Ls Nguyễn Văn Thân - Từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình đã tạo ra nhiều thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Giáo huấn "ẩn mình, chờ thời" của Đặng Tiểu Bình được áp dụng trong vài thập niên qua đã biến mất trong ngôn từ ngoại giao. Thay vào đó là một chiến lược chủ động, quyết đoán và từ trên xuống dưới. Và chính cá nhân Tập Cận Bình nắm quyền lèo lái cuộc "xoay trục" này trong quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và các nước láng giềng. Từ khi nhậm chức, Tập đã thực hiện hơn 40 chuyến công du ngoại giao khắp nơi trên toàn thế giới.
Cũng trong khoản thời gian ngắn ngủi này, Trung Quốc đã tiến hành những dự án quốc tế có tầm cỡ như "Một vành đai, một con đường" và thành lập Ngân Hàng Đầu tư Cơ Sở Hạ tầng Châu Á để đối trọng với Ngân hàng Phát Triển Châu Á do Nhật lãnh đạo và Ngân hàng Thế Giới dưới tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đẩy mạnh tiếng nói trong một vài tổ chức không có sự chi phối của Hoa Kỳ như BRICS (các quốc gia có nền kinh tế mới phát triển gồm có Brazil, Nga, Ấn độ, Trung Quốc và Nam Phi), Tổ chức Hợp Tác Thượng hải gồm có Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan và Hội Nghị về các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) để đối trọng với Hoa Kỳ về mặt an ninh và chiến lược.
Sự thay đổi này của Tập Cận Bình chính là để thực hiện "Giấc Mơ Trung Hoa" (the China Dream) đem lại sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa sau cái gọi là ‘Thế kỷ Ô nhục’ khi sự yếu kém của Trung Quốc dưới thời nhà Thanh bị các cường quốc phương Tây xâm lấn và Nhật Bản xâm lược. Giấc mơ Trung Hoa thúc đẩy Trung Quốc tới năm 2049 (kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa) trở thành một cường quốc vững mạnh thống lĩnh các nước láng giềng và được đối xử như là một đối tác ngang hàng bởi các cường quốc khác. Chính sách ngoại giao mới của Tập Cận Bình dựa trên 4 trụ cột: quan hệ với các siêu cường, quan hệ với các nước láng giềng gồm có các quốc gia thành viên trong Khối ASEAN, quan hệ với các nước đang phát triển (đa số là ở châu Phi) và quan hệ với các thể chế quốc tế.
Ngay cả trước khi chính thức nhậm chức, Tập Cận Bình trong một chuyến công du Mỹ vào tháng 2 năm 2012 đã bắt đầu nói về một mốt quan hệ ngoại giao mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được gọi là “quan hệ ngoại giao giữa các siêu cường”. Mục đích là để tránh cái bẫy Thucydides tương tự như khi các quốc gia trỗi dậy dẫn đến chiến tranh như trường hợp của Đức và Nhật Bản. Theo Tập Cận Bình thì những điểm chính của mốt quan hệ ngoại giao mới này gồm có (1) tránh né xung đột hoặc đối đầu bằng phương cách đối thoại và đánh giá ý tưởng chiến lược đôi bên một cách khách quan; (2) tương kính và tôn trọng quyền lợi cốt lõi của nhau; và (3) hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi bằng cách từ bỏ tư duy "kẻ được người thua” (zero-sum game mentality). Có một vài học giả cho rằng mốt quan hệ này đã được áp dụng trong quan hệ Trung - Nga và khái niệm này cũng có thể được áp dụng trong các mối quan hệ Trung - Ấn, Trung - Liên Âu và Trung - Nhật. Tuy nhiên, nếu nhìn vế góc cạnh tránh né xung đột giữa một siêu cường và một cường quốc đang trỗi lên thì mối quan hệ này chỉ dành riêng cho Trung Quốc và Mỹ.
Thật ra, khi Tổng Thống Obama viếng thăm Trung Quốc vào tháng 11 năm 2009, Obama có đề cập tới khái niệm quan hệ lưỡng cường (G-2) giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng Trung Quốc không chấp nhận vì sợ Mỹ gài bẫy phải nhận một phần trách nhiệm và kinh phí trong việc duy trì an ninh và trật tự toàn cầu mà nhờ đó, Trung Quốc đã có cơ hội phát triển mau chóng và thành công trong thời gian qua. Thay vào đó, Trung Quốc chỉ muốn tập trung nguồn lực vào việc phát triển kinh tế nội địa. Bây giờ thì tình thế lại đảo ngược. Một số bình luận gia chiến lược cho rằng quan hệ ngoại giao nước lớn của Tập Cận Bình là một cái bẫy với hàm ý là chia đôi vùng ảnh hưởng trong khu vực Á châu - Thái Bình Dương. Một nửa thuộc về Mỹ và nửa kia là của Trung Quốc.
Trong Hội Nghị về các biện pháp xây dựng lòng tin ờ châu Á (CICA) tổ chức tại Thượng Hải vào tháng 6 năm 2014, Tập Cận Bình phát biểu là vấn đề an ninh của châu Á nên để cho người Á châu định đoạt. Có nghĩa là Tập muốn loại vai trò của Mỹ ra khỏi khu vực. Trên căn bản thì cả hai bên Trung Mỹ đều không tin tưởng nhau về mặt chiến lược và các hành động leo thang quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông xác nhận mối quan ngại của nhiều viên chức Hoa Kỳ là Trung Quốc đang tìm cách giới hạn vai trò của Mỹ tại châu Á. Tuy nhiên, hai bên cũng đạt được một số thành quả ví dụ như thành lập nhiều diễn đàn đối thoại, trao đổi và hợp tác về mặt quân sự và cả hai đã đạt thỏa thuận về biến đổi khí hậu dẫn đến Hiệp Ước Biến Đổi Khí Hậu Paris vào tháng 12 năm 2015. Tóm lại, Hoa kỳ là đối tác quan trọng nhất trong chiến lược quan hệ ngoại giao nước lớn của Trung Quốc. Một mặt thì Trung Quốc gia tăng chỉ trích vai trò của Hoa Kỳ với những động thái siết chặt liên minh quân sự trong vùng nhưng mặt khác Trung Quốc theo đuổi một cuộc mặc cả lớn hầu chia đôi vai trò thống lĩnh với Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoại giao láng giềng
Trụ cột thứ hai là ngoại giao láng giềng. Trong một phiên họp Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào tháng 10 năm 2013, Tập Cận Bình khai triển khái niệm “khu vực láng giềng rộng lớn". Từ đó dẫn đến kế hoạch xây dựng và kết nối hệ thống hạ tầng cơ sở cho toàn khu vực nối liền Trung Quốc ngang trung Á và châu Âu qua Con Đường Tơ Lụa và xuống Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương bằng Con Đường Tơ Lụa Hàng Hải. Trung Quốc đã thành lập Quỹ Con Đường Tơ Lụa trị giá 40 tỷ Mỹ kim cùng lúc với Ngân Hàng Đầu Tư Cơ sở Hạ tầng châu Á vào tháng 10 năm 2014. Đây có thể nói là một chiến thắng ngoại giao ngoạn mục của Trung Quốc vì Mỹ đã cố sức vận động các quốc gia đồng minh gồm có Anh, Đức, Úc và Nam Hàn không gia nhập nhưng thất bại. Thắng lợi ngoại giao này gỡ gạc một phần nào đó uy tín của Trung Quốc sau cách hành xử hung hăng như thiết lập vùng nhận dạng phòng không trong vùng Biển Hoa Đông, chiếm chọn bãi cạn Hoàng Nham mà Phi Luật Tân đòi hỏi chủ quyền và đặt giàn khoản Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện "Đường Lưỡi bò" của Phi Luật Tân và không chấp nhận mọi giải pháp đa phương trong việc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tóm lại, chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc dựa trên nguyên tắc "thưởng phạt" bằng miếng mồi kinh tế và "chia để trị". Điều này làm nhiều quốc gia trong khu vực tìm đến sự hỗ trợ và xây dựng quan hệ quân sự gần gũi hơn với Mỹ như là một hình thức bảo hiểm (hedging).
Tuy thường xuyên trấn an các nước trong vùng về tính "trỗi dậy hòa bình" nhưng giới lãnh đạo ngày càng nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc là sẽ không thỏa hiệp lợi ích cốt lõi gồm có "chủ quyền lịch sử không thể chối cãi của Trung Quốc" tại Biển Đông. Quan điểm này dẫn đến sự diễn giải là Trung Quốc sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông với các quốc gia láng giềng. Cũng không thấy Trung Quốc ghi nhận lợi ích cốt lõi của các nước láng giềng ví dụ như chủ quyền Senkaku của Nhật và Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Những hành động hung hăng như xây dựng đảo nhân tạo và đường băng cũng như chuyển vũ khí ra Biển Đông cho thấy lời nói của Trung Quốc không đi đôi với việc làm. Giấc mơ Trung Hoa về mặt căn bản là đòi lại vị trí thống lĩnh truyền thống trong lịch sử qua nhiều triều đại của Trung Quốc bị gián đoạn bởi chủ nghĩa thực dân của phương Tây. Nhưng có một sự thật không thể chối cãi là sự phát triển của Trung Quốc trong 3 thập niên qua là nhờ vào một hệ thống trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp và tập quán quốc tế do Tây phương đặt ra nhưng bây giờ thì Trung Quốc có vẻ lại muốn thách thức trật tự này.
Thật ra, những mâu thuẫn trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc có lẽ xuất phát từ động cơ duy nhất là duy trì độc quyền thống trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Lý tưởng cộng sản đã không còn hữu dụng. Tính chính danh của Đảng Cộng Sản Trung Quốc phải dựa vào sự phát triển kinh tế và khích động chủ nghĩa dân tộc. Chắc chắn là Trung Quốc có tiềm năng trở thành một siêu cường quốc nhưng cũng đối diện với nhiều hạn chế. Tuy nền kinh tế vươn lên đứng thứ hai trên thế giới nhưng không dựa trên cấu trúc vững vàng với hệ thống doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả và mang đầy nợ xấu làm hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Mặc dù chiến dịch đả hổ diệt ruồi răn đe được một số viên chức nhưng hiện tượng tham nhũng trong các thể chế độc quyền độc đảng là bất khả trị. Đặc biệt là tham nhũng trong giới quân đội đặt ra nhiều nghi vấn về khá năng chiến đấu của tướng lãnh và binh sĩ. Một mặt Trung Quốc muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng mặt khác Tập Cận Bình lại gia tăng đàn áp và bắt bớ giới trí thức gồm có nhà văn, nhà báo, luật sư và các tổ chức xã hội dân sự cần thiết cho sự sáng tạo và phát triển kinh tế và xã hội. Chính sách ngoại giao dựa trên hình thức đe dọa và đồng tiền mua chuộc có nghĩa là Trung Quốc không tìm được một đồng minh nào thật sự trong khu vực. Khi có xung đột giữa kinh tế và an ninh quốc gia, đối tác sẽ sẵn sàng trở mặt vì chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Khi cơn bão Hải Yến vào tháng 11 năm 2013 sát hại hơn 6000 người và hủy diệt nhà cửa của gần 1 triệu dân Phi Luật Tân, Nhật Bản đóng góp cứu trợ 10 triệu, Mỹ 20 triệu và Úc 28 triệu. Trung Quốc đóng góp $100,000 (ít hơn con số đóng góp của Cộng đồng người Việt tại Úc). Sau khi cả thế giới lên tiếng chỉ trích thì Trung Quốc mới tăng con số cứu trợ lên 1.6 triệu (vẫn ít hơn con số cứu trợ của công ty Ikea). Giới lãnh đạo Trung Quốc không hiểu rằng thế giới đánh giá một siêu cường quốc đáng kính nể không chỉ qua các yếu tố như dân số, GDP, ngân sách quốc phòng, mà còn nhìn vào tư cách, văn hóa và những đóng góp chung cho nhân loại của quốc gia đó. Có lẽ giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình sẽ biến Trung Quốc thành một nền kinh tế lớn mà các nước khác muốn nhào vô ăn có nhưng bên trong thì họ luôn luôn ngờ vực và chán ghét.