốt trong môi trường làm việc xấu.

Tôi im lặng và quan sát, sau vài lần bị áp lực từ công việc - nói chính xác hơn vì nồi cơm của mình, bạn lơ dần những điều đúng, bàng quan và lạnh nhạt - rồi quay qua khuyên tôi hãy mặc kệ những điều đúng đắn ấy - cái gì đến sẽ phải đến thôi.

Tôi cười - và cũng lại im lặng, chọn cách chia tay bạn - bởi tôi tin rằng - ít nhiều tôi đã chứng minh cho bạn thấy: chọn cách sống đúng với lương tâm mình giữa xã hội đảo điên này là một điều rất khó.

Tôi có vài bạn học cấp 3, gọi là vài vì những bạn mà tôi cho là tử tế - sống hết mình với các bạn ấy từ thời đi học cho đến thời sinh viên và ra trường, nay đều có công việc ngon lành: người thì luật sư, người là giáo viên, người là... công an!

Bắt đầu câu chuyện của tôi - bạn bè đầu tiên là im lặng, một số bạn tránh không nói đến, một số bạn phản ứng gay gắt.

Tôi im lặng - tôn trọng sự lựa chọn của các bạn, và tiếp tục đi con đường của mình. Đến thời điểm chứng minh tôi không hề sai với những gì tôi đã làm năm 2009, cậu bạn tôi là công an - nay được cơ cấu từ công an tỉnh Khánh Hoà về công an huyện Diên Khánh đã phản ứng theo kiểu mà tôi không bao giờ ngờ là bạn có thể chọn cách phản ứng ấy. Bạn nói tôi không ra gì khi tôi không có mặt. Bạn phản ứng với vợ chồng em gái mình (cũng là bạn học của tôi) vì ủng hộ tôi. Lúc này tôi hiểu, danh vọng và quyền lực nó có thể làm tha hoá một con người thế nào.

Với các bạn khác - như tôi đã nói - đời tôi, tôi chỉ chọn cách sống vui vẻ, và thẳng thớm. Một vài cuộc gặp tán phét chả giúp ích gì cho nhau khi chúng ta ở từng này tuổi - ai cũng có con cái - sống ở cái xã hội đảo điên như thế này, lương tâm chúng ta sẽ giữ lại những giá trị tốt đẹp nhất mà ta muốn thấy. 

Chỉ có vậy thôi!

Tôi sẽ không nể mặt tình thân với bạn học tôi mà để mẹ của bạn là tổ trưởng tổ dân phố vào nhà tôi một cách thoải mái nữa - cái gì cũng có giới hạn. Hãy học cách sống đàng hoàng, chứ đừng thậm thụt với nhau.

Các bạn biết không, cái tôi được nhiều hơn là mất sau chừng ấy năm trời.

Ba của bạn Nấm - sau một thời gian dài im lặng quan sát và từng khuyên tôi dừng mọi thứ lại vì "không có mợ thì chợ cũng đông" nay đã thừa nhận tôi giỏi. Vậy cũng đã là thành công với tôi khi thuyết phục được một người đã từng hiểu sai về mình rồi.

Hàng xóm xung quanh dù sợ, cũng biết những tay côn đồ lạ mặt lảng vảng ở ngõ nhà tôi là ai, và họ tìm cách bảo vệ tôi.

Đôi khi để chứng minh mình đúng - cách tốt nhất là không cần nói lại với các bạn, cứ chăm chỉ và miệt mài làm, rồi sẽ đi tới đích.

Hôm qua thầy tôi lần đầu tiên nghe đoạn ghi âm về việc công an đánh đập chúng tôi trên BBC có nhắn: 

- Nhiều người hỏi em sao không đánh lại?

Tôi trả lời với thầy:

Đơn giản nhất là tôi không thể đánh lại chúng!!! Một phụ nữ với ba thằng công an - lực lượng chênh lệch quá!

Và nếu tôi có đánh lại vài cái thì cũng sẽ không hết tức mà lại bị đánh trả đau hơn. 

Nói một cách nghiêm chỉnh thì tôi trả giá cái đau đớn của thân thể tôi để đi tìm lòng can đảm trong tôi, sự tiến bộ từ những việc làm văn minh, nhận thức đứng đắn. Chính vì thế tôi chọn sự ôn hoà và kiên định với nó. Bạo lực chỉ làm tăng thêm sự căm ghét chứ thể không khuất phục được ý chí.

Có lẽ mọi người không biết rằng, sau khi đánh đập chúng tôi, khiêng và giam lỏng trong trụ sở công an phường Lộc Thọ thì họ bảo tôi viết tường trình vì sao bị đưa vào đây. 

Câu trả lời họ nhận được từ tôi là sự im lặng.

Đến 21 giờ, giống như một sự ban ơn, họ bảo tôi thông cảm và đi về. 

Câu trả lời của tôi: Tôi không tự đi vào đồn công an này, đem tôi vào thế nào thì cứ đem tôi ra thế ấy. Tôi không tự đến nên sẽ không tự về. Thế là lại bắt đầu điệp khúc khiêng lên khiêng xuống.

Công an có thể chối việc đánh đập tôi, có thể bảo đoạn ghi âm là cắt ghép, có thể xua quân đi cải chính khắp nơi, không sao cả. Đó là cách duy nhất mà thế lực tà quyền có thể làm trước ánh sáng của sự thật.

Đại úy công an Lê Nhật Thanh
Tôi khẳng định lại ở đây, sau khi đại uý Lê Nhật Thanh chối rằng: Tôi không đánh chị, không bắt chị về đồn.

Đúng! Cô ta không đánh tôi, cũng không bắt tôi. Cô ta chỉ đi cùng ba tên mất dạy đã đánh đã tát đã đạp vào mặt tôi, và cùng nghe chỉ đạo đưa tôi về phường Lộc Thọ.

Tôi đưa hình và Facebook của cô này lên, như một lời khẳng định đây chính là đồng loã của sự việc. Công an đi chung với côn đồ, nhận chỉ đạo từ điện thoại của côn đồ trao lại, vậy chúng là loại gì?

Các hình ảnh khác, sẽ được công bố trong từng câu chuyện có liên quan. Và tôi muốn nói với những người là công an khác:

Đừng nghĩ chỉ cần cải chính không tham gia vào việc đánh tôi thì là vô can. Tôi không hy vọng lương tâm các anh chị biết phân biệt đúng sai, ai cũng có phần việc của mình. Nếu không làm được việc tử tế, thì cũng đừng tham gia vào những việc biến mình thành người không ra gì để rồi chỉ nhận được sự khinh bỉ của xã hội - hay nói ngắn gọn như tôi hôm đó: "Chúng mày không xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ tao".

Với những người bạn quan tâm với tôi trong sự ái ngại, rụt rè, tôi muốn nói thế này: Các bạn đừng nghĩ đến chuyện ủng hộ tôi mà hãy nghĩ đến chuyện ủng hộ cho sự tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, một cuộc đời trong đó con người sống nhân bản cho chính các bạn và con cháu các bạn. Các bạn nên dành ít thời gian tìm hiểu điều gì đang xảy ra để biết rõ đời sống của người dân Việt Nam chúng ta đang nằm ở mức nào trong thước đo của văn minh nhân loại và nhân phẩm con người.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo