Cá chết ven biển miền Trung và vai trò của các cơ quan chức năng - Dân Làm Báo

Cá chết ven biển miền Trung và vai trò của các cơ quan chức năng

Nhiều loài cá được người dân nuôi ở hồ nuôi ven biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) chết trắng, dạt bờ. Ảnh, chú thích: Đắc Đức (Congly)

Mẹ Nấm (Danlambao) - Từ ngày 6/4/2016 tình trạng cá chết hàng loạt dọc bờ biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị được công bố trên nhiều tờ báo. Các cơ quan chức năng mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm nguyên nhân.

Hơn 2 tuần sau khi sự cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và kinh tế của người dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản dọc bờ biển miền Trung, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, ông Trần Hồng Hà có chỉ đạo: “Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung" trong buổi họp với các đơn vị chức năng của Bộ TNMT." (1)

Trước đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho hay đã có văn bản kết luận nguyên nhân cá chết ở vùng biển ven bờ. Qua phân tích mẫu nước, mẫu cá chết, kết quả cho thấy “cá chết hàng loạt không phải do tác nhân vi khuẩn, virus mà do yếu tố gây độc trong môi trường nước".

Bốn ngày trước khi cá chết lan đến vùng biển Quảng Bình, tại khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) xuất hiện cá chết hàng loạt. Kết luận của Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) cho hay cá chết ở Hà Tĩnh do “môi trường nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc trong môi trường”. (2)

“Từ kết quả nghiên cứu, phân tích chuyên môn, cơ quan chức năng nhận định, yếu tố gây độc trong nước tại biển Vũng Áng được bắt từ nguồn nước thải chưa được xử lý nhưng đổ trực tiếp ra sông, biển, hòa lẫn vào nước biển gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá bị ngộ độc, chết hàng loạt.

Kết luận trên cho thấy, có thể dưới tác động của dòng hải lưu Bắc cực - Xích đạo nên nguồn nước ô nhiễm ở Hà Tĩnh bị đẩy vào dọc bờ biển phía nam gây nên hiện tượng cá chết ven biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế theo thời gian. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa tìm ra yếu tố cụ thể nào của môi trường nước làm cho cá chết bất thường.” (3)

Trong khi đợi các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân và có kết luận vì sao cá chết hàng loạt dọc biển miền Trung thì trước đó có thông tin người dân địa phương phát hiện ra đường ống xả thải cắm sâu xuống lòng biển từ khu vực dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, TX.Kỳ Anh) từ ngày 4/4/2016. Phát hiện trên đã được trình báo cho Đồn biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh).

Để làm rõ nghi vấn về việc xả chất thải thẳng ra biển, báo Tiền Phong có bài phỏng vấn ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh và có câu trả lời: 

“Ống xả thải này là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ các điểm về. Đường ống này có đường kính 1m, kéo dài 1,5km ra thẳng ngoài biển và nằm ở tầng đáy. Ống xả này được được sự cho phép của Bộ TN&MT Việt Nam” (4)

Trả lời báo chí ngày 21/4/2016, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT, ông Phạm Khánh Ly cho biết: “Đoàn công tác không vào kiểm tra tại KCN Vũng Ánh vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn công tác không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra tại khu vực này". "Chúng tôi vào làm việc với Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Hà Tĩnh với tư cách là cơ quan quản lý theo ngạch dọc. KCN Vũng Áng bao gồm nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và KCN Formosa có yếu tố nước ngoài nên cần thành lập đoàn công tác liên ngành, có chỉ đạo của Thủ tướng thì mới tiến hành kiểm tra được".

Đọc hết một loạt thông tin chồng chéo, liên quan đến đời sống thường ngày của người dân để thấy sự lúng túng và hạn chế trong khâu quản lý của nhiều ban ngành có liên quan.

Và những lúc có sự cố xảy ra, người dân biết tìm câu trả lời và giải pháp cho mình ở nơi nào? Từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến Bộ Tài nguyên Môi trường và các sở, ban, ngành có liên quan vẫn đang loay hoay và chưa có nguyên nhân rõ ràng.

Thủ tướng thì bận chỉ đạo dừng vụ án chậm đăng ký kinh doanh ở huyện Bình Chánh (Sài Gòn).

Cá biển chết bất thường trên diện rộng hẳn là do nhiều nguyên nhân khác nhau: do nước biển nóng lên, do ảnh hưởng động đất, do hải lưu di chuyển bất thường và cũng không thể loại trừ nguyên nhân nhiễm độc do đường xả chất thải từ các khu công nghiệp.

Tuy nhiên từ phát hiện ống xả thải ra biển của người dân Hà Tĩnh và trả lời về việc không thể kiểm tra các KCN có yếu tố nước ngoài của cơ quan chức năng, người dân có thể nhận thấy việc kiểm soát và quản lý cơ chế bảo vệ môi trường có rất nhiều vấn đề cần phải bàn.

Khi không có các cơ quan giám sát và theo dõi độc lập tác động môi trường của các khu công nghiệp thì việc đầu độc trên diện rộng là chuyện rất dễ dàng xảy ra. Ví dụ cụ thể hẳn đã thấy từ nhà máy đóng tàu Hyundai-Vinashin (Khánh Hòa), nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận)…

Yếu tố bảo vệ môi trường và tác động từ các khu công nghiệp đến đời sống dân thường xung quanh thường bị xem nhẹ trong đa phần các gói dự án đấu thầu. 

Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải nghiêm túc làm việc và có câu trả lời cùng các giải pháp khắc phục thích hợp sớm cho người dân.

Đây là công việc mà những người đứng đầu chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải chung sức cải thiện thực tế thay vì ra sức xây dựng hình ảnh, PR thương hiệu cá nhân một cách sáo rỗng để mị dân.



_____________________________________

Chú thích:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo