Ba Sao chi mộ (Phần 1) - Dân Làm Báo

Ba Sao chi mộ (Phần 1)

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Xin kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm hương trước tấm bia không mộ của 626 người tù chính trị đã chết trong nhà tù Ba Sao, Nam Hà giai đoạn 1975-1988. Và rất nhiều những người tù chính trị khác đã chết oan khiên trong ngục tù cộng sản

Lời đầu

Lẽ ra, câu chuyện này phải được chúng ta kể cho nhau nghe một cách trọn vẹn. Tiếc rằng, vì một số lý do ngoài ý muốn, “người trong cuộc” (1) đã ngừng sự giúp đỡ tôi nên việc thu thập, tìm hiểu thông tin đã bị gián đoạn.

Hơn nữa, xuất phát từ nhu cầu an toàn cá nhân của nhân chứng, nỗi lo về sự can thiệp hầu phá vỡ sự bình yên, tôn nghiêm của ngôi Chùa - nơi đặt tấm bia thờ 626 người tù chính trị nên người viết đã phải rất cân nhắc khi chuyển tải thông tin đến bạn đọc. Nhưng tôi tin, câu chuyện dù không được kể trọn vẹn như mong muốn cũng sẽ khiến chúng ta thấy xót xa cho Thân phận quê hương. Một Thân phận quê hương được phản chiếu từ Thân phận của những người con Việt bị bức tử bằng cách này hay cách khác trong một giai đoạn khốc liệt, đau thương nhất của lịch sử.

Phần 1: Chuyến tàu vét

Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, một trong những hành động đầu tiên mà chế độ cộng sản thực hiện là trả thù những người từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Hầu hết những cựu quân nhân cán chính, những viên chức từng làm việc trong chính quyền VNCH, hoặc bị nghi ngờ thuộc thành phần này đều bị đưa đi “cải tạo”, nhưng thực chất là chịu lưu đày tại các nhà tù trên khắp cả nước. Một trong những nơi khét tiếng tàn bạo ở miền Bắc, từng giam cầm hàng ngàn cựu quân nhân cán chính VNCH là nhà tù Ba Sao, Nam Hà.

Con tàu cuối cùng chở tù chính trị từ Nam ra Bắc có cái tên rất thơ mộng: Sông Hương. Rời Sài Gòn ngày 18/4/1977, sau 2 ngày 3 đêm (2), tàu cập bến Hải Phòng, tiếp tục hành trình lưu đày tù ngục của 1200 con người thuộc “bên thua cuộc”.

Chúng tôi, cứ hai người bị chung một chiếc còng. Vừa lên đất liền, hai bên đường đã có người dân Miền Bắc đợi sẵn. Họ ném gạch đá vào chúng tôi. Vừa ném, vừa chửi rủa, mạ lỵ rất thậm tệ. Nhiều người trong số chúng tôi bị ném trúng, vỡ đầu, chảy máu và thương tích”.

Đấy là lời kể của ông Nam, một trong những người tù bị đẩy ra Bắc trong chuyến tàu Sông Hương. Khi cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam, ông Nam đang là thiếu úy quân đội VNCH. Chi tiết này cũng được Linh mục Nguyễn Hữu Lễ thuật lại trong cuốn hồi ký “Tôi phải sống”.

Từ Hải Phòng, số tù nhân này bị tách ra để chia rải rác cho các trại giam khác. Bài viết này xin chỉ đề cập tới những người tù ở Ba Sao, Nam Hà.

Không riêng gì những người tù Ba Sao, hầu như tất cả những người từng phục vụ trong chính quyền VNCH đều bị bắt sau biến cố 30/4/1975. Một số bị đưa ra Bắc ngay thời kỳ đầu. Nhiều người khác bị giam cầm ở miền Nam sau vài năm mới bị chuyển ra Bắc, rồi lại trở ngược vào Nam để tiếp tục cuộc đời lao tù cho đến ngày chết, hoặc trở về khi sức cùng lực cạn.

Nhà tù Ba Sao lại “rộng cửa” đón thêm vài trăm người từ chuyến tàu vét Sông Hương, nơi đang đọa đày hơn 600 tù VNCH đã bị chuyển đến từ những chuyến tàu trước đó.

Tôi có dịp hỏi chuyện linh mục Nguyễn Hữu Lễ (ngài hiện đang sống tại New Zealand) và một nhân chứng khác (sống tại Sài Gòn), thì nhà tù Ba Sao thời bấy giờ chia làm 4 khu giam giữ.

Khu A: Giam cầm các thành phần thuộc viên chức chính phủ, dân biểu, nghị sĩ, sĩ quan cao cấp như thượng nghị sĩ Huỳnh Văn Cao, bộ trưởng Đàm Sỹ Hiến, Bộ trưởng Trần Ngọc Oành, tướng Lê Minh Đảo, ông Văn Thành Cao, tướng Nhu, tướng Trần Văn Chơn, ông Nguyễn Văn Lộc…, hay lãnh tụ Quốc dân đảng là ông Vũ Hồng Khanh.

Khu B: Giam những quân nhân cán chính, những người bị buộc tội “phản động” như linh mục Nguyễn Hữu Lễ, linh mục Nguyễn Bình Tỉnh...

Khu C: Giam tù hình sự miền Bắc.

Khu Mễ: Giam cầm những người bệnh tật, đau yếu. Trong khu Mễ lại có một khu “Kiên giam”. Khu “Kiên giam” dành cho các tù nhân bị kỷ luật với điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt. Đã có rất nhiều tù nhân chết trong khi bị “kiên giam”.

“Chúng tôi bị chuyển từ nhà tù miền Nam tới nhà tù Ba Sao miền Bắc trong chuyến tàu Sông Hương vào tháng 4/1977. Lúc ấy nhóm của tôi có 350 người ra đi từ trại Giaray tỉnh Xuân Lộc. Ở Ba Sao được 9 tháng, tôi bị chuyển lên trại Quyết Tiến còn gọi là “Cổng Trời” thuộc tỉnh Hà Giang, nằm sát ranh giới Trung Quốc. Một năm sau đó tôi về trại Thanh Cẩm, tỉnh Thanh Hóa. Mười năm sau, tức tháng 1/1987, tất cả tù chính trị miền Nam còn sót lại rải rác trong các trại miền Bắc được dồn hết về trại Ba Sao, Nam Hà, trong đó có tôi. Nhưng đội của tôi trước khi tôi rời Ba Sao ra đi nay đã chết quá phân nửa. 

Tết năm đó có một đợt tha tù, được tổ chức rất ồn ào. Đến tháng 5/1987, tất cả số tù nhân từ miền Nam còn sót lại, được chuyển hết về Nam để ở tù tiếp. Chỉ còn “sót lại” 3 người ở miền Bắc, đó là linh mục Nguyễn Bình Tỉnh, anh Nguyễn Đức Khuân và tôi. Hầu hết họ đã chết. Chết vì tuyệt vọng, đói rét, suy kiệt, tiêu chảy, kiết lỵ và nhiều bệnh khác”.

Tác giả Bút ký “Tôi Phải Sống” bùi ngùi kể lại.

Tôi rùng mình tự hỏi, có bao nhiêu tù nhân chính trị đã chết trong suốt thời kỳ từ 1975 trở về sau?

Bao nhiêu ở nhà tù Ba Sao? Bao nhiêu ở Cổng Trời, Thanh Hóa, Phú Yên, Xuân Lộc, Xuyên Mộc, Hàm Tân, Bố Lá...?

Bao nhiêu người đã bị bách hại bởi chính người đồng bào ruột thịt mang tên “cộng sản”, và chết lặng câm ở khắp các nhà tù từ Bắc-Trung-Nam trên dải đất đau thương này?

Không ai biết chính xác, nhưng số người phải bỏ xác ở khắp các nhà tù hẳn không phải là con số ít.

Một ngày nào đó, chế độ cộng sản sẽ phải trả lời những câu hỏi này trước quốc dân đồng bào. Cũng như trả lại sự thật lịch sử cho Dân tộc này.

(Còn tiếp)

danlambaovn.blogspot.com

________________________________

Chú thích:

(1) Người trong cuộc: Những người đã giúp đỡ tôi có được thông tin để viết bài viết này. Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

(2) Hai ngày ba đêm: Dựa vào lời kể của nhân chứng và qua hồi ký “Tôi phải sống” của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo